PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hiện nay, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thành lập ngày càng nhiều và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế. Nhu cầu về thông tin để ra các quyết định kinh tế là đòi hỏi không thể thiếu. Thực tế cho thấy báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và các công ty con không thể cung cấp đầy đủ những thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính. Do vậy kế toán cần tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, dòng tiền của tập đoàn, tổng công ty như một doanh nghiệp độc lập, không tính đến ranh giới pháp lý của các các pháp nhân riêng biệt trong báo cáo tài chính hợp nhất.
Việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất đã được Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên có nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn liên quan đến báo cáo tài chính hợp nhất, dẫn đến không có một hướng dẫn chi tiết nào có thể bao quát hết mọi trường hợp. Và thực tế công tác kế toán hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là một minh chứng cho nhận định này.
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập và được chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con từ giữa năm 2005 theo con theo Quyết định số 3665/QĐ-UBND ngày 25/07/2005 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Là một tổng công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo mô hình có công ty con, hàng năm Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Cho đến nay, đơn vị đã lập được 05 báo cáo tài chính hợp nhất cho niên độ kế toán kết thúc ngày 31/12/2007, 31/12/2008, 31/12/2009, 31/12/2010 và 31/12/2011. Trong khoảng thời gian đó, đơn vị này đã tích lũy được những kinh nghiệm gì, cũng như gặp phải những khó khăn gì trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất. Đó là lý do tác giả chọn đề tài “Báo cáo tài chính
hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - thực trạng và giải pháp hoàn thiện” làm luận văn thạc sĩ.
2. Mục đích nghiên cứu
Tác giả tìm hiểu hệ thống lý luận về báo cáo tài chính hợp nhất và thực tế áp dụng tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Trên cơ sở đó, nhận diện các khó khăn tại đơn vị và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Luận văn tập trung nghiên cứu các vấn đề sau:
Thứ nhất, các quy định kế toán của Việt Nam và của Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) về lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất sau ngày mua.
Thứ hai, thực tiễn về trình tự và phương pháp lập báo cáo tài chính hợp nhất năm của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn. Các số liệu phân tích được sử dụng là số liệu năm 2010.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp so sánh, đối chiếu: được sử dụng để so sánh, đối chiếu giữa hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất hiện tại của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn với nội dung được quy định trong chuẩn mực kế toán Việt Nam và thông tư 161/2007/TT-BTC để nhận thức vấn đề nghiên cứu.
Phương pháp phỏng vấn: được sử dụng để phỏng vấn trực tiếp các nhân viên kế toán tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nhằm nhận thức được vấn đề phức tạp, khó khăn trong công tác lập báo cáo tài chính hợp nhất tại đơn vị.
Phương pháp phân tích: được sử dụng để phân tích và đánh giá thực trạng công tác lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nhằm xác định được những mặt tích cực, những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế đó.
Phương pháp tổng hợp: được sử dụng để tổng hợp các kết quả thu thập được từ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích thực trạng công tác lập và trình bày báo cáo
tài chính hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, từ đó đưa ra các đề xuất phù hợp nhằm hoàn thiện hơn về công tác lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất tại đơn vị.
5. Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu
Cho đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào về trình tự lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Do vậy tác giả hy vọng luận văn sẽ trở thành nguồn tài liệu tham khảo cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nói riêng và các tập đoàn kinh tế nói chung về nội dung này. Bên cạnh đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn trong các năm tiếp theo.
6. Những đóng góp của luận văn
Báo cáo tài chính hợp nhất là một lĩnh vực đang tiếp tục hoàn thiện. Số lượng đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này khá nhiều, trong đó không ít đề tài nghiêng về khía cạnh thực trạng lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay. Nhiều tác giả đã đưa ra những giải pháp hoàn thiện việc kiểm soát thông tin về các giao dịch trong nội bộ tập đoàn, cũng như đề cập đến những giao dịch thực tế phát sinh mà chuẩn mực hay thông tư chưa đề cập đến hoặc đã đề cập nhưng chưa rõ ràng. Đặc biệt, nhiều luận văn đã đề xuất các bút toán hợp nhất trong trường hợp các đơn vị trong nội bộ tập đoàn cầm giữ cổ phiếu lẫn nhau.
Vì vậy, trong nội dung luận văn này, tác giả muốn tập trung giải quyết một số hạn chế hiện đang tồn tại tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, như: công tác thu thập thông tin hợp nhất; xác định lợi thế thương mại; xác định quyền kiểm soát, tỷ lệ lợi ích của Tổng Công ty đối với các công ty con và trình tự lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất. Qua đó tác giả đưa ra sự so sánh giữa kết quả của các giải pháp với cách làm thực tế tại đơn vị nhằm khẳng định được tính hữu ích và sự cần thiết của các giải pháp đã đưa ra.
7. Kết cấu của luận văn
Luận văn được kết cấu như sau:
- Phần mở đầu
- Phần nội dung
Chương 1: Cơ sở lý luận về lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất
Chương 2: Thực trạng lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn
Chương 3: Giải pháp hoàn thiện việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn
- Phần kết luận
- Các phụ lục
Phụ lục 01: Các bảng biểu thu thập thông tin hợp nhất tại Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.
Phụ lục 02: Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn năm 2010.
Phụ lục 03: Các bảng biểu cần bổ sung vào hệ thống bảng biểu thu thập thông tin hợp nhất.
Phụ lục 04: Minh họa bằng số liệu cho các giải pháp đề xuất ở chương 3.
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LẬP VÀ TRÌNH BÀY BÁO CÁO TÀI CHÍNH HỢP NHẤT
1.1. Một số vấn đề chung về báo cáo tài chính hợp nhất và mối quan hệ công ty mẹ - công ty con
1.1.1. Một số vấn đề chung về báo cáo tài chính hợp nhất
1.1.1.1. Khái niệm
Báo cáo tài chính là một phân hệ thuộc hệ thống báo cáo kế toán. Báo cáo tài chính được lập theo quy định nhằm cung cấp thông tin về tài sản, nguồn vốn, về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh, các luồng tiền và một số thông tin khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định. Hay nói cách khác, báo cáo tài chính là phương tiện trình bày thực trạng tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cho các đối tượng quan tâm (chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ nợ, các cơ quan chức năng như thuế, thống kê, tài chính...).
Báo cáo tài chính hợp nhất được bao hàm bởi thuật ngữ “Báo cáo tài chính”. Báo cáo tài chính hợp nhất là báo cáo tài chính của một tập đoàn, được trình bày như báo cáo tài chính của một doanh nghiệp. Báo cáo này được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo của công ty mẹ và các công ty con.
1.1.1.2. Mục đích của báo cáo tài chính hợp nhất
Thứ nhất là tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ trong năm tài chính của tập đoàn, tổng công ty như một doanh nghiệp độc lập không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt là công ty mẹ hay các công ty con trong tập đoàn.
Thứ hai là cung cấp thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu cho việc đánh giá thực trạng tình hình tài chính và kết quả kinh doanh và các dòng lưu chuyển tiền tệ của tập đoàn, tổng công ty trong năm tài chính đã qua và dự đoán trong tương lai. Thông tin
của BCTC hợp nhất là căn cứ quan trọng cho việc đề ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, hoặc đầu tư vào tập đoàn hoặc tổng công ty của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư, các chủ nợ hiện tại và tương lai...
1.1.1.3. Hệ thống báo cáo tài chính hợp nhất
Hệ thống BCTC hợp nhất gồm BCTC hợp nhất năm và BCTC hợp nhất giữa niên độ.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm gồm:
– BCĐKT hợp nhất;
– BCKQHĐKD hợp nhất;
– BCLCTT hợp nhất;
– Bản thuyết minh BCTC hợp nhất.
Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ
BCTC hợp nhất giữa niên độ gồm BCTC hợp nhất giữa niên độ dạng đầy đủ và BCTC hợp nhất giữa niên độ dạng tóm lược.
a) BCTC hợp nhất giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:
– BCĐKT hợp nhất giữa niên độ (dạng đầy đủ);
– BCKQHĐKD hợp nhất giữa niên độ (dạng đầy đủ);
– BCLCTT hợp nhất giữa niên độ (dạng đầy đủ);
– Bản thuyết minh BCTC hợp nhất chọn lọc.
b) BCTC hợp nhất giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
– BCĐKT hợp nhất giữa niên độ (dạng tóm lược);
– BCKQHĐKD hợp nhất giữa niên độ (dạng tóm lược);
– BCLCTT hợp nhất giữa niên độ (dạng tóm lược);
– Bản thuyết minh BCTC hợp nhất chọn lọc.
BCTC hợp nhất được lập tuân theo các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chủ yếu là các chuẩn mực sau đây:
– Chuẩn mực kế toán số 07 - “Kế toán khoản đầu tư vào công ty liên kết”;
– Chuẩn mực kế toán số 08 - “Thông tin tài chính về những khoản góp vốn liên doanh”;
– Chuẩn mực kế toán số 10 - “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”;
– Chuẩn mực kế toán số 11 - “Hợp nhất kinh doanh”;
– Chuẩn mực kế toán số 21 - “Trình bày báo cáo tài chính”;
– Chuẩn mực kế toán số 24 - “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”;
– Chuẩn mực kế toán số 25 - “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”.
1.1.1.4. Trách nhiệm lập báo cáo tài chính hợp nhất
Kết thúc kỳ kế toán, bên cạnh BCTC riêng, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động theo mô hình có công ty con và công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con (sau đây gọi chung là công ty mẹ) có trách nhiệm lập BCTC hợp nhất; trừ khi công ty mẹ đồng thời là công ty con bị một công ty khác sở hữu toàn bộ hoặc gần như toàn bộ và được các CĐTS trong công ty chấp thuận thì công ty mẹ này không phải lập và trình bày BCTC hợp nhất.
1.1.2. Mối quan hệ công ty mẹ - công ty con
Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này.
1.1.2.1. Xác định quyền kiểm soát của công ty mẹ đối với công ty con
- Quyền kiểm soát của công ty mẹ đối với công ty con được xác định khi công ty mẹ nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở công ty con.
+ Trường hợp công ty mẹ đầu tư trực tiếp vào công ty con:
= | Tỷ lệ vốn góp của công ty mẹ tại công ty con đầu tư trực tiếp |
Có thể bạn quan tâm!
- Báo cáo tài chính hợp nhất tại Tổng công ty du lịch Sài Gòn - thực trạng và giải pháp hoàn thiện - 1
- Xác Định Tỷ Lệ Lợi Ích Của Công Ty Mẹ Đối Với Công Ty Con
- Chuẩn Mực Kế Toán Quốc Tế Về Lập Và Trình Bày Báo Cáo Tài Chính Hợp Nhất
- Thực Trạng Lập Và Trình Bày Báo Cáo Tài Chính Hợp Nhất Tại Tổng Công Ty Du Lịch Sài Gòn
Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.
+ Trường hợp công ty mẹ đầu tư gián tiếp vào công ty con:
Công ty mẹ có thể có quyền kiểm soát một công ty con thông qua một công ty con khác trong tập đoàn. Khi đó, tỷ lệ quyền biểu quyết của công ty mẹ tại công ty con đầu tư gián tiếp được xác định đúng bằng tỷ lệ quyền biểu quyết của công ty con đầu tư trực tiếp tại công ty con đầu tư gián tiếp, tức là:
= | Tỷ lệ vốn góp của công ty con đầu tư trực tiếp tại công ty con đầu tư gián tiếp |
+ Trường hợp công ty mẹ vừa đầu tư trực tiếp vừa đầu tư gián tiếp vào một công ty con thông qua một công ty con khác:
Công ty mẹ có thể có quyền kiểm soát công ty con thông qua hoạt động vừa đầu tư trực tiếp và vừa đầu tư gián tiếp vào một công ty con thông qua một công ty con khác.
= | Tỷ lệ vốn góp của công ty mẹ tại công ty con được đầu tư kết hợp | + | Tỷ lệ vốn góp của công ty con đầu tư trực tiếp tại công ty con được đầu tư kết hợp |
- Trường hợp đặc biệt: Quyền kiểm soát còn được thực hiện ngay cả khi công ty mẹ nắm giữ ít hơn 50% quyền biểu quyết tại công ty con trong các trường hợp sau đây:
+ Công ty mẹ có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;
+ Công ty mẹ có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;
+ Công ty mẹ có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của công ty con;
+ Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;
+ Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận.