Khái Niệm Thực Hành Quyền Công Tố Ở Giai Đoạn Điều Tra Của Viện Kiểm Sát Nhân Dân

sau. Về nguyên tắc, cần phải chọn quy phạm pháp luật còn hiệu lực và sát thực với nội dung sự kiện, quan hệ pháp luật cần điều chỉnh, làm rò quy phạm pháp luật đó thuộc ngành luật nào, phân tích, làm sáng tỏ nội dung của quy phạm đã lựa chọn.

Trên thực tế, việc lựa chọn quy phạm pháp luật có thể xảy ra nhiều khả năng. Nếu có một quy phạm pháp luật đáp ứng đủ yêu cầu thì chủ thể có thẩm quyền có thể xác định được ngay cơ sở pháp lý cho việc ADPL. Nếu có hai hay nhiều quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh quan hệ đó nhưng ra cách giải quyết khác nhau (trường hợp xung đột quy phạm pháp luật trong ADPL) thì chủ thể có thẩm quyền lựa chọn quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và được ban hành sau. Trường hợp không có quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc ADPL thì chủ thể có thẩm quyền xem xét ADPL tương tự.

- Đưa ra quyết định ADPL:

Đây là giai đoạn quan trọng nhất, phản ánh kết quả thực tế quá trình ADPL của các chủ thể có thẩm quyền. Ở giai đoạn này, những quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các chủ thể hoặc những biện pháp đối với người vi phạm được ấn định. Về bản chất, đây là giai đoạn chuyển hóa những quy định chung được nêu ra trong các quy phạm pháp luật thành những quyết định cụ thể, cá biệt. Các quyết định ADPL được đưa ra phải đảm bảo tính khách quan, hợp pháp cũng như sự phù hợp ở cả khía cạnh pháp lý và thực tế. Đối với các quyết định được thể hiện bằng văn bản ADPL thì việc lựa chọn ngôn ngữ, văn phạm phải dễ hiểu, phổ thông, đơn nghĩa.

- Tổ chức thực hiện quyết định ADPL trên thực tế:

Đây được coi là giai đoạn cuối cùng của hoạt động ADPL. Việc bảo đảm cho các văn bản có hiệu lực thực thi trên thực tế có ý nghĩa quan trọng vì khi đó mục đích điều chỉnh của pháp luật mới đạt được. Trách nhiệm thi hành trước hết là của những đối tượng có liên quan được chỉ rò trong quyết định ADPL, nhưng cơ quan ban hành cũng như những cơ quan có liên quan khác có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyết định ADPL.

Cần chuẩn bị tốt các điều kiện thiết yếu để các chủ thể liên quan có khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý cũng như trách nhiệm pháp lý của họ như các

điều kiện về kỹ thuật, pháp lý, tổ chức, xã hội và tư tưởng… Đồng thời cần tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi các quyết định ADPL đối với các chủ thể có liên quan để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của nó trên thực tế.

1.1.1.2. Khái niệm thực hành quyền công tốgiai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân

* Quyền công tố và thực hành quyền công tố

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

- Khái niệm quyền công tố:

“Công tố” là một từ ghép Hán – Việt có nghĩa là “truy tố, buộc tội bị cáo và phát biểu ý kiến trước Tòa án, nhân danh Nhà nước” [26, tr. 206].

Áp dụng pháp luật trong thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân – Thực tiễn tại tỉnh Yên Bái - 3

Quyền công tố là quyền lực công luôn gắn liền với quyền tài phán của Tòa án. Đây cũng là tư tưởng gặp nhau cơ bản giữa các nhóm quan điểm khác nhau về quyền công tố - quyền đưa vụ án ra Tòa và “buộc tội” người phạm pháp tại Tòa án.

Trong TTHS luôn tồn tại ba chức năng cơ bản là buộc tội, bào chữa (gỡ tội) và xét xử. Buộc tội thực chất chính là hoạt động truy cứu TNHS đối với người phạm tội. Người buộc tội hay cơ quan thực hiện chức năng buộc tội có quyền và trách nhiệm đưa ra lời cáo buộc cụ thể đối với những cá nhân cụ thể và có nghĩa vụ phải chứng minh tội phạm. Quyền công tố là quyền của cơ quan công tố nhân danh nhà nước tiến hành buộc tội đối với người phạm tội, còn khi tham gia vào các quan hệ khác (dân sự, kinh tế lao động, hành chính), cơ quan công tố chỉ (có thể) đứng ra thay cho ai đó để đề nghị, yêu cầu Tòa án phán xét, chứ không thể thực hiện việc buộc tội.

Do chức năng buộc tội và gỡ tội là đối trọng nhau, và cơ quan tài phán thì không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nghĩa là không thể vừa thực hành quyền công tố vừa xét xử, nên để bảo đảm tính khách quan và sự công bằng thì quyền công tố phải độc lập với quyền tài phán của Tòa án. Về mặt nguyên tắc, quyền công tố chỉ có thể do một cơ quan thực hiện và được gọi là cơ quan công tố (ở Việt Nam cơ quan này là VKSND). Đồng thời, cũng như bất cứ loại quyền lực nào, quyền công tố phải được thể hiện ở nội dung cụ thể của nó trong các giai đoạn tố tụng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết để phân biệt quyền công tố với các

thẩm quyền tố tụng khác của cơ quan công tố và với thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng khác như Cơ quan điều tra, Tòa án...

Từ những phân tích trên đây, tác giả đưa ra quan điểm tương đồng với đa số các nhà nghiên cứu về khái niệm quyền công tố: Quyền công tố là quyền nhân danh nhà nước thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, bảo đảm việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm, người phạm tội và bảo vệ sự buộc tội đó trước phiên tòa (ở Việt Nam cơ quan nhà nước được giao quyền công tố là hệ thống VKSND từ Trung ương đến địa phương).

- Khái niệm, đối tượng, nội dung, phạm vi thực hành quyền công tố:

Hiến pháp năm 1980 là văn bản pháp lý đầu tiên của nhà nước ta đưa ra cụm thuật ngữ “thực hành quyền công tố” khi đề cập đến chức năng của VKSND. Thuật ngữ này đã được nhắc lại ở Điều 1 và Điều 3 Luật tổ chức VKSND năm 1981. Kể từ đó, đã có nhiều tài liệu, bài viết bàn về quyền công tố và thực hành quyền công tố. Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách bộ máy nhà nước và cải cách tư pháp thì việc nhận thức rò về quyền công tố và thực hành quyền công tố có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật (Hiến pháp 1959, 1981, 1992, 2013 và các Luật tổ chức VKSND 1960, 1981, 1992, 2002, 2014) thì VKSND là cơ quan duy nhất được giao chức năng thực hành quyền công tố. Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Như vậy, ở nước ta, chủ thể thực hành quyền công tố là hệ thống cơ quan VKSND.

Xuất phát từ quan niệm quyền công tố là quyền nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội, thực hành quyền công tố chính là thực hiện các hành vi tố tụng cần thiết theo quy định của pháp luật TTHS để truy cứu TNHS đối với người phạm tội, đưa người phạm tội ra xét xử trước Tòa án và bảo vệ sự buộc tội đó. Mặt khác, để quyền công tố được bảo đảm trong thực tế, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật, trong đó quy định các quyền năng pháp lý mà cơ quan có thẩm quyền được áp dụng để phát hiện, truy cứu

TNHS đối với người phạm tội, đưa vụ án ra xét xử trước Tòa án. Và việc sử dụng những quyền năng này để thực hiện việc truy cứu TNHS đối với kẻ phạm tội chính là thực hành quyền công tố.

Từ những phân tích trên đây, tác giả cho rằng: Thực hành quyền công tố là việc cơ quan nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ giữ quyền công tố (ở Việt Nam là hệ thống cơ quan VKSND) sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý do luật định thuộc nội dung quyền công tố để truy cứu TNHS đối với người phạm tội và bảo vệ việc truy cứu TNHS đó trong các giai đoạn tố tụng.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã có những nội dung mới quan trọng về chế định VKSND, bổ sung, làm rò hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND. Những nội dung này được cụ thể hóa trong Luật tổ chức VKSND sửa đổi năm 2014, tại Điều 3 lần đầu tiên đã quy định rò đối tượng, nội dung, phạm vi thực hành quyền công tố: “Thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong TTHS để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự”.

Nội dung của hoạt động thực hành quyền công tố là tất cả những quyền năng tố tụng nhằm bảo đảm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người không có tội. Những hoạt động trên đây của VKS hoàn toàn mang tính độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ cơ quan nào.

* Giai đoạn điều tra trong tố tụng hình sự

Quá trình TTHS được chia thành các giai đoạn khác nhau với những hoạt động khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Ở nước ta hiện nay có nhiều quan điểm về việc phân chia các giai đoạn TTHS. Có quan điểm cho rằng quá trình TTHS gồm 5 giai đoạn: Khởi tố VAHS, điều tra VAHS, truy tố người phạm tội, xét xử và thi hành án. Bên cạnh đó cũng tồn tại quan điểm cho rằng quá trình TTHS gồm 7 giai đoạn: Khởi tố VAHS, điều tra VAHS, truy tố, xét xử sơ thẩm VAHS, xét xử phúc thẩm VAHS, thi hành án và giai đoạn đặc biệt (giám đốc thẩm,

tái thẩm). Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về việc phân chia các giai đoạn TTHS nhưng điều tra VAHS vẫn là giai đoạn không thể thiếu và có vai trò, nhiệm vụ quan trọng, bởi kết quả của hoạt động điều tra quyết định việc truy tố của VKS và xét xử của Tòa án, các quyết định của Tòa án về tội phạm và người phạm tội chủ yếu dựa trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được ở giai đoạn điều tra.

Giai đoạn điều tra có nhiệm vụ:

+ Thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm cơ sở cho việc truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật;

+ Xác định thiệt hại do tội phạm gây ra, tạo điều kiện cần thiết cho việc giải quyết vụ án;

+ Tìm ra nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa;

+ Góp phần phổ biến và giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân. Giai đoạn điều tra có những đặc điểm cơ bản sau:

+ Giai đoạn điều tra VAHS bắt đầu từ khi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố VAHS đến khi cơ quan điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra sang VKS đề nghị truy tố hoặc ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

+ Các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do BLTTHS quy định để chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm rò các tình tiết liên quan đến vụ án bao gồm cả tình tiết buộc tội và tình tiết gỡ tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội để kiến nghị với các cấp, các ngành thực hiện biện pháp phòng ngừa tội phạm.

+ Chủ thể thực hiện các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra là cơ quan điều tra, VKS hoặc các cơ quan khác được giao thực hiện một số hoạt động điều tra. Các tài liệu phải do chính hoạt động của các chủ thể nói trên tiến hành thu thập mới được coi là những chứng cứ làm cơ sở cho việc truy cứu TNHS. Còn các tài liệu có liên quan đến vụ án do các hoạt động khác cung cấp (ví dụ hoạt động trinh sát) thì phải được cơ quan điều tra kiểm tra, thẩm định và được chuyển hóa theo trình tự tố

tụng. Đối với tài liệu do người bào chữa thu thập được trong giai đoạn điều tra thì phải giao nộp cho CQĐT hoặc VKS, việc giao nhận tài liệu, đồ vật giữa người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo Điều 95 BLTTHS.

+ Trong giai đoạn điều tra, các chủ thể áp dụng các biện pháp tùy thuộc vào tính chất, mức độ, hậu quả của từng vụ án. Các biện pháp đó là: Khám xét; thu giữ; kê biên tài sản; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; thực nghiệm điều tra; hỏi cung bị can; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên, người bị tạm giữ, tạm giam; đối chất; nhận dạng... Việc áp dụng các biện pháp trên phải theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định.

* Thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra

Do giai đoạn điều tra có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng nên việc xác định đúng phạm vi thực hành quyền công tố của VKS trong giai đoạn này là rất cần thiết. Điều 112 BLTTHS (2003) quy định khi tiến hành các hoạt động thực hành quyền công tố, cùng với việc thực hiện những hoạt động của giai đoạn điều tra thì VKS còn thực hiện những hoạt động của giai đoạn khởi tố (quyết định khởi tố vụ án) và giai đoạn truy tố (quyết định truy tố bị can, tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án). Như vậy phạm vi thực hành quyền công tố của VKS trong giai đoạn điều tra bao trùm cả hoạt động khởi tố, điều tra và truy tố.

Điều 2 Quy chế công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các VAHS của VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế) xác định: Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự bắt đầu từ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xảy ra đến khi kết thúc việc điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật”. Tức là phạm vi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra bắt đầu từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, và kết thúc khi VKS quyết định truy tố bị can ra trước toà để xét xử hoặc khi vụ án được đình chỉ theo quy định của pháp luật TTHS.

Từ những vấn đề đã phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm thực hành

quyền công tố ở giai đoạn điều tra của VKSND như sau: Thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của VKSND là việc VKSND sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung quyền công tố do pháp luật quy định để truy cứu TNHS đối với người phạm tội, được thực hiện từ khi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố và kết thúc khi VKS quyết định truy tố bị can ra trước toà để xét xử hoặc khi vụ án được đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

1.1.1.3. Nội dung thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra của Viện kiểm sát nhân dân

Điều 112 BLTTHS (2003) quy định khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;

2. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra; khi xét thấy cần thiết, trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;

3. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên theo quy định của Bộ luật này; nếu hành vi của Điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự;

4. Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác; quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này. Trong trường hợp không phê chuẩn thì trong quyết định không phê chuẩn phải nêu rò lý do;

5. Huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;

6. Quyết định việc truy tố bị can; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án [29, Điều 112].

Trong giai đoạn điều tra, tuy rằng CQĐT là chủ thể chính trực tiếp tiến hành

các hoạt động điều tra, nhưng VKS là cơ quan giữ vai trò chủ đạo, quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng trong toàn bộ quá trình điều tra vụ án. Vì vậy, Kiểm sát viên cần nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật TTHS cùng các văn bản pháp luật khác có liên quan để ADPL chính xác khi thực hành quyền công tố ở giai đoạn điều tra các vụ án hình sự. Cụ thể:

* Những hoạt động khởi động công tố trong giai đoạn điều tra

- Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Để phù hợp với Hiến pháp (2013) và thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, Luật tổ chức VKSND (2014) đã mở rộng thẩm quyền của VKSND, quy định thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Điều 12 Luật tổ chức VKSND (2014) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:

1. Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Hủy bỏ quyết định tạm giữ, các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

3. Khi cần thiết đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thực hiện.

4. Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 26/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí