Chương Trình Du Lịch Xuất Phát Từ Tp. Hồ Chí Minh

Sáng: Đi tàu từ cảng Vũng Tàu ra Côn Đảo. Nhận phòng, nghỉ ngơi ăn trưa Chiều: Tham quan di tích nhà tù Cô Đảo

Ngày 2: Tham quan VQG Côn Đảo

Sáng: Từ Côn Đảo đi tham quan hòn Tre, ăn trưa trên tàu

Chiều: Từ Hòn Tre đi tham quan núi Thánh Giá và trở về thị trấn Côn Sơn Tối: Tự do mua sắm, tham gia đốt lửa trại trên biển

Ngày 3: Côn Đảo – Vũng Tàu

Sáng: Tự do tắm biển, tham quan, mua sắm tại thị trấn Côn Sơn Chiều: Lên tàu về TP. Vũng Tàu

4.2.5. Tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương

4.2.5.1. Các điểm tham quan tỉnh Bình Dương

Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích 2.694.43km2, dân số 1.748.001người. Bình Dương tiếp giáp với các tỉnh, thành sau: Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai. Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.

Bình Dương là cửa ngõ giao thương với TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á,… Bình Dương có nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách như khu vườn cây Lái Thiêu, Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, làng sơn mài, làng gốm sứ…. Điều đặc biệt là các điểm du lịch này đều cách TP. Hồ Chí Minh trên dưới 30km nên rất thuận tiện để có thể xây dựng các tuyến du lịch đi lại trong ngày.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.

a) Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến

Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến tọa lạc tại ấp 1, xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nơi đây được xem như là một công trình lưu giữa và tôn vinh những tinh hoa của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm văn hiến.

Tuyến điểm du lịch Việt Nam Dành cho học sinh, sinh viên chuyên ngành du lịch - Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai - 16

Toàn bộ công trình có tổng diện tích giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha, Đại Nam là thế giới du lịch có đủ cả biển, hồ, sông, núi và tường thành, với dụng ý làm toát lên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là đền thờ Đại Nam Quốc Tự và dãy núi Bảo Sơn. Ngoài ra, tại khu du lịch còn có nhiều hạng mục quan trọng khác sẽ xây dựng như Việt Nam thu nhỏ rộng 30 ha, thể hiện vẻ đẹp về thiên nhiên cũng như phản ánh những thành tựu nổi bật của 64 tỉnh, thành trong cả nước và những hình ảnh giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam.

Quảng trường và sân khấu nhạc nước là nơi tổ chức các sự kiện lớn trong năm. Hàng đêm nơi đây có các chương trình biểu diễn ánh sáng laser, chiếu phim trên màn hình nước…. Bao quanh quảng trường là khu vực thành Đại Nam với hình ảnh cột cờ Cổ Loa được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa Cổ Loa, kỳ đài Huế và cột cờ Hà Nội. Cột cờ có hình dánh một đài sen, trụ cờ cao 9m với hình long đầu trượng – biểu tượng cho sự thanh cao và quyền quý.

Tiếp theo là Đại nam Văn Hiến có diện tích 9ha, là nơi giới thiệu và tôn vinh văn hóa – lịch sử Việt Nam. Đặc điểm đặc biệt nhất là các bức tượng đều được mạ vàng bên ngoài. Bên cạnh đó còn có hai cây nên cháy liên tục trong 1.000 năm được đặt hai bên khu thờ chính. Bên ngoài khu vực đền là các công trình khác như núi Ngũ Hành, tháp Bảo Sơn – nơi thờ phụng tâm linh của dân tộc Việt Nam và dòng sông Bảo Giang xanh biếc.

Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan công viên trò chơi, vườn bách thú bằng xe trung chuyển của khu du lịch, hay khu vực Việt Nam thu nhỏ, nơi giới thiệu 64 tỉnh thành và những hình ảnh về 54 dân tộc Việt…

Các chương trình tham quan khu Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến

Chương trình 1 ngày: đi bằng xe điện

Sáng: Đón khách, đi tham quan khu Kim Điện (rộng 9ha); tham quan khu Vườn thú Đại Nam với nhiều con vật quý hiếm; đi khu vui chơi giải trí tham gia các trò chơi và xem phim 4D. Nghỉ ngơi ăn trưa.

Chiều: Tắm biển tại biển Đại Nam với nhiều kiểu sóng nhân tạo có sức chứa lên tới

30.000 người. Trả khách tại cổng Đại Nam.

Chương trình 2 ngày: đi bằng xe điện

Ngày 1: Sáng: Đón khách, đi tham quan khu Kim Điện (rộng 9ha); tham quan Bảo Tháp cao 9 tầng, ngắm Dòng Bảo Giang dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Ăn trưa, nghỉ ngơi

Chiều: Tham quan và tắm biển tại biển Đại Nam – biển nhân tạo với nhiều kiểu sóng, khu biển có sức chưa lên tới 30.000 người.

Chiều tối: Nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi, ăn tối.

Ngày 2: Sáng: Tham quan vườn thú Đại Nam với nhiều con vật quý hiếm. Tham gia các trò chơi tại khu giải trí với nhiều trò mạo hiểm. Ăn trưa, nghỉ ngơi

Chiều: Thưởng thức phim 4D. Trả khách.

b) Vườn cây ăn trái Lái Thiêu và khu du lịch Cầu Ngang

Nằm ven sông Sài Gòn, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 10km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 20km về phía Bắc, Lái Thiêu từng được biết đến là một địa danh nổi tiếng từ hàng trăm năm với nhiều loại cây trái miền nhiệt đới thơm ngon như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, chôm chôm, dâu… Từ phường Lái Thiêu đi về hướng thị xã Thủ Dầu Một, dọc theo con đường nhựa là các vườn cây nối vườn cây trải dài hàng cây số qua các phường Lái Thiêu, An Thạnh, Vĩnh Phú và các xã Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn… thuộc thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích trồng cây đến 1.230ha, trong đó nhiều và tập trung nhất là xã An Sơn với hơn 400ha.

Với một thổ nhưỡng thuận lợi, cây cối tốt tươi, vườn cây ăn trái Lái Thiêu trở thành điểm du lịch xanh thích hợp với nhiều lứa tuổi. Hàng năm cứ vào mùa mưa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây chín rộ, du khách ghé vườn Lái Thiêu dù tham quan hay nghỉ ngơi đều được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và sẽ rất thú vị khi có dịp nhìn ngắm các loại trái cây lúc lỉu trên cành. Du khách đến đây có thể đi dạo dưới những vòm cây trỉu quả, mắc võng nghỉ ngơi trong vườn hoặc thưởng thức hương vị ngọt ngào từ các loại trái cây, khách cứ việc hái trái ăn thoải mái xong rồi mời chủ vườn ra đếm cuống tính tiền… Du khách thích cảnh sông nước cũng có thể ghé Cầu Ngang du thuyền dạo chơi ven vườn hoặc trên sông Sài Gòn, ngắm nhìn cảnh vườn cây xanh mượt soi bóng nước lặng lờ, tưởng đời mình như chiếc thuyền nan cứ nhẹ trôi, nhẹ trôi…

4.2.5.2. Chương trình du lịch tiêu biểu

Chương trình du lịch TP. Hồ Chí Minh – Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (2 ngày 1 đêm, phương tiện vận chuyển ô tô)

Ngày 1: Sáng: Đón khách, khởi hành đi đến khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến. Đi tham quan khu Kim Điện (rộng 9ha); tham quan Bảo Tháp cao 9 tầng, ngắm Dòng Bảo Giang dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Ăn trưa, nghỉ ngơi

Chiều: Tham quan và tắm biển tại biển Đại Nam – biển nhân tạo với nhiều kiểu sóng, khu biển có sức chưa lên tới 30.000 người.

Chiều tối: Nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi, ăn tối.

Ngày 2: Sáng: Tham quan vườn thú Đại Nam với nhiều con vật quý hiếm. Tham gia các trò chơi tại khu giải trí với nhiều trò mạo hiểm. Ăn trưa, nghỉ ngơi

Chiều: Thưởng thức phim 4D. Về TP. Hồ Chí Minh

Chương trình du lịch TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương (1 ngày, phương tiện vận chuyển ô tô)

Sáng: Khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi tham quan vườn cây Lái Thiêu, khu du lịch Cầu Ngang, ăn trưa tại khu du lịch.

Chiều: Tham quan làng sơn mài Tương Bình Hiệp và làng gốm gần TX. Thủ Dầu Một.

Về TP. Hồ Chí Minh.

4.2.6. Tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh – Đồng Nai

4.2.6.1. Các điểm du lịch tại tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, Việt Nam, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 30 km, cách TP. Hà Nội 1.684 km theo đường quốc lộ 1A, với diện tích tự nhiên là 5.907,2 km², dân số 2.665.100 người (2011). Đồng Nai có toạ độ địa lý từ 10o30’03 đến 11o34’57’’vĩ độ Bắc và từ 106o45’30 đến 107o35’00 kinh độ Đông. Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh, Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương.

Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các điểm du lịch có tiềm năng. Hiện nay, tài nguyên và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh tập trung ở 2 điểm du lịch chính là TP. Biên Hòa và VQG Cát Tiên nên thuận tiện cho việc tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động du lịch. Các điểm tham quan chính của tỉnh bao gồm:

a) Các điểm tham quan tại TP. Biên Hòa

Chùa Bửu Long

Chùa Bửu Phong được xem là một trong ba ngôi chùa cổ của đất Biên Hòa. Hiện nay, chùa tọa lạc trên ngọn núi Bửu Long, cách trung tâm TP. Biên Hòa 7km. Chùa do nhà sư Thành Chí, dòng Lâm Tế khai sơn vào khoảng thế kỷ XVII.

Từ dưới chân núi lên đến chùa phải qua một trăm bậc tam cấp. Cảnh trí chùa tịch mịch, địa cảnh phong quang. Xung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ, cùng với những tảng đá lộ thiên tạo hình kỳ thú. Có ý kiến cho rằng chùa được xây dựng từ năm “Bính Thìn niên”, phía trước đề 1616. Di tích cổ tự đã trải qua nhiều lần trùng tu. Dấu vết hiện tồn được xác định vào năm Kỷ Sửu (1829) được khắc trên cột đá tiền điện. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ Tam gồm chính điện, giảng đường và nơi thờ Tổ. Ngoài ra còn có liêu phòng ni phái và nhà dưỡng tăng. Chất liệu xây dựng là gạch thẻ, vôi hợp chất, mái lợp ngói âm dương. Nền lót gạch tàu và gạch bông, bộ khung vì kèo làm bằng gỗ tốt.

Mặt tiền nhìn về hướng đông bắc. Trang trí mặt tiền chùa là những bức phù điêu thể hiện hình ảnh cuốn thư, lân ngậm trái châu, nhật nguyệt, rồng chầu mặt trời, mây dây lá cách điệu... theo lối chạm trổ, ghép sành công phu, tinh vi mang tính nghệ thuật cao. Tất cả các mảng trang trí này làm bằng chất liệu xi măng, bề mặt ghép những mảnh sứ nhiều màu tạo cho toàn cảnh ngôi chùa nét rực rỡ, trang nghiêm, cổ kính.

Chính điện chia làm ba gian thoáng rộng, trên hai hàng cột đắp rồng ẩn mây sơn son thếp vàng uy nghiêm. Gian chính giữa thờ Tam thế Phật, tả hữu thờ thập điện Minh Vương. Các tượng được tạc rất sống động. Ở giảng đường và nơi thờ Tổ các tấm liễn, hoành phi, bao lam được chạm khắc công phu, thể hiện nhiều đề tài phong phú được bố trí hài hòa. Trong chùa còn lưu giữ được tượng cổ Phật Di Đà và một đầu phướn lục giác chạm rồng.

Đặc biệt có một tượng đá cổ thể hiện một vị thần ảnh hưởng của Ấn giáo được gắn kết bền vững ở hậu điện. Tương truyền, tượng có từ khi lập chùa. Ở nơi thờ Tổ, sự hiện diện

của pho tượng Tổ sư Đạt Ma, cùng với hơn chục bài vị sơn son thếp vàng của các sư trụ trì đã viên tịch được bài trí trang trọng trên các bàn hương án. Chùa Bửu Phong hiện lưu giữ xá lợi Phật.

Một số chuyện tích cho rằng, vùng Bửu Long thời xưa hoang vu. Một nhà sư đến đây lập chùa, dân làng sinh sống an lành. Một hôm, có con cọp trắng xuất hiện. Ban đầu dân làng lo sợ nhưng cọp chẳng hại ai. Cọp còn giúp đỡ những người lên núi thăm chùa. Trên núi Bửu Long, có hai tảng đá nằm chồng lên nhau, hình vòng cung. Từ xa nhìn thấy như dáng cọp đang há miệng, bên dưới có tảng đá bằng phẳng. Cọp thường về đây năm nên dân gọi là Hổ đầu thạch. Từ khi có cọp trắng, không có thú dữ nào dám về phá núi và dân làng. Người dân quý mến cọp trắng và cử cọp làm Hương cả trong làng bằng một tờ giấy để sẵn trong hang. Hằng năm, khi đến lễ cúng tại đình làng, dân làng đem cúng tại đá Hàm Hổ.

Cùng với hệ thống cơ sở tín ngưỡng trong khu danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số 208/VH-QĐ của Bộ Văn hóa ngày 13 tháng 3 năm 1990.

Khu du lịch Bửu Long – Hồ Long Ẩn

Khu du lịch Bửu Long rộng 84 ha, có độ cao trung bình 100 m so với mặt nước biển, núi cao, hồ rộng, không khí trong lành, tạo cảm giác sảng khoái cho du khách. Toàn khu có hai cụm núi chính: Bình Điện và Long Sơn thạch động.

Đứng trên ngọn núi Bình Điện, du khách có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của thành phố Biên Hòa - với những khu công nghiệp đã và đang mọc lên. Một thành phố sầm uất, nhộn nhịp. Cũng từ đây, bạn có thể nhìn ngắm một mầu xanh bát ngát trải dài của những cánh đồng phì nhiêu, mầu mỡ. Xen lẫn với mầu xanh của cỏ cây, đồng lúa là màu bàng bạc của những kênh rạch bắt nguồn từ dòng sông Đồng Nai, tạo nên một bức tranh thơ mộng. Trên ngọn núi Bình Điện có ngôi chùa cổ Bửu Phong được chạm trổ, trang trí hoa văn tinh tế. Từ chân núi muốn đi đến chùa, phải qua một dãy tam cấp gần 100 bậc. Quanh chùa có những bảo tháp cổ và nhiều hòn đá tạo những hình thù kỳ thú hoang sơ, huyền bí.

Cụm Long Sơn thạch động (còn gọi là Chùa Hang) tọa lạc trên núi Long Ẩn. Ở đây có ngôi chùa dẫn đến thạch động, miệng hang rộng và hẹp dần vào trong, trông như hàm ếch. Trên vách núi có nhiều nhũ đá rũ xuống, kỳ ảo, lung linh dưới ánh đèn trang trí. Trên núi Long Ẩn có nhiều chùa, am. Chính cụm kiến trúc này đã làm phong phú những lễ hội hành hương ở nơi đây.

Khu danh thắng Bửu Long còn được biết đến với khu hồ Long Ẩn. Đây là hồ nước do nhân dân trong vùng khai thác đá từ hàng thế kỷ nay tạo thành. Hồ rộng gần 20.000 m2, nước trong xanh với những cụm đá còn lại tạo nên những hòn đảo giữa biển nước mênh mông. Từ những hòn đảo này, bàn tay con người đã tạo thành những cảnh đẹp ẩn hiện giữa sóng nước nhấp nhô, giữa những con đường ngoằn ngoèo bao quanh khu vực như một bức tranh kỳ ảo. Thêm vào đó là một khu du lịch xanh với những vườn cây, cụm núi thú thời tiền sử đã tô điểm thêm cho toàn bộ khu danh thắng.

Sát mép hồ Long Ẩn là nhà hàng Long Du. Đến đây, du khách có thể nghỉ ngơi, ngắm nhìn một khung cảnh tuyệt đẹp và thưởng thức các món ăn tại nhà hàng. Men theo con đường nằm dưới chân núi Bình Điện, bạn sẽ đến một khu mà ở đó là sự phối hợp giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc cổ xưa.

4.2.6.2. Một số tuyến và chương trình du lịch

a) Một số tuyến du lịch (tuyến tham khảo)

- Tuyến TP. Hồ Chí Minh – TP. Biên Hòa – Đồng Nai

- Tuyến TP. Hồ Chí Minh – khu du lịch Bửu Long – TP. Biên Hòa

- Tuyến TP. Hồ Chí Minh – VQG Cát Tiên

b) Một số chương trình du lịch (chương trình tham khảo)

Chương trình du lịch TP. Hồ Chí Minh – TP. Biên Hòa (2 ngày 1 đêm, phương tiện vận chuyển ô tô)

Ngày 1: TP. Hồ Chí Minh – TP. Biên Hòa

Sáng: Khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh, thăm mộ cổ Hàng Gòn, ăn trưa tại khu du lịch Bửu Long.

Chiều: Tham quan khu du lịch Bửu Long, thăm hồ Long Ẩn, chùa Bửu Long. Ăn tối, nghỉ đêm tại Biên Hòa

Ngày 2: TP. Biên Hòa – TP. Hồ Chí Minh

Sáng: Du thuyền trên sông Đồng Nai tham quan đền thờ Nguyễn Tri Phương, làng gốm ven sông. Ăn trưa tại khu du lịch Bửu Long

Chiều: Nghỉ ngơi, trả phòng, về TP. Hồ Chí Minh.

4.2.7. Tuyến TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh

4.2.7.1. Các điểm tham quan ở Tây Ninh

Tây Ninh nằm ở miền Đông Nam Bộ, là cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) và là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có thị xã Tây Ninh nằm cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 99 km theo đường quốc lộ 22 và cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc.

Tây Ninh nổi tiếng với những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tây Ninh cũng là thánh địa của đạo Cao Đài với Tòa Thánh Tây Ninh nguy nga, tráng lệ. Ngoài ra còn có đạo Phật, đạo Kitô, đạo Hồi và nhiều đạo khác.

a) Tòa thánh Tây Ninh

Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh là một cụm công trình gồm nhiều kiến trúc tôn giáo của đạo Cao Đài, nằm trên địa phận Thị trấn Hòa Thành, xã Long Thành Bắc (huyện Hòa Thành) và một phần Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 4 km về phía đông nam. Đây cũng là vùng Thánh địa thiêng liêng và nơi đặt Hội Thánh Cao Đài.

Hàng ngày nghi thức lễ tại tòa Thánh được tiến hành vào 12 giờ trưa, có đọc kinh cầu nguyện theo giọng Nam Ai.

Theo thiết kế ban đầu, kích thước Tòa Thánh được quy định dài 135m, rộng 27m, nền cao 1,8 m. Tuy nhiên, khi mới khởi công xây dựng Tòa Thánh, tín đồ khi đó còn nghèo, Hội Thánh gặp khó khăn về tài chính nên khi thi công đã thu bớt lại kích thước trên. Kích thước thực tế chỉ còn dài 97,5m, rộng 22m. Theo quan niệm của các tín đồ Cao Đài, thiết kế và kích thước Tòa Thánh do Đức Giáo tông Lý Thái Bạch giáng cơ quy định theo hệ mét; tuy nhiên về sau được Đức Chí Tôn giáng cơ quy định lại theo hệ thước ta (thước mộc) nên quy đổi ra kích thước như trên.

Tổng thể Đền Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Đền Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây, là khu vực Hiệp Thiên Đài. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Tầng hai có tên Phi Tưởng Đài, như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt. Phần thân Long Mã là khu vực Cửu Trùng Đài, nối tiếp theo Hiệp Thiên Đài. Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh, phần đuôi của Long Mã, hướng thẳng về phía đông. Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang. Tính tổng cộng ở tầng trệt Tòa Thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn nhỏ.

Xung quanh vách của Đại điện có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra. Toàn thể vách xung quanh Linh Tiêu Điện (Đại điện Tòa Thánh) có tất cả 23

ô hoa sen có hình Thiên Nhãn, cộng với biểu tượng Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn. Ngoài lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện, có cả thảy 6 lối vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu. Điều đặc biệt ở công trình Tòa Thánh Tây Ninh là nó được xây dựng bằng bê tông cốt tre.

Nổi bật trọng quần thể kiến trúc là đền Thánh, với những đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc đền chùa của tôn giáo Cao Đài. Công trình thể hiện sự hài hóa giữa kiến trúc Á Đông và phương Tây với các vòm mái và hoa văn trang trí khéo léo, tinh xảo thể hiện tinh thần Tam giáo.

Tại đây còn có một số các kiến trúc đẹp khác nằm trong quần thể như cổng chánh môn, các tháp mộ, đền thờ Phật Mẫu. Đặc biệt là bá huê viên với nhiều cây cảnh, nhiều loại hoa và cỏ lạ. Lễ hội lớn nhất hàng năm diễn ra hàng năm diễn ta nơi đây là vía Đức Chí Tôn (9/1 âm lịch). Lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc và cuốn hút hàng vạn du khách từ mọi miền đất nước về dự và thưởng ngoạn. Ngoài ra, du khách còn được tham dự các nghi lễ trang nghiệm, mang đầy màu sắc văn hóa.

b) Núi Bà Đen

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam bộ (986m) và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Ngọn núi nằm cách Tòa thánh Tây Ninh 3km, cách TP. Hồ Chí Minh 110km, còn được gọi là núi Vân Sơn hoác núi Điện Bà, Linh Sơn.

Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Trước đây vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).

Có hai con đường lên đỉnh núi: Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường này xấu, khó đi. Một đường mòn khác bắt đầu từ đài Liệt sĩ đi men theo các trụ điện lên thẳng đỉnh núi. Đường này dễ đi nhưng dài, nắng, ít người qua lại và không có trạm tiếp tế. Ngày nay, đã có cáp treo làm phương tiện để lên chùa cho thuận tiện.

4.2.7.2. Chương trình du lịch xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh

Chương trình du lịch TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh (1 ngày, phương tiện vận chuyển ô tô)

Sáng: Khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi tham quan khu du lịch núi Bà Đen (gồm khu vui chời giải trí núi Bà Đen, chùa Bà Đen), ăn trưa tại khu vui chơi giải trí núi Bà Đen.

Chiều: Thăm quan tòa thánh Tây Ninh, sau đó về TP. Hồ Chí Minh

4.2.8. Tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh – đồng bằng sông Cửu Long

4.2.8.1. Các điểm du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long

a) Khái quát về đồng bằng sông Cửu Long

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vùng cực nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ. Vùng có 1 thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và TP. Cần Thơ). Toàn khu vực có tổng diện là 40.548,2 km² và tổng dân số là 17.330.900 người.

Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có diện tích 39.734 km². Có vị trí nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông.

Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển; qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Vùng có 700km bờ biển, có nhiều đảo ngoài khơi thuận lợi cho phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước. Đồng thời, đây cũng là nơi có sản lượng thủy sản chiếm 50% cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và An Giang. Kiên Giang là tỉnh có sản lượng thủy sản săn bắt nhiều nhất. Những tỉnh này tạo thành những ngư trường lớn cung cấp nguồn thủy sản cho cả nước.

Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo vùng nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp (mưa nhiều, nắng nóng) đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương thực.

Vê dân cư, ngoài người Kinh vùng là nơi cư trú chủ yếu của người Khmer, sống chủ yếu ở Trà Vinh, Sóc Trăng và người Chăm theo đạo Hồi sống ở Tân Châu, An Giang. Một lượng trung bình người Hoa sống ở Kiên Giang và Trà Vinh. Do đó, vùng là nơi có nền văn hóa đa sắc tộc.

ĐBSCL có nhiều rừng ngập mặn ở Bạc Liêu, Cà Mau với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú tạo thành nhiều VQG và khu dự trữ sinh quyển như: VQG U Minh Thượng, PHú Quốc (Kiên Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), Đất Mũi (Cà Mau).

Vùng có khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều vườn cây ăn quả. Do đó, du lịch sinh thái bắt đầu phát triển mạnh như du lịch trên sông nước, vườn, khám phá các cù lao. Du lịch bền vững bước đầu hình thành với sự thành công của khu nghỉ dưỡng bền vững Mekong Lodge tại Tiền Giang và nhiều địa phương khác như Bến Tre, Vĩnh Long. Tuy nhiên chất lượng và sức cạnh tranh của các khu du lịch không đồng đều và còn nhiều hạn chế.

b) Các điểm du lịch của đồng bằng Sông Cửu Long

Các điểm tham quan du lịch ở tỉnh Tiền Giang

Chùa Vĩnh Tràng

Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng vào năm 1849, nằm về hướng Đông Bắc của thành phố Mỹ Tho, tọa lạc trên địa phận ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Trước đây khi mới được xây dựng, chùa chỉ là một cái am lá của ông bà Huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Sau khi hưu trí, ông bà về đây cất am để tu hành nên nhân dân trong vùng quen gọi là chùa ông Huyện. Sau đó, ông bà mời Đại sư Huệ Đăng về trụ trì chùa và dạy chữ nghĩa cho con.

Sau khi ông bà Huyện qua đời, Đại sư Huệ Đăng ngày đêm chăm lo công quả. Thấy được đạo hạnh của nhà sư, Phật tử bốn phương về rất đông: người góp công, người góp của xây dựng thành chùa "Đại Tự" vào năm 1849, lấy niên hiệu là "Vĩnh Trường". Qua thời gian người dân quen gọi là "Vĩnh Tràng".

Chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật đứng vào hàng thứ ba đối với mọi kiểu chùa của đất Nam phần. Chùa được xây dựng pha hòa nét kiến trúc cả Âu lẫn Á.

Trước chùa có hai cổng Tam quan được xây dựng vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu của Trung quốc. Cửa ngỏ này được cẩn bằng đồ sứ có giá trị in hình long, lân, quy, phụng, canh, mục, ngư, tiều...Tất cả đều thể hiện sự sống động vui tươi. Chùa được xây dựng theo dạng chữ Quốc của Hán tự, gồm 04 gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu làm bằng xi măng và gổ quí, nền đúc cao 1m, chung quanh xây tường vững chắc.

Chính điện được xây dựng theo lối kiến trúc dung hợp Á - Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong. Trên nóc chùa có năm mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phương Đông.

Bộ tượng cổ nhất chùa là bộ Tam Tôn: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí bằng đồng, riêng tượng Quan Âm bị thất lạc nên đã được làm lại bằng gỗ. Đặc biệt, ở đây có bộ tượng Thập Bát La Hán cưỡi trên mình các con thú là những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo mà một số nghệ nhân Nam bộ đã tạc khá tỉ mỉ vào những năm 1909-1910.

Chùa Vĩnh Tràng có quy mô lớn nhất miền Nam, vì vậy chùa đã cuốn hút rất nhiều tăng ni phạt tử và du khách đến tham quan, bái yết.

Cù lao Thới Sơn

Cù lao Thới Sơn nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Cù lao Thới Sơn là một vùng trồng nhiều cây ăn trái. Sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này là lánh xa sự ồn ào, nhộn nhịp của phố phường.

Du khách đến Thới Sơn, xuống đò chèo xuôi theo những con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp hay những cây thủy liễu (bần) ven rạch nghiêng mình chào đón du khách. Nếu muốn tản bộ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái xum xuê, bạn có dịp ngồi nghỉ trong những nhà vườn uống trà mật ong thơm ngọt và nghe đàn ca tài tử. Ðêm Thới Sơn thật huyền diệu với trăng thanh, gió mát, sóng nước mênh mang. Du khách có thể ngồi thuyền lướt nhẹ trên sông ngắm trăng lên, hoặc cùng bạn ngồi đối ẩm nghe giọng ca mượt mà, sâu lắng của thôn nữ.

Những ngôi nhà của người dân Thới Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, xưa cũ. Ðiểm du lịch của nhà ông Tám Cho là một tiêu biểu về kiểu nhà xưa. Ngôi nhà của ông được xây dựng với hàng cột gỗ, mỗi mái nhà có chín cây đòn tay bố trí theo thuật phong thủy: Kiên – Trừ – Mãn – Bình – Ðịnh – Chấp – Phá – Nguy – Thành.

Trong nhà, cách bài trí cũng theo phong cách cổ với chiếc tủ thờ cẩn xà cừ lóng lánh, tràng kỷ chạm trổ tinh xảo, cùng với đôi liễn chạm câu đối sơn son thếp vàng… Xung quanh nhà là vườn cây cảnh với nhiều cây bonsai được trồng tỉa công phu. Ðến Thới Sơn, du khách có dịp tham quan quy trình làm kẹo dừa, bánh tráng bằng phương pháp thủ công, chọn mua những đồ mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt gia đình làm từ cây dừa. Bên cạnh chương trình du lịch sinh thái, du khách có dịp thưởng thức nhiều món đặc sản của vùng sông nước: cá nướng, lẩu cá kèo, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù…

Chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè là chợ nổi thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Chợ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Tiền Giang.

Chợ là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán rất đa dạng từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản… cho tới cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Chợ nổi tiếng nhất là nơi trao đổi và là vựa trái cây lớn của tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng nhất là trái cây chuyên canh của Tiền Giang như: vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, khốm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè.

Theo sách Đại Nam Nhất Thống chí soạn vào đời Tự Đức, thì Cái Bè thuở ấy đã là nơi buôn bán sầm uất. Tất cả hàng hoá đều được chở trên các bè xuôi ngược trên sông. Chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền, giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.

Chợ nổi Cái Bè là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Tiền Giang. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Các điểm tham quan du lịch ở tỉnh Vĩnh Long

Cù lao An Bình và Bình Hòa Phước

Xem tất cả 169 trang.

Ngày đăng: 01/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí