truyền thống đã được phát huy thành môn thể thao hiện đại... và các hoạt động thể thao hiện đại khác như: bóng chuyền, bóng đá, cầu lông được tổ chức. Theo báo cáo của phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lộc và khảo sát thực tế cho thấy: lễ hội đền Quát tổ chức được các hoạt động phong phú, lành mạnh, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, hạn chế được các hoạt động thiếu lành mạnh và mê tín dị đoan. Thông qua lễ hội, các giá trị của di sản văn hóa được bảo tồn, tạo điều kiện cho nhân dân thỏa mãn nhu cầu tâm linh, đảm bảo tính giáo dục, môi trường văn hóa lành mạnh. UBND huyện Gia Lộc đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị lễ hội đền Quát là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2.3.2. Hạn chế
Công tác quản lý di tích đền Quát bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn một số hạn chế như:
Hoạt động của Ban quản lý di tích, tổ quản lý, bảo vệ đền Quát còn hạn chế, thường chỉ phát huy khi tu bổ di tích hoặc tổ chức lễ hội. Cán bộ phụ trách về di tích ở phòng Văn hóa và thông tin huyện Gia Lộc chỉ có 01 người; cán bộ Văn hóa xã hội xã Yết Kiêu cũng chỉ có 01 người lại phải kiêm nhiệm cả lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Việc quản lý và bảo vệ cũng như phát huy giá trị di tích hầu hết được giao hoàn toàn cho Ban quản lý di tích. Việc trông coi, bảo vệ di tích và những tài sản của di tích được giao phó gần như toàn bộ cho những người trực tiếp trông coi di tích, là các ông từ, chủ nhang, được chi Hội Người cao tuổi thôn cử ra.
Công tác phát huy giá trị di tích chưa hiệu quả, việc hướng dẫn khách thăm quan và giới thiệu về di tích chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên. Nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước về di tích chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện chưa thường xuyên. Chính quyền địa phương chưa chú trọng đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Kinh phí hỗ trợ cho người trông coi di tích thấp, hiện tại: tổ trưởng là 300.000đ/người/tháng, tổ phó: 280.000đ/người/tháng, tổ viên: 260.000đ/ người/tháng [27, tr.4].
Tổ quản lý, bảo vệ đền Quát hiện nay còn nhiều hạn chế, cao tuổi, (Ông Phạm Văn Đảm - tổ trưởng tổ quản lý di tích năm nay 65 tuổi, Ông Phạm Quang Khanh - tổ phó 63 tuổi, ông Phạm Quang Vĩnh - tổ viên 64 tuổi, yếu về sức khỏe, thiếu về kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản nên thiếu sự ràng buộc trách nhiệm. Trong khi đó các lớp tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức ra vẫn mang tính hình thức, nặng về lý thuyết, ít mang tính thực tế, thời gian học tập ngắn, không có hỗ trợ kinh phí học tập hoặc có nhưng cũng rất ít.
Thành viên Ban quản lý di tích đều là kiêm nhiệm, không có biên chế cho cán bộ chuyên trách nên dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý. UBND xã thành lập Ban quản lý di tích, nhưng đến kỳ lễ hội thì UBND huyện thành lập Ban tổ chức, mà thực tế Ban Di tích cũng có thể đảm trách việc này. Vì chưa có cơ chế, chính sách, quy định phân cấp cụ thể, hay hình thức tổ chức và trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích nên có sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm ở hai Ban nói trên.
Có thể bạn quan tâm!
- Mặt Trận Tổ Quốc Và Các Đoàn Thể, Tổ Chức Xã Hội
- Quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Quát, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - 7
- Kiểm Tra, Giám Sát Và Thi Đua Khen Thưởng
- Đối Với Các Chủ Thể Quản Lý (Nhà Nước, Cộng Đồng)
- Xây Dựng Hình Thức Và Nội Dung Tuyên Truyền, Quảng Bá Thiết Thực
- Gắn Quản Lý Di Tích Với Phát Triển Du Lịch Địa Phương
Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của nhân dân nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: việc nhận thức và hành động của nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Luật Di sản văn hóa và tham gia quản lý, bảo vệ,
giữ gìn các di tích vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở.
Các thành viên trong Ban quản lý di tích vì không có trình độ chuyên môn nên khi tiếp nhận đồ thờ công đức, cung tiến không chọn lọc nên cách bài trí đồ lễ lộn xộn. Trước đây có xảy ra việc đưa vào di tích các đồ thờ tự không phù hợp với loại hình di tích nên ít nhiều ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích.
Tổ trưởng tổ quản lý di tích mới làm tròn nhiệm vụ bảo vệ, vệ sinh và hương khói, thiếu chuyên môn về tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích.
Thành phần ban quản lý chưa có sự tham gia nhiều của đại diện cộng đồng địa phương - chủ thể của Di sản văn hóa.
Trong hoạt động du lịch lễ hội, công tác hướng dẫn khách tham quan tại di tích còn thiếu nên du khách phải tự tìm hiểu. Chưa có tài liệu về truyền thống văn hóa của làng, về lễ hội.
Vào những ngày tết Nguyên đán, lễ hội thì tình trạng đốt vàng mã nhiều, khách tham quan đến lễ đặt tiền lẻ vào tượng 02 trâu trắng, nhét vào các khe tượng gây phản cảm. Tiền lẻ rải từ ban thờ phía trên đến bệ thờ phía dưới. Vàng mã cũng “ngập” các ban thờ. Do lượng khách đông nên khu vực đốt vàng mã luôn “đỏ lửa”, mọi người phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt. Có những ngày, vàng mã chất cao quá đầu người, nhiều con ngựa mã cao tới 2m cũng được đốt hết lượt này đến lượt khác. Nạn đổi tiền lẻ vẫn chưa chấm dứt hẳn. Nhiều lối đi của đền Quát có rác do những người thiếu ý thức xả ra dù ban tổ chức lễ hội có chuẩn bị kỹ càng đến đâu nhưng người dân chưa thay đổi ý thức.
Việc bố trí hàng quán phục vụ dịp lễ tết chưa hợp lý: vào dịp lễ hội đền Quát và dịp tết, các dịch vụ phục vụ bủa vây ngay từ cổng, tràn vào sân di tích. Sân văn chỉ của di tích cũng la liệt các quán hàng ăn uống, gây cản
trở việc đi lại của khách lễ cũng như giao thông. Khu vực ngã ba chợ Buộm thường xuyên bị tắc do đường nhỏ, đặc biệt là trong dịp lễ hội.
Trước cửa đền có hồ bán nguyệt, ban quản lý có thả cá vàng, rùa nhiều du khách tham quan vất thức ăn cho cá rồi xả rác luôn xuống hồ. Ban quản lý có nhắc nhở nhưng khách tham quan tùy tiện thắp hương khiến không khí trong đền đều đặc quánh mùi hương. Ở phía bãi bơi của di tích có trưng bày voi đá và ngựa đá, nhưng khi các đoàn tham quan đến thì lại cưỡi lên voi, lên ngựa làm mất mĩ quan, nhất là trẻ em và học sinh.
Khu vực ngã ba chợ Buộm, lối rẽ vào đền Quát thường xuyên bị tắc do đường nhỏ, đặc biệt là trong dịp lễ hội, tết nguyên đán.
Vì bãi để xe chưa được xây dựng nên du khách bắt buộc để xe vào trong sân đền, ngoài đường gây mất mĩ quan và ảnh hưởng đến giao thông.
Nhiều nam thanh nữ tú đến dự hội nhưng lại mặc váy ngắn, quần cộc gây bức xúc cho người đến lễ.
Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích chưa hiệu quả, kéo dài tiến độ thời gian thi công vì thiếu kinh phí do UBND huyện Gia Lộc còn phải đầu tư xây dựng, tu bổ các di tích khác.
Ngoài dịp lễ hội thì bờ lạch đỏ lại là nơi đổ vật liệu xây dựng [PL 7.23, tr.140], hay nhân dân còn trồng rau trong khuôn viên di tích [PL 7.24, tr.140].
Hiện nay, đền Quát chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có thể nói, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do đội ngũ cán bộ của Ban quản lý di tích đền Quát mỏng, chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt là chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn di tích nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chưa làm hết chức năng của mình. Công tác quản lý còn buông lỏng, có nhiều sự việc xảy ra không xử lý dứt điểm, vẫn còn nể nang, né tránh ...mà tồn tại nhiều hạn chế trong công tác quản lý di tích và lễ hội và khó khắc phục.
Tiểu kết
Khảo sát thực trạng quản lý đền Quát cho thấy, về cơ bản, các nội dung quản lý di tích như tuyên truyền, trung tu, tôn tạo hay bảo vệ di tích, quản lý tài chính, thanh - kiểm tra, các bộ phận chức năng, ở cấp độ nhà nước hay cộng đồng đều được quán triệt tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ. Mọi thành viên trong tổ chức nhà nước cũng như phía cộng đồng đều đã cố gắng làm tốt vai trò của mình trong các nhiệm vụ được phân công tương ứng với các nội dung quản lý, có sự phối hợp khá chặt chẽ. Việc tu bổ, tôn tạo di tích từ việc bảo đảm đầy đủ hồ sơ thiết kế mỹ thuật được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đến giám sát các công việc cụ thể nên đã không làm biến dạng di tích. Di tích đền Quát được tu bổ khang trang và tổ chức lễ hội lớn hàng năm ở đây được thực hiện tốt, ngày càng cuốn hút nhiều du khách ở các vùng miền trong và ngoài tỉnh tham quan, nhất là dịp lễ hội.
Ngoài những thành tựu nói trên, hoạt động quản lý đền Quát vẫn còn xuất hiện những hạn chế như chưa phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan khi thực hiện bảo vệ di tích, không gian tín ngưỡng, các dịch vụ văn hóa trong ngày hội, tuyên truyền và giáo dục ý thức của người đến lễ, ý thức bảo vệ môi trường,...
Chương 3
NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ ĐỀN QUÁT
3.1. Định hướng của huyện Gia Lộc về quản lý di tích lịch sử văn hóa
3.1.1. Tình trạng chung về quản lý di tích lịch sử văn hóa ở Hải Dương
Theo số liệu thống kê, “Hải Dương hiện nay có 04 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 146 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 113 di tích xếp hạng cấp tỉnh và số lượng di tích được dự kiến xếp hạng trong năm 2018 là khoảng 07 di tích” [34, tr.4]. Một trong những kết quả nổi bật của các năm trước đây là công tác quản lý di tích có sự tham gia của nhiều cấp, ngành, qua đó nắm được những khó khăn, hạn chế, từ đó cơ sở địa phương có những đề xuất, kiến nghị để kịp thời có những định hướng, chỉ đạo về quản lý di tích trong tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tiếp thu ý kiến của các địa phương để tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện việc quản lý di tích đúng quy định pháp luật và quy chế quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế quản lý và các quy định để xây dựng nội dung về quản lý và phân cấp quản lý giữa Sở, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và Ban quản lý di tích cơ sở.
Thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh đã kịp thời triển khai các quy định của pháp luật về công tác quản lý, tu bổ, phục hồi, khai thác và phát huy giá trị DTLSVH trên địa bàn tỉnh. Đến nay, phần lớn các di tích được công nhận đều được đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Công tác khai thác và phát huy giá trị các di tích từng bước có hiệu quả, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di tích của các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng di tích xuống cấp nhiều,
mặc dù đã được chính quyền quan tâm đầu tư, huy động xã hội hóa để tu bổ nhưng các công trình đã ổn định từ nhiều năm nên khó khăn trong việc di dời, cải tạo, sửa chữa... Việc rà soát phạm vi bảo vệ chỉ thực hiện đối với di tích đã xếp hạng, chưa thực hiện đối với di tích chưa xếp hạng, xác định hiện trạng về sử dụng đất, nhà và di tích, những vấn đề tồn tại hay hạn chế cần xử lý, khắc phục, việc xác định rõ trách nhiệm quản lý giữa các cấp, các bên tham gia, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn chậm... Công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa ở địa phương những năm qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế, yếu kém, ngành văn hóa tỉnh chưa thực hiện tổng kiểm kê khoa học các di tích chưa được xếp hạng; cấp huyện chưa thực hiện lập hồ sơ quy hoạch, chưa xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ, nâng cấp và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý. Các hoạt động tại di tích còn sơ sài, chủ yếu tổ chức tìm hiểu các hoạt động tìm hiểu về di tích vào các ngày lễ, một bộ phận người dân địa phương vẫn còn thờ ơ với di tích.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương chưa tương xứng với tầm vóc của di sản; việc quản lý, bảo vệ di tích, di vật, hiện vật ở một số địa phương chưa thực sự tốt; diện tích một số di tích hẹp, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên khó khăn trong tổ chức các họat động văn hóa; hoạt động lễ hội còn mang tính hành chính (chỉ đạo của cơ quan nhà nước), quần chúng nhân dân chưa thật sự làm chủ; công tác tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu...
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ mà tỉnh Hải Dương xác định là giao các huyện, thành phố tiếp tục rà soát về phạm vi bảo vệ di tích và xác định hiện trạng sử dụng đất của di tích; những tồn tại, hạn chế cần xử lý, khắc phục, tiếp tục thực hiện và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có di tích đền Quát, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương hiện đang tổng hợp, trình danh mục thống kê chi tiết các di tích xuống cấp để tu bổ. Điều tra của tỉnh cho thấy, trong số các do tích đã xếp hạng quốc gia có khoảng 18% số di tích cần tu bổ và việc này phải được các cấp có thẩm quyền chấp thuận theo chủ trương nhà nước, lập dự án theo quy định.
Trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục tập trung nguồn lực để tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, UBND tỉnh xem xét, bố trí từ nguồn xây dựng cơ bản để đầu tư, tu bổ các di tích. Bên cạnh đó là nguồn kinh phí sự nghiệp hỗ trợ, sửa chữa.
Để công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đạt hiệu quả tốt, trong thời gian tới, UBND tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch điều chỉnh, sửa đổi một số quy định về quản lý, tu bổ, phục hồi các di tích cho phù hợp. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện trùng tu, tôn tạo, tu bổ và phục hồi các di tích trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến 2025; ưu tiên bố trí kinh phí để tu sửa các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng [33, tr.5].
UBND tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa tiến hành tổng kiểm kê hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh; thực hiện rà soát, điều chỉnh diện tích khoanh vùng phù hợp và thực hiện cắm mốc giới tất cả các di tích đã xếp hạng; lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di tích đã được xếp hạng và lập quy hoạch hệ thống di tích để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích.
UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thành phố nơi có di tích xây dựng kế hoạch bảo tồn, tu bổ, nâng cấp và phát huy giá trị các di tích thuộc thẩm quyền quản lý...