CHƯƠNG 3
THỰC TIỄN THỰC THI VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CỦA PHÁP LUẬT CHỐNG CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH Ở VIỆT NAM
3.1. Thực tiễn thực thi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh Một số hạn chế và nguyên nhân
Hiện tại việc xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh kể trên nói chung còn hết sức khiêm tốn. Điều này có nguyên nhân cả từ trong sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Về quy định của pháp luật, hệ thống pháp luật cạnh tranh Việt Nam có nhiều điểm không rõ ràng cả về đối tượng, phạm vi áp dụng, đến những vấn đề mang tính kỹ thuật như chứng minh yếu tố lỗi, xác định thiệt hại, phân định ranh giới và giải quyết chồng lấn với các lĩnh vực pháp luật liên quan, chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhiều quy định dừng lại ở mức định tính do chưa thể định lượng gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế. Nội dung quy định chưa cụ thể không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý, mà còn cho cả các tổ chức, cá nhân liên quan để trong việc nhận thức, tìm hiểu và vận dụng pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Việc chồng lấn giữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh và các lĩnh vực pháp luật khác là một đặc điểm cơ bản khó có thể thay đổi và được chấp nhận trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia, và Việt Nam sẽ không thể là ngoại lệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam đã thiếu vắng các quy định về giải quyết xung đột pháp lý cũng như phân định thẩm quyền của các cơ quan thực thi. Tình trạng chồng lấn thẩm quyền, thiếu khả năng hợp tác hiệu quả của các cơ quan thực thi trong khi luật nội dung còn chưa cụ thể đã gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động triển khai thực thi pháp luật, không chỉ đối với Cục Quản lý cạnh tranh mà còn đối với cả các cơ quan khác, thể hiện qua số lượng vụ việc liên quan được các cơ quan khác như thanh tra, quản lý thị trường xử lý cũng không nhiều. Lấy ví dụ các quy định chống thông tin, quảng cáo so sánh nói xấu doanh nghiệp khác, hoặc quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn tại Pháp lệnh Quảng cáo và nhiều văn bản khác được ban hành trước Luật Cạnh tranh một thời gian dài, tuy nhiên theo thông tin từ cơ quan Thanh tra văn hoá, số lượng vụ việc được các cơ quan này thụ lý, xử lý đến nay vẫn không đáng kể.
Về chủ quan, Cục Quản lý cạnh tranh mới thành lập và được giao chức năng, nhiệm vụ thực thi Luật Cạnh tranh kể từ năm 2006 theo Nghị định số 06/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2006 với những lĩnh vực mới và phức tạp, bao gồm cả thực thi
pháp luật cạnh tranh, phòng vệ thương mại quốc tế (chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ), bảo vệ người tiêu dùng. Công tác điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh được giao về Ban chuyên môn có lực lượng 06 người, trong đó có 04 điều tra viên cạnh tranh. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Cục đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao tuy nhiên, để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thời gian tới, Cục cần bổ sung nguồn lực, cũng như tích cực đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên, điều tra viên cạnh tranh. Cụ thể:
Có thể bạn quan tâm!
- Khuyến Mại Nhằm Cạnh Tranh Không Lành Mạnh
- Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh - 7
- Trình Tự Tố Tụng Xử Lý Cạnh Tranh Không Lành Mạnh
- Pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh - 10
Xem toàn bộ 85 trang tài liệu này.
Thứ nhất, do hệ thống pháp luật nước ta quy định không đầy đủ, không đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa có những hướng dẫn chi tiết về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh mà mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, từ đó dẫn đến việc hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. Trong một số trường hợp, nhiều chủ thể đã lợi dụng kẽ hở này để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ hai, nguồn lực thực thi pháp luật cạnh tranh ở nước ta còn rất thấp. Theo quy định của Điều 52 - Luật cạnh tranh Việt Nam, điều tra viên phải là những người có thời gian công tác thực tế ít nhất là 5 năm thuộc một trong các lĩnh vực luật, kinh tế và tài chính. Trong khi thực tế các cán bộ, nhân viên của Cục Quản lý cạnh tranh hiện nay đến hơn 80% là những cán bộ mới ra trường hoặc có ít hơn 5 năm kinh nghiệm. Vì vậy, căn cứ các tiêu chuẩn nói trên, tính đến nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới chỉ bổ nhiệm gần 20 điều tra viên. Trong khi đó, môi trường cạnh tranh ngày càng gắt gao mang tính sống còn với doanh nghiệp, tâm lý chạy theo lợi nhuận, lợi dụng sự thiếu vắng một khung pháp lý hoàn chỉnh điều chỉnh các hoạt động kinh tế, cũng như khe hở của các quy định pháp luật hiện hành, ... đã làm xuất hiện trên thị trường nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại đến nền kinh tế.
Thứ ba, do nhận thức, sự thiếu hiểu biết của chủ thể tiến hành hoạt động cạnh tranh và của người tiêu dùng. Nhiều trường hợp doanh nghiệp tiến hành cạnh tranh cũng không biết việc cạnh tranh của mình là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thì thờ ơ trước hành vi vi phạm của doanh nghiệp, với quan niệm hành vi đó không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nên lặng im cho qua. Nhưng thực tế hành vi cạnh tranh đó không chỉ gây thiệt hại về lợi ích cho chính khách hàng đó mà còn ảnh hưởng tới nhiều người tiêu dùng khác và cùng với đó là nhiều doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng làm cho môi trường cạnh tranh trở nên thiếu lành mạnh.
Thứ tư, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh trong hoạt động cạnh tranh không lành mạnh còn thấp, chưa đủ răn đe, nhiều chủ thể biết hành vi của mình là vi phạm nhưng vẫn thực hiện hành vi đó do việc thu được lợi nhuận cao hơn so với việc nộp phạt.
Thứ năm, công tác quản lý việc thực thi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh còn yếu kém. Công tác quản lý thực thi pháp luật cạnh tranh là việc xem xét các doanh nghiệp hoạt động có đúng với khuôn khổ của các quy định của pháp luật cạnh tranh không. Công tác quản lý việc thực thi pháp luật cạnh tranh còn nhiều hạn chế bởi rất
nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đầu tiên, phải kể đến tính phức tạp trong việc quản lý những hoạt động của các doanh nghiệp nhằm mục tiêu cạnh tranh. Thêm vào đó, ý thức thực thi công vụ của các đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cạnh tranh còn chưa cao.
Thứ sáu, do pháp luật thiếu cơ chế bảo đảm quyền lợi cho khách hàng đứng ra đấu tranh chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong thương trường vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà thương nhân có những hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Việc thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động sẽ làm xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp trên thị trường và cũng gây ra thiệt hại đối với lợi ích của khách hàng hay người tiêu dùng nói chung. Về quy định của pháp luật cạnh tranh có quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 58 khoản 1 và Điều 65 khoản 1 Luật cạnh tranh năm 2004. Theo đó, tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của pháp luật cạnh tranh có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định thêm những cơ chế khác để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng triệt để hơn nữa. Xét trên bình diện khía cạnh xã hội, các doanh nghiệp bao giờ cũng là một bên có tiềm lực kinh tế. Do vậy, khách hàng hay đặc biệt là người tiêu dùng nhỏ lẻ thì càng yếu thế hơn so với doanh nghiệp. Khi xảy ra tranh chấp, việc khách hàng tham gia vụ việc và đi đến cùng để giành lại phần thắng về phía mình là một điều rất khó khăn.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp bị cạnh tranh không lành mạnh cũng không thiết tha và cảm thấy nản lòng khi tốn thời gian và tiền bạc vào việc kiện cáo lòng vòng mà kết quả có khi lại không như mình mong muốn. Thay bằng việc nhờ vào pháp luật xử lí những hành vi vi phạm thì các doanh nghiệp này lại dùng những chiêu bài khác "chơi xấu” lại đối thủ, điển hình như việc cạnh tranh giữa các mạng di động thời gian gần đây. Việc trả đũa lại đối thủ vô hình trung lại tạo thành một vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh mới. Nếu tình trạng này kéo dài, thị trường sẽ trở nên hỗn loạn. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và ổn định thị trường.
3.2. Một số kiến nghị nằm tăng cường hiệu quả của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam
3.2.1. Những đề xuất trong việc hoàn thiện pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh
3.2.1.1. Mở rộng chủ thể áp dụng đối với các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh 2004
Chủ thể của Luật Cạnh tranh 2004 là các tổ chức, cá nhân kinh doanh (doanh nghiệp) và các hiệp hội hành nghề, không bao gồm: các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, các loại hình bán kinh doanh khác như: các nhà in, nhà xuất bản, các tạp chí, báo ( trong số này nhiều
cơ sở không được coi là doanh nghiệp theo cách hiểu của Luật Cạnh tranh 2004). Khi các chủ thể này có hành vi cạnh tranh không lành mạnh song không bị Luật Cạnh tranh điều chỉnh do không đáp ứng điều kiện chủ thể, lúc này hành vi của chủ thể sẽ bị xử lý theo quy định của văn bản pháp luật khác. Như vậy, pháp luật đã tạo ra hai mặt bằng pháp lý nhằm chỉ để xử lý một loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh có cùng bản chất.
Để các quy định chống cạnh tranh không lành mạnh có hiệu quả và thuận tiện trong việc áp dụng tránh tình tạng cùng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng bị xử lý bằng nhiều văn bản khác nhau thì Luật Cạnh tranh 2004 nên mở rộng phạm vi chủ thể áp dụng không nên chỉ giới hạn đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp mà nên mở rộng đối với tất cả các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng áp dụng cũng sẽ tạp thuận lợi trong việc áp dụng các quy định khác có liên quan.
3.2.1.2. Bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đứa Luật Cạnh tranh vào thực tiễn thông qua việc ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành như: Nghị định 116/2005/NĐ-CP (15/09/2005) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, Nghị định 120/2005/NĐ-CP (30/09/2005) xử lý hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định 05/2006/NĐ-CP (09/01/2006) hướng dẫn việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của hội đồng cạnh tranh, Nghị định 06/2006/NĐ-CP, Nghị định 27/2006/QĐ-BMT,… tuy vậy, những hướng dẫn trong các nghị định này chủ yếu tập trung vào các quy định hạn chế cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh. Đến nay, còn rất nhiều vấn đề cần được cụ thể hóa, giải thích và hướng dẫn thực thi nhất là trong điều kiện hiến định Việt Nam khi mà Tòa án không có chức năng giải thích luật. Kiến nghị một số vấn đề sau đây cần được bổ sung để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng luật trong khu vực cũng như trên Thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế hiện nay của Việt Nam.
- Bổ sung các hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp mang tính cạnh tranh vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn trong Luật Cạnh tranh, đồng thời làm rõ các dấu hiệu nhận dạng đối với biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh
- Quy định cụ thể các yếu tố nhận dạng hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác để từ đó có thể phân biệt rõ ràng giữa quyền được tự do ngôn luận với hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác
- Bổ sung hình thức quảng cáo gây quấy rầy vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh
- Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nên
- Hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh
- Hoàn thiện các quy định về bán hàng đa cấp, bán hàng đa cấp bất chính trong pháp luật về cạnh tranh
- Bổ sung quy định về bán hàng hóa hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ thị trường nhằm cạnh tranh không lành mạnh vào nhóm hành vi cạnh tranh bị cấm
- Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nên
- Hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh
3.2.2. Những đề xuất trong việc hỗ trợ bảo đảm thực thi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh
3.2.2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu nên hướng tới là cộng đồng doanh nghiệp.
Nội dung tuyên truyền cần giúp các doanh nghiệp nhận diện rõ những hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh và quyền khiếu nại, khởi kiện của doanh nghiệp bị xâm hại, các hình thức chế tài có thể được áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm.
Các nội dung khác như trình tự, thủ tục khiếu nại, khởi kiện đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phạm vi chứng minh, kinh nghiệm xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng cần được tuyên truyền, phổ biến.
Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh cũng nên được đưa thành một nội dung trong công tác đào tạo cử nhân luật, cử nhân kinh tế, thương mại ở nước ta.
3.2.2.2. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ
Xử lý cạnh tranh không lành mạnh là những vấn đề pháp lý rất mới ở nước ta. Chính vì thế, trong thời gian tới, Bộ Thương mại cần có biện pháp thích hợp để đào tạo cán bộ, nhất là các cán bộ hoạt động thực tiễn trong vấn đề này (điều tra viên). Hình thức đào tạo cán bộ có thể đa dạng (đào tạo chính quy hoặc ngắn hạn; đào tạo trong nước hoặc đào tạo ở nước ngoài).
Bên cạnh đó, phía Toà án nhân dân Tối cao cũng cần có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán thích hợp để chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
3.2.2.3. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh
Đấu tranh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam nhưng lại là lĩnh vực mà nhiều quốc gia trên thế giới rất có kinh nghiệm.
Quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh năm 2004 cho thấy các nhà lập pháp Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng khi phải đối mặt với lĩnh vực đầy mới mẻ này. Trong bối
cảnh ấy, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề về cạnh tranh trong đó có cạnh tranh không lành mạnh là rất cần thiết. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới Bộ Công thương cần có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam và các cán bộ của cơ quan ấy có thêm kiến thức, năng lực và trình độ để xử lý các vấn đề mà thực tiễn Việt Nam đặt ra.
KẾT LUẬN
Pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã có những quy định cơ bản để điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên hiện chưa đủ để đáp ứng các yêu cầu ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ môi trường cạnh tranh, quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cho thấy việc điều chỉnh cạnh tranh không lành mạnh cần có một cơ chế mở và linh hoạt để thích ứng với những diễn biến đa dạng và liên tục của thị trường. Do đó Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh theo hai hướng: một mặt xây dựng các quy định cụ thể hoá tiêu chí đánh giá và dạng biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, mặt khác tăng thẩm quyền cho cơ quan xử lý, có thể là cơ quan cạnh tranh hay toà án, trong việc đánh giá, kết luận về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, để có thể chủ động xử lý hiệu quả các vụ việc về cạnh tranh không lành mạnh trên thực tế.
Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh bao gồm cả xây dựng các quy định để giải quyết xung đột pháp luật và phân định thẩm quyền giữa các cơ quan thực thi. Đây là một nội dung hết sức cần thiết xét trên hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam có cơ chế thực thi pháp luật chung tương đối cứng nhắc và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế.
Trên cơ sở Luật Cạnh tranh 2004 kết hợp cùng với các văn bản, tài liệu pháp luật khác có liên quan, luận văn đã phân tích, luận giải, nhận dạng các hành vi cạnh tranh lành mạnh phổ biến hiện nay. Đồng thời, so sánh pháp luật cạnh tranh không lành mạnh của Việt Nam với pháp luật cạnh tranh không lành mạnh của một số nước trên Thế giới từ đó chỉ ra các bất cập trong các quy định hiện hành và công tác thực thi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Từ cơ sở phân tích thực trạng trên, luận văn đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế những bất cập và đảm bảo việc thực thi luật có hiệu quả. Các biện pháp phù hợp với thực trạng Việt Nam:
- Mở rộng chủ thể áp dụng đối với các quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh 2004
- Bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh bảo đảm tính thống nhất, toàn diện, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Bổ sung các hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp mang tính cạnh tranh vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn trong Luật Cạnh tranh, đồng thời làm rõ các dấu hiệu nhận dạng đối với biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh
Quy định cụ thể các yếu tố nhận dạng hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác để từ đó có thể phân biệt rõ ràng giữa quyền được tự do ngôn luận với hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác
Bổ sung hình thức quảng cáo gây quấy rầy vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nên
Hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục xử lý đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Hoàn thiện các quy định về bán hàng đa cấp, bán hàng đa cấp bất chính trong pháp luật về cạnh tranh
Bổ sung quy định về bán hàng hóa hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ thị trường nhằm cạnh tranh không lành mạnh vào nhóm hành vi cạnh tranh bị cấm
Hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây nên
Hoàn thiện cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh
- Những đề xuất trong việc hỗ trợ bảo đảm thực thi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh
Tăng cường công tác đào tạo cán bộ
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh