Hoàn Thiện Các Quy Định Về Trách Nhiệm Ra Quyết Định Khởi Tố, Quyết Định Không Khởi Tố Vụ Án Hình Sự

nhưng không quá ba tháng. Việc gia hạn kiểm tra, xác minh phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

3.2.1.3. Hoàn thiện các quy định về trách nhiệm ra quyết định khởi tố, quyết định không khởi tố vụ án hình sự

Về tình trạng nhiều CQĐT không thực hiện trách nhiệm ra quyết định không khởi tố VAHS khi không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có ý kiến cho rằng không nên quy định cho CQĐT có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như hiện nay [119], vì chính quy định về thẩm quyền như trên đã tạo ra sự tùy tiện, lạm dụng cho CQĐT trong những trường hợp đáng lẽ phải xử lý hình sự nhưng chuyển sang xử lý hành chính mà sự tùy tiện, lạm dụng này rất khó bị kiểm soát. Do vậy, cần bỏ quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 30 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Những ý kiến trên không phải là hoàn toàn không có cơ sở, tuy nhiên, để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn, chúng tôi cho rằng cần phải gắn với mô hình tổ chức CQĐT ở Việt Nam hiện nay. Đa số các CQĐT ở nước ta thuộc lực lượng Công an nhân dân. Các CQĐT này theo mô hình tổ chức của pháp luật hiện hành vừa làm công tác điều tra tội phạm, vừa phải thực hiện chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội. CQĐT là một bộ phận quan trọng của lực lượng Công an nhân dân thực hiện đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Điều 14 Luật Công an nhân dân quy định Công an nhân dân có thẩm

quyền tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của pháp luật... Để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thực hiện thống nhất quản lý về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội mà Luật Công an nhân dân quy định, quy định như khoản 5, khoản 7 Điều 30 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như hiện nay là hợp lý. Về lâu dài, để bảo đảm không bị lẫn lộn giữa thẩm quyền quản lý hành chính về trật tự xã hội và thẩm quyền điều tra tố tụng; để hạn chế những tùy tiện, lạm dụng thẩm quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới, về chức năng, CQĐT được quy định là cơ quan chuyên trách để thực hiện chức năng điều tra tội phạm, và về cơ cấu tổ chức, CQĐT không nằm trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước về trật tự, an toàn xã hội hay cơ quan có chức năng bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, với mô hình tổ chức CQĐT như hiện tại, rất khó để có thể bỏ quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của CQĐT. Chúng tôi cũng đề xuất nghiên cứu việc phân định rò nét hơn thẩm quyền quản lý hành chính và thẩm quyền tố tụng của CQĐT trong lực lượng Công an nhân dân.

Cũng có ý kiến đề xuất BLTTHS quy định VKS có thẩm quyền kiểm sát việc xử lý hành chính của CQĐT. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 137 Hiến pháp, VKS chỉ có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp và đã không còn thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội (kiểm sát chung) như trước đây. Ngoài ra, còn có ý kiến đề xuất sửa đổi BLTTHS nhằm quy định Viện kiểm sát là đầu mối tiếp nhận và quyết định việc phân loại, xử lý tất cả tố giác, tin báo về tội phạm do cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp [119]. Tuy nhiên, ý kiến này cũng không khả thi. Do đó, chúng tôi cho rằng trước mắt cần hoàn thiện pháp luật TTHS với những biện pháp cụ thể nhằm ràng buộc hơn nữa trách nhiệm của CQĐT trong việc ra quyết định khởi tố hay không khởi tố VAHS cũng như

những biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm phát huy hơn nữa vai trò của VKS trong giai đoạn khởi tố VAHS. Với cách đặt vấn đề như vậy, trong giải pháp tổng thể về hoàn thiện pháp luật TTHS, chúng tôi phân tích và đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể dưới đây.

Tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS năm 2003 quy định: "2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự". Như vậy, cuối giai đoạn khởi tố, CQĐT có trách nhiệm quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố VAHS. Mặc dù BLTTHS năm 2003 đã bổ sung từ "quyết định" trước cụm từ "không khởi tố vụ án hình sự", nhưng vẫn cần phải làm rò: "quyết định" trong trường hợp này là hành vi tố tụng hay văn bản tố tụng. Hơn nữa, trong khi khoản 2 Điều 103 BLTTHS quy định: "Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự" - có nghĩa là chỉ có sự lựa chọn một trong hai quyết định khởi tố hoặc không khởi tố VAHS thì tại Điều 108 BLTTHS quy định: "... nếu xét cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết", như vậy, đã tạo thêm một sự lựa chọn thứ ba là không ra quyết định không khởi tố VAHS mà chuyển cơ quan khác xử lý.

Vì thế, với trường hợp quyết định khởi tố thì đương nhiên ra văn bản "Quyết định khởi tố vụ án hình sự" nhưng với trường hợp quyết định không khởi tố thì nhiều nơi lại không ra văn bản "Quyết định không khởi tố vụ án hình sự" mà ra quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc trực tiếp chuyển cơ quan khác xử lý bằng biện pháp khác. Điều này dẫn tới việc không kiểm sát được kết quả và quan điểm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền khởi tố, tạo

cơ hội cho tiêu cực nảy sinh. Vì vậy, theo chúng tôi cần thống nhất nhận thức "quyết định" trong cả hai trường hợp khởi tố hay không khởi tố đều phải thể hiện bằng văn bản tố tụng, có nghĩa là ngay cả khi CQĐT quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc trực tiếp chuyển cơ quan khác xử lý thì cũng phải ban hành quyết định không khởi tố VAHS. Đề xuất này có thể bị một số ý kiến cho rằng sẽ làm phức tạp hóa vấn đề. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn phải thực hiện để hạn chế tính tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật hình sự cũng như hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm từ chính CQĐT và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà chức năng kiểm sát "chung" của VKS không còn tồn tại, vì thế, cũng rất khó kiểm sát các trường hợp áp dụng pháp luật hành chính, dân sự để giải quyết những vụ việc cần phải xử lý hình sự. Chống bỏ lọt tội phạm ngay từ khâu lựa chọn biện pháp xử lý là một đòi hỏi quan trọng mà chưa có giải pháp hữu hiệu. Do đó, dù tốn kém, dù mất nhiều thời gian nhưng chúng tôi cho rằng trong mọi trường hợp sau khi tiếp nhận và kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thấy có căn cứ để xử lý hành chính thì các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vẫn phải ra quyết định không khởi tố VAHS. Mặt khác, BLTTHS cũng chỉ có thể dành cho VKS sự kiểm sát hai quyết định của CQĐT: khởi tố VAHS, không khởi tố VAHS. Nếu xét quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ thì VKS yêu cầu CQĐT ra quyết định hủy bỏ, nếu CQĐT không hủy bỏ thì VKS trực tiếp ra quyết định hủy bỏ; nếu xét quyết định không khởi tố vụ án không có căn cứ thì VKS yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố VAHS, nếu CQĐT không khởi tố thì VKS trực tiếp ra quyết định khởi tố. Nhưng đối với trường hợp xử lý bằng biện pháp khác thì VKS không có căn cứ luật định để kiểm sát.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi Điều 108 BLTTHS với việc bổ sung cụm từ "ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và" trước cụm từ "chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết", cụ thể:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

1. Khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rò lý do; nếu xét cần xử lý bằng biện pháp khác thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết.

Khoản 3 Điều 103 BLTTHS hiện hành quy định: "Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết" nhưng không quy định hình thức và thời hạn thông báo cho cơ quan tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết, hơn nữa nội dung thông báo rất chung chung và không có cơ sở để khẳng định kết quả đó là đúng hay sai, có phù hợp với các tài liệu chứng cứ phản ánh sự thật khách quan không và đặc biệt là không trả lời được câu hỏi cơ quan có thẩm quyền khởi tố đã làm gì để xác minh thông tin về tội phạm mà họ đã cung cấp. Do đó, hạn chế này đã góp phần định hình trong tâm lý người dân là khởi tố, xử lý VAHS là quyền mà không phải là nghĩa vụ của CQĐT và các chủ thể khởi tố khác.

Nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự trong luật tố tụng hình sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 20

Vì vậy, sau khi kiểm tra, xác minh tin báo tố giác về tội phạm, tùy theo kết quả xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm, theo chúng tôi, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải ra hai trong ba văn bản sau:

Trường hợp thứ nhất: có dấu hiệu của tội phạm, chủ thể khởi tố ra Quyết định khởi tố vụ án và ra văn bản thông báo kết quả quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố cho VKS cùng cấp và cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết.

Trường hợp thứ hai: khi có căn cứ không khởi tố, chủ thể khởi tố ra Quyết định không khởi tố vụ án và ra văn bản thông báo kết quả quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố cho VKS cùng cấp

và cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Trong văn bản thông báo này, nêu rò sự việc được xử lý hành chính hoặc chuyển cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền.

Do đó, cần quy định cụ thể hơn khoản 3 Điều 103 BLTTHS năm 2003 về trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền trong việc thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố như sau: "3. Kết quả quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố phải được thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết".

Với sự bổ sung này, có hai quy định mới để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khởi tố:

Một là, trong mọi trường hợp khi đã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố mà không khởi tố vụ án (trừ trường hợp chuyển cơ quan khác đúng thẩm quyền để khởi tố và xử lý vụ án) đều phải ra quyết định không khởi tố VAHS.

Hai là, trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố: về hình thức, bằng văn bản mà không phải là bằng bất kỳ hình thức nào khác; về nội dung, văn bản này phải phản ánh quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Từ đó, cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác giám sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định xử lý này và VKS cũng thuận lợi hơn trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, hạn chế trường hợp xử lý bằng biện pháp khác hoặc chuyển cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết nhằm bỏ lọt tội phạm mà không ai biết, không ai giám sát.

Như vậy, với các quy định mới như trên, cùng với biện pháp VKS luân phiên cử cán bộ trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận thông tin về tội phạm

tại CQĐT, với biện pháp một thông tin về tội phạm được ghi nhận đồng thời trong sổ tiếp nhận của CQĐT và VKS, với biện pháp sử dụng phần mềm quản lý và truyền dẫn dữ liệu về tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua các cổng thông tin điện tử giữa CQĐT, VKS, cùng với các biện pháp khác sẽ đề cập dưới đây, chúng tôi cho rằng sẽ có sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn khởi tố VAHS.

Về mở rộng thẩm quyền khởi tố vụ án của Viện kiểm sát

Như đã phân tích những bất cập của việc giới hạn VKS chỉ có thẩm quyền ra quyết định khởi tố VAHS trong hai trường hợp tại Điều 104 BLTTHS năm 2003: VKS hủy bỏ quyết định không khởi tố của các cơ quan khác và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố vụ án, theo chúng tôi cần phải nới rộng hơn thẩm quyền này. Chúng tôi kiến nghị bổ sung Điều 104 BLTTHS - bổ sung trường hợp thứ ba VKS có trách nhiệm ra quyết định khởi tố VAHS như sau:

Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà xác định được có dấu hiệu của tội phạm, sau khi Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố nhưng quá thời hạn quy định tại Điều 103 Bộ luật này mà yêu cầu của Viện kiểm sát không được thực hiện thì Viện kiểm sát sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

3.2.1.4. Hoàn thiện một số quy định khác

* Về quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố VAHS

Từ các luận cứ lý luận về chức năng của TTHS và từ thực tiễn thực hiện thẩm quyền này của HĐXX đã được phân tích trong Chương 1 và 2 của luận án, chúng tôi đề xuất bỏ quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hoặc yêu cầu khởi tố vụ án của HĐXX tại đoạn 3 khoản 1 Điều 103 và do đó bỏ quy định tại khoản 3 Điều 109 BLTTHS.

* Về Điều 107 BLTHS, các trường hợp không khởi tố VAHS

Chúng tôi đề xuất điều luật này nên được bổ sung trường hợp người bị hại không yêu cầu khởi tố là một căn cứ không khởi tố VAHS. Cụ thể, Điều 107 BLTTHS sẽ quy định các căn cứ không khởi tố VAHS như sau:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu TNHS;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

8. Người bị hại không có yêu cầu khởi tố trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật này.

Như vậy, khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu khởi tố VAHS trong trường hợp vụ án được quy định khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định khởi tố. Đây thực chất là sự sắp xếp lại các điều luật (Điều 107 và Điều 105 BLTTHS) để bảo đảm tính chặt chẽ trong kỹ thuật lập pháp.

* Về trách nhiệm khởi tố VAHS theo yêu cầu của người bị hại

Điều 105 BLTTHS năm 2003: khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, cần được bổ sung như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 105 BLTTHS năm 2003:

Xem tất cả 202 trang.

Ngày đăng: 09/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí