thành viên và phân bổ tốt các nguồn lực có thể kiểm soát được nhằm thực hiện chiến lược phát triển của nội bộ tập đoàn. Các tập đoàn nên đặc biệt chú trọng đến vấn đề nhân sự khi mở rộng kinh doanh, vì nguồn lực con người là tối quan trọng trong quản lý, đặc biệt là trong tình trạng Việt Nam đang khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Chế độ bổ nhiệm và bãi miễn nên dựa trên tiêu chí hiệu quả kinh tế làm đầu và quá trình này cũng cần được công khai với tất cả các cổ đông lớn nhỏ trong tập đoàn để có cái nhìn và đánh giá khách quan.
7. Tận dụng phương thức thuê ngoài (outsourcing):
Các mô hình tập đoàn tiên tiến trên Thế giới và ngay cả các tập đoàn cải cách ở Đông Á đang dần nhận rõ ưu thế của phương thức thuê ngoài (outsourcing) hơn là thành lập hay sở hữu một công ty thành viên, nhất là một công ty sản xuất, để hỗ trợ hoạt động của mình. Tập đoàn Unilever lúc đầu đến Việt Nam đã đầu tư mua hàng loạt các công ty hóa mỹ phẩm của Việt Nam như PS, Rồng Xanh, …Họ bỏ tiền ra hiện đại hóa các nhà máy, làm cho các nhà máy đạt chuẩn quốc tế, làm cho chúng có lãi với hình thức đẹp đẽ rồi lần lượt bán và chuyển giao các nhà máy của họ trên khắp Việt Nam cho các đối tác Việt như Tổng công ty hóa chất. Các đối tác này được Unilever dành cho nhiều ưu đãi đã tiếp quản toàn bộ các nhà máy của Unilever và tiến hành sản xuất theo đơn hàng cho chính Unilever. Vậy là Unilever có thể outsource toàn bộ trách nhiệm với những gì có thể gây ô nhiễm, với những phức tạp khi phải quản lý hàng chục ngàn công nhân cấp thấp. Các tập đoàn Việt Nam nên tìm hiểu và áp dụng phương thức này để giảm bớt gánh nặng của việc liên kết dọc, đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu.
8. Tận dụng lợi thế từ việc liên kết các thành viên trong tập đoàn nhưng không quá phụ thuộc lẫn nhau:
Các thành viên có thể hỗ trợ cho nhau về công nghệ, bí quyết sản xuất, chia sẻ chung một thương hiệu, chương trình đào tạo...như các chaebol đã làm, và thực tế đã cho kết quả rất tốt. Điều này làm tăng tính cạnh tranh của các thành viên, đặc biệt là những doanh nghiệp mới gia nhập ngành. Tập đoàn FPT đã tận dụng được điều này khi họ thành lập công ty Chứng khoán FPT và nhanh chóng đưa công ty này trở thành một trong những công ty chứng khoán được quan tâm nhất nhờ
thương hiệu FPT. Không thể không kể đến việc văn hóa đổi mới và táo bạo của FPT được di truyền cho FPT Security khi công ty này mua hẳn phần mềm giao dịch hiện đại của nước ngoài trong khi các công ty chứng khoán khác thì mua phần mềm chứng khoán của FPT Software. Thậm chí các thành viên có thể vay vốn của công ty mẹ hay của thành viên khác vì tập trung vốn là một ưu điểm rất lớn của mô hình tập đoàn, và trên thị trường còn xảy ra tình trạng thiếu vốn và các ngân hàng từ chối cho vay. Tuy nhiên, các công ty nên hoạt động một cách độc lập, cho vay vốn một cách khách quan với tiêu chuẩn là hiệu quả kinh tế, không nên có những ưu đãi quá lớn và công ty cho vay cũng cần phải có cơ chế quản lý tín dụng hiệu quả, các khoản vay phải được trả đầy đủ, đúng hạn và sòng phẳng.
Có thể bạn quan tâm!
- Những Điểm Mạnh Của Mô Hình Tập Đoàn Doanh Nghiệp:
- Mô Hình Tổng Công Ty Nhà Nước- Hình Thức Thí Điểm Tập Đoàn Kinh Tế Ở Việt Nam:
- Nghiên cứu mô hình tập đoàn ở một số nước Đông Nam Á và bài học cho Việt Nam - 11
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
Việt Nam không nên xây dựng một mô hình tập đoàn trong đó các doanh nghiệp thành viên quá phụ thuộc vào nhau. Các doanh nghiệp hoạt động chống chéo phụ thuộc lẫn nhau, sở hữu lẫn nhau đã gây nên một sự phản ứng dây chuyền, một công ty thua lỗ và phá sản thì dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các công ty thành viên khác đầu tư vào nó. Điều này đã diễn ra ở các chaebol ở Hàn Quốc và keiretsu của Nhật Bản.
Hàn Quốc đã tạo ra một hệ thống trong đó các doanh nghiệp thành viên dù không quan hệ về vốn cũng rất phụ thuộc vào các công ty cấp trên của tập đoàn, ví dụ khi công ty cấp trên thay đổi chiến lược không sử dụng seri sản phẩm cũ thì lợi nhuận doanh nghiệp thành viên giảm hắn so với năm trước vì họ không chủ động tìm khách hàng khác và đổi mới hướng kinh doanh. Cơ chế đó thực sự đã mang lại cho các chaebol nhiều bất lợi như đã phân tích ở trên. Nâng cao tính độc lập cho các doanh nghiệp thành viên để họ có thể cung cấp sản phẩm cho toàn thị trường, cạnh tranh với các doanh nghiệp của tập đoàn khác là một cách để nâng cao lợi nhuận bền vững nhất cho tập đoàn. Đặc biệt, không được thành lập thêm thành viên liên kết vì những mục đích thiếu khôn ngoan như để giải quyết lao động nhàn rỗi trong công ty mẹ như keiretsu đã từng làm. Có dấu hiệu cho thấy gần đây các tổng công ty Việt Nam thành lập một công ty mới dù thực sự chưa có tài sản gì ngoài tên tuổi của công ty mẹ nhưng giá cổ phiếu cũng đã cao ngất ngưởng và những người biết
thông tin tha hồ hưởng lợi từ những hoạt động như thế này. Đây là một quyết định mở rộng không mang chiến lược và gây khó khăn cho trị trường.
9. Không nên áp dụng cơ chế tập trung quyền lực:
Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, các tập đoàn không nên coi các thành viên liên kết của mình là một ban bệ trong một công ty và nắm quyền kiểm soát tất cả các hoạt động của công ty đó. Nên để công ty đó hoạt động độc lập, tối đa hóa lợi ích của công ty đó và công ty mẹ chỉ có hoạt động hỗ trợ. Các tập đoàn nên tách bạch sở hữu và quản trị, đặt hiệu quả kinh tế làm tiêu chuẩn để lựa chọn và bãi bỏ người quản lý. Như vậy, việc điều hành tập đoàn sẽ có hiệu quả hơn. Áp dụng chinh sách thuê giám đốc và cơ chế thưởng phạt, bãi nhiễm, đề bạt theo năng lực và hiệu quả kinh doanh.
Các tập đoàn tư nhân nhiều khi không lường hết được nguy cơ từ mô hình quản lý này, cho rằng thực hiện những hoạt động nội bộ thông qua chuyển giao giá hay trợ cấp nội bộ làm tăng lợi nhuận chung của tập đoàn là một phương án tốt để duy trì hiệu quả. Đôi khi người sở hữu tập đoàn và gia đình của ông ta còn lợi dụng việc này để kiếm lợi nhuận cá nhân, và họ có thể tháo chạy với một món nợ khổng lồ. Khi một tập đoàn sụp đổ thì nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy việc kiểm soát các tập đoàn cũng là nhiệm vụ của Nhà nước. Nhà nước cần có biện pháp làm minh bạch hóa hệ thống quản trị của các doanh nghiệp, nâng cao quyền và nghĩa vụ của các cổ đông nhỏ để họ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định của tập đoàn, tránh những gian lận và lũng đoạn của các cổ đông lớn và gia đình sở hữu chính của tập đoàn. Chính phủ cần có các quy định chặt chẽ về việc chuyển giao giá nội bộ, tránh trường hợp các tập đoàn sử dụng chuyển giao giá nội bộ như một công cụ để trốn thuế, lũng đoạn thị trường chứng khoán và cạnh tranh không lành mạnh như các tập đoàn của Hàn Quốc.
KẾT LUẬN
Trong điều kiện ngày nay, môi trường kinh tế và kinh doanh quốc tế đã có nhiều thay đổi so với nhiều thập kỷ trước khi các quốc gia Đông Á bắt đầu nổi lên như một hiện tượng. Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế Thế giới đang diễn ra sôi động, mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các nền kinh tế đang phát triển. Các nước sẽ có cơ hội tăng tính cạnh tranh thông qua liên doanh, liên kết và tiếp cận với trị trường rộng lớn hơn, đa dạng hơn. Nhưng một thách thức cho các nước là những cách làm cũ, những phương thức hoạt động cũ đôi khi không còn thích hợp trong giai đoạn mới và đòi hỏi những thay đổi linh hoạt. Và quá trình xây dựng mô hình tập đoàn của nước ta hiện nay đã và đang diễn ra đúng như vậy.
Chính vì vậy, bài học từ các nước Đông Á là một nguồn tham khảo quý giá cho Việt Nam trong việc lựa chọn hướng đi cho mình. Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản là Việt Nam cần áp dụng linh hoạt mọi bài học trong điều kiện cụ thể của đất nước, không thể áp dụng một cách chủ quan duy ý chí mang tính áp đặt. Và bất kỳ kế hoạch nào đặt ra cũng đòi hỏi phải có quá trình tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng; bất kỳ một hành động nào cũng cần phải nhằm hướng tới một mục tiêu chiến lược, không vì lợi ích ngắn hạn mà bỏ qua những lỗ hổng trong quản lý. Có như vậy, các tập đoàn ở Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và tự tin cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.