Kế toán tài sản cố định tại Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội - 2


DANH MỤC VIẾT TẮT


BCTC

Báo cáo tài chính

CCDC

Công cụ, dụng cụ

CHXD

Cửa hàng xăng dầu

DN

Doanh nghiệp

DNVN

Doanh nghiệp Việt Nam

GTCL

Giá trị còn lại

GTHM

Giá trị hao mòn

GTGT

Giá trị gia tăng

HĐQT

Hội đồng quản trị

KHĐT

Kế hoạch đầu tư

QLDA

Quản lý dự án

SXKD

Sản xuất kinh doanh

TCKT

Tài chính kế toán

TCHC

Tổ chức hành chính

TSCĐ

Tài sản cố định

TSCĐHH

Tài sản cố định hữu hình

TSBĐ

Tài sản bất động

XDCB

Xây dựng cơ bản

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.

Kế toán tài sản cố định tại Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội - 2


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Nền kinh tế thị trường cùng với chính sách mở cửa hội nhập đã đặt các doanh nghiệp trong nước trước nhiều thách thức. Để có thể tồn tại trong môi trường đầy tính cạnh tranh đó, mỗi doanh nghiệp đều phải tự ý thức không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào việc máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đang sử dụng có đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, có theo kịp được sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hay không. ...Do vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với các nhà sản xuất, kinh doanh là phải đổi mới, cải tiến và hoàn thiện hệ thống tài sản cố định của doanh nghiệp.

Xét trong phạm vi doanh nghiệp, tài sản cố định của doanh nghiệp thể hiện cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ khoa học công nghệ, năng lực và thế mạnh của doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất kinh doanh. Tài sản cố định nếu được sử dụng đúng mục đích, phát huy được năng suất làm việc, kết hợp với công tác quản lý sử dụng có hiệu quả thì sẽ góp phần tiết kiệm tư liệu sản xuất, nâng cao cả về số lượng và chất lượng sản phẩm sản xuất và như vậy doanh nghiệp sẽ thực hiện được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của mình.

Xét trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế, tài sản cố định là một bộ phận cơ bản tạo ra cơ sở vật chất của nền kinh tế quốc dân, đồng thời tài sản cố định là yếu tố cơ bản giữ vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Tài sản cố định là yếu tố quan trọng tạo ra sức mạnh cạnh tranh cho các doanh nghiệp, giúp hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm sức lao động của xã hội, tăng tích lũy cho nền kinh tế, tăng nguồn thu cho quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội là một trong những đơn vị kinh doanh xăng dầu hàng đầu khu vực phía Bắc. Trong danh mục các loại hàng hóa thuộc ngành kinh doanh có điều kiện thì xăng dầu là loại hàng hóa đặc biệt, nó có những tiêu chuẩn về kỹ thuật rất khắt khe. Để được cấp phép kinh doanh xăng dầu cần có những điều kiện bảo đảm nhất định về cơ sở vật chất kỹ thuật như: Hệ thống


phân phối, địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật... Đồng thời do đặc thù ngành kinh doanh xăng dầu của Công ty là một ngành cần đầu tư rất nhiều về hệ thống kho bãi, bể chứa, đất đai, cơ sở vật chất, hệ thống cửa hàng nên công ty phải đầu tư nhiều cho TSCĐ, cải tiến công nghệ kỹ thuật để gia tăng sản lượng bán lẻ, tăng tính cạnh tranh, do đó đòi hỏi việc theo dõi, quản lý TSCĐ tốt để có những phương án sử dụng TSCĐ hiệu quả, hợp lý. Công tác kế toán TSCĐ của công ty bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại không ít những bất cập như thời điểm ghi nhận TSCĐ chưa đúng, thời gian hoàn thiện chứng từ kế toán đầu tư xây dựng cơ bản, kế toán TSCĐ chỉ đơn giản là quản lý đối tượng về mặt sổ sách, còn thực trạng tài sản giao phó hoàn toàn cho bộ phận sử dụng…

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác kế toán tài sản cố định ở các doanh nghiệp, cùng với mong muốn khắc phục những tồn tại trong công tác kế toán tài sản cố định tại Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội nói riêng và của các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nói chung, tác giả quyết định chọn đề tài “Kế toán tài sản cố định tại Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội” làm đề tài luận văn Thạc Sĩ.

2. Tổng quan nghiên cứu

Trước đây đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về kế toán tài sản cố định và đã đạt được những thành tựu đáng kể góp phần hoàn thiện hơn về kế toán tài sản cố định trong các doanh nghiệp hiện nay. Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả đã tìm hiểu một số công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận văn như sau:

Luận văn thạc sĩ “ Kế toán TSCĐ tại Công ty cổ phần du lịch Đồ Sơn” của tác giả Dương Thu Hường bảo vệ năm 2014 tại Trường Đại học Thương Mại. Đề tài đã nghiên cứu về thực trạng công tác kế toán TSCĐ trên cả hai góc độ kế toán tài chính và kế toán quản trị. Trên phương diện kế toán quản trị, vai trò của kế toán quản trị còn mờ nhạt, chưa hình thành rõ và chưa có hệ thống. Tác giả đã đưa ra được giải pháp cụ thể về hệ thống sổ sách, báo cáo, tác giả đã đưa ra gợi ý một số chỉ tiêu trong phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng TSCĐ sao cho phù hợp với đặc điểm


hoạt động, tổ chức quản lý cũng như yêu cầu hoạt động của đơn vị.

Luận văn thạc sĩ “Kế toán tài sản cố định tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen” của tác giả Nguyễn Nhật Minh bảo vệ năm 2015 tại Trường Đại học Thương Mại. Đề tài đi sâu nghiên cứu thực trạng công tác kế toán TSCĐ tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen. Qua đó, đánh giá được ưu, nhược điểm trong công tác kế toán tại Công ty này. Từ những tồn tại, tác giả đã đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện kế toán chi tiết, hệ thống chứng từ, khấu hao, hạch toán chi phí đầu tư XDCB, hạch toán sửa chữa, nâng cấp TSCĐ . Tuy nhiên, những đề xuất này còn chưa cụ thể, chi tiết cũng như chưa cập nhật đúng chế độ kế toán áp dụng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Luận văn thạc sĩ “Kế toán tài sản cố định tại công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn” của tác giả Thới Thị Kim Tuyến bảo vệ năm 2016 tại trường Đại học Thương mại. Trong đề tài luận văn, tác giả đã hệ thống hóa và làm rõ được những vấn đề lý luận chung về kế toán tài sản cố định trên phương diện kế toán tài chính dựa theo chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam. Từ đó, tác giả phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán tài sản cố định phù hợp với đặc điểm riêng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị tài sản cố định vô hình trong tổng giá trị tài sản cố định của công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn là khá lớn nhưng tác giả vẫn chưa nêu được thực trạng và giải pháp để hoàn thiện tài sản cố định vô hình của công ty.

Luận văn thạc sĩ “Kế toán TSCĐ hữu hình tại các công ty sản xuất và kinh doanh thiết bị bếp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội” của tác giả Nguyễn Thành Nam bảo vệ năm 2018 tại trường Đại học Thương Mại, tác giả đã tiếp cận đề tài trên phương diện kế toán tài chính. Trong đề tài, phần lý thuyết được tiếp cận vừa theo chuẩn mực quốc tế và theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Từ những khảo sát, tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về kế toán tài sản cố định hữu hình, các phần hành kế toán tài sản cố định trong thực tiễn có đáp ứng được nhu cầu quản lý của nhà quản trị đặt ra không. Phần thực trạng tác giả đã đưa ra được những vấn đề điển hình như một số doanh nghiệp vẫn chưa tiến hành đánh giá lại tài sản cố


định hữu hình để phân loại và tách biệt những tài sản cố định nào nào không đủ tiêu chuẩn để chuyển sang công cụ dụng cụ. Tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp hoàn thiện có tính thực tiễn cao về hệ thống, chứng từ, khấu hao… Tuy nhiên, vẫn chưa chỉ ra được giải pháp tối ưu để có thể phân loại nhóm tài sản cố định cũng như nhóm công cụ dụng cụ.

Luận văn thạc sĩ “Kế toán tài sản cố định tại công ty TNHH U-Mac Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hoài Anh bảo vệ năm 2019 tại trường Đại học Thương Mại. Trong đề tài nghiên cứu, về cơ sở lý luận, tác giả đã đưa ra được những vấn đề tài sản cố định trong doanh nghiệp trên các khía cạnh như khái niệm, đặc điểm, phân loại và tính giá TSCĐ và nội dung hạch toán TSCĐ trên phương diện kế toán tài chính. Về phần thực tiễn, tác giả luận văn dựa trên kết quả tổng hợp và phân tích đã chỉ ra được những kết quả đạt được và hạn chế về hạch toán và quản lý tài sản cố định của doanh nghiệp từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác kế toán tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, luận văn tác giả chỉ đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu trên phương diện kế toán tài chính mà chưa phân tích tìm hiểu về phương diện kế toán quản trị, ngoài ra, luận văn mới chỉ dừng lại nghiên cứu tại một công ty mà chưa đề cập tới các công ty cùng ngành nghề.

Bài nghiên cứu “Bàn về chế độ kế toán, quản lý và trích khấu hao tài sản cố định” của tác giả Lê Thị Thanh Hải, Tạp chí khoa học thương mại số 58, tháng 6 năm 2013. Bài viết đi sâu nghiên cứu, trao đổi về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ theo Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Bộ tài chính, những điểm mới của Thông tư 45/2013/TT-BTC so với thông tư 203/2009/TT-BTC, cũng như ảnh hưởng của quy định này đến việc xác định và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bài nghiên cứu “Kế toán TSCĐ theo chuẩn mực kế toán quốc tế và hệ thống kế toán một số nước trên thế giới” của tác giả ThS. Nguyễn Thị Kim Cúc, khoa Kinh tế trường Đại học Xây dựng Miền Trung, đăng trên Thông báo Khoa học và Công nghệ số 2 năm 2016. Bài viết bàn về vấn đề phù hợp giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và kế toán một số nước trên thế giới so với chuẩn mực kế toán Việt Nam.


Từ đó, đưa ra một số tồn tại, hạn chế đối với Chuẩn mực kế toán Việt Nam về TSCĐ.

Theo tác giả tìm hiểu thì còn rất nhiều các nghiên cứu khác về chủ đề kế toán tài sản cố định trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực thương mại, xây dựng, giao nhận vận tải…. Các nghiên cứu đó đề cập đến kế toán tài chính, kế toán quản trị có gắn với các doanh nghiệp cụ thể hoặc ngành cụ thể. Tuy nhiên, còn khá ít các công trình nghiên cứu về kế toán TSCĐ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và được thực hiện khi các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.

Theo tìm hiểu của tác giả thì chủ đề kế toán tài sản cố định tại Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội đang được các nhà quản lý tại chính Công ty rất quan tâm và đang cố gắng tìm ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho công ty. Cho đến thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về chủ đề này tại Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội. Vì vậy, thực hiện nghiên cứu này có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu cơ sở lý luận về kế toán tài sản cố định theo quy định của Chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam.

Đánh giá thực trạng kế toán tài sản cố định của Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội.

Từ những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện kế toán tài sản cố định tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội dưới góc độ kế toán tài chính.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu đề tài, đối tượng nghiên cứu của đề tài là: “Kế toán tài sản cố định trong doanh nghiệp’’.

4.1 Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Đề tài tiến hành nghiên cứu tại văn phòng, các CHXD và Kho


xăng dầu Bắc Giang của Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội.

Về thời gian: Dữ liệu nghiên cứu được thu thập trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 6 năm 2020.

Về nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu kế toán tài sản cố định tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội trên phương diện kế toán tài chính bao gồm Kế toán tài sản cố định hữu hình và vô hình. Đề tài không nghiên cứu về kế toán tài sản cố định thuê, bất động sản đầu tư

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Luận văn đã trình bày một cách có hệ thống hạch toán tài sản cố định trong doanh nghiệp trên phương diện kế toán tài chính

Luận văn đã phân tích thực trạng hạch toán tài sản cố định trong công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội trên phương diện kế toán tài chính

Luận văn đã đề xuất những phương hướng và giải pháp hoàn thiện kế toán tài sản cố định trên phương diện kế toán tài chính nhằm tăng cường công tác quản lý tài sản cố định trong các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như những điều kiện thực hiện các giải pháp

6. Phương pháp nghiên cứu

a. Phương pháp thu thập thông tin:

Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tác giả thực hiện phương pháp này thông qua việc nghiên cứu các giáo trình chuyên ngành, chuẩn mực kế toán Quốc tế, chuẩn mực kế toán Việt Nam và chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành, tham khảo các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến đề tài nghiên cứu và các tài liệu liên quan đến kế toán TSCĐ tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội

Tác giả sử dụng phương pháp quan sát để thu thập thông tin, bằng cách trực tiếp đến nơi sử dụng tài sản cố định như các Phòng ban chức năng, Chi nhánh, CHXD, Kho xăng dầu Bắc Giang để quan sát hệ thống các TSCĐ được theo dõi quản lý như thế nào.

Tác giả quan sát quá trình lập chứng từ, nhập dữ liệu vào phần mềm kế toán


tất cả các phần hành trong thời gian nghiên cứu để hiểu rõ quy trình kế toán tại Công ty

Ngoài ra, tác giả còn có cơ hội phỏng vấn Kế toán trưởng, nhân viên kế toán TSCĐ và một số nhân viên kế toán khác tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội. Nội dung phỏng phấn xoay quanh các vấn đề cần làm rõ như: tổ chức công tác kế toán, hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ sách sử dụng trong kế toán TSCĐ… tại Công ty PVOIL Hà Nội (phụ lục số 1.1 – Câu hỏi phỏng vấn và phụ lục số 1.2 – Bảng trả lời câu hỏi phỏng vấn). Qua cuộc phỏng vấn đã giúp tác giả có cái nhìn khá chi tiết về thực trạng công tác kế toán nói chung và kế toán TSCĐ nói riêng tại doanh nghiệp.

b. Phương pháp phân tích đánh giá:

Dựa vào thông tin, dữ liệu thu thập được để phân tích, đánh giá kế toán TSCĐ tại Công ty, từ đó đưa ra những nhận xét, kết luận về ưu điểm, nhược điểm và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán TSCĐ tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội.

7. Kết cấu của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, ký hiệu viết tắt, phụ lục, kết cấu bài luận văn bao gồm 3 chương:

Chương 1: Những lý luận cơ bản về kế toán tài sản cố định trong doanh nghiệp

Chương 2: Thực trạng kế toán tài sản cố định tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội

Chương 3: Các giải pháp hoàn thiện kế toán tài sản cố định tại Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội

Xem tất cả 206 trang.

Ngày đăng: 13/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí