Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa ở Nam Định - 2


chọn đề tài: "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa ở Nam Định" làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Du lịch của mình.

2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Luận văn góp phần khẳng định vai trò, tầm quan trọng của các di sản văn hóa tỉnh Nam Định trong đời sống và phát triển du lịch, giúp chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch định hướng sản phẩm du lịch mới nhằm hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch tỉnh Nam Định; đồng thời có nhận định đúng mức đối với giá trị các di sản trong tỉnh nhằm hoạch định những chủ trương, giải pháp bảo tồn phù hợp. Từ đó luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa của Nam Định.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hoạt động khai thác du lịch và công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nam Định (bao gồm nhà thờ Phú Nhai, quần thể di tích văn hóa lịch sử triều Trần, quần thể di tích Phủ Dầy, cụm di tích lịch sử văn hóa xã Hành Thiện, nghi lễ chầu văn hầu đồng, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, hội chợ Viềng, văn hóa ẩm thực Nam Định…)

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Đề tài tập trung nghiên cứu mối quan hệ giữa du lịch và vấn đề bảo vệ di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cả về lý luận và thực tiễn. Các nghiên cứu thực tiễn được tiến hành tại các điểm di tích tại Nam Định - nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

3.2.1. Phạm vi vấn đề nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 163 trang tài liệu này.

Nghiên cứu cơ sở lý thuyết và thực tiễn của hoạt động du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu tại tỉnh Nam Định.

3.2.2. Phạm vi không gian

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa ở Nam Định - 2

Nghiên cứu tại tỉnh Nam Định, tập trung vào những di sản văn hóa tiêu biểu như nhà thờ Phú Nhai, quần thể di tích văn hóa lịch sử triều Trần, quần thể di tích Phủ Dầy, cụm di tích lịch sử văn hóa xã Hành Thiện, nghi lễ chầu văn hầu đồng, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, hội chợ Viềng, văn hóa ẩm thực .



3.2.3. Phạm vi thời gian

- Thời gian nghiên cứu tài liệu: đề tài tập trung thu thập, phân tích thông tin chủ yếu từ năm 2010 đến năm 2015.

- Thời gian nghiên cứu thực địa: Từ tháng 9/2015 - 4/2016

4. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

4.1. Mục đích nghiên cứu

Đề tài hướng tới giải quyết mối quan hệ giữa hoạt động du lịch và bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn. Nghiên cứu thực tế khai thác du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa tại tỉnh Nam Định.

4.2. Nhiệm vụ của đề tài

- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết về bảo tồn di sản văn hóa.

- Nghiên cứu hoạt động bảo tồn di sản và mối tương quan trong khai thác di sản để phục vụ phát triển du lịch cả tích cực và tiêu cực tại các di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nam Định.

- Tìm hiểu thực trạng phát triển du lịch tại Nam Định, việc khai thác giá trị văn hóa lịch sử tại các di tích trong phát triển du lịch; Nhận diện các vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa tại các di tích này.

- Đưa ra một số giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của các di sản văn hóa Nam Định (nhà thờ Phú Nhai, quần thể di tích văn hóa lịch sử triều Trần, quần thể di tích Phủ Dầy, cụm di tích lịch sử văn hóa xã Hành Thiện, nghi lễ chầu văn hầu đồng, lễ hội chùa Cổ Lễ, lễ hội đền Trần, lễ hội Phủ Dầy, hội chợ Viềng, văn hóa ẩm thực Nam Định…) góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch.

5. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

5.1. Ở Việt Nam

Để đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội, có thể nói di sản văn hóa đang được khai thác, sử dụng một cách rộng rãi, đôi khi thiếu hiệu quả vào nhiều mục đích khác nhau. Vì vậy vấn đề bảo tồn di sản văn hóa đã và đang là vấn đề cấp thiết được nhiều cấp, ban, ngành quan tâm. Trong những năm gần đây vấn đề này được nghiên cứu và đề cập tới ở nhiều khía cạnh với nhiều mục đích khác nhau. Tiêu biểu có một số công trình sau:


Trong cuốn "Văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam", tác giả Nguyễn Thị Chiến đã nêu quan điểm: Yêu cầu cao nhất trong phát triển du lịch là phát triển bền vững và phân tích cách phát triển du lịch bền vững theo hướng nhấn mạnh yếu tố văn hóa.

Trong cuốn "Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - Quá trình nhận thức và bài học thực tiễn" của tác giả Nguyễn Thị Minh Lý đã xây dựng cơ sở lý luận về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản.

Trong cuốn "Giáo trình Quản lý di sản với phát triển du lịch bền vững" do Lê Hồng Lý chủ biên, tác giả đã hệ thống cơ sở lý luận về du lịch bền vững.

Tác giả Doãn Minh Khôi đã phân tích trong "Bảo tồn di tích trong phát triển không gian đô thị" về mối liên hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển không gian đô thị, bên cạnh đó còn nêu lên kinh nghiệm của một số nước đã tiến hành quy hoạch đô thị theo quan điểm tạo ra sự hài hòa giữa kiến trúc mới và kiến trúc cũ. Tác giả cũng khẳng định cần phải làm cho các công trình di tích gần gũi và rộng mở hơn đối với các hoạt động đô thị ở Việt Nam.

Năm 2005, Tổng cục Du lịch phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về "Chủ trương và giải pháp để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch” đã xây dựng các nhóm giải pháp chung để bảo tồn và phát huy di sản phục vụ du lịch.

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị bàn luận để đưa ra chiến lược, mục tiêu, biện pháp bảo tồn các di sản, trùng tu các di tích có sự tham gia của cộng đồng được chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm như:

Tại Đồng Tháp với chuyên đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp", xác định di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc và tạo tiền đề cho chiến lược phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo ngày 20/10/2012 tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường với tên gọi: "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình". Hội thảo cũng đã xác định


được di sản văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” diễn ra ngày 3/4/2015 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2015, đã có nhiều tham luận nói tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển du lịch, các tác giả cũng đã nói tới hệ lụy của du lịch tác động tới di sản và cũng xác định rằng phát triển du lịch có trách nhiệm là một trong những giải pháp trụ cột nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học "Bảo tồn di tích và cuộc sống đương đại", ngày 16/1/2007, tại Hà Nội của Đặng Văn Bài, với bài viết "Bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển" tác giả đã chỉ ra rằng việc bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi một sự sáng tạo không ngừng nghỉ và khả năng linh hoạt trong việc vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án xử lý thích hợp cho từng di tích cụ thể, phải gắn di tích với đời sống đương đại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, qua đó mở rộng giao lưu quốc tế.

Trong hội thảo khoa học đào tạo du lịch trong trường đại học nghiên cứu diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng cũng đã có bài tham luận về vấn đề "Bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch". Trong đó tác giả đã nêu lên thực trạng bảo tồn văn hóa ở Việt Nam hiện nay và đưa ra vấn đề muốn du lịch phát triển thì di sản phải được bảo tồn nguyên bản - nguyên vẹn - nguyên nghĩa của nó.

Ngoài ra còn có nhiều công trình nghiên cứu, dự án về bảo tồn di sản và phát triển du lịch được tiến hành ở một số tỉnh trong cả nước như Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; tiêu biểu là công trình: Quảng Nam và hành trình bảo tồn các di sản văn hóa (Mỹ Châu), bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch: Góc nhìn từ cố đô Huế (Tổng cục du lịch). Các công trình này cho thấy nhận thức và hành động thực tiễn của Nhà nước về vấn đề bảo tồn di sản và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó còn nhiều bài viết được đăng trên tạp chí Du lịch Việt Nam và các báo cáo trong các cuộc hội thảo về du lịch của Việt Nam như:


Bài viết "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển ở nước ta" đăng trên tạp chí Di sản văn hóa số 1(14)-2006 của tác giả Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Tăng cường hợp tác giữa các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, trước hết là giữa ngành du lịch và bảo tồn di sản văn hóa để tạo ra sự phát triển du lịch thực sự bền vững.

Bài viết "Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành" của tác giả Đặng Văn Bài, cho rằng công tác quản lý việc xây dựng và thi công các dự án tu bổ, tôn tạo di tích là một hoạt động có tính chất chuyên ngành có nhiều đặc điểm khác biệt so với việc quản lý các dự án xây dựng các công trình mới. Do đó, tất yếu phải có cơ chế quản lý mang tính chuyên biệt trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật di sản văn hóa và Luật xây dựng.

Ở đề tài "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch thủ đô" đăng trên tạp chí nghiên cứu văn hóa Trường Đại học Văn hóa Hà Nội của tác giả Bùi Thanh Thủy, đã đưa ra những giải pháp cụ thể cũng như những yêu cầu để thực hiện giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa để phục vụ cho phát triển du lịch.

Trong bài viết "Hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa trong phát triển du lịch" của Đặng Hoàng Lan đăng trên Tạp chí Văn hoá và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013, tác giả đã chỉ ra rằng bảo tồn di sản phục vụ du lịch trước hết phải đảm bảo đúng yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cũng có nghĩa là bảo vệ người kế thừa di sản văn hoá - những nghệ nhân dân gian. Bảo vệ, tôn tạo di sản phải nhằm mục đích giới thiệu di sản đến với công chúng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Ngoài ra, bảo tồn các di sản văn hóa còn đồng nghĩa với việc bảo vệ và tôn tạo môi trường tại các khu di sản.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tâm - Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng đã có bài viết về "Bảo tồn giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch". Trong bài viết tác giả đã nói lên mối quan hệ tương hỗ giữa di sản văn hóa và phát triển du lịch. Tác giả cũng nêu ra một số vấn đề trong công tác khai thác, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy, bảo tồn giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch.


Ngoài ra còn có những công trình nghiên cứu khác như: "Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể tại Hải Dương" (Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành du lịch học của Nguyễn Thị Sao); "Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng tỉnh Khánh Hòa trong hoạt động du lịch" (Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành du lịch học Đỗ Phương Quyên); "Phát triển du lịch gắn vớibảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và danh thắng tỉnh Kiên Giang" (Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành du lịch học Nguyễn Thị Ngọc Băng)...

Những năm gần đây cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện nang cao, nhu cầu vui chơi, du lịch ngày càng lớn. Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng, các tua tuyến du lịch được hình thành. Các công trình nghiên cứu lễ hội gắn với du lịch cũng được nhiều học giả quan tâm, đặc biệt là các lễ hội lớn ở các địa phương trên khắp địa bàn cả nước, tiêu biểu: Nguyễn Quang Lê với "Khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ trong xã hội hiện nay" (Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, Hà Nội, 1999); Dương Văn Sáu với "Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch" (Trường Đại học văn hóa Hà Nội, Hà Nội 2004); Trần Mạnh Thường với "Việt Nam văn hóa và du lịch" (NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2005); Lê Thị Tuyết Mai với "Du lịch lễ hội Việt Nam" (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2006). Ngoài ra còn có nhiều bài viết nghiên cứu về lễ hội và du lịch như "Du lịch lễ hội tiềm năng và hiện thực khả thi" (GS.TS Phan Đăng Nhật), "Lễ hội dân gian và du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" (PGS.TS Nguyễn Chí Bền), "Cần có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" (Cao Sỹ Kiêm), "Chính sách bảo tồn khai thác tài nguyên du lịch lễ hội" (Nguyễn Phương Lan)...

5.2. Ở tỉnh Nam Định

Hiện nay về Nam Định có một số đề tài nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến đề tài như:

"Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Nam Định góp phần thúc đẩy kinh tế

- xã hội phát triển" (Trần Minh Oanh); "Khai thác khu di tích lịch sử Đền Trần - Chùa Tháp trong phát triển du lịch Nam Định" (Khóa luận tốt nghiệp của Vũ Thị Kim Oanh); "Phát triển du lịch Nam Định theo hướng bền vững" (Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành du lịch học của Vũ Thị Hòa); Sách "Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam


Định" của Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định; "Tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa - xã hội của cư dân địa phương tại khu di tích lịch sử đền Trần - Phủ Dầy Nam Định" (Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa du lịch của NguyễnThị Hằng); "Lễ hội Phủ Dầy và phát triển du lịch Nam Định" (Bài viết trên tạp chí du lịch của Đào Duy Tuấn); "Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tại quần thể di tích Phủ Dầy" (Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa du lịch của Lê Thị Hương) .

Bên cạnh đó, có một số bài báo đăng tải trên các tạp chí trong nước và tạp chí Văn hóa, thể thao và Du lịch của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Nam Định viết về du lịch Nam Định. Các bài viết, nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa, lễ hội nói riêng tại Nam Định và những tác động tích cực và tiêu cực của nó đối với đời sống xã hội. Các công trình trên đã trình bày, đề cập đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa với nhiều hướng, nhiều nội dung khác nhau. Ví dụ như bài viết "Bảo tồn phát huy tiềm năng di sản văn hóa Trần tại Nam Định trong phát triển du lịch đồng bằng sông Hồng" của tác giả Nguyễn Công Khương - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Nam Định; "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội đền Trần trong đời sống đương đại" của PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam, Bộ VHTTDL; "Những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại tỉnh Nam Định" của tác giả Hoàng Thanh. Tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về việc bảo tồn di sản văn hóa và sự phát triển du lịch ở Nam Định. Vì vậy trong luận văn này tác giả kế thừa, tiếp thu, đúc kết các công trình nghiên cứu của các học giả đi trước để đánh giá nghiên cứu vấn đề bảo tồn phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Nam Định.

6. Phương pháp nghiên cứu

6.1. Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu thứ cấp

Phương pháp thu thập tài liệu được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu của đề tài. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan, chính xác.

Luận văn sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp và sơ cấp:


+ Thu thập nguồn dữ liệu thứ cấp từ các kết quả nghiên cứu, sách báo, tạp chí, các trang web điện tử, các tài liệu, báo cáo của cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương. Dựa trên cơ sở đó đưa ra được những khái niệm chung nhất liên quan đến đề tài đang nghiên cứu, đưa ra được những đánh giá và những giải pháp để bảo tồn các di sản văn hóa của Nam Định nhằm thúc đẩy du lịch Nam Định phát triển.

+ Thu thập dữ liệu sơ cấp bằng việc khảo sát thực địa, phỏng vấn các cán bộ chuyên trách du lịch của tỉnh Nam Định và một số người dân địa phương nơi có tài nguyên du lịch.

6.2. Phương pháp điều tra xã hội học

Phương pháp điều tra xã hội học là phương pháp điều tra quan điểm, thái độ của quần chúng về sự kiện chính trị, xã hội, hiện tượng văn hóa, thị hiếu... Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả tiến hành điều tra xã hội học để chưng cầu ý kiến quần chúng về vấn đề sử dụng, khai thác cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch tỉnh nhà bằng cách phỏng vấn trực tiếp, thảo luận, bằng hệ thống ankét (đóng, mở ...)

6.3. Phương pháp chuyên gia

Phương pháp chuyên gia là phương pháp quan trọng được vận dụng thông qua việc xin ý kiến chỉ đạo, góp ý về nội dung và phương pháp nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả tham khảo ý kiến của các cán bộ, các nhà nghiên cứu trong vấn đề khai thác và bảo tồn giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch tỉnh nhà từ các cơ quan: Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, trung tâm quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định, cán bộ quản lý tại khu du lịch, điểm du lịch trong tỉnh.

6.4. Phương pháp bản đồ

Luận văn có sử dụng các bản đồ hành chính, bản đồ kinh tế để nhận định vai trò của du lịch trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Nam Định.

Sử dụng bản đồ du lịch xác định phạm vi phân bổ của tài nguyên du lịch nhân văn, hỗ trợ cho công tác khảo sát thực tế, trên cơ sở này đề xuất các phương án nối kết các điểm có khả năng khai thác du lịch thành tuyến du lịch mới, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch tỉnh Nam Định.

6.5. Phương pháp phân tích và tổng hợp

Xem tất cả 163 trang.

Ngày đăng: 23/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí