Thứ hai là sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chất lượng, chủng loại..., đây là một hạn chế khá lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay chỉ mới một số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh về mặt này. Các hàng rào kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội hết sức chặt chẽ. Nếu các doanh nghiệp không chú ý đến chất lượng đó thì khó có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Ngoài ra, để tăng thêm sự hấp dẫn cho sản phẩm cũng như gia tăng giá trị thu được, chúng ta nên chú ý đến vấn đề cung cấp sản phẩm trọn gói (thay vì chỉ gia công một công đoạn nào đó cho nước ngoài), đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, cùng với việc tiêu chuẩn hóa một số sản phẩm cụ thể có lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ qui mô. Điển hình là trong lĩnh vực dệt may và đóng tàu, thay vì chỉ dựa vào thiết kế nước ngoài, gia công cho họ, ta nên chủ động gợi mở ý tưởng, thiết kế qui chuẩn, chủ động khai thác nguồn nguyên vật liệu cạnh tranh để đưa ra một giải pháp tổng thể cho khách hàng.
Thứ ba là về tiếp thị, quảng cáo, dịch vụ. Chúng ta đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường thì đây là khâu cần chú ý để thu hút thị trường và tạo uy tín cho doanh nghiệp. Trong điều kiện tham gia WTO, các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước luôn đầu tư lớn vào những vấn đề này.
Những chiến lược kể trên phải dựa vào yếu tố phân tích lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong mối tương quan với các doanh nghiệp, các đối thủ cùng ngành trong và ngoài nước; và phải dựa vào dự báo, nghiên cứu tình hình thị trường trong và ngoài khu vực. Nguyên tắc chung là giữ vững thị phần trong nước và từng bước phát triển thị trường bên ngoài.
3.4.5. Phát triển và tạo chỗ đứng trên thị trường
Vấn đề then chốt trong gia nhập WTO là doanh nghiệp cần chủ động mở rộng, bành trướng và phát triển thị trường của mình, bao gồm từ việc lựa chọn mặt hàng, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng hệ thống phân phối, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu của mình, trong đó đặc biệt lưu ý tới khai thác các lợi thế tại chỗ của Việt Nam. Các nhà phân tích cho rằng việc phân phối tiêu thụ các loại hàng hoá được coi là thế mạnh của Việt Nam (dệt may, da giày) hiện vẫn bị các công ty đa quốc gia và người nước ngoài nắm giữ. Đây cũng là điểm yếu cần khắc phục của các doanh nghiệp Việt Nam.
Giá trị của doanh nghiệp, của sản phẩm không phải chỉ là chỗ sản phẩm đó hay dịch vụ đó có cạnh tranh với sản phẩm tương tự của ASEAN hay không, mà có nhiều giá trị khác (giá trị vô hình) cũng sẽ quyết định đến sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ, các mặt hàng nhập khẩu chắc chắn khó có thể tạo được ưu thế về uy tín, khả năng thâm nhập thị trường qua kênh phân phối nếu như đã có doanh nghiệp trong nước thực sự đã dày công đầu tư thiết lập từ sẵn. Đây là lợi thế quan trọng của bất cứ doanh nghiệp hay sản phẩm nội địa nào. Ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ, nếu như với hệ thống dịch vụ viễn thông rộng khắp hiện nay thì không dễ gì doanh nghiệp nước ngoài có thể tạo một công nghệ thay thế và cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.
3.4.6. Chủ động mở rộng hợp tác, liên kết, tham gia hiệp hội thương mại
Tham gia các tổ chức, hiệp hội thương mại là một chiến lược hết sức quan trọng. Bởi vì thực chất của hội nhập kinh tế quốc tế và nội dung chính của nó chính là tìm đối tác chiến lược trong kinh doanh. Hay nói cách khác, các công ty đa quốc gia hiện nay thay vì sản xuất trong nước, họ luôn tìm đối tác chiến lược để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm thị phần ở các nước khác.
Có thể bạn quan tâm!
- Điều Chỉnh Kế Hoạch Tự Do Hoá Thương Mại Hàng Hóa Phù Hợp Tiến Trình Tham Gia Wto Cùng Các Cam Kết Quốc Tế Khác
- Hệ Số Cạnh Tranh Hiện Hữu (Rca) Trong Một Số Ngành
- Nâng Cao Hiệu Lực Của Chính Sách Thương Mại Dịch Vụ
- Ứng Dụng Hải Quan Điện Tử Và Kiện Toàn Hệ Thống Hải Quan
- Phân tích chính sách và một số vấn đề của thương mại Việt Nam sau khi gia nhập WTO - 24
- Phân tích chính sách và một số vấn đề của thương mại Việt Nam sau khi gia nhập WTO - 25
Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.
Mục tiêu của hội nhập không phải chỉ là việc phát triển các sản phẩm, doanh nghiệp trong nước mà chính là ở chỗ khả năng kết hợp, liên kết của các doanh nghiệp để tạo vị thế không chỉ trong khu vực mà với thế giới. Một ví dụ cụ thể là Chương trình hội nhập nhanh 11 lĩnh vực ưu tiên và xây dựng Cộng Đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Doanh nghiệp Việt Nam cần sớm loại bỏ tư tưởng bảo thủ mà cần linh hoạt phòng ngừa sức ép cạnh tranh của từ ASEAN bằng liên kết sản xuất các sản phẩm “made in ASEAN” thông qua cơ chế của ASEAN như AICO (Hợp tác công nghiệp) hoặc tự mình chủ động tìm kiếm đối tác. Không nên chờ đợi một sự thất bại “từ từ” mà phải nhanh chóng hợp tác. Các doanh nghiệp ASEAN chắc chắn cũng rất muốn tận dụng kinh nghiệm và thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển sản phẩm.
Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực thương mại, chuyên ngành về đóng tàu và vận tải biển, tác giả nhận thấy tầm quan trọng lớn lao của việc hợp tác liên kết, cũng như tham gia vào các hiệp hội thương mại. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, một ngành cần sự trao đổi thông tin toàn cầu nhằm đảm bảo an toàn
sinh mạng, khai thác hiệu quả, bảo vệ môi trường, tối ưu tuyến giao thông…v.v. Vì vậy, trên giác độ kỹ thuật, các thông tin của những cơ quan đăng kiểm như Lloyd, BV, DNV, NK, ABS phải luôn được các nhà đóng tàu, nhà vận tải trên thế giới cập nhật, áp dụng qui phạm mới nhất của các công ước quốc tế như SOLAS, MARPOL, và các yêu cầu khu vực (ví dụ yêu cầu về dung tải tàu khi đi qua kênh đào Panama, kênh Suyê). Chúng ta sẽ không thể phát triển, hoặc là sẽ rất chậm nếu không chủ động tham gia, liên kết để tham khảo, học hỏi, trao đổi, đề xuất từ những nguồn thông tin chính thức của các hiệp hội hàng hải (IMO, BIMCO), hiệp hội các cảng quốc tế, hiệp hội chủ tàu (FASA, SSA), các hãng tàu (MOL, Evergreen, K-lines) hay từ các nhà máy đóng tàu kinh nghiệm lâu năm như NKK, Hitachi zosen, Mitsubishi (Nhật Bản) Samsung, Huyndai (Hàn quốc) không chỉ trong việc áp dụng công nghệ trong đóng tàu, mà còn trong việc nâng cấp, tiêu chuẩn hóa bản thân nhà máy đóng tàu và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý lao động, vật tư, điều độ mà chúng ta vẫn đang còn nhiều nhược điểm.
3.4.7. Xúc tiến xuất khẩu
Vài năm trước đã một số cán bộ hoạch định chính sách lo ngại là với công suất hiện có của các nhà máy sản xuất sản phẩm sứ vệ sinh cao cấp thì người Việt Nam không dùng hết, nên đã định hãm bớt kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên các nhà sản xuất bây giờ không thể để tư duy kinh doanh của mình không chỉ nhằm vào thị trường nội địa rộng lớn với gần 90 triệu dân mà còn phải hướng tới những khu vực thị trường rộng lớn hơn, mà trước mắt là thị trường ASEAN và thị trường thế giới. Muốn vậy, không thể đầu tư theo kiểu “chộp giật”, “ăn xổi” và phải có cái nhìn dài hạn, thậm chí xa hơn lộ trình AFTA 2006, 2010. Nếu như tên tuổi các doanh nghiệp là sản phẩm của các quốc gia thì thương hiệu hàng hoá là sản phẩm của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại. Bao gồm các hoạt động như: Nghiên cứu, phát triển, mở rộng thị trường và sản phẩm; Thu thập, nắm bắt và xử lý thông tin liên quan đến mặt hàng, đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình; Tư vấn, kiến nghị với các cơ quan hoạch định chính sách về những vấn đề vướng mắc của cơ chế, chính sách quản lý kinh tế-thương mại; Tham vấn
với các doanh nghiệp bạn hàng, các hiệp hội ngành hàng về những vấn đề cần thiết để mở rộng thị trương, khuyếch trương sản phẩm…; Tham gia hội chợ, triển lãm thương mại để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của mình; Cử các đoàn kinh doanh đi khảo sát, nghiên cứu thị trường, giao dịch với bạn hàng…; Thành lập các văn phòng đại diện, chi nhánh, thành lập công ty, hoặc cửa hàng bán thử sản phẩm ở nước ngoài; Không ngừng đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, sản xuất, kinh doanh; Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong khu vực…
Tóm lại, để việc tham gia WTO một cách chủ động, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chuẩn bị các chiến lược sản xuất kinh doanh sao cho có khả năng tận dụng hiệu quả nhất các cơ hội xuất khẩu nhờ việc gia nhập WTO tạo ra.
- Nghiên cứu đầy đủ các cam kết gia nhập và các thông lệ quốc tế có liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh để tránh những sai sót không đáng có trong hội nhập.
- Xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh cho từng giai đoạn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đối phó trong những tình huống bất lợi.
- Xác lập kế hoạch xúc tiến thương mại và dự kiến hướng tiếp cận các thị trường xuất khẩu sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
3.5. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ MỞ RỘNG VỀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - CẢI CÁCH THỂ CHẾ, HÀNH CHÍNH
3.5.1. Phát triển các RTA song song với thực hiện cam kết trong WTO
3.5.1.1. Xu hướng hội nhập thương mại khu vực
Liên kết thương mại khu vực (RTA) là cơ chế hợp tác phổ biến giữa các quốc gia, tồn tại một cách khách quan bên cạnh Hệ thống thương mại đa phương của WTO. Theo thống kê của WTO, tính đến tháng 10/2003 đã có 285 hiệp định RTA được thông báo cho WTO, trong đó 124 RTA thông báo trước 1995. WTO ước tính số lượng các hiệp định đang trong quá trình đàm phán và dự kiến có thể sẽ lên tới con số 300 vào năm 2007 (tham khảo biểu đồ 3.1).
Biểu đồ 3.1: Tình hình phát triển các RTA từ năm 1948 đến nay
Nguồn: Tổ chức thương mại thế giới WTO (2005)
Trước tốc độ tiến triển chậm chạp của hệ thống đa biên (WTO), nhiều quốc gia lớn trước đây vốn chỉ dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho cơ chế đa phương của WTO như EU, Hoa kỳ, Nhật Bản, Canada cũng đã chú trọng hơn vào các liên kết thương mại tự do song phương và khu vực. Điển hình là Hoa kỳ, qua gần 6 năm sau kể từ khi mở rộng khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hoa kỳ đã mở đầu cho một loạt hiệp định tự do hoá thương mại song phương với Jordani (2001), Singapore (2003) và đang đàm phán với Thái Lan, Australia, Marốc và một số thiết chế khu vực như Khu vực mậu dịch tự do Trung Mỹ (CAFTA), Liên minh thuế quan Nam phi (SACU) về những thoả thuận tương tự.
Không chỉ các nước phát triển mà các nước đang phát triển cũng đã bắt đầu xây dựng các RTA như một phần trong chiến lược phát triển thương mại của mình. Xu hướng thiết lập các thoả thuận tự do hoá khu vực và song phương đang trở nên rất sôi động trong khu vực Đông Á, với tâm điểm là ASEAN mà Việt Nam là một thành viên. Hiệp định khung với Trung Quốc về việc thiết lập FTA được ký kết vào năm 2002. Sau đó là Nhật Bản và Ấn Độ đã tiếp cận ASEAN với các đề nghị đàm phán thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế toàn diện, trong đó có FTA. Các hiệp định này đã được ký kết năm 2003. Hoa Kỳ và EU cũng đã đưa ra các sáng kiến tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN, trong đó cũng đặt mục tiêu cuối cùng là thiết lập FTA với ASEAN. Việc thiết lập FTA với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản cho phép ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cơ hội dành các ưu thế hơn hẳn so với các thành viên WTO khác để khai thác những thị trường khổng lồ này.
Về hình thức, các RTA gồm cả những thoả thuận liên kết giữa khu vực với một quốc gia cụ thể (ví dụ như AFTA với Trung Quốc hoặc Nhật Bản) và các thoả thuận song phương giữa hai quốc gia (ví dụ như Singapore với Mỹ). Sự gần gũi về địa lý không còn là nhân tố quyết định đối với sự hình thành của FTA mà hơn hết đó là tổng hoà của nhiều nhân tố kinh tế, chính trị, định hướng phát triển giữa các quốc gia.
Về nội dung, mức độ và phạm vi tự do hoá thương mại của các RTA ngày một phát triển, gồm cả các thoả thuận thiết lập khu vực mậu dịch tự do (FTA) và các thoả thuận thiết lập Liên minh thuế quan (CU). Tuy nhiên, thiết lập FTA vẫn là xu thế chính. Không chỉ dừng ở mức độ cắt giảm thuế quan, các hiệp định FTA gần đây đều bao trùm cả tự do hoá thương mại dịch vụ và đầu tư. Những lĩnh vực nhạy cảm hơn như sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, tự do hoá các dòng đầu tư ngắn hạn cũng đã bắt đầu được đề cập đến, ít nhất là trên phương diện hợp tác.
Tuy nhiên, về lợi ích kinh tế, trong xu thế hình thành các FTA, nội bộ khối của ASEAN đang đối mặt với mâu thuẫn giữa hai nhóm có quan điểm khác nhau về lợi ích của thương mại trong phát triển kinh tế. Quan điểm thứ nhất là tận dụng bảo hộ để tạo thế tái cơ cấu kinh tế trong nước một cách chủ động. Quan điểm này được phần lớn các nước ASEAN theo đuổi. Thực chất, cách thức tiếp cận của CEPT hay các chương trình hợp tác khác của ASEAN như AIA, AFAS đã thể hiện rất rõ quan điểm này. Quan điểm thứ hai là sử dụng tự do hoá thương mại với đối tác có chọn lọc làm bàn đạp tái cơ cấu và hình thành các ngành kinh tế trong nước theo xu thế hướng ngoại. Trong xu thế ngày nay, quan điểm thứ hai tỏ ra lấn lướt hơn. Ngoài Singapore và Thái Lan, Campuchia cũng đang có chiều hướng nghiêng theo xu thế này, nhất là sau khi nước này hoàn tất việc gia nhập WTO với nhiều cam kết tự do hoá thông thoáng. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn khi triển khai đàm phán tự do hoá trên nguyên tắc đồng thuận và không phân biệt đối xử. Điều XXIV (GATT) công nhận các nước thuộc một thỏa thuận khu vực có thể dành cho nhau những ưu đãi lớn hơn cho các nước thành viên WTO ngoài khu vực. Tuy nhiên, thay vì làm cho những qui định của GATT (Điều XXIV) trở nên hoàn thiện hơn thì ASEAN lại tìm cách nhân nhượng cho nhau, xây dựng các qui tắc lỏng lẻo, che mắt các qui
định có liên quan của GATT/WTO và làm suy giảm những nguyên tắc đồng thuận, có đi có lại và không phân biệt đối xử. Đây là một thách thức lớn đối với hệ thống pháp lý của ASEAN mà cho đến nay chưa có giải pháp triệt để. Nếu không vượt qua được thử thách này thì mọi chương trình tự do hoá của ASEAN có thể sẽ bị giảm hiệu lực và gây ra những bất lợi trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
3.5.1.2. Đề xuất công tác triển khai của Việt Nam
Tham gia vào WTO, nhưng xu thế RTA/FTA vẫn đặt nước ta vào một tình thế nhạy cảm cần được đánh giá đúng mức và có đối sách thích hợp. Việt Nam đứng trước cả những cơ hội và thách thức. Cơ hội quan trọng nhất là sự gia tăng các liên kết với nhiều đối tác thương mại quan trọng, góp phần tạo ra động lực để chuyển đối cơ cấu kinh tế trong nước theo hướng tập trung khai thác các ngành kinh tế có định hướng xuất khẩu. Ngược lại, thách thức chủ yếu từ quá trình đó cũng không nhỏ xuất phát từ hàng loạt những vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh ta phải chấp nhận những nghĩa vụ WTO cộng. Vì thế, song song với các vấn đề trong WTO, Việt Nam cần phải xúc tiến các hiệp định thương mại tự do theo cách thức và chiến lược hội nhập phù hợp. Việt Nam chưa có các liên kết FTA song phương với bất cứ quốc gia nào nhưng đã trải nghiệm qua thực tế là một số thoả thuận song phương với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa kỳ đã mang lại những lợi ích thương mại thiết thực cho nền kinh tế. Vì vậy, tác giả xin kiến nghị một số biện pháp trước mắt như sau:
- Phối hợp tổ chức đánh giá toàn diện tác động của xu thế hình thành các thoả thuận RTA/FTA để xác định những đối tác tiềm năng, cách thức, chiến lược tiếp cận cụ thể đối với từng đối tác và phương pháp phối hợp giữa thoả thuận khu vực, song phương và đa phương để bảo đảm thực hiện mục tiêu chính sách thương mại của đất nước;
- Phát triển các nghiên cứu chi tiết theo hướng chuẩn bị các phương án đàm phán cụ thể của ta. Công việc này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các Bộ/ngành hữu quan. Thành lập Tổ công tác để xây dựng phương án cam kết, xác định danh mục các mặt hàng nhạy cảm có thể làm căn cứ cho đàm phán;
- Dựa trên những kết quả nghiên cứu, tổ chức phối hợp giữa các Vụ chức năng trong Bộ thương mại trong công tác chuẩn bị và thực hiện đàm phán, phối hợp chặt chẽ giữa những quan hệ song phương, khu vực và đa phương; Tổ chức phối hợp với các thương vụ Việt Nam để có những động thái cần thiết nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác;
- Phối hợp với văn phòng uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế, tiến hành công tác tuyên truyền, đăng tải thông tin trên báo chí, internet về tình hình thực hiện các liên kết khu vực, song phương. Đồng thời, thông qua đó, ta cũng tạo nên một kênh trao đổi thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp với các cơ quan hoạch định chính sách, nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế khu vực của nước ta.
3.5.2. Thực hiện cải cách thể chế hành chính triệt để
Với tinh thần đẩy mạnh cải cách hành chính được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 8 (khoá VII) một cách tích cực, Nghị quyết Đại hội X nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với cơ chế mới; cải tiến quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính phù hợp với yêu cầu của hội nhập và tham gia WTO của Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu chính sách thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ trong khuôn khổ WTO, tác giả đề xuất những vấn đề về mặt thể chế sau cần phải được thực hiện triệt để:
3.5.2.1. Phân tách cơ quan hành chính công quyền với các đơn vị hành chính sự nghiệp
Cơ quan hành chính nhà nước là một bộ phận của hệ thống cơ quan nhà nước bao gồm các cơ quan quyền lực nhà nước (các cơ quan đại diện) bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương; các cơ quan hành chính nhà nước (các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp); các cơ quan xét xử và các cơ quan kiểm sát.
Các đơn vị sự nghiệp công cho đến nay vẫn đang là một bộ phận cấu thành cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu
.....