Tổng hợp các bước phân tích như trên, luận án đề xuất mô hình tổ chức HTTTDL, trong đó mô tả cấu trúc và các HĐTTDL phù hợp với cơ cấu tổ chức và chức năng hoạt động của ngành du lịch Việt Nam [Hình 3.5, tr.134].
Từ mô hình, đó có thể hiểu bản chất thực của HTTTDL là được tạo bởi các CQTT trong ngành, chúng tác động qua lại để tổ chức, quản lí và trao đổi thông tin lẫn nhau. Dòng dữ liệu của hệ thống di chuyển theo nhiều hướng tạo nên sự chuyển động thông tin đa dạng trong hệ thống. Các thông tin được tổ chức và lưu trữ từ trên xuống dưới và được phân thành ba cấp, nhằm tạo ra các SP&DVTT du lịch, hỗ trợ trực tiếp các hoạt động du lịch, đáp ứng được NCT của NDT du lịch.
3.2. Các giải pháp thực thi mô hình hệ thống thông tin phục vụ du lịch
Sau khi trình bày được mô hình hệ thống, để đưa mô hình vào áp dụng trong môi trường thực, chúng tôi đưa ra một số giải pháp sau:
3.2.1. Đa dạng hóa và hoàn thiện các sản phẩm thông tin du lịch
Có thể bạn quan tâm!
- Biểu Đồ Về Những Khó Khăn Người Dùng Tin Gặp Phải Khi Tìm Kiếm Thông Tin
- Cơ Chế Hoạt Động Hệ Thống Thông Tin Phục Vụ Du Lịch
- Sơ Đồ Về Sự Chuyển Động Thông Tin Trong Hệ Thống Thông Tin Phục Vụ Du Lịch
- Đa Dạng Hóa Dịch Vụ Trao Đổi Và Tư Vấn Thông Tin
- Thống Nhất Về Hạ Tầng Công Nghệ Thông Tin Và Ứng Dụng Công Nghệ Trong Hoạt Động Thông Tin
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch tại Việt Nam - 21
Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.
Để nâng cao chất lượng HĐTT, ngành du lịch cần phải tập trung đa dạng hóa và hoàn thiện các SPTT du lịch như sau:
3.2.1.1. Nâng cao công tác tổ chức, phát hành ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch
Để đảm bảo việc tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao, ngành du lịch cần phải nâng cao công tác tổ chức phát hành SPTT thông qua các hình thức sau:
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá phù hợp và xác định mục tiêu tuyên truyền quảng bá theo từng giai đoạn làm cơ sở phát hành các ấn phẩm phù hợp về chất liệu, nội dung, hình ảnh giới thiệu.
Ấn phẩm tuyên truyền quảng bá nên xuất bản hàng năm với phương châm SPTT chỉ cần đủ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Nội dung, hình ảnh trong SPTT luôn cập nhật thông tin mới, theo kịp sự biến đổi của nhu cầu thị trường, tránh tình
trạng ấn phẩm dùng đi dùng lại nhiều năm, gây sự nhàm chán cho khách du lịch tiềm năng. Đối với sản phẩm làm quà tặng nên chú ý vật phẩm đặc trưng mang tính dân tộc, đại diện đất nước - con người Việt Nam.
Ấn phẩm dành cho thị trường nào nên thuê tư vấn là người của thị trường đó, qua đó nâng cao tính thuyết phục và đi vào lòng NDT là khách du lịch quốc tế.
Sản xuất ấn phẩm, vật phẩm xúc tiến du lịch với nhiều hình thức, chất liệu và ngôn ngữ khác nhau. Sản xuất phim tư liệu, quảng cáo và các thể loại khác về du lịch Việt Nam dưới dạng băng hình, đĩa hình, thẻ nhớ di động… Chú trọng phát triển, nâng cao loại tài liệu hướng dẫn du lịch, bản đồ du lịch, tập gấp, tờ rơi giấy và điện tử, tập trung thông tin về điểm du lịch, loại hình du lịch, các dịch vụ, các ưu việt khách được hưởng, thông tin về an ninh, an toàn trong chuyến đi du lịch; Hình ảnh, lời thuyết minh trong ấn phẩm phải chọn lọc, đảm bảo sinh động, hấp dẫn có giá trị chuyển tải thông tin cao. Đối với tài liệu giấy, kích thước phải nhỏ gọn, độ dày vừa phải, dễ gấp để khách du lịch dễ xem, dễ bỏ túi.
Nội dung ấn phẩm tuyên truyền quảng bá là những thông tin chính xác, đúng với giá trị thực của nó. Nội dung mô tả đầy đủ sản phẩm và dịch vụ du lịch với thông tin ngắn gọn, dễ hiểu có sức thuyết phục, hình thức bắt mắt tạo sự chú ý, hấp dẫn phù hợp với từng đối tượng khách du lịch.
3.2.1.2. Nâng cao chất lượng các website du lịch
Để nâng cao chất lượng website và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, dễ sử dụng cho NDT, đảm bảo các giao dịch thương mại được thuận lợi, an toàn, nhanh chóng tạo sự yên tâm tin tưởng cho khách đặt phòng, đặt tour, thanh toán tiền trực tuyến, các đơn vị trong ngành du lịch cần chú ý một số điểm sau:
TTTTDL thuộc Tổng cục Du lịch tiếp tục hoàn thiện các website của ngành, cung cấp thông tin ngày càng đa dạng, cụ thể hơn cho từng địa phương, từng điểm du lịch nổi tiếng; nâng cấp trang thông tin điện tử Vietnamtourism.gov.vn thành cổng thông tin điện tử du lịch Việt Nam, cổng thông tin xúc tiến - giao dịch du lịch
chính thức của ngành du lịch Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kinh doanh và bán hàng trên mạng; đồng thời tạo lập diễn đàn du lịch để các đơn vị trong ngành có thể trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và thông tin trong hoạt động du lịch.
Trung tâm tích hợp dữ liệu chỉ đạo, tư vấn chuyên môn, kĩ thuật, sử dụng công nghệ mới của Microsoft như Active server pages, với CSDL là microsoft SQL server để phát triển hệ thống và ứng dụng phần mềm công cụ Edit pro V1.8, ban hành cơ chế quản lí tổ chức hoạt động website. Hoàn thiện các website của ngành du lịch trên cơ sở kết nối (link) với website của các địa phương và doanh nghiệp du lịch, các ngành và cơ quan hữu quan như hàng không, thương mại, ngoại giao... nhằm tạo một HTTT có nội dung từ tổng quát đến chi tiết, từ giới thiệu chung về điểm đến, đến việc giới thiệu các sản phẩm du lịch cụ thể và cả hệ thống đăng kí đặt giữ chỗ và mua tour nếu khách có nhu cầu.
Hàng năm, mỗi đơn vị nên dành nguồn kinh phí nhất định để nâng cấp mạng với công nghệ tiên tiến, nâng cấp website phù hợp với sự phát triển của công nghệ phần mềm, CNTT. Khi xây dựng mới hoặc nâng cấp website lưu ý lựa chọn tên miền hay, nội dung hấp dẫn, hợp với mục đích của việc xây dựng website; tối ưu hóa từ khóa tạo điều kiện cho NDT dễ định hướng trong việc tìm kiếm thông tin. Ngoài thông tin giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của đơn vị, website nên bổ sung thông tin giới thiệu những lĩnh vực cần thiết và có liên quan đến du lịch tại Việt Nam nhằm thu hút khách hàng tham quan website lần sau; giới thiệu các điểm du lịch, chương trình về tour du lịch cho khách hàng biết... Thông tin trên website phải cập nhật thường xuyên, ngoài tiếng Việt cần tổ chức thêm ngôn ngữ khác đặc biệt là tiếng Anh. Để quản lí được thông tin tuyên truyền, quảng cáo, doanh nghiệp phải đăng kí cung cấp thông tin và dịch vụ của đơn vị trên website du lịch của địa phương, của ngành.
3.2.1.3. Thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành du lịch
Để tạo lập một không gian thông tin thống nhất trong ngành du lịch, mỗi CQTT trong ngành ngoài việc xây dựng, mở rộng quy mô các CSDL hiện có phục vụ hoạt động đơn vị, còn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho trung tâm tích hợp dữ liệu xây dựng CSDL dữ kiện, CSDL du lịch toàn văn dùng chung:
1) Cơ sở dữ liệu dữ kiện
Cơ sở dữ liệu hướng dẫn viên du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin đội ngũ hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, thông tin về quy định, tiêu chuẩn đối với hướng dẫn viên du lịch; thông tin về trình độ năng lực, sở trường của từng hướng dẫn viên du lịch đã được Tổng cục Du lịch cấp thẻ và thông tin về các cơ sở đào tạo hướng dẫn viên du lịch trên toàn quốc. Hỗ trợ cơ quan quản lí nhà nước về du lịch quản lí việc cấp thẻ, đổi thẻ; nắm bắt số lượng, chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khai thác năng lực của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; hỗ trợ cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; tạo điều kiện để khách du lịch nắm bắt thông tin, đăng kí lựa chọn hướng dẫn theo yêu cầu; tạo điều kiện để hướng dẫn viên du lịch tự giới thiệu năng lực, sở trường của mình, tìm kiếm công việc phù hợp từ doanh nghiệp lữ hành.
Cơ sở dữ liệu bản đồ du lịch
Quản lí, lưu trữ bản đồ du lịch quốc gia, tỉnh thành phố, bản đồ du lịch tuyến, điểm du lịch..; bản đồ lưu trữ thông tin đường phố, sông, các cơ quan lớn đóng trên địa bàn, các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, chợ, bưu điện, bến xe... hỗ trợ công tác quản lí, quy hoạch trong ngành; hỗ trợ công ti lữ hành xây dựng lộ trình, tour, tuyến du lịch phù hợp; hỗ trợ khách du lịch dễ dàng tìm kiếm, xác định vị trí các điểm du lịch và các dịch vụ cần thiết trong quá trình đi du lịch tại Việt Nam nói chung, tại các địa phương nói riêng.
Cơ sở dữ liệu lưu trú, lữ hành du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin về hình ảnh, dịch vụ đặc trưng của từng cơ sở lưu trú, công ti lữ hành Việt Nam, hỗ trợ cơ quan quản lí các cấp rà soát, phân loại, xếp hạng, quản lí chất lượng dịch vụ lưu trú, lữ hành du lịch, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, lữ hành theo quy định, hỗ trợ du khách lựa chọn cơ sở lưu trú, công ti lữ hành phù hợp khi đi tham quan đảm bảo về uy tín và chất lượng.
Cơ sở dữ liệu bản tin và thống kê du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin có chủ đề về du lịch, về vấn đề nóng của ngành, về tình hình hoạt động du lịch trong nước và quốc tế; quản lí số liệu thống kê du lịch trên phạm vi toàn quốc, các tỉnh (thành phố) trực thuộc trung ương như: lượt khách du lịch quốc tế và nội địa; cơ sở lưu trú du lịch, công ti lữ hành, doanh thu du lịch; nguồn nhân lực du lịch... nhằm hỗ trợ các đơn vị/ cá nhân trong ngành cập nhật thông tin mới để hoạch định chiến lược, chính sách; dự báo tình hình phát triển của ngành; xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, đưa ra những quyết định đúng đắn trong quản lí điều hành, điều chỉnh các hoạt động du lịch, và công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch phù hợp với thực tế.
2) Cơ sở dữ liệu toàn văn
Cơ sở dữ liệu dự án, văn bản pháp luật du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin về các đề án, dự án (bao gồm cả chiến lược, quy hoạch tổng thể) phát triển du lịch quốc gia, ngành, vùng miền, tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc; các dự án hợp tác quốc tế có liên quan đến du lịch Việt Nam; quản lí các văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động du lịch do các cấp ban hành nhằm tăng cường công tác pháp chế trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ các đơn vị xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của quốc gia, vùng, và địa phương; hỗ trợ công tác nghiệp vụ trong ngành du lịch và các bộ, ngành có liên quan đến công tác quản lí các hoạt động du lịch; nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lí nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư du lịch; nâng cao ý thức pháp luật cho khách du lịch và cộng đồng dân cư.
Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin về tài nguyên du lịch tự nhiên (địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật..), tài nguyên du lịch nhân văn (di tích văn hóa khảo cổ, di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội...); lưu trữ thông tin về
chương trình dự án liên quan đến môi trường du lịch; sự tác động của môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn đến hoạt động du lịch và ngược lại, những thông tin cần thiết để giải quyết các sự cố về môi trường... hỗ trợ các đơn vị xây dựng định hướng, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, công tác quản lí, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bảo vệ các tài nguyên, môi trường du lịch của Việt Nam; thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án khai thác tiềm năng phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, du khách và người dân địa phương thực hiện đúng quy định và ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị tài nguyên môi trường khi tham gia hoạt động du lịch.
Cơ sở dữ liệu điểm du lịch, tuyến điểm du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin về điểm du lịch, tuyến điểm du lịch của Việt Nam, lưu trữ thông tin về điểm du lịch trong và ngoài nước, thông tin, hình ảnh, các sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc sắc; tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh chính trị, môi trường của điểm đến; thông tin về sự kết nối các điểm du lịch, khu du lịch giữa các địa phương, các quốc gia với nhau; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành thiết kế các chương trình du lịch; hỗ trợ khách du lịch lựa chọn điểm du lịch, tuyến du lịch phù hợp với nhu cầu, sở thích của bản thân.
Cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ
Quản lí, lưu trữ thông tin báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ các cấp; luận án, luận văn của các cơ sở đào tạo du lịch; bài nghiên cứu về các lĩnh vực du lịch đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế, tạp chí của ngành; kỉ yếu hội nghị, hội thảo khoa học về du lịch; thông tin khoa học và công nghệ du lịch của nước ngoài nhằm hỗ trợ các đơn vị, cá nhân trong ngành và những người quan tâm nghiên cứu về lĩnh vực du lịch, cập nhật áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong và ngoài nước giải quyết các vấn đề bất cập, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả trong các lĩnh vực của hoạt động du lịch.
Cơ sở dữ liệu khung chương trình, giáo trình du lịch
Quản lí, lưu trữ thông tin về khung chương trình, chương trình khung đào tạo du lịch của bộ; lưu trữ giáo trình chuyên ngành du lịch của bộ, ngành và một số cơ
sở đào tạo du lịch trên toàn quốc; hỗ trợ cơ quan quản lí kiểm soát việc dạy và học của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định, thống nhất nội dung chương trình giảng dạy; hỗ trợ cơ sở đào tạo có nguồn thông tin phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng phù hợp với nhu cầu ngành; nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu cho người học và cán bộ du lịch đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Việc xây dựng CSDL dùng chung sẽ giảm sự trùng lặp thông tin xuống mức thấp nhất, đảm bảo tính nhất quán thông tin trong hệ thống, tạo địa chỉ truy cập thống nhất về thông tin du lịch, đáp ứng NCT của NDT, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động của ngành. Các CSDL được quản lí trên các phần mềm quản trị CSDL nổi tiếng như: My SQL, SQL server, Oracle, Informix và được tích hợp trong một HTT quản lí chuyên ngành du lịch. Hệ thống này bao gồm các modul chức năng liên quan đến các CSDL toàn văn và CSDL dữ kiện, có cổng thông tin du lịch (hoặc web du lịch) và kiot điện tử tra cứu du lịch phục vụ tra cứu thông tin du lịch, hệ thống GIS du lịch kết xuất vào CSDL bản đồ du lịch.
3.2.2. Nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin hiện có, mở thêm các dịch vụ thông tin mới
Xuất phát từ thực trạng một số DVTT chưa đáp ứng được yêu cầu của NDT, từ nhu cầu DVTT mà NDT thường sử dụng, luận án đưa ra một số giải pháp nâng cao DVTT hiện có và mở thêm một số DVTT mới như sau:
3.2.2.1. Khắc phục bất cập và mở thêm dịch vụ thông tin du lịch trực tuyến mới
Để phát huy hiệu quả dịch vụ cung cấp thông tin du lịch trực tuyến, ngành du lịch cần phải:
Đầu tư, nâng cấp hạ tầng thông tin, hoàn thiện hệ thống mạng có dây và mạng không dây (wifi), mua dịch vụ của các nhà cung cấp thông tin mạng, nhà cung cấp trang tìm kiếm; tận dụng tối đa kênh thông tin qua mạng Internet; cùng trang thiết bị tin hiện đại, đồng bộ đảm bảo tốc độ đường truyền ổn định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NDT truy cập và tải thông tin.