Nghiên cứu hệ thống tài khoản kế toán áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam - 2


doanh nghiệp (theo yêu cầu của kế toán quản trị) và có đủ thông tin cho việc lập và trình bày BCTC (theo yêu cầu của Luật Kế toán, CMKT). Có những nước như Mỹ, Singapore, Malaixia, các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU),… CMKT không phải do cơ quan Nhà nước ban hành mà do các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán ban hành. Theo quy định của EU, tất cả các doanh nghiệp là đơn vị có lợi ích công chúng như công ty niêm yết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải áp dụng các CMKT quốc tế. Đồng thời, ở các nước phát triển, hoạt động nghề nghiệp kế toán rất phát triển do các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu được cung cấp dịch vụ kế toán như ghi sổ và lập BCTC ngày càng tăng để tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng của BCTC. Các tổ chức, cá nhân phải đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp mới được cung cấp dịch vụ ghi sổ và lập BCTC. Các tập đoàn lớn trên thế giới đều thuê các hãng phần mềm quốc tế xây dựng phần mềm kế toán để áp dụng thống nhất ở công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn cho phù hợp với đặc thù kinh doanh của từng lĩnh vực. Với tình hình trên, trên thế giới chưa có các đề tài, các nghiên cứu về hệ thống TKKT.

Ở Việt Nam, qua các thời kỳ, Bộ Tài chính đã có rất nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu và đã xây dựng được hệ thống TKKT áp dụng cho các doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý để hướng dẫn và triển khai Chế độ kế toán (CĐKT) trong các doanh nghiệp để thực hiện tốt công tác kế toán.

Mặc dù hệ thống TKKT đang áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh (SXKD) hiện nay ở nước ta đã có nhiều sửa đổi, cải tiến nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của nền kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD hiện hành còn quá phức tạp, còn mang tính khuôn mẫu, cứng nhắc, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, bên cạnh hệ thống TKKT quy định trong CĐKT doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ - BTC ngày 20/3/2006 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 15) của Bộ trưởng Bộ Tài chính, còn có hệ thống TKKT áp


dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Quyết định số 48/2006/QĐ - BTC ngày 14/9/2006. Ngoài ra, trên cơ sở Quyết định 15, các ngành và doanh nghiệp kinh doanh đặc thù còn được phép xây dựng và ban hành hệ thống TKKT riêng (Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hàng không, ...). Mặt khác, do những qui định của chế độ TKKT không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế nên Bộ Tài chính phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung hệ thống TKKT (các thông tư Thông tư số 138/2011/TT - BTC ngày 4/10/2011 về sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 244/2009/TT - BTC ngày 31/12/2009 bổ sung, sửa đổi CĐKT doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ - BTC ngày 20/3/2006; ...).

Việc tồn tại nhiều hệ thống TKKT áp dụng cho các doanh nghiệp và phải thường xuyên bổ sung, cập nhật như quy định hiện hành sẽ gây ra khó khăn trong việc vận hành hệ thống thông tin kế toán doanh nghiệp. Đối với cán bộ kế toán ở doanh nghiệp, việc phản ánh và xử lý các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các TKKT trở nên phức tạp, đặc biệt là khi thay đổi nơi công tác từ doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc sang các doanh nghiệp đặc thù. Các doanh nghiệp xây dựng phần mềm kế toán cũng phải mất nhiều thời gian trong quá trình nghiên cứu, thiết kế phần mềm do có nhiều hệ thống TKKT và có sự khác biệt về hệ thống TKKT cho từng loại hình doanh nghiệp. Đối với cán bộ trong các cơ quan Nhà nước khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp phải mất nhiều tư duy để nhớ do có nhiều hệ thống TKKT khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng gặp không ít khó khăn trong việc đào tạo và hướng dẫn thực hành kế toán cho học viên, sinh viên về hệ thống kế toán hiện hành để có thể đáp ứng được nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp.

Mặt khác, việc bắt buộc phải thực hiện hệ thống TKKT các cấp như hệ thống TKKT đang áp dụng cho các doanh nghiệp hiện nay chưa linh hoạt và chưa tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp do chưa cho phép doanh nghiệp được chủ động mở chi tiết TKKT các cấp, chưa yêu cầu doanh nghiệp phải tự thiết kế và thực hiện hệ thống TKKT và phương pháp kế toán trên cơ sở đảm bảo tuân


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.

thủ CMKT và các quy định có liên quan đến lập và trình bày BCTC cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp. Việc quy định để áp dụng thống nhất TKKT và phương pháp kế toán sẽ không còn phù hợp khi thực tế các chính sách, chế độ kinh tế, tài chính, thuế luôn được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc hoạt động kinh doanh đa dạng trong xu thế hội nhập kinh tế.

Ở Việt Nam, cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về tài khoản (TK) và hệ thống TKKT nhưng hầu hết các công trình nghiên cứu này chỉ dừng ở mức nghiên cứu tình hình vận dụng hệ thống TKKT tại một công ty hay tổng công ty mà chưa có một công trình nghiên cứu nào mang tầm quốc gia về hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD. Do vậy, để có được một hệ thống TKKT làm cơ sở pháp lý áp dụng thống nhất cho tất cả các doanh nghiệp SXKD thuộc mọi lĩnh vực, không phân biệt quy mô và loại hình doanh nghiệp, đồng thời cho phép doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động, linh hoạt trong việc mở chi tiết các TKKT để có đủ thông tin đáp ứng yêu cầu kế toán quản trị và kế toán tài chính, đặc biệt là có đủ thông tin làm cơ sở cho việc lập và trình bày BCTC thì việc nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống TKKT áp dụng cho các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam là một đòi hỏi có tính thời sự, cấp bách, cần thiết hiện nay; là một nội dung quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống kế toán Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm công tác kế toán cũng như các cơ quan hữu quan và các cơ sở đào tạo kế toán; đồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của nền kinh tế.

Nghiên cứu hệ thống tài khoản kế toán áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam - 2

Từ những phân tích cơ bản như trên, tác giả đã lựa chọn đề tài với tên gọi “Nghiên cứu hệ thống tài khoản kế toán áp dụng trong các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ của mình.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của đề tài là ứng dụng khung lý thuyết về TKKT, hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD và sử dụng dữ liệu về hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD; phân tích, đánh giá hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam hiện hành; từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để hoàn thiện và xây dựng hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp


SXKD ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kế toán và cung cấp thông tin cho các nhà quản lý.

Từ mục tiêu cơ bản đó, các mục tiêu nghiên cứu chính được xác định là:

- Làm rõ bản chất và vai trò của tài khoản và hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD;

- Phân tích và đánh giá thực trạng hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD hiện hành ở Việt Nam nhằm khẳng định những thành công và hạn chế của hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD hiện hành cả về chế độ ban hành lẫn áp dụng trong thực tiễn;

- Đề xuất các giải pháp cơ bản để hoàn thiện và xây dựng hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD hiện hành ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kế toán và thông tin kế toán trong các doanh nghiệp SXKD.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu:

Đề tài nghiên cứu về hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD hiện hành ở Việt Nam. Với đối tượng này, đề tài đi sâu nghiên cứu các vấn đề lý luận cơ bản và tiến hành khảo sát thực trạng chế độ kế toán về hệ thống TKKT cũng như thực trạng vận dụng hệ thống TKKT hiện hành trong các doanh nghiệp SXKD cùng với việc đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống TKKT hiện hành áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu:

Luận án tập trung nghiên cứu hệ thống TKKT hiện hành áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam và giải pháp hoàn thiện kết hợp xây dựng hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD. Cụ thể:

+ Về nội dung: Luận án giới hạn nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD.

+ Về không gian: Giới hạn nghiên cứu chế độ kế toán về hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam và thực tiễn vận dụng hệ thống TKKT hiện hành trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam.


+ Về thời gian: Nghiên cứu hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam từ năm 1954 đến nay, trong đó chú trọng giai đoạn từ tháng 3/2006 đến nay là giai đoạn áp dụng hệ thống TKKT hiện hành trong các doanh nghiệp SXKD.

4. Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, luận án tập trung giải đáp câu hỏi tổng quát: Hệ thống TK kế toán hiện hành áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả và hiệu quả hoạt động kế toán nói chung và chất lượng thông tin kế toán nói riêng của doanh nghiệp?

Từ đó, luận án phải giải đáp được các câu hỏi cụ thể sau:

- Những đặc trưng của TK và hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD?

- Những nhân tố nào ảnh hưởng đến hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD?

- Những giải pháp và đề xuất nào thích hợp để hoàn thiện và xây dựng hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD?

5. Phương pháp nghiên cứu

Công trình nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng với phương pháp định tính. Phương pháp nghiên cứu định lượng được luận án vận dụng từ cách thức tiếp cận diễn giải, còn phương pháp nghiên cứu định tính được vận dụng từ cách thức tiếp cận qui nạp.

Phương pháp định lượng được tác giả sử dụng trong luận án thông qua việc tính toán, đo lường về hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD và số lượng các doanh nghiệp SXKD hiện đang áp dụng nhằm thực hiện các phân tích thống kê dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được số hóa. Bằng cách sử dụng hệ thống bảng hỏi (phiếu điều tra) được chuẩn bị trước, tập trung chủ yếu vào những tồn tại, những khiếm khuyết và bất tiện của hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD hiện hành, luận án đã tiến hành thu thập thông tin sơ cấp từ 58 chuyên gia và từ 105 doanh nghiệp thuộc các loại


hình doanh nghiệp khác nhau. Trên cơ sở các số liệu điều tra thực tế theo phương pháp điều tra số lớn, diễn giải logic dựa trên một qui mô mẫu khảo sát nhất định, bằng cách số hóa dữ liệu, luận án đã đưa ra những nhận định, đánh giá về hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD hiện hành áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam. Từ đó, luận án chứng minh sự cần thiết phải nghiên cứu để hoàn thiện và xây dựng một hệ thống TKKT doanh nghiệp mang tính mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy được tính chủ động, sáng tạo và nâng cao khả năng thích ứng cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Dựa trên kết quả phân tích và dự báo định lượng kết hợp với lý luận về hệ thống TKKT doanh nghiệp, tác giả luận án đã đưa ra được một số giải pháp nhằm hoàn thiện và xây dựng hệ thống TKKT áp dụng trong các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp định lượng mà tác giả cảm nhận được khi sử dụng trong nghiên cứu là những sai số do đối tượng được phỏng vấn, điều tra trả lời không đúng các câu hỏi vì không nhớ hoặc do hiểu sai hay trả lời hoàn toàn theo cách hiểu chủ quan của họ.

Để vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính, luận án giả định rằng, hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD áp dụng trong các doanh nghiệp hiện hành ở Việt Nam là không phù hợp với điều kiện và tình hình hiện tại cũng như không đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của nền kinh tế. Vì thế, việc nghiên cứu để hoàn thiện và xây dựng một hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD là hoàn toàn cần thiết. Từ đó, luận án tiến hành thực hiện các quan sát, đánh giá hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD hiện hành cả về chế độ lẫn tình hình vận dụng trong thực tiễn tại các doanh nghiệp SXKD hiện hành ở Việt Nam trên quan điểm của tác giả. Việc sử dụng phương pháp định tính nhằm hoàn chỉnh những thông tin định lượng thu được trong các khảo sát và các nghiên cứu đánh giá; đồng thời, bổ trợ cho phương pháp định lượng bằng cách xác định các chủ đề phù hợp với phương pháp điều tra, giúp giải thích các mối quan hệ giữa các biến số được phát hiện trong nghiên cứu định lượng.


Việc kết hợp sử dụng cả 2 phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng trong luận án sẽ làm tăng độ tin cậy của các phân tích và đánh giá vì có được các minh chứng từ nhiều nguồn, tạo cách nhìn đa chiều về cùng một vấn đề, có thể bổ trợ cho nhau và phục vụ hiệu quả cho mục tiêu nghiên cứu. Mặt khác, việc sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp này trong nghiên cứu sẽ làm cho kết quả nghiên cứu đáp ứng tốt hơn mục tiêu của đề tài, giải đáp được câu hỏi nghiên cứu một cách đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm cho kết quả nghiên cứu vừa có tính khái quát nhờ phương pháp định lượng, vừa có tính cụ thể nhờ phương pháp định tính với các trường hợp nghiên cứu điển hình. Nhờ đó, các kết luận mà đề tài đưa ra sẽ bảo đảm cơ sở khoa học và mang tính khả thi cao.

Quá trình nghiên cứu của luận án được chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Nghiên cứu, hệ thống hóa và tổng hợp cơ sở lý luận về TKvà hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD và sự đánh giá thực trạng nghiên cứu hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD áp dụng trong các doanh nghiệp.

- Giai đoạn 2: Khảo sát thực tiễn về hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD và tình hình vận dụng hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD hiện hành tại doanh nghiệp ở Việt Nam.

- Giai đoạn 3: Phân tích, xử lý số liệu; trên cơ sở đó, rút ra các kết luận về các nội dung nghiên cứu.

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, giai đoạn tiếp theo luận án tiến hành giai đoạn khảo sát thực tiễn về hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD và tình hình vận dụng hệ thống TKKT doanh nghiệp SXKD hiện hành tại doanh nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh việc thu thập dữ liệu thứ cấp (các chế độ kế toán, chế độ TKKT doanh nghiệp SXKD do Bộ Tài chính ban hành), có thể nói, việc thu thập dữ liệu sơ cấp hết sức khó khăn và tốn nhiều công sức. Dữ liệu sơ cấp là nguồn dữ liệu chưa qua xử lý, được thu thập lần đầu và thu thập trực tiếp từ các doanh nghiệp SXKD ở Việt Nam thông qua các cuộc điều tra. Mặc dầu nguồn dữ liệu sơ cấp đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu nhưng do phạm vi của luận án và số lượng doanh nghiệp các doanh



nghiệp SXKD rất lớn (trên 375.000 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động1) và phân bố trên khắp cả nước nên luận án không thể tiến hành khảo sát hết được. Vì thế, tác giả luận án áp dụng phương pháp chọn mẫu nhằm tiến hành thu thập thông tin trên mẫu; từ đó, đưa ra các kết luận. Các doanh nghiệp được chọn phục vụ cho nghiên cứu đề tài được thực hiện trên cơ sở các yêu cầu: (1) Các doanh nghiệp được chọn phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực SXKD có cùng tính chất với các đơn vị tổng thể (lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, xây dựng cơ bản); (2) Quá trình chọn mẫu phải thực hiện theo nguyên tắc ngẫu nhiên; (3) Số lượng mẫu được chọn phải đủ lớn.

Để khắc phục nhược điểm này, tác giả luận án không tiến hành điều tra hết toàn bộ các doanh nghiệp mà chỉ điều tra ngẫu nhiên một số doanh nghiệp. Mẫu doanh nghiệp nghiên cứu được lựa chọn trên cơ sở dữ liệu danh bạ các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hà Nội và một số địa bàn khác như: Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, ... Đây là những địa bàn mà tác giả luận án có điều kiện khảo sát. Hơn nữa, những địa bàn được lựa chọn cũng là những địa bàn có nhiều doanh nghiệp SXKD hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, đa dạng về quy mô và loại hình sở hữu vốn.

Căn cứ vào các yêu cầu trên, tác giả luận án đã chọn ngẫu nhiên ra 150 doanh nghiệp để tiến hành thu thập dữ liệu. Việc tiếp cận các doanh nghiệp (mẫu lựa chọn) được thực hiện bằng cách tiếp cận theo danh sách và tiếp cận với cán bộ kế toán trong doanh nghiệp. Theo đó, khi tiếp cận theo danh sách, tác giả luận án căn cứ vào danh bạ các doanh nghiệp phát hành bởi Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), danh bạ các doanh nghiệp trong Những Trang Vàng (Yellow Page) được phát hành bởi Tập đoàn Công ty Bưu chính Viễn thông và các cơ sở dữ liệu khác trên internet (danh sách các công ty cổ phần niêm yết công bố bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ...) tại các địa bàn khảo sát. Việc tiếp cận trực tiếp qua các cán bộ kế toán trong các doanh


1 Niên giám Thống kê 2012.

Xem tất cả 228 trang.

Ngày đăng: 23/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí