Khuyến Nghị Gia Tăng Tính Hấp Dẫn Của Tự Nhiên



* Phương pháp đón tiếp khách;

* Phương pháp cơ bản xây dựng bài thuyết minh về điểm DLCĐ;

* Thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại bản DLCĐ;

* Giao lưu tổ chức hoạt náo giữa người dân địa phương với khách du lịch;

* Cách xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình hướng dẫn khách du lịch cộng đồng tham quan tại địa phương;

* Kỹ năng giao tiếp của người dân địa phương với khách du lịch cộng đồng.

+ Bồi dưỡng ngôn ngữ tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho hướng dẫn viên, cho cộng

đồng để thuận tiện trong việc đón tiếp khách du lịch người nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

+ Kết hợp giữa hướng dẫn kiến thức lý thuyết và thực hành các kỹ năng cơ bản để người dân hiểu và vận dụng ngay vào thực tế từ: bắt đầu từ khi đón khách đến tham quan cho đến khi kết thúc chương trình du lịch của khách du lịch cộng đồng.

- Về dịch vụ vui chơi giải trí:

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc - 17

Tại các bản DLCĐ không có những dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp giống như ở các thành phố lớn, vì thế khi khách du lịch đến tham quan tại đây họ muốn được tham gia những hoạt động giải trí độc đáo mang đặc trưng riêng của bản DLCĐ. Do đó, khi khách du lịch đến tham quan người dân địa phương tại các điểm du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc cần:

+ Tổ chức giao lưu với du khách thông qua những hoạt động: múa hát, tổ chức lễ hội, tổ chức các trò chơi dân gian, tạo ấn tượng tốt đẹp khi khách du lịch đến với bản DLCĐ.

+ Sưu tầm các loại hoa quả đặc sản tiêu biểu từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương để phục vụ du khách thưởng thức.

+ Hướng dẫn khách du lịch cộng đồng tham gia trải nghiệm cùng người dân như: trồng rau, dệt vải, thêu khăn, túi, đan ếp, đan thúng, trực tiếp nấu các món ăn dân tộc theo hướng dẫn của chủ nhà.

- Về dịch vụ bán hàng lưu niệm:

+ Khách đi du lịch ngoài mong muốn được tìm hiểu khám phá, trải nghiệm tại điểm đến thì họ rất thích mua được những sản phẩm làm quà tặng hoặc giữ cho riêng mình làm vật kỷ niệm về một điểm DLCĐ nào đó. Nhưng tại các bản DLCĐ vùng Tây



Bắc hiện nay còn ít hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Vì thế để phát triển và nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ này tại địa phương, cần khuyến khích người dân địa phương tham gia sản xuất hàng lưu niệm: đồ dệt thổ cẩm, đồ đan lát, các sản phẩm tự chế tác… tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo đa dạng về mẫu mã, chủng loại phục vụ khách du lịch cộng đồng;

+ Với những địa phương không có nghề thủ công mỹ nghệ cũng như các nông sản đặc trưng, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ, tạo điều kiện để một vài nghệ nhân đi học nghề từ những địa phương khác như: nghề dệt thổ cẩm ở bản Thèn Luông, xã Tam Đường; nghề làm gốm Mường Chanh, Mai Sơn… sau đó về truyền dạy cho người dân trong vùng, từ đó phát triển thành các làng nghề thủ công, mỹ nghệ nhằm thu hút khách du lịch;

+ Nhằm tạo điểm nhấn và sức hút cho các sản phẩm quà tặng thì các hộ gia đình tại các bản DLCĐ cần trang bị những giá trưng bày bán hàng lưu niệm thân thiện với môi trường;

+ Những hộ gia đình chưa có nhiều sản phẩm hàng lưu niệm trưng bày để bán cho khách du lịch họ có thể thực hiện phương pháp ký gửi sản phẩm tại một số hộ gia đình khác trong bản để thuận tiện bán cho khách du lịch cộng đồng;

+ Đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm: đồ thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nhạc cụ, thuốc nam, sản vật của núi rừng để khách du lịch có nhiều sự lựa chọn.

5.2.2 Khuyến nghị về môi trường tham quan du lịch

Đối với du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc, để nâng cao sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng, cần nâng cao ý thức của người dân địa phương trong vùng về giữ gìn vệ sinh tại các địa điểm du lịch góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, tạo ấn tượng tốt cho khách du lịch cộng đồng tới tham quan, trải nghiệm. Nghiên cứu đánh giá những nhân tố tác động tiêu cực đến môi trường tham quan du lịch để từ đó có những biện pháp quản lí môi trường du lịch hiệu quả.

Chính quyền các địa phương vùng núi Tây Bắc, các doanh nghiệp du lịch và cư dân địa phương trong Vùng phải cộng đồng trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động du khách thực hiện tốt yêu cầu du lịch xanh: không xả rác, không gây ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ các loài động thực vật tại điểm đến du lịch. Chính quyền địa phương, cần phối hợp đào tạo lực lượng lao động du lịch xanh tại chỗ, giúp cư dân địa phương phát triển kinh tế theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.



Xây dựng hệ thống các công trình chống lũ, tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tham quan du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của vùng núi Tây Bắc. Từ đó vận động, lôi cuốn toàn thể cộng đồng tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Cần chú trọng giới thiệu, lồng ghép các mô hình du lịch sinh thái, du lịch xanh, các mô hình về tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.

5.2.3 Khuyến nghị gia tăng tính hấp dẫn của tự nhiên

Để gia tăng sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, vùng Tây Bắc nên tạo sự khác biệt của mình so với các địa phương và tận dụng những tiềm năng du lịch sẵn có của vùng. Nên bổ sung các loại cây trồng là đặc sản của địa phương trong các khu du lịch sinh thái và cho khách tham gia thu hoạch tại vườn. Ngoài ra để gia tăng sự hấp dẫn của rừng tự nhiên, cần ngăn chặn triệt để nạn đốt phá rừng để giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, các điểm tham quan hùng vĩ nên tôn tạo và đưa những điểm tự nhiên đẹp, hấp dẫn vào phục vụ khách du lịch tham quan, khám phá.

Vùng Tây Bắc có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá và các lễ hội truyền thống có thể lập kế hoạch tái tạo và đưa vào phục vụ tham quan cho khách du lịch cộng đồng. Bởi vì theo ý kiến nhận được từ phía khách du lịch cộng đồng thì nhu cầu tham gia lễ hội và tham quan di tích lịch sử - văn hoá là rất cao.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường bảo việc môi trường tự nhiên. Bởi vì đặc trưng cho loại hình du lịch cộng đồng là “hướng về tự nhiên, do cộng đồng làm chủ”. Nên có dụng cụ thu gom rác thải ở các khu du lịch và khu vui chơi sinh thái để tạo điều kiện cho khách du lịch cộng đồng bỏ rác. Thêm vào đó, cần bố trí nhân viên vệ sinh thường xuyên quét dọn để đảm bảo các điểm du lịch cộng đồng luôn sạch sẽ, duy trì tốt vệ sinh môi trường.

5.2.4 Khuyến nghị phát huy các giá trị văn hóa bản địa

- Người dân tại các bản đã có ý thức về việc gìn giữ bảo tồn ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình, tuy nhiên một số hộ gia đình khi trùng tu, sửa chữa hoặc xây mới đã sử dụng các loại vật liệu phi truyền thống như tôn, ngói và cách tân kiến trúc ngôi nhà theo hướng hiện đại làm phá vỡ cảnh quan du lịch, gây phản cảm cho khách du lịch cộng đồng. Vì vậy cần vận động những hộ gia đình tại các bản lưu giữ kiến trúc ngôi nhà truyền thống để đón khách du lịch cộng đồng tham quan, nghiên cứu;



- Đa số người dân địa phương tại các bản đã có ý thức bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc mình thể hiện qua việc sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt, lao động hàng ngày. Tuy nhiên một số người dân trong bản còn ít sử dụng trang phục truyền thống, tập trung chủ yếu là những người trẻ tuổi. Vì thế để phát triển du lịch cần vận động người dân tại các bản thường xuyên mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ;

- Phong trào văn nghệ tại các bản hoạt động khá tốt, các đội văn nghệ tại các bản đã xây dựng kế hoạch tập luyện và biểu diễn, tuy nhiên những đội văn nghệ này tập luyện, biểu diễn định kỳ hàng tuần còn ít, chủ yếu tập luyện biểu diễn trong các buổi giao lưu văn nghệ hoặc khi có yêu cầu. Vì vậy cần khuyến khích các đội văn nghệ của các bản luyện tập thường xuyên, các điệu múa được dàn dựng phong phú hơn và sử dụng đạo cụ truyền thống của dân tộc để tập luyện, biểu diễn ở địa phương và phục vụ khách du lịch cộng đồng đến tham quan;

- Tại các bản có một số nghề thủ công truyền thống như nghề dệt, nghề thêu, nghề đan lát… trong đó chủ yếu nghề thêu và dệt thổ cẩm được bà con bảo tồn, nghề đan lát chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Nhưng hiện nay nghề thủ công truyền thống tại các bản đang dần bị mai một, ít người biết làm… Sản phẩm chưa đa dạng, nghèo nàn về mẫu mã. Như vậy để phát triển du lịch cộng đồng cần đẩy mạnh hoạt động bảo tồn những nghề thủ công trên, sáng tạo tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, để khách du lịch cộng đồng đến tham quan có nhiều lựa chọn làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Đồng thời các cấp chính quyền có chính sách hỗ trợ đầu ra các sản phẩm cho những hộ gia đình, nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống của địa phương để họ duy trì và phát triển được các nghề truyền thống;

- Cộng đồng tại các bản đã thực hiện bảo tồn những phong tục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên việc bảo tồn cần được quan tâm lựa chọn thông qua tuyên truyền định hướng để người dân tự giác phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp, từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu như: Ma chay, cúng ma khi sinh đẻ, ốm đau. Để phục vụ nhu cầu khách du lịch cộng đồng tham quan, nghiên cứu thì người dân tại các bản cần thực hiện tích cực việc gìn giữ, bảo tồn các phong tục truyền thống của địa phương như: phong tục thờ cúng thần linh, tổ tiên, tết cổ truyền, lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ mừng cơm mới.

- Tại các bản, đồng bào dân tộc đã bảo tồn những trò chơi dân gian như: Ném còn, tó má lẹ, đẩy gậy, đánh quay... nhưng những trò chơi dân gian chưa được phổ biến rộng rãi trong đời sống hằng ngày của cộng đồng. Do đó để tổ chức tốt hoạt động DLCĐ



người dân địa phương tại các bản cần duy trì tổ chức các trò chơi dân gian thường xuyên

để khách du lịch cộng đồng có cơ hội được cùng tham gia và trải nghiệm.

- Về lễ hội: người dân địa phương tại các bản cần nghiên cứu và phục dựng những lễ hội, nghi lễ mang đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình, vừa là hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa bản địa vừa phục vụ phát triển du lịch; Đồng thời lễ hội phải được tổ chức thường niên thì mới có thể tồn tại và phát triển lâu bền trong cộng đồng;

- Kho tàng văn hóa, văn học dân gian (tục ngữ, câu đố, ca dao, truyện, thơ), bài thuốc cổ truyền, chữ viết được bà con tại các bản gìn giữ và lưu truyền. Tuy nhiên những tác phẩm được sưu tầm còn hạn chế, và chỉ tập trung ở những người cao tuổi, thế hệ trẻ ít biết đến. Vì vậy cần có những giải pháp để bảo tồn các giá trị văn hóa này gồm:

+ Khuyến khích, hỗ trợ đồng bào dân tộc các bản tích cực sưu tầm những câu chuyện, tác phẩm văn học dân gian của dân tộc, làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa, văn học của dân tộc mình;

+ Khuyến khích đồng bào dân tộc tại các bản tham gia nghiên cứu phục hồi chữ viết cổ của dân tộc mình.

+ Những nghệ nhân cao tuổi cần truyền dạy cho thế hệ trẻ hiểu biết về kho tàng văn hóa văn học dân gian của dân tộc mình, khơi gợi lòng say mê, trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó giúp họ có ý thức và tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn kho tàng văn hóa của dân tộc.

+ Những người cao tuổi truyền dạy cho thế hệ trẻ những bài thuốc cổ truyền của dân tộc mình. Thông qua hoạt động này thế hệ trẻ nâng cao ý thức gìn giữ những bài thuốc cổ truyền và có thể giới thiệu hướng dẫn cho khách du lịch trải nghiệm.

Tóm lại, người dân địa phương tại bản các cần thực hiện tốt những khuyến nghị trên để những giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng được bảo tồn và phát triển, đồng thời cộng đồng phát huy tối đa những giá trị văn hóa ấy để quảng bá với khách du lịch trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

5.2.5 Khuyến nghị quảng bá thu hút thị trường

- Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường cũ

Tiếp tục đầu tư thỏa đáng nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch cộng đồng hiện có của địa phương. Ngoài ra cũng cần có những chính sách giá cả phù hợp để khuyến khích khách du lịch sử dụng các sản phẩm du lịch cộng đồng.



- Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường mới

Theo nghiên cứu đánh giá thị trường mới đây thì tiềm năng thị trường lớn của vùng Tây Bắc là khách du lịch từ các nước như: Trung Quốc, Úc và các nước ASEAN. Đa số khách du lịch từ những thị trường này muốn đến Việt Nam nói chung và Tây Bắc nói riêng, để thưởng thức những sản phẩm du lịch truyền thống. Tây Bắc cần đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá để hình ảnh về thiên nhiên và con người vùng Tây Bắc ngày càng được khách du lịch trong nước và quốc tế quan tâm khám phá.

- Chiến lược sản phẩm mới, thị trường cũ

Đây là chiến lược có nhiều khả năng thực thi hơn cả vì chỉ có đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới có khả năng hạn chế được sự nhàm chán và giảm sút của thị trường khách truyền thống, đồng thời có sức hấp dẫn thu hút đối với những thị trường khách mới. Trong việc thực hiện chiến lược này, chính quyền các địa phương cần phối hợp, hỗ trợ các đơn vị chú trọng nghiên cứu phát triển những sản phẩm mà thị trường cần.

- Chiến lược sản phẩm mới, thị trường mới

Đây là chiến lược này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn cho việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cho công tác tuyên truyền quảng cáo để tìm và khai thác thị trường mới. Trong điều kiện cụ thể hiện nay ở Tây Bắc, chiến lược này chưa thực sự cấp thiết và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên đây vẫn là chiến lược cần quan tâm từng bước đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc bền vững.



TIỂU KẾT CHƯƠNG 5


Dựa vào kết quả phân tích chương 4, tác giả đưa ra một số định hướng và mục tiêu phát triển hoạt động du lịch cộng đồng trong bối cảnh hội nhập, phát triển. nhằm nâng cao sự hài lòng của khách du lịch khi tham gia du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc, tác giả đã đề xuất một số khuyến nghị gồm: (i) Khuyến nghị về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; (ii) Khuyến nghị về môi trường tham quan du lịch; (iii) Khuyến nghị gia tăng tính hấp dẫn của tự nhiên; (iv) Khuyến nghị phát huy các giá trị văn hóa bản địa; (v) Khuyến nghị quảng bá thu hút thị trường.



KẾT LUẬN


Ngành du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó loại hình du lịch cộng đồng đã và đang phát triển, ngày càng khẳng định được ưu thế tại vùng Tây Bắc. Luận án đã đạt được các mục tiêu nghiên cứu đặt ra ban đầu gồm: Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về du lịch cộng đồng, chất lượng điểm đến và sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng.

Nghiên cứu đã xây dựng được mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng. Trên cơ sở phân tích đã nêu rõ tác động của từng yếu tố: Văn hóa bản địa; Môi trường tham quan; Tính hấp dẫn tự nhiên; Cơ sở hạ tầng; Giá cả dịch vụ tại điểm du lịch tới sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng.

Nghiên cứu cũng đánh giá thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại Tây Bắc. Từ các kết quả nghiên cứu trên, tác giả đã chỉ ra vai trò quan trọng của yếu tố văn hóa bản địa đối với sự hài lòng của khách du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc từ đó đề xuất các khuyến nghị cho các địa phương, các nhà quản lý, các công ty lữ hành và người dân địa phương hoạt động trong lĩnh vực du lịch cộng đồng về định hướng phát triển các loại hình và các sản phẩm du lịch cộng đồng cùng các giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch cộng đồng, từ đó góp phần xây dựng và phát triển chiến lược du lịch cộng đồng bền vững tại vùng Tây Bắc. Kết quả nghiên cứu có thể áp dụng đối với các vùng, các khu vực khác của Việt Nam có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương đồng.

Hạn chế nghiên cứu và định hướng nghiên cứu tiếp theo:

Mặc dù đã tập trung nghiên cứu các tài liệu, nghiên cứu đi trước, nhưng mô hình nghiên cứu của luận án vẫn còn hạn chế trong việc chưa thể hiện được hết những yếu tố có tác động đến sự hài lòng của du khách, điều này thể hiện ở tỷ lệ biểu diễn tác động đến biến phụ thuộc của mô hình mới ở mức 73%, do đó các nghiên cứu tiếp theo vẫn cần phải bổ sung thêm các biến trong mô hình nghiên cứu, đây là một hướng nghiên cứu tiếp theo cho đề tài.

Bên cạnh đó, việc phân tích dữ liệu còn một số hạn chế khi cỡ mẫu nghiên cứu còn chưa cao so với số lượng khách du lịch cộng đồng đến với vùng Tây Bắc, do đó phần nào hạn chế sự thể hiện đánh giá một cách khách quan, đầy đủ của khách du lịch. Vì vậy, trong các nghiên cứu tiếp theo có thể thực hiện với kích thước mẫu lớn hơn, chọn mẫu theo xác suất và có phân lớp đối tượng để tăng tính khái quát cho nghiên cứu.

Như vậy, với những hạn chế còn tồn tại của luận án, trong những nghiên cứu tiếp theo, tác giả cần tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu, tổng hợp, bổ sung mô hình nghiên cứu cũng như tăng cường số lượng mẫu khảo sát, nhằm hoàn thiện mô hình và kết quả nghiên cứu để mang lại kết quả chính xác, đầy đủ hơn.

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí