Mô hình văn phạm liên kết tiếng Việt - 1

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên trên máy tính là một trong những bài toán khó của công nghệ thông tin. Nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên đã được khởi động từ những năm 40 của thế kỷ 20, ngay sau khi xuất hiện máy tính điện tử. Dù được bắt đầu muộn hơn, xử lý tiếng Việt đã phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây do sự bùng nổ thông tin trên mạng Internet với hàng loạt yêu cầu tìm kiếm, dịch thuật tài liệu, quảng bá thông tin, đào tạo, hội thảo từ xa… Số nhà nghiên cứu theo đuổi lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng, tiếp cận theo cả hai hướng lớn: xử lý tiếng nói và xử lý văn bản. Do phạm vi của đề tài, luận án chỉ đề cập đến một số vấn đề liên quan trong nhánh xử lý văn bản.

Phân tích cú pháp là khâu quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề khác do 1

Phân tích cú pháp là khâu quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề khác, do vậy các bộ phân tích cú pháp tiếng Việt đã được xây dựng từ rất sớm. Đầu tiên là những bộ phân tích cú pháp dựa trên văn phạm phi ngữ cảnh với các phương pháp truyền thống: bộ phân tích cú pháp theo phương pháp CYK của Lê Thanh Hương và các đồng nghiệp [12], các bộ phân tích cú pháp theo phương pháp Earley của Phan Thị Tươi [27], Nguyễn Gia Định và các đồng nghiệp [5]. Để giải quyết vấn đề nhập nhằng, nhóm Lê Thanh Hương đã sử dụng văn phạm phi ngữ cảnh từ vựng hóa kết hợp xác suất [22], văn phạm cấu trúc đoạn hướng trung tâm[15]. Nhiều mô hình văn phạm khác cũng được xây dựng cho tiếng Việt với để mở rộng lớp ngôn ngữ được biểu diễn: văn phạm kết nối cây từ vựng hóa do Nguyễn Thị Minh Huyền và các đồng nghiệp xây dựng [20], [101] cho phép biểu diễn lớp ngôn ngữ cảm ngữ cảnh, cấu trúc nét và văn phạm hợp nhất được nhóm Trần Ngọc Tuấn sử dụng [26], [122], [123] cho phép biểu diễn lớp ngôn ngữ lớn nhất theo phân cấp của Chomsky[63]: lớp ngôn ngữ loại 0.

Dịch tự động là lĩnh vực khó nhưng lại có khả năng ứng dụng thực tế rất lớn. Hiện nay các nhà nghiên cứu Việt Nam đã thử nghiệm một số hệ thống dịch tự động dựa trên các hướng tiếp cận khác nhau. Có thể kể đến VCLEVT của Trường Đại học Khoa hoc Tự nhiên ĐHQG TP Hồ Chí Minh với tiếp cận BTL – học luật chuyển đổi từ ngữ liệu song ngữ [3]. Hệ dịch đầu tiên của Việt Nam được thương mại hóa là EVtran – VEtran của Nacentech theo cách tiếp cận dựa trên luật [10]. Một hệ thống dịch khác đạt chất lượng khá tốt là hệ thống Vietgle chuyên dịch Anh – Việt của Lạc Việt. Ngoài ra còn có các hệ dịch máy khác như hệ LVT của Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội [93], hệ dịch máy thống kê Việt – Anh sử dụng phân tích cú pháp có xác suất của Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh [124]. Cũng không thể không nhắc đến hệ thống dịch Google Translate theo hướng tiếp cận thống kê với kho ngữ liệu khổng lồ của Google. Nhìn chung, các sản phẩm dịch tự động chủ yếu theo hướng Anh – Việt. Số lượng và chất lượng của các hệ thống dịch Việt – Anh còn hạn chế.

Về khai thác văn bản trên Internet, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam quan tâm đến các lĩnh vực biểu diễn văn bản như Hồ Tú Bảo [29],[33]; khai phá web, web ngữ nghĩa như Cao Hoàng Trụ [117], Hồ Tú Bảo[63]; tóm tắt văn bản như Lê Thanh Hương [66], nhóm Hà Thành Lê [15]… Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên văn bản tiếng Việt như hệ thống tóm tắt văn bản của nhóm Hà Thành Lê [15], hệ thống rút trích nội dung trang web tiếng Việt của nhóm Đỗ Phúc [19].

Do đặc điểm về cấu tạo từ, phân tách và gán nhãn từ là giai đoạn tiền xử lý bắt buộc trong các hệ thống xử lý tiếng Việt. Công cụ phân tách từ vnTokenizer đã được Nguyễn Thị Minh Huyền, Lê Hồng Phương và các đồng nghiệp phát triển, sử dụng ôtô mat hữu hạn kết hợp phân tích biểu thức chính quy để xác định các chuỗi từ [102]. Trường hợp nhập nhằng được giải quyết bằng thuật toán trực cảm (heuristic), ưu tiên cách phân tách cho kết quả chứa những từ có độ dài lớn nhất. Phương pháp này đạt độ chính xác cao với bộ ngữ liệu mẫu (trên 98,5%) [116]. Bộ tách từ JVnSegmenter của nhóm Phan Xuân Hiếu [121] sử dụng công nghệ CRF và SVM cũng cho kết quả 94%. Ngoài ra có thể kể đến bộ tách từ của Lê An Hà [60] tính xác suất và độ hợp lý cực đại (maximum likelihood). Bài toán gán nhãn từ loại thường được giải quyết cùng bài toán tách từ. Cùng với bộ JVnSegmenter, các tác giả của nó xây dựng bộ gán nhãn từ JVnTagger sử dung CRF và entropy cực đại [7]. Bộ vnTokennizer cũng đi kèm với vnQTAG [13]. Một số nghiên cứu của các tác giả Việt Nam cũng tập trung vào khử nhập nhằng nghĩa từ như Lê Anh Cường [45], [46], Đinh Điền [48].

Các bộ ngữ liệu là tài nguyên hết sức quan trọng trong xử lý tiếng Việt. Các đề tài cấp nhà nước KC.01-03, KC.01.01/06-10 đã thu thập được một kho ngữ liệu tiếng Việt lấy từ các bài báo điện tử. Hiện nay, bộ ngữ liệu 1 triệu âm tiết đã tách từ, 10.000 câu được gán nhãn từ loại, treebank tiếng Việt với 10.000 phân tích câu đã được xây dựng. Đây cũng là những đóng góp rất lớn, tạo thuận lợi đáng kể cho những nghiên cứu về xử lý tiếng Việt tự động.

Về ngữ liệu song ngữ: kho ngữ liệu của các sách báo song ngữ cũng rất đáng kể. tuy nhiên kho ngữ liệu đó khó hỗ trợ cho xử lý tự động, do chưa thực hiện những thao tác tiền xử lý như gióng hàng mức câu, mức từ. Ngữ liệu song ngữ Anh -Việt điện tử (có dịch 1-1, có gán nhãn ngôn ngữ) phổ biến có kho ngữ liệu song ngữ Anh -Việt EVC của Cao Hoàng Trụ là công trình công bố chính thức đầu tiên ở trong nước[24], [25], kho ngữ liệu song ngữ của nhóm Đinh Điền được công bố đầu tiên ở ngoài nước [47]. Đã có công trình nghiên cứu chi tiết về xây dựng và khai thác kho ngữ liệu song ngữ Anh – Việt có gán nhãn ngôn ngữ của Đinh Điền [48]. Cũng có những kết quả khác về xây dựng kho ngữ liệu cho xử lý văn bản của nhóm Nguyễn Thị Minh Huyền [36], [37], Phan Huy Khánh [73]. Đề tài KC.01.01/06-10 đã thu thập được 100.000 câu song ngữ Anh – Việt gióng hàng mức câu, trong đó có 20.000 câu thuộc lĩnh vực tin học và 80.000 câu thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ngữ liệu song ngữ Việt – Anh còn nghèo nàn, chưa có những bộ ngữ liệu mẫu đáng kể.

Một số từ điển điện tử đã được xây dựng, chủ yếu là để phục vụ tra cứu trên máy tính, tuy nhiên phần lớn các từ điển này chưa dùng được trong xử lý tự động. Đáng kể nhất là bộ từ điển tiếng Việt của đề tài KC.01.01/06-10 [16] được xây dựng trên mô hình LMF với ba gói: hình thái, cú pháp, ngữ nghĩa. Bộ từ điển thể hiện khá toàn diện các thông tin liên quan đến từ pháp và cú pháp. Một số từ điển song ngữ được cung cấp miễn phí như từ điển Anh – Việt của đề tài KC.01.01/06-10 gồm gần 60.000 mục từ, từ điển Việt – Anh cũng do đề tài nói trên cung cấp gồm hơn 11.000 mục từ, bộ từ điển Anh – Việt của Hồ Ngọc Đức bao gồm 110.000 mục từ, từ điển Việt – Anh gồm 23.000 mục từ.

Trên đây là một phần của bức tranh về tình hình nghiên cứu xử lý tự động văn bản tiếng Việt với sự phát triển đáng kể trong thời gian vừa qua. Nếu so với tiếng Anh, các ngôn ngữ châu Âu, hay tiếng Trung, Nhật, Hàn, có thể thấy nguồn tài nguyên phục vụ cho xử lý tiếng Việt còn nghèo nàn. Cho dù hiện nay đã có sự lấn át của các phương pháp học máy, thống kê, rất ít nghiên cứu tách rời hoàn toàn các mô hình biểu diễn cú pháp. Việc tham khảo cấu trúc cú pháp của văn bản nguồn cũng như văn bản đích xuất hiện trong các hệ thống dịch của nhóm Đinh Điền [3], nhóm Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh [124], nhóm nghiên cứu tại JAIST [115]. Sử dụng phương pháp học thống kê kết hợp biểu diễn cú pháp sẽ cho những sản phẩm có chất lượng tốt hơn hẳn, chẳng hạn trong lĩnh vực dịch máy [115]. Như vậy vấn đề biểu diễn cú pháp vẫn là vấn đề hết sức quan trọng trong xử lý tiếng Việt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 305 trang tài liệu này.

Mô hình văn phạm phi ngữ cảnh là mô hình phổ biến nhất để biểu diễn cú pháp tiếng Việt và phân tích cú pháp theo những phương pháp nổi tiếng CYK, Earley [12], [27], [5]. Mô hình này cũng được sử dụng cho một số hệ thống dịch máy [124].

Việc phân chia từ thành các lớp mà không quan tâm đến những đặc điểm từ vựng của văn phạm ngữ cấu cổ điển có thể làm cho bộ phân tích cú pháp chấp nhận nhiều câu không bao giờ được sử dụng trong thực tế, ví dụ câu tiếng Việt “Tôi mua hai thóc”. Câu này, không tồn tại trong tiếng Việt vì từ “thóc” trong không bao giờ đi trực tiếp sau số từ. Hiện tượng này cũng rất phổ biến trong các ngôn ngữ khác. Xu hướng từ vựng hóa các văn phạm được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nhiều mô hình văn phạm từ vựng hóa đã được xây dựng cho ngôn ngữ tự nhiên như văn phạm phi ngữ cảnh từ vựng hóa,văn phạm chức năng từ vựng hóa, văn phạm cấu trúc đoạn hướng trung tâm, văn phạm kết nối cây từ vựng hóa, văn phạm phạm trù tổ hợp, văn phạm liên kết… Hiện nay, xu hướng từ vựng hóa cũng đã ảnh hưởng tới các văn phạm tiếng Việt. Các mô hình văn phạm phi ngữ cảnh từ vựng hóa kết hợp xác suất [22], văn phạm kết nối cây từ vựng hóa [20] đã được phát triển cho tiếng Việt. Tuy nhiên chỉ có một số ít các văn phạm như văn phạm phạm trù tổ hợp, văn phạm liên kết là hoàn toàn từ vựng hóa, tức là tồn tại những luật riêng cho từng mục từ [112]. Mô hình hoàn toàn từ vựng hóa cho phép đặc tả nhiều ngoại lệ về cú pháp và từ pháp của tiếng Việt

Tập ký hiệu không kết thúc có kích cỡ lớn làm cho phân tích câu trong văn phạm phi ngữ cảnh trở nên phức tạp. Do vậy khi sử dụng cây phân tích cho những mục đích khác như dịch máy, sinh ngôn ngữ cần nhiều bước xử lý theo các mức phân cấp trong cây. Hơn nữa, muốn tìm mối liên hệ giữa hai từ trong câu theo mô hình phi ngữ cảnh, phải vượt qua một khoảng cách không nhỏ, thậm chí lần theo các mối nối đến tận nút gốc với chi phí thời gian khá lớn. Trong tiếng Việt, với nhiều trường hợp, quan hệ giữa các từ lại cực kỳ quan trọng vì nó có thể cho biết thông tin về số của danh từ, thì, thể của động từ, hay nhiều loại quan hệ khác như quan hệ sở hữu, quan hệ về chất liệu …

Cách tiếp cận phụ thuộc hiện nay là xu hướng nổi trội để biểu diễn cú pháp. Ưu điểm đầu tiên của văn phạm phụ thuộc là không có tập ký hiệu không kết thúc. Cây phụ thuộc thể hiện mối quan hệ trực tiếp giữa các từ trong câu, đơn giản hơn rất nhiều so với cây ngữ cấu. Khi sử dụng các quan hệ phụ thuộc có gán nhãn, mô hình phụ thuộc mã hóa trực tiếp cấu trúc vị ngữ – bổ ngữ . Do vậy có thể dịch (hiểu) riêng từng đoạn trong câu.

Mô hình văn phạm phụ thuộc không xạ ảnh (non projective) có đặc điểm là cấu trúc phụ thuộc độc lập với trật tự từ, rất thích hợp với các ngôn ngữ có trật tự từ tự do. Tất nhiên mô hình văn phạm phụ thuộc vẫn tỏ ra hiệu quả cho các ngôn ngữ có trật tự từ khá chặt chẽ. Chính vì vậy, các bộ phân tích cú pháp xây dựng trên mô hình phụ thuộc được phát triển cho hầu hết các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, khởi đầu là các bộ phân tích cú pháp tiếng Anh của Collins [44], bộ phân tích cú pháp phụ thuộc của đại học Stanford. Các bộ phân tích cú pháp phụ thuộc cho các ngôn ngữ khác: tiếng Pháp của Candito [39], [40], tiếng Nga của nhóm Bogulavsky [98], tiếng Trung Quốc của Lai Bong Yeung Tom, Changning Huang [118], tiếng Nhật của Matsumoto và các đồng nghiệp [99], [125], tiếng Hàn của So Young Kwon [78] đã được xây dựng. Nhiều ngôn ngữ Đông Nam Á cũng được phân tích cú pháp theo hướng phụ thuộc như tiếng Indonesia với bộ phân tích cú pháp của Kamayani và Purwarianti [72], tiếng Thái Lan với bộ phân tích cú pháp của Tongchim [119], tiếng Tagalog (Philippines) với bộ phân tích của Maguilimotan và Matsumoto [85]. Mô hình văn phạm phụ thuộc cũng rất hữu hiệu cho những ứng dụng như tóm tắt văn bản [91], [108], rút trích thông tin [42], dịch máy [49], [55]…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 31/10/2021