Đánh giá khả năng nuôi trồng và kinh doanh một số loài Lan rừng tại khu vực Sa Pa – Lào Cai - 9


Hoàng thảo thủy tiên, một vài loài Lan hài như Hài huyền, Hài vàng,…. Hầu hết việc nhân giống các loài Lan này đều rất thuận lợi (bằng việc giâm cành hay tách chiết nhưng tỷ lệ nhân giống không cao) chỉ có Lan hài là việc nhân giống có khó khăn hơn. Nhu cầu của thị trường luôn có sự thay đổi, vì vậy trong quá trình kinh doanh cần có sự tìm hiểu để có thể đáp ứng kịp thời nhằm có được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Qua Bảng 4.9 ta cũng thấy rằng: kinh doanh hoa Lan có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân ở đây, chỉ với một khoảng diện tích vài trăm m2 thậm chí có hộ chỉ có 80m2 nhưng hàng năm đều có thu nhập ổn định.

Đây có thể là cơ hội làm giàu cho người dân địa phương nếu biết khai thác và

tận dụng hợp lý những điều kiện sẵn có của địa phương và nguồn lực của bản thân mình.

Theo những đánh giá ở trên, ta nhận thấy rằng tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng hoa Lan ở Sa Pa còn rất lớn:

- Điều kiện khí hậu ở Sa Pa rất phù hợp cho sự sinh trưởng của các loài Lan rừng

- Các loài Lan ở Sa Pa rất phong phú cả về chủng loại và số lượng. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác Lan từ rừng tự nhiên chỉ khai thác lấy số lượng mà không nghĩ đến việc bảo tồn phát triển nguồn giống trong tự nhiên dẫn đến tình trạng một số loài quý hiếm bị khai thác đến kiệt quệ. Vì thế, trong quá trình khai thác Lan cần đảm bảo sự “bền vững” để Lan tiếp tục sinh trưởng trong tự nhiên:

+ Hướng dẫn cho người dân khai thác vào mùa vụ mà không gây ảnh hưởng đến khả năng nhân giống, sinh trưởng phát triển của cây Lan. Theo các chuyên gia về Lan là GS. Phan Kế Lộc và Leonid Averyanov thì việc lấy mẫu và khai thác Lan tự nhiên chúng ta lên tiến hành khai thác vào thời gian cuối đông đầu xuân khi mà cây Lan tự nhiên đang trong giai đoạn ngủ nghỉ, các quả đã chín phán tán ra ngoài môi trường để chuẩn bị nảy mầm.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 81 trang tài liệu này.

+ Với những loài có số lượng ít có thể khai thác theo từng nhánh để lấy về làm giống, tránh khai thác toàn bộ làm mất nguồn giống trong tự nhiên

+ Không khai thác Lan theo cách chặt cả cây giá thể mà Lan sống vì như vậy cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi nguồn giống trong tự nhiên

Đánh giá khả năng nuôi trồng và kinh doanh một số loài Lan rừng tại khu vực Sa Pa – Lào Cai - 9

+ Đặc biệt trong quá trình thu mẫu và khai thác chúng ta cũng chỉ nên khai thác một phần tức là khi khai thác chúng ta dùng dao cắt đi 2/3 của khóm Lan và để lại 1/3 khóm, 1/3 khóm còn lại này sẽ tiếp tục sinh trưởng phát triển mà không bị mất nguồn giống.

- Diện tích đất chưa sử dụng ở thị trấn Sa Pa còn tương đối lớn, là cơ sở để mở rộng diện tích trồng Lan

- Người dân đã có kinh nghiệm trong việc nuôi trồng Lan rừng nên khi mở rộng diện tích cũng không gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề chăm sóc.

- Thị trường tiêu thụ hoa Lan còn rất rộng lớn, ngoài thị trường quen thuộc là Lào Cai còn có thị trường các vùng lân cận và đặc biệt là thị trường Hà Nội

Tuy tiềm năng còn nhiều nhưng ngành nuôi trồng hoa Lan của Sa Pa cũng cần có sự đầu tư nhiều và tập trung hơn nữa mới có thể chiếm lĩnh được thị trường hoa Lan trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy, Tôi có một số ý kiến đề xuất như sau:

- Qua quá trình điều tra tôi nhận thấy nhu cầu của người dân về các loài thuộc chi lan Kiếm, lan Hoàng thảo và lan Hài là rất lớn, vì vậy có thể tiếp tục mở rộng việc nuôi trồng các loài lan này để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.

- Bên cạnh việc nuôi trồng các loài lan đáp ứng nhu cầu hiện tại, cần tuyển chọn thêm những loài lan có hoa đẹp, có hương thơm để gây trồng để mở rộng thành phần loài hoa, giới thiệu tới người chơi hoa nhằm giảm bớt áp lực lên những những loài được nhiều người yêu thích. Qua đó cũng hạn chế được việc người dân khai thác một số loài lan rừng quá mức.

- Cần có sự đầu tư về vốn để hình thành những trang trại sản xuất Lan chuyên nghiệp quy mô lớn từ vài ngàn đến vài chục ngàn chậu với mục đích cắt


cành hoặc cung cấp hoa chậu cho thị trường tiêu dùng trong nước vào dịp lễ tết hàng năm.

- Xây dựng các khu nhà kính nuôi trồng Lan để có thể chủ động trong việc điều tiết nhiệt độ, độ thoáng khí, ẩm độ, phòng tránh tác hại của gió bão và sương muối hại vào mùa đông, cách ly các tác nhân gây bệnh cho lan,...

- Xây dựng các phòng nuôi cấy mô nhằm tạo ra số lượng cây con lớn và chất lượng tốt trong một thời gian ngắn nhất nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn giống trong tương lai

- Đầu tư xây dựng các đại lý, kênh phân phối ở nhiều địa phương khác nhau nhằm đưa Lan rừng Sa Pa đi xa hơn nữa và ngày càng được nhiều người biết đến.

- Bên cạnh việc đầu tư về vốn, cũng cần có sự đầu tư về con người để có thể làm chủ công nghệ nuôi cấy mô, xây dựng được đội ngũ lao động có kỹ thuật để theo dõi và chăm sóc Lan

- Tiến hành thử nghiệm nuôi cấy các loài Lan hiện có, xác định được môi trường nuôi cấy phù hợp với từng loài.

- Xây dựng được quy trình và chế độ chăm sóc phù hợp đối với mỗi loài Lan

- Nghiên cứu vấn đề giống cây trồng, giá thể, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng chống sâu bệnh hại, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và nâng cao năng suất cây trồng

- Nghiên cứu đầy đủ các yếu tố tác động đến sinh trưởng và phát triển của cây lan như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, dinh dưỡng,… cũng như việc quản lý các yếu tố này nhằm có được hiệu quả cao nhất.


Chương 5‌‌‌

KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ KHUYẾN NGHỊ


5.1. Kết luận

Từ những kết quả nghiên cứu được về khả năng nuôi trồng và kinh doanh một số loài Lan rừng tại Sa Pa tôi đã rút ra một số kết luận như sau:

1. Sa Pa là một trung tâm đa dạng về các loài Lan ở nước ta, điều kiện khí hậu tại đây phù hợp với sự sinh trưởng của 6 loài Lan nghiên cứu thuộc 2 chi: lan Kiếm (Cymbidium) và chi Hoàng thảo (Dendrobium). Giữa chúng không có sự khác biệt nhiều về mặt hình thái.

Trong quá trình điều tra bắt gặp 37 loài Lan thuộc 15 chi khác nhau, trong đó có những loài là đặc hữu của Việt Nam như: Lan Tóc tiên bắc (Holcoglossum lingulatum Aver.), Lan Thanh đạm tuyết ngọc (Coelogyne psectrantha Gagnep), Lan Sứa Sa pa (Anoectochilus chapaensis Gagnep.)

Các loài Phong lan trong tự nhiên chúng không phải chỉ sống phụ sinh trên một loài cây mà chúng thường sống trên nhiều loài cây khác nhau thuộc họ Fagaceae (họ Dẻ), Lauraceae (họ Re), Ericaceae (họ Đỗ Quyên), Theaceae (họ Chè), Magnoliaceae (họ Ngọc Lan),…

2. Đặc điểm hình thái và phân bố của 6 loài lan nghiên cứu

- Trần mộng xuân: Địa lan, phân bố ở độ cao 1200 - 2000m, mùa hoa tháng 1- 3

- Kiếm hồng hoàng: Địa lan, phân bố ở độ cao 1100 - 1600m, mùa hoa tháng 10 - 11

- Lan Kiếm thu: Có thể trồng ở đất, phân bố ở độ cao 1300 -2000m, mùa hoa từ tháng 10 -12

- Kiếm thanh ngọc: Địa lan, phân bố ở độ cao trên 1400m, mùa hoa từ tháng 2 - 3

- Hoàng thảo kiều: Phong lan, phân bố ở độ cao 1300 – 1800m, mùa hoa tháng 4 - 6

- Hoàng thảo thủy tiên trắng: Phong lan, phân bố ở độ cao 800 – 1500m, mùa hoa từ tháng 1 – 3.


3. Ảnh hưởng của nhân tố sinh thái tới sinh trưởng của 6 loài Lan nghiên cứu: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm

Với Cymbidium:

- Cymbidium cần khoảng 50 - 70% ánh sáng trực tiếp, để cây dễ ra hoa, có nhiều hoa và màu sắc đẹp

- Cymbidium là loài hoa cần có nhiệt độ thay đổi ngày nóng, đêm lạnh.

+) Trong mùa tăng trưởng, cần nhiệt độ ngày khoảng 27 - 320C, đêm từ 10 - 150C

+) Thời kỳ ra hoa, ban đêm cần phải lạnh từ 10 - 15,50C để cây phát triển chồi hoa

+) Để cành hoa phát triển tốt cần nền nhiệt độ trong khoảng từ 13 - 240C

- Điều kiện tốt nhất cho Cymbidium là độ ẩm không khí 60 - 70% và độ ẩm của giá thể là 70 - 80%.

Với Dendrobium:

- Dendrobiun là giống ưa sáng, ánh sáng tốt nhất là 70%. Cần nhiều ánh sáng từ sau thời kỳ sinh trưởng + điều kiện ngày ngắn ở tháng 12 để hình thành hoa

- Hầu hết Dendrobium thích hợp với nhiệt độ đêm 10 - 16°C và ngày 21 - 32°C.

- Độ ẩm cần thiết để Dendrobium sinh trưởng là 40 - 70%.

4. Các biện pháp nuôi dưỡng và nhân giống

Với Cymbidium:

- Quá trình sinh trưởng

+) Giai đoạn tăng trưởng: cung cấp đủ độ ẩm, bổ sung thêm đạm (30:10:10) trên lá. Cây cần ánh sáng trực tiếp khoảng 60%

+) Phân hóa chồi: chú ý điều kiện nhiệt độ ngày/đêm để cây hình thành chồi hoa được thuận lợi, ánh sáng 80 - 100%

+) Hình thành nụ hoa: cần điều kiện đêm lạnh, giảm lượng phân bón và nước tưới

+) Hoa nở: tưới vừa đủ ẩm (2 - 3 ngày/lần), ánh sáng 50%

- Mùa nghỉ: Kéo dài khoảng 2 tháng, nhu cầu dinh dưỡng thấp nhất, ngưng bón phân, che giàn còn 30 - 40%, tưới nước 4 - 5 ngày/lần

- Nhân giống: các hộ dân đã biết lợi dụng khả năng hình thành chồi mới hàng năm của Cymbidium để tách chiết thành các đơn vị nhỏ hơn để đem trồng. Tuy hình


thức nhân giống này có tỷ lệ sống cao nhưng tỷ lệ nhân giống của chúng lại thấp.‌

Với Dendrobium:

- Trong mùa tăng trưởng tưới nước thường xuyên và bổ sung đạm cho cây

- Hết kỳ tăng trưởng, giảm lượng nước tưới và phân bón cho cây trong khoảng 4 tuần để cây hình thành phát hoa

- Hạn chế tưới nước khi cây bắt đầu có nụ hoa, không cần bón phân cho hoa vì nếu bón có thể gây nóng làm thui chột mầm hoa hoặc gây dị dạng cho hoa.

- Nhân giống: hầu hết các hộ đều lợi dụng khả năng nảy chồi, đâm cành của Dendrobium để tách chiết cây con làm giống cho mùa sau. Cũng như Cymbidium thì tỷ lệ nhân giống của hình thức này thấp, chỉ đáp ứng được ở quy mô kinh doanh nhỏ.

5. Quá trình sản xuất kinh doanh Lan rừng tại Sa Pa

- Các cơ sở kinh doanh Lan có quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất theo kiểu hộ gia đình

- Qua điều tra 20 hộ gia đình, xác định được 35 loài lan thuộc 9 chi đã được nuôi trồng với số lượng lớn. Trong đó các loài của chi Hoàng thảo, chi lan Kiếm, chi lan Hài được người dân ưa chuộng nhất.

- Do chưa có phương tiện vận chuyển đi xa nên thị trường tiêu thụ chủ yếu Lan Sa Pa là thành phố Lào Cai và các vùng lân cận.

- Mặc dù giá bán mỗi giò Lan không cao song bước đầu nó đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, mang lại cơ hội làm giàu cho họ ngay trên mảnh đất của mình.

- Sa Pa có đủ các điều kiện để hình thành trung tâm sản xuất Lan theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên vẫn cần có sự đầu tư lớn cả về vốn và khoa học kỹ thuật.

5.2. Tồn tại

Đề tài mới chỉ đánh giá được khả năng nuôi trồng và kinh doanh của 6 loài Lan rừng, thuộc 2 chi lớn ở khu vực Sa Pa: chi Lan Kiếm và chi Hoàng thảo

Đánh giá khả năng nuôi dưỡng của các hộ dân bằng cách so sánh sự sinh trưởng của một loài với sự sinh trưởng của chúng trong tự nhiên. Kết quả này chỉ mang ý nghĩa tham khảo vì:


- Kết quả điều tra sự sinh trưởng của các loài trong OTC chưa thể đại diện hết cho sự sinh trưởng của loài trên phạm vi phân bố rộng‌

- Sự sinh trưởng của các loài nuôi trồng mới chỉ được điều tra ở 20 hộ gia đình nên cũng chưa phản ánh hết dược khả năng nuôi dưỡng Lan rừng ở trên địa bàn nghiên cứu và cũng chưa thể hiện được khả năng nuôi dưỡng ở hộ nào tốt hơn.

Về khả năng kinh doanh Lan, đề tài mới chỉ điều tra nguồn thu nhập từ nuôi trồng Lan ở các hộ gia đình mà chưa có những căn cứ chi tiết để tính hiệu quả kinh tế do việc nuôi trồng Lan mang lại.

Đề tài cũng mới đưa ra định hướng phát triển chung của ngành trồng Lan ở Sa Pa trong thời gian tới.

5.3. Khuyến nghị

Trên cơ sở những vấn đề nghiên cứu và những vấn đề còn tồn tại, đề tài có một số khuyến nghị như sau:

Thông qua các biện pháp kỹ thuật như khoanh nuôi, áp dụng các biện pháp nhân giống bảo tồn nguồn gen, cần có tác động trực tiếp vào các đối tượng thường xuyên khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên: tạo điều kiện cho họ tiếp cận với những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị để phát triển kinh tế gia đình.

Từ những loài hoa Lan có giá trị mà trong tự nhiên không còn nhiều cần có kế hoạch nhân nuôi phát triển nguồn giống để người dân có thể tiếp cận với nguồn giống giá rẻ từ đó vừa có cơ hội tạo thu nhập cho người dân vừa bảo vệ được nguồn Lan giống ngoài tự nhiên.

Để có thể đánh giá được hết tiềm năng của các hộ trồng Lan cần tiếp tục đánh giá khả năng nuôi trồng và kinh doanh của nhiều loài Lan hơn nữa.

Đồng thời mở rộng phạm vi điều tra chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi điều tra 20 hộ gia đình; bên cạnh đó, quá trình điều tra thực địa cũng cần bổ sung thêm OTC nghiên cứu nhằm nâng cao độ tin cậy của kết quả điều tra.

Cần điều tra cụ thể hơn về hiệu quả kinh tế mà nghề trồng Lan mang lại, từ đó đưa ra định hướng phát triển cụ thể hơn nhằm đưa Lan rừng Sa Pa đến với người yêu Lan.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2022