tác phẩm trở nên khô cứng mà vẫn mượt mà, đầy chất thơ. Nó làm nổi bật hình ảnh cuộc sống và con người nơi núi rừng Việt Bắc. Đây là đoạn văn tả cảnh thiên nhiên trong tiểu thuyếtMũi tên ám khói:
“Mường Thung nằm bên chân núi Khau Dạ bên tây, phía mặt trời xuống ngủ, còn phía mặt trời thức là mường Cốc Tát. Dãy núi ngang sừng sững chắn giữa hai mường.
Trăng sáng trải ngần ngật xuống đỉnh núi một màu xanh lơ. Mặt trăng đu mình trên ngọn cây đỉnh rừng chia ánh mắt xuống hai bên sườn núi. Cây mọc như mái nhà sàn” [18, tr.17].
Cả hai đoạn văn có 5 câu. Trừ câu văn đầu tiên là câu văn dài, các câu còn lại đều ngắn gọn, giản dị và dễ hiểu. Câu văn ngắn nhưng lại mở ra không gian dài rộng của núi rừng. Không gian ấy như một bức tranh được vẽ bằng ba nét: núi, trăng và cây. Dãy núi “sừng sững” tạo cho bức tranh thiên nhiên một nét hoang sơ hùng vĩ. Ngược lại, ánh trăng vằng vặc lại tạo nên sự thơ mộng, lung linh, ảo huyền. So sánh những cái cây “mọc như mái nhà sàn” làm cho thiên nhiên trở nên gần gũi hơn với con người. Ánh sáng của trăng, màu xanh lơ của núi, đường nét của mái nhà cây làm nên nét sinh động cho bức tranh miền núi về đêm tuyệt đẹp. Điều này được tạo ra bởi chính những câu từ mà nhà văn sử dụng.
Bên cạnh bức tranh thiên nhiên, cảnh ngôi nhà của bà lão Cọ cũng được miêu tả thật ngắn gọn: “Ngôi nhà sàn. Một gian hai chái. Các cột được làm bằng gỗ nghiến, xà bằng gỗ de. Vách xung quanh nhà được bừng bằng gỗ “may phay” – kín đáo. Mái nhà được làm bằng lợp bằng lá cọ già ken dày các khoảng, cách chỉ lọt một nắm tay đều dày sin sít. Các dui mè bằng tre ngâm ba năm nên không bao giờ mọt” [21, tr.17]. Sáu câu văn ngắn tả cụ thể về ngôi nhà với đủ mọi chi tiết của nó làm cho đoạn văn trở nên thật giản dị. Sự giản dị toát ra từ chính cách sử dụng câu của nhà văn. Việc sử dụng những câu văn như thế này rất gần gũi với cách tư duy của người miền núi: đơn giản và rò ràng, mạch lạc. Có thể thấy được sự am hiểu sâu sắc của nhà văn với cuộc sống và những con người miền núi qua chính cách sử dụng kiểu câu này.
Không chỉ ngắn gọn trong cách tả mà câu văn trong sáng tác của Ma Trường Nguyên còn ngắn gọn trong cách kể. Trong toàn bộ sáng tác của nhà văn, lời kể chiếm một tỉ lệ lớn và có vai trò quan trọng, giúp người kể chuyện tổ chức nên một cấu trúc tự sự. Lời kể gọn với những câu văn ngắn làm toát ra sự giản dị vốn có của người miền núi. Những câu văn sau đây là một ví dụ:
- “Cọ ngồi thu lu bất động trong lùm cây quả hồng tiên. Từ ngoài Gịng đã nhìn thấy. Anh muốn chạy bổ đến để ôm chầm lấy người yêu. Nhưng không được. Anh ghìm lòng mình xuống. Đôi chân dè dặt đạp lá khô đến với Cọ. Anh ra phía đằng sau đưa hai tay định bịt mắt Cọ. Vừa nghe tiếng động, người con gái giật mình hốt hoảng ù té chạy” [21, tr.57].
- “Oe…oe… Tiếng khóc từ hốc cây bên dưới tấm đá vọng lên. Vang mở mắt ra nghe ngóng. Cái tiếng ấy cứ mỗi lúc một to lên dội vào tai cô. Vang bừng tỉnh, ngồi dậy. Oe…oe…. Cô đứng lên, đôi chân run run. Oe…oe… Cô bước xuống khỏi phiến đá. Đôi tai cô lại nghe ngóng. Mắt cô kiếm tìm. Oe…oe… Cô tỉnh táo hẳn lại. À, tiếng trẻ con khóc. Tiếng người! Vang thấy trong lòng dội lên cuồn cuộn một cái gì thiết tha, sâu nặng. Cô gái bị “Tây bắt cóc” đã hoàn hồn. Cô lần theo tiếng trẻ khóc, vào hốc cây. Lật tàu lá dong lên. Ôi, một con người bé bỏng! Cô khẽ khàng đưa tay bế thử đứa trẻ lên, ôm vào lòng. Cái đầu tí xíu ngọ ngoạy. Miệng tóp tép. Đôi mắt nhắm nghiền. Đứa bé nín lại. Cái mồm ọ ẹ đòi ăn” [18, tr.34]
Có thể bạn quan tâm!
- Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Của Ma Trường Nguyên
- Khắc Họa Nhân Vật Qua Ngoại Hình
- Sử Dụng Hệ Thống Từ Ngữ Gắn Với Cuộc Sống Của Đồng Bào Dân Tộc Miền Núi
- Đặc điểm tiểu thuyết Ma Trường Nguyên - 14
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Với cách dẫn truyện như vậy, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp ngôn ngữ và cả tư duy của người miền núi được phát lộ, được soi rọi một cách tập trung, không bị pha loãng. Những câu văn ngắn, giản dị, không cầu kì phức tạp rất phù hợp với tư duy và tiếp nhận của độc giả miền núi. Có lẽ đây cũng là một nguyên nhân khiến cho tác phẩm của Ma Trường Nguyên đến với bạn đọc một cách dễ dàng hơn.
3.3.3. Thủ pháp so sánh ví von giàu hình ảnh
Một trong những đặc điểm về cách diễn đạt của người miền núi nói chung và người Tày nói riêng là hay so sánh, ví von, nói có hình ảnh. Ma Trường Nguyên đã đem cách diễn đạt ấy của người miền núi vào tác phẩm của mình.
Nhà văn đã sử dụng một lượng lớn so sánh trong tiểu thuyết của mình để tạo nên những câu văn, đoạn văn giàu hình ảnh. Thủ pháp so sánh được nhà văn dùng để miêu tả con người và thiên nhiên, qua đó làm sống dậy những hình ảnh sinh động của cuộc sống con người và thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc. Những hình ảnh so sánh ấy không xa lạ, cầu kì mà rất gần gũi với tư duy của người miền núi.
Khi miêu tả con người, Ma Trường Nguyên đã sử dụng khá hiệu quả thủ pháp so sánh để khắc họa những nét ngoại hình, hành động và tâm lí nhân vật. Ảnh hưởng sâu sắc của văn học dân gian và văn học trung đại, khi miêu tả, nhà văn thường so sánh con người với thiên nhiên, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn mực. Những nét ngoại hình quen thuộc của con người như đôi mắt, mái tóc, khuôn ngực, nụ cười, giọng nói, giọng hát … thường được nhà văn ví với thiên nhiên. Nhà văn nhiều lần miêu tả mái tóc. Đây là mái tóc của cô ca sĩ trẻ Ngọc Hoa: “Còn mái tóc ư? Một áng mây mượt mà đen bóng phủ dài xuống tấm lưng thon thả” [19, tr.127]. Còn đây là mái đầu “đã bạc trắng như mây trời” của bà Cọ (Trăng yêu). Cũng là so sánh với mây trời, “áng mây mượt mà” đã diễn tả rất sinh động mái tóc đen mượt của một con người trẻ tuổi đang căng tràn sức sống, khác hẳn với mây trời “trắng lóa” là cách nói hình ảnh về tuổi tác của những người già. Nhà văn miêu tả nụ cười của Va như “những cánh hoa nở tươi thắm”, khuôn ngực “non tơ phập phồng” của Eng Liểu “nhọn như một chóp núi”. Đặc biệt, giọng hát, giọng nói của con người được so sánh nhiều với hình ảnh thiên nhiên. Giọng hát của Va khi thì “như ngàn vạn cánh hoa cứ tung nở tung nở”, khi lại “như những chùm quả ngọt cứ mọng muồi bay ra”, lúc “trong veo như nước suối chảy”, lúc lại “như gió rừng xanh ngọt dịu ấm”… Giọng nói của Ma Loỏng mạnh mẽ âm vang khi thì được ví như “tiếng gió hú” lúc lại như “tiếng thác đổ trên núi”… Bên cạnh ngoại hình, những nét tâm lí của con người cũng được nhà văn đem ra để so sánh với thiên nhiên. Nói đến nỗi lòng đau đớn của ké Đông, của ông Roạn, nhà văn diễn tả: “lòng ké lại nhói lên đau như có cái gai móc trong lòng kéo từng khúc ruột ra ngoài” [18, tr.14], “lòng đau như có chùm chùm gai rừng móc vào quả tim đau nhói” [18, tr.62], “tim ông như có trăm sợi dây rừng cùng buộc thít lại” [18,
tr.67]. Nỗi khát thèm của Nhá cũng được nhà văn nói rất hình ảnh: “Cả đời Nhá trai tráng vẫn thèm cái môi gái Kinh như gấu thèm mật ong khoái ở rừng” [25, tr.17]. Có thể nói, thủ pháp so sánh ở đây đã phát huy tác dụng trong việc phản ánh đời sống nội tâm của con người. Nhờ so sánh, con người hiện lên cụ thể hơn, sinh động hơn. Bên cạnh đó, thủ pháp so sánh làm cho câu văn trở nên giàu hình ảnh và nhờ đó gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Với việc sử dụng so sánh với tần số cao, ngôn ngữ nghệ thuật tiểu thuyết Ma Trường Nguyên mang đậm chất hội họa. Nhờ so sánh, bức chân dung tộc trưởng Ma Loỏng hiện lên thật lẫm liệt, đầy chất sử thi nhưng đồng thời lại rất đỗi gần gũi, thân thương:
"Đứng dưới dãy núi Phượng Hoàng râm mát che tỏa, ông Ma Loỏng mặt vuông chữ điền gân guốc đen bóng. Với mái tóc rễ tre đã trắng lóa như mây trời, nhưng không hiểu sao bộ râu ông còn đen nhánh như tổ ong khoái bám vào cái cằm bạnh, mỗi khi nói lại động đậy theo nhịp thở của ông. Ông Ma Loỏng đã ngoài tám mươi tuổi đời phong trần mà cánh tay bắp chân vẫn còn cuồn cuộn săn chắc.
Ông tộc trưởng họ Ma là đại tá Ma Loỏng trong bộ quân phục xanh thẫm màu chàm chững chạc với quân hàm quân hiệu chỉnh tề đỏ chói như thời còn tại ngũ. Ông đứng lẫm liệt như cột gỗ rừng cháy dở đen quánh còn sót lại trên nương mùa tra hạt xuống đất nảy mầm. Giọng ông Ma Loỏng bỗng rít lên như tiếng gió hú, tiếng thác đổ trên núi âm vang" [25, tr.132-133].
Khi sử dụng thủ pháp so sánh, ngòi bút Ma Trường Nguyên có một điểm khá độc đáo. Nếu như các nhà văn dân tộc thiểu số khác thường lấy con người ra để so sánh với thiên nhiên thì Ma Trường Nguyên lại đem thiên nhiên ra để so sánh với con người và những sự vật có liên quan đến con người. Nhờ những so sánh như vậy, trong mối tương quan với con người, thiên nhiên không còn mang dáng vẻ lấn át con người mà giữa con người và thiên nhiên đã có sự hòa quyện, gắn bó mật thiết hơn. Điều này tạo nên một sự khác biệt và làm cho tiểu thuyết của nhà văn mang dáng dấp hiện đại.
Trong tác phẩm, có những lúc nhà văn đem thiên nhiên so sánh trực tiếp với con người. Có thể liệt kê một số ví dụ:
- “Thấy động, đàn nhện chạy lung tung trên tấm lưới trông như những nhà thể thao kỳ ảo, hay những nhà làm xiếc điêu luyện” [18, tr.52].
- “Những cây gỗ bị ngáng dọc đường lật ngược cái gốc lên, rễ tua tủa như bàn tay đỏ loét” [18, tr.83].
- “Tiếng gió chảy vi vu như tiếng hát ngân vọng của người xưa” [21, tr.19].
- “Những mùa trăng lại đến với họ, họ nhìn không còn giống hệt cái bánh đa tráng vừng mà lại vằng vặc như đôi mắt của con người yêu nhau” [21, tr.38].
Có khi nhà văn lại đem thiên nhiên ra để so sánh với những sự vật có liên quan đến đời sống của con người. Chẳng hạn:
- “Hai cây mác tôi cành lá vờn níu như hai cái ô chập đôi lại đang che bóng cho lứa tuổi hoa tuổi hương của hai mường núi gặp nhau” [18, tr.17].
- “Từ trên ngọn cây cao nhìn xuống, thấy tán cây thấp bên dưới xòe ra như cái vòng, dây rừng mọc trên ngọn chằng chịt, sợi đan ngang dọc vào nhau như tấm vó” [18, tr.54].
- “rừng cũng giống như một quyển sách mới lạ, hấp dẫn” [18, tr.57].
- “Vào mùa xuân hoa đỏ ối như ngọn lửa cháy rừng rực chen trong đám lá. Nhìn xa vòm hoa như những ngọn lửa liếm kiềng lập lòe đỏ xanh trên bếp nhà sàn” [24, tr.6].
- “Mây từng đàn xám hồng như những mảnh chăn sui rách ra từng mảng bay là là trên ngọn cây lá xào xạc mênh mang trong chiều hiu quạnh” [21, tr.57].
Có thể nói, thủ pháp so sánh ví von giàu hình ảnh được rất nhiều nhà văn sử dụng để tạo nên những trang viết sinh động, có hồn. Thủ pháp này lại rất phù hợp với lối nói và lối tư duy của người miền núi. Nhờ so sánh, hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người vùng cao trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên hiện ra hết sức sinh động, cụ thể và hồn nhiên, chất phác. Nó cũng giúp nhà văn chuyển tải ý đồ nghệ thuật của mình vào văn chương một cách dung dị, tự nhiên. Tuy nhiên, lối so sánh ví von trong lời văn nghệ thuật của Ma Trường Nguyên nói riêng và các tác giả dân tộc miền núi nói chung cũng có một số hạn chế: Nhiều “so sánh nên chất văn xuôi chưa được nổi rò, các nhân vật thường được xây dựng theo kiểu nhân vật
chức năng hoặc loại hình như trong các truyện cổ tích, thần thoại hoặc nhân vật cổ mà thiếu chiều sâu phân tích, lý giải để nhân vật có được tính cách riêng” [38, tr.157]. Nói như vậy nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng: “nếu nhìn từ góc độ tiếp nhận với tầm tiếp nhận của độc giả, sự tiếp thu kế thừa các yếu tố văn hóa văn học dân gian là một trong những con đường để tác phẩm của nhà văn dân tộc thiểu số đi vào công chúng miền núi một cách hiệu quả. Nên chăng vẫn có thể coi đây là một thế mạnh của nhà văn miền núi?” [38, tr.157].
Tiểu kết
Ma Trường Nguyên đã có những nỗ lực đổi mới trong nghệ thuật tiểu thuyết. Những cách tân trên phương diện tổ chức cốt truyện với kiểu truyện gấp khúc thể hiện ý thức sáng tạo theo hướng hiện đại của nhà văn. Bên cạnh đó, các yếu tố ngoài cốt truyện đã tham gia tích cực tạo nên giọng điệu riêng cho các tác phẩm. Nghệ thuật xây dựng nhân vật là những cố gắng nhằm gây ấn tượng thẩm mĩ và biểu lộ quan niệm nghệ thuật về con người của Ma Trường Nguyên. Đi cùng với đó, hệ thống từ ngữ mang đậm bản sắc dân tộc cũng góp phần tạo ấn tượng cho những trang viết của nhà văn. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, đã có những giới hạn trong nghệ thuật tiểu thuyết Ma Trường Nguyên. Đó là những ảnh hưởng quá nhiều yếu tố dân gian (và rộng hơn là quan niệm) đã khiến cách kết thúc truyện của Ma Trường Nguyên có phần gượng ép. Nhân vật của nhà văn đơn phiến và chưa có những cá tính phức tạp,... Mặc dù vậy, đặt trong sự vận động chung của văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, vẫn có thể khẳng định, tiểu thuyết Ma Trường Nguyên là tiếng nói riêng, một tiếng nói góp phần quan trọng vào mảng văn học vốn khởi động muộn màng này.
KẾT LUẬN
1. Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam là một nền văn xuôi còn rất trẻ và đang trong quá trình hiện đại hóa, từng bước vận động nhằm bắt kịp và hòa mình với đời sống văn học dân tộc. Trải qua hơn 60 năm vận động và phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có được một đội ngũ người viết khá đông đảo, đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần làm giàu cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Với tâm huyết và sự tìm tòi không mệt mỏi của các cây bút, văn xuôi dân tộc thiểu số đã có những đổi mới căn bản trên các phương diện: đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ,… theo hướng đa dạng, chuyên nghiệp. Không chỉ là làn gió mới được phả ra từ những cây bút trẻ mà ngay cả những cây bút gạo cội ở mảng văn học này cũng không ngừng cách tân, làm mới chính mình. Nói một cách khác, văn học các dân tộc thiểu số nói chung và văn xuôi nói riêng đang từng bước vận động để thay đổi cục diện trung tâm - ngoại biên trong đời sống chung của văn học dân tộc.
Ma Trường Nguyên là nhà văn đa tài. Ông tạo được một sự nghiệp văn chương đa dạng với đầy đủ các thể loại và đều đã để lại dấu ấn, đóng góp cho sự phát triển của văn học các dân tộc thiểu số. Ma Trường Nguyên đến với tiểu thuyết muộn hơn các thể loại khác nhưng đã có 8 tác phẩm với những tìm tòi, thể nghiệm phong phú. Tuy vậy, trong sự phong phú ấy, người đọc vẫn nhận ra một nguồn cảm hứng thống nhất, bất tận về cuộc sống, thiên nhiên và con người miền núi với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là cuộc sống nhiều gian lao, vất vả nhưng sâu nặng nghĩa tình với những phong tục tập quán, những lễ hội đặc trưng cho miền núi. Đó là thiên nhiên miền núi thơ mộng mà hùng vĩ và thấm đậm tình người. Vốn là người con mang trong mình dòng máu, dòng văn hóa của dân tộc Tày, nhà văn Ma Trường Nguyên đã viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người mảnh đất vùng cao với tất cả niềm say mê, yêu mến. Tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên, đúng như ông tâm niệm, được viết ra bởi cảm giác mang công mắc nợ với quê hương, với dân tộc, với những biến cố mà cuộc đời ông đã chứng kiến. Tiểu thuyết của ông, bởi vậy, mang những giá trị nhân văn sâu sắc, một niềm tin yêu, trân trọng với văn hóa dân tộc.
2. Trên phương diện nội dung, tiểu thuyết Ma Trường Nguyên phong phú mà nhất quán. Nó là sản phẩm của cảm hứng vì con người, những con người đang chống chọi với vần vũ của cuộc đời trong cơn chuyển mình của lịch sử các dân tộc vùng cao. Nhưng trên hết, đó là niềm tin vào cuộc đổi mới, niềm tin vào phẩm giá con người ngàn đời, niềm tin vào khí thiêng non nước đủ sức chiến thắng cái xấu, cái ác để đem về cuộc sống thực sự hạnh phúc, yên bình cho những nhân vật của ông, cho quê hương ông. Tiểu thuyết của nhà văn đã phản ánh những bước chuyển mình của đời sống các dân tộc vùng cao đi từ đau thương đến hạnh phúc, từ đói nghèo, lạc hậu đến ấm no, từ những biến động đến sự ổn định, yên bình. Bên cạnh đó, người đọc có thể nhận thấy trong tiểu thuyết Ma Trường Nguyên tình yêu thương con người miền núi qua sự nâng niu, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ đồng thời lên tiếng gay gắt chống lại những cái xấu, cái ác làm phương hại đến sự bình yên của núi rừng, của đời sống đồng bào dân tộc. Tiểu thuyết của nhà văn còn là bức tranh rộng lớn, đặc sắc về văn hóa các dân tộc vùng cao, là những bức tranh để lại những ấn tượng sâu đậm về thiên nhiên miền núi đầy chất thơ, vừa hùng vĩ vừa rất đỗi gần gũi, yên bình.
3. Trên phương diện nghệ thuật, Ma Trường Nguyên đã có những nỗ lực đổi mới quan trọng. Những cách tân trên phương diện tổ chức cốt truyện với kiểu truyện gấp khúc là một nỗ lực sáng tạo theo hướng hiện đại của nhà văn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật là một cố gắng đáng ghi nhận của Ma Trường Nguyên. Chịu ảnh hưởng rất lớn của lối kể chuyện dân gian, Ma Trường Nguyên thường tả, kể về nhân vật nhiều hơn là để cho nhân vật tự biểu hiện. Ông chú trọng khắc họa nhân vật thông qua ngoại hình và hành động bên ngoài. Ngoài ra, những diễn biến nội tâm của nhân vật cũng được chú ý khai thác. Ông đã bằng nhiều biện pháp, khi trực tiếp dẫn dắt, lí giải, khi lại để cho nhân vật tự biểu hiện thông qua dáng điệu, cử chỉ, hành động, độc thoại nội tâm. Tuy nhiên có thể nhận ra rằng, nhà văn chưa thâm nhập hoàn toàn vào đối tượng được miêu tả. Do đó, chưa thể đi sâu khám phá những ngóc ngách sâu kín nhất trong còi lòng nhân vật.