Các Đặc Điểm Đặc Thù Riêng Của Chứng Cứ Điện Tử :

Về hình thức biểu hiện: các tài liệu, chứng cứ này được tìm thấy và đang lưu trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, USB, ổ cứng di động, đĩa quang, email, webside, điện toán đám mây, tài khoản trên mạng, trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ internet hoặc đang truyền trên mạng, …phản ánh những khía cạnh, những diễn biến cụ thể của tội phạm.

Cũng như các loại chứng cứ khác, CCĐT thực chất là những sự thật được chứng minh một cách rò rệt và không thể chối cãi được. Nó phản ánh một cách trung thực những diễn biến của sự việc phạm tội mà CQTHTT đã phát hiện, thu thập để làm căn cứ xác định một cách minh bạch, rò ràng và vững chắc là có tội phạm xảy ra hay không, có người thực hiện hành vi bị coi là tội phạm hay không, cũng như những tình tiết khác của một vụ án hình sự.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc hiểu rò và tuân thủ thuộc tính này của chứng cứ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để đảm bảo thuộc tính này, đòi hỏi NTHTT khi phát hiện, thu thập, kiểm tra, xác minh cần tiến hành đầy đủ, thận trọng và chu đáo để tìm ra những chứng cứ thật, loại trừ chứng cứ giả tạo. Vì chỉ có những chứng cứ thật thì mới có khả năng chứng minh vụ án một cách chính xác, hiệu quả; nếu dùng chứng cứ giả tạo làm căn cứ để chứng minh thì sẽ dẫn đến các kết luận, phán quyết sai lầm.

1.3.1.2. Tính liên quan:

Tính liên quan của CCĐT thể hiện ở mối liên hệ khách quan giữa CCĐT với những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự. Những CCĐT thu thập được phải có liên quan đến hành vi phạm tội, phải nhằm xác định một vấn đề nào đó thuộc về đối tượng chứng minh thì mới được coi là chứng cứ.

Trong thực tế, khi tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử một vụ án hình sự, các CQTHTT thường thu thập được rất nhiều tài liệu, sự kiện khác nhau và chúng đều có thật. Tuy nhiên, chỉ những tài liệu, sự kiện nào có liên quan đến hành vi phạm tội, đến vụ án mới được dùng làm chứng cứ. Tính liên quan của CCĐT phải có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc xác định có hay không có các vấn đề phải chứng minh. Ở cấp độ trực tiếp, đó là mối quan hệ giữa CCĐT và đối tượng chứng minh. Trong mối quan hệ này, thì CCĐT phải được dùng làm căn cứ

để giải quyết thực chất vụ án, tức là xác định ngay các tình tiết cần phải chứng minh như hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội… Ở cấp độ gián tiếp, có những thông tin, tư liệu không được dùng làm căn cứ trực tiếp để giải quyết thực chất vụ án nhưng lại được dùng để xác định các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Mặc dù là quan hệ gián tiếp nhưng trong nhiều trường hợp việc chứng minh tội phạm không thể thiếu được các thông tin, tư liệu này. Chính vì tính liên quan của CCĐT được thể hiện ở hai cấp độ nên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các CQTHTT khi thu thập CCĐT phải xác định tính liên quan của chứng cứ ở cả hai cấp độ này.

Tính liên quan của CCĐT thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dấu vết điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu (logfile, IP, siêu dữ liệu, hàm hash), địa chỉ lưu trú, nội dung thông tin, thời gian phạm tội (nguồn gốc và nội dung thư điện tử, chat, tin nhắn, công nghệ tấn công, nạn nhân, thiệt hại, camera…), cookies truy cập…

Việc xác định tính liên quan của CCĐT giúp cho các CQTHTT thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ một cách hợp lý, không làm lãng phí thời gian và tiền bạc, đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, và đúng đắn.

1.3.1.3. Tính hợp pháp:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.

Tính hợp pháp của CCĐT thể hiện ở chỗ: CCĐT đòi hỏi phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định của BLTTHS 2015 và phải được rút ra từ nguồn chứng cứ do luật định; sử dụng công nghệ (phần cứng và phần mềm) được pháp luật công nhận, kể cả trong quá trình khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ vật chứng, sao lưu điện tử, chặn thu trên mạng, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu; đồng thời khi sử dụng chứng cứ phải kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập.

Tính hợp pháp của CCĐT được biểu hiện cụ thể trên hai phương diện:

Chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh - 3

+ CCĐT phải được thu thập, kiểm tra và đánh giá theo đúng trình tự, thủ tục do luật định.

Điều này có nghĩa là CCĐT được thu thập bằng cách nào, dưới hình gì, bước nào thực hiện trước, bước nào thực hiện sau và trong các bước đó cần phải tiến hành

những thủ tục gì, thực hiện cụ thể ra sao…đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy định của luật tố tụng hình sự về CCĐT.

Nếu áp dụng biện pháp thu thập, kiểm tra, đánh giá đúng thì CCĐT sẽ có tính xác thực và có độ tin cậy cao. Qua đó, hạn chế được những sai sót từ phía các CQTHTT, đảm bảo cho CCĐT có giá trị và có hiệu lực pháp lý.

Ngược lại, những dữ liệu, tình tiết mặc dù là có thật và có liên quan trực tiếp đến vụ án nhưng nếu không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS 2015 quy định thì những dữ liệu, tình tiết đó sẽ không được coi là chứng cứ.

+ CCĐT phải được xác định bằng một trong những phương tiện chứng minh do BLTTHS 2015 quy định. CCĐT phải được thu thập từ nguồn quy định; trong quá trình khám xét, thu giữ vật chứng, sử dụng công nghệ (thiết bị phần cứng và phần mềm) được cơ quan pháp luật công nhận, để sao lưu dữ liệu, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu làm chứng cứ.

Chuyên gia phục hồi dữ liệu sử dụng công nghệ và phần mềm phục hồi dữ liệu sử dụng công nghệ và phần mềm phục hồi dữ liệu, như thiết bị chống ghi (Read only – chỉ đọc) sao chép DLĐT và chỉ sử dụng bản sao này để phục hồi, phân tích, tìm kiếm dữ liệu, chuyển thành dạng đọc được, nghe được, nhìn được.

1.3.2. Các đặc điểm đặc thù riêng của chứng cứ điện tử:

Do CCĐT được lưu giữ trong máy tính và thiết bị số, nên để trở thành chứng cứ pháp lý, nó còn phải thỏa mãn 3 đặc điểm mang tính chất đặc thù khác, gồm:

- Tính “khách quan” : Nghĩa là phải chứng minh được CCĐT đó là sản phẩm tất yếu, được máy tính hay thiết bị số sản sinh ra và lưu giữ một cách tự động, hoặc là sản phẩm của chính đối tượng tạo ra trong quá trình đối tượng thực hiện tội phạm.

- Tính “nguyên trạng”: Nghĩa là phải chứng minh được CCĐT đó không có sự can thiệp từ bên ngoài nào vào nội dung của dữ liệu để thay đổi hoặc xóa bỏ.

- Tính “kiểm chứng được”: Nghĩa là khi cần thiết thì có thể lặp lại quá trình khai thác, phục hồi, giám định, chuyển hóa chứng cứ là “dữ liệu điện tử” lưu trong thiết bị thành chứng cứ, và đi đến kết quả tương tự như đã trình bày tại phiên tòa. Nếu Tòa án yêu cầu, có thể giao cho cơ quan giám định khác thực hiện việc phục hồi, tìm “chứng cứ điện tử” lưu trong tang vật để đi đến kết luận tương tự.

Bên cạnh đó, nếu so sánh với các chứng cứ “truyền thống” thì CCĐT có các đặc điểm khác biệt cần chú ý khi thu thập, bảo quản như sau:

- Thứ nhất, CCĐT được hình thành tự động dưới dạng tín hiệu số và thời gian tồn tại có giới hạn, phụ thuộc vào thiết bị và phần mềm lưu trữ (cần kịp thời phát hiện, thu giữ và bảo quản).

- Thứ hai, CCĐT có tính biến đổi, dễ bị tác động, bị xóa, hoặc thay đổi trong quá trình lưu trữ, truyền tải, sao chép…, bởi các tác nhân như virus, dung lượng bộ nhớ, lệnh lưu trữ của phần mềm, phương pháp truy cập, mở, mã hóa, truyền tải trên mạng, sao lưu, cố ý hoặc vô ý sửa đổi, xóa….song khó bị phá hủy hoàn toàn dữ liệu, thậm chí khi một tệp tin bị xóa vẫn có thể được phục hồi.

- Thứ ba, về trạng thái, bản chất của CCĐT đó là không nhìn thấy được bằng mắt thường, khó xác thực, đòi hỏi phải có chuyên gia có kỹ năng truy cập và giải thích chứng cứ; có thể bị hạn chế truy cập và sử dụng, có thể sao chép không giới hạn.

- Thứ tư, địa điểm của CCĐT khó xác định. CCĐT có thể liên kết chặt chẽ với các tài liệu phi chứng cứ; có thể ở bên ngoài khu vực phạm vi quyền hạn (hiện nay nó có thể được lưu trữ trên điện toán đám mây, các thiết bị lưu trữ không phổ biến).

- Thứ năm, CCĐT là một loại chứng cứ có thể phản ánh được chính xác và bản sao của nó có thể được sử dụng cho mục đích kiểm tra; có thể dễ dàng xác định xem chứng cứ đã được sửa đổi hay giả mạo (Ví dụ mã băm (hash codes) sẽ thay đổi. [ 47, tr.30].

Chính vì những đặc điểm khác biệt như trên, CCĐT đòi hỏi phải có những quy định đặc trưng, riêng biệt để đảm bảo có thể sử dụng một cách hợp pháp, hợp lý và hiệu quả loại chứng cứ này trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.

1.4. Phân loại chứng cứ điện tử.

1.4.1. Phân nhóm chứng cứ điện tử.

CCĐT có nguồn gốc từ các DLĐT, mà các DLĐT được khởi tạo dưới hai hình thức: Do máy tính tự động tạo ra và do người sử dụng tạo ra, có thể thu thập được để chứng minh hành vi phạm tội. Căn cứ vào hình thức khởi tạo, có thể phân thành hai nhóm như sau:

- Nhóm CCĐT là dữ liệu do máy tính tự động tạo ra: Đây là kết quả được tạo ra sau khi chương trình máy tính xử lý các dữ liệu đầu vào theo một thuật toán đã đươc xác định, ví dụ như: cookies; nhật ký truyền tệp tin trong máy tính (FPT tranfer logs); nhật ký giao thức mạng từ các nhà cung cấp internet (IP logs from ISPs); “cookies”; “URL”; E-mail logs; wedside; mã độc…, chứng minh về nguồn gốc truy cập, tấn công vào wedside, cơ sở dữ liệu, thư điện tử, tài khoản, dấu vết hoạt động của thủ thạm (cài trojan, keylogger, sniffer nghe lén, lấy cắp dữ liệu…). Sự tác động của con người đối với nhóm CCĐT là dữ liệu do máy tính tạo ra rất hạn chế.

- Nhóm CCĐT là dữ liệu do người sử dụng tạo ra: Đây là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra bởi hành vi của con người và được lưu lại trong bộ nhớ điện tử, ví dụ như: văn bản, bảng biểu, hình ảnh số, thư điện tử, các trang wed, thông tin người sử dụng các dịch vụ, nội dung các cuộc trò chuyện trên mạng…Trong file dữ liệu còn có thể tìm được siêu dữ liệu (thông tin về cá nhân, tổ chức liên quan đến dữ liệu metadata), có giá trị chứng minh về người và máy tính đã tạo ra chứng cứ, nguồn gốc chứng cứ…

Đa phần các CCĐT đều được tạo nên bởi cả con người và máy tính, ví dụ như: nội dung một bức thư điện tử với tiêu đề do máy tính đặt tự động...

Việc phân nhóm CCĐT nhằm xác định nguồn gốc, phương tiện lưu trữ, từ đó có phương án ghi nhận, thu giữ, bảo quản bằng các phương pháp, biện pháp, phương tiện phù hợp với pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp, tính khách quan, tính liên quan trong việc sử dụng CCĐT.

1.4.2. Phân loại chứng cứ điện tử:

- Loại CCĐT trực tiếp và CCĐT gián tiếp: Tiêu chí phân loại này dựa trên mối quan hệ giữa CCĐT và đối tượng chứng minh, dựa vào ý nghĩa trực tiếp hay gián tiếp làm sáng tỏ những vấn đề thuộc đối tượng chứng minh của vụ án, cụ thể như sau:

CCĐT trực tiếp: Là loại CCĐT mà theo đó trực tiếp xác định được sự kiện chủ yếu, các tình tiết liên quan trực tiếp đến đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự, cung cấp những nguồn tin quan trọng và cơ bản nhất của hành vi phạm tội, phục vụ trực tiếp cho việc làm rò những yếu tố cấu thành tội phạm. CCĐT trực tiếp cho thấy ngay đối tượng chứng minh như: Sự việc xảy ra có phải là sự việc phạm tội

hay không? Người thực hiện phạm tội có thể là ai? Có lỗi hay không có lỗi?...và cho thấy các tình tiết khác ảnh hưởng đến vấn đề TNHS và quyết định hình phạt.

Các CCĐT trực tiếp thường được thấy trong các trường hợp phạm tội quả tang, lời khai của người làm chứng, người bị hại và được thu thập từ các phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông… chứa đựng dữ liệu, thông tin liên quan trực tiếp đến việc xác định tội phạm trong vụ án hình sự.

CCĐT gián tiếp: Là loại CCĐT mà theo đó không trực tiếp xác định các vấn đề của đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự, không chỉ ra được những dấu hiệu có ý nghĩa pháp lý hình sự, nhưng khi kết hợp với các sự kiện, tình tiết khác thì có thể xác định được vấn đề nào đó của đối tượng chứng minh, mang tính chất bổ trợ trong quá trình điều tra.

Quá trình điều tra đòi hỏi cần tổng hợp nhiều CCĐT gián tiếp mới có thể rút ra kết luận về những sự kiện có ý nghĩa pháp lý hình sự, mới có thể xâu chuỗi để làm sáng tỏ tình tiết diễn biến của vụ án, giúp cho CQTHTT xác định được bản chất của hành vi phạm tội, xác định đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm. Khi tách riêng các CCĐT gián tiếp sẽ không thể kết luận, làm rò được vấn đề nào.

Sự hiện diện của CCĐT gián tiếp sẽ giúp cho các CQTHTT giải quyết một cách nhanh chóng và đúng đắn vụ án. Các thông tin, dữ liệu trung gian này là tiền đề cần thiết để ĐTV có thể đưa ra các giả định, phán đoán trong điều tra hình sự, và khi có một hệ thống chứng cứ điện tử gián tiếp phù hợp với nhau nó sẽ biến giả thuyết, giả định điều tra ban đầu thành hiện thực, khẳng định một cách vững chắc về vụ án.

Hai loại CCĐT này có giá trị như nhau trong lý luận cũng như trong thực tiễn. Các vấn đề của đối tượng chứng minh có thể được xác định thông qua CCĐT trực tiếp nhưng cũng có thể thông qua CCĐT gián tiếp. CCĐT trực tiếp cho ta cơ sở để kết luận về các vấn đề thuộc đối tượng chứng minh một cách nhanh chóng, rò ràng. Còn CCĐT gián tiếp cũng cho ta thấy được cơ sở để kết luận về các vấn đề thuộc đối tượng chứng minh khi đặt trong mối quan hệ với các CCĐT khác.

- Loại CCĐT buộc tội và CCĐT gỡ tội: Việc phân loại này dựa trên mối quan hệ giữa CCĐT với sự buộc tội, dựa vào ý nghĩa chứng minh để buộc tội hay gỡ tội, cụ thể như sau:

CCĐT buộc tội: Là loại CCĐT được sử dụng để xác định một người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người đó. Loại chứng cứ này thể hiện rò việc phạm tội của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc sự hiện diện của nó sẽ làm tăng thêm trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

CCĐT gỡ tội: Là loại CCĐT được sử dụng để xác định bị can, bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội hoặc xác định những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người đó. Đây là loại chứng cứ bác bỏ hoàn toàn việc buộc tội của CQTHTT đối với bị can, bị cáo do nó xác định sự việc xảy ra không phải là tội phạm, xác định tính không có lỗi của một hành vi nào đó đã được thực hiện; hoặc sự hiện diện của loại chứng cứ này làm giảm đi tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

- Loại CCĐT gốc và CCĐT sao lại, thuật lại: Việc phân loại này dựa trên đặc điểm thu thập chứng cứ, nguồn gốc của CCĐT, cụ thể như sau:

CCĐT gốc: Là CCĐT được phản ánh, thu thập từ nguồn đầu tiên, trực tiếp, không qua khâu trung gian. Đây là loại CCĐT được hình thành từ nguyên bản (bản gốc) chứa đựng những thông tin, sự kiện cần xác định, có giá trị chứng minh rất cao, phản ánh khá chính xác thực tại khách quan, xác định sự kiện xảy ra trên thực tế không thông qua một khâu trung gian nào.

Tuy nhiên, khi xem xét loại CCĐT này cần phải thận trọng. Để khảng định giá trị chứng minh của nó, cần phải kết hợp với các loại chứng cứ khác, những tình tiết liên quan khác của vụ án mà CQTHTT thu thập được.

CCĐT sao lại, thuật lại: Là CCĐT không được phản ánh, thu thập từ nguồn đầu tiên, mà được phản ánh, thu thập từ khâu trung gian. Và vì được thu thập, được phản ánh từ khâu trung gian nên loại CCĐT này không có độ tin cậy cao như CCĐT gốc. Có thể nói, càng xa CCĐT gốc, càng thông qua nhiều khâu trung gian thì giá trị chứng minh của loại chứng cứ này càng giảm dần. Nhờ có CCĐT gốc, chúng ta có thể đánh giá, so sánh, đối chiếu tính đúng đắn của CCĐT sao lại (chứng cứ sao chép). Ngược lại, thông qua CCĐT sao lại, thuật lại thì các chủ thể tiến hành tố tụng có thể phát hiện được CCĐT gốc, là phương tiện để kiểm tra, đánh giá CCĐT gốc.

Kết luận Chương 1

Tóm lại, trong Chương 1, tác giả đã tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về CCĐT theo quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự Việt Nam với một số nội dung như sau:

- Khái niệm về CCĐT, các đặc điểm của CCĐT; phân loại CCĐT;

- Khái niệm, đặc điểm của DLĐT với tư cách là nguồn của CCĐT.

Trên cơ sở những vấn đề lý luận về CCĐT đã phân tích, có thể thấy rằng CCĐT trong vụ án hình sự có một ý nghĩa lớn không chỉ về mặt pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội, mà nó còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng khi vận dụng trong quá trình thu thập, phân tích, chuyển hóa CCĐT sang chứng cứ truyền thống để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mà các đối tượng phạm tội đã sử dụng, lạm dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội (tội phạm công nghệ cao).

Việc BLTTHS 2015 bổ sung thêm nguồn chứng cứ mới là DLĐT đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm công nghệ cao.

Với nền tảng lý luận về CCĐT đã phân tích, luận văn tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự Việt Nam về CCĐT, kết hợp với phân tích một số vụ án thực tế đã xảy ra trên địa bàn TP.HCM ở Chương 2.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/06/2022