Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội - 2

DANH MỤC BIỂU ĐỒ


Biểu đồ 2.1: Tăng trưởng kinh tế Hà Nội giai đoạn 2008 – 2013 36

Biểu đồ 2.2: Số doanh nghiệp giai đoạn 2008 - 2012 38

Biểu đồ 2.3: Phân bố doanh nghiệp theo cơ cấu ngành nghề năm 2012 40

Biểu đồ 2.4: Phân bố doanh nghiệp theo địa bàn quận, huyện năm 2012 41

Biểu đồ 2.5: Quy mô vốn các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2012 từ năm 2008 - 2012 44


DANH MỤC HÌNH

Hình 1.1: Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp 27

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Hình 1.2: Sơ đồ cơ quan quản lý nhà nước theo vòng đời doanh nghiệp 28

MỞ ĐẦU

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội - 2

1. Lý do chọn đề tài

Trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế ở bất kỳ một quốc gia nào, doanh nghiệp cũng là một đơn vị cơ sở, một tế bào của cả nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). Sự phát triển của doanh nghiệp sẽ giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo. . .

Doanh nghiệp là yếu tố quan trọng, quyết định đến chuyển dịch các cơ cấu lớn của nền kinh tế quốc dân như: Cơ cấu nhiều thành phần kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu kinh tế giữa các vùng, địa phương. Doanh nghiệp phát triển là nhân tố đảm bảo cho việc thực hiện các mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn định và tạo thế mạnh hơn về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Có thể nói vai trò của doanh nghiệp không chỉ quyết định sự phát triển bền vững về mặt kinh tế mà còn quyết định đến sự ổn định và lành mạnh hoá các vấn đề xã hội.

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là vấn đề có nội dung rộng, liên quan đến nhiều chủ thể. Ở nước ta hiện nay quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh là vấn đề có tính cấp thiết, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có số lượng doanh nghiệp nhiều và tăng nhanh hàng năm như thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn thành phố có khoảng gần 13.000 doanh nghiệp được thành lập với tổng số vốn đăng ký hơn 1.300.000 tỷ đồng. Năm 2008, cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội và sự gia tăng nhanh chóng của số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, UBND thành phố đã thành lập 03 phòng đăng ký kinh doanh để thực hiện công tác đăng ký kinh doanh và quản lý nhà

nước đối với doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp lớn cùng với tốc độ gia tăng nhiều hàng năm, dẫn đến việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quản lý doanh nghiệp sau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trong khi đó, hầu hết các thành phố mới chỉ có quy định quản lý doanh nghiệp khi đăng ký thành lập nhưng vẫn chưa ban hành được quy chế quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh (còn gọi là quy chế “hậu kiểm”) (đến thời điểm hiện tại chỉ có 10 địa phương ban hành quy chế quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh). Ở thành phố Hà Nội, việc quản lý doanh nghiệp khi đăng ký thành lập và sau thành lập được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định quản lý doanh nghiệp sau đăng ký của UBND thành phố. Trên thực tế ở Hà Nội hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như việc quản lý doanh nghiệp sau thành lập được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau như UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở chuyên ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất, Cục thuế, UBND cấp huyện, cấp phường. Do đó, việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp không được thực hiện thống nhất, còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là yêu cầu bức xúc và có ý nghĩa quan trọng.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp là nội dung tương đối rộng. Hiện nay đa phần các công trình nghiên cứu mới chỉ đề cập đến quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước như công trình “Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện hội nhập của Việt Nam” Nhà xuất bản Đại học Kinh tế năm 2010 [5]; “Một số khía cạnh của quản lý nhà nước

đối với doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” Nhà xuất bản Đại học Quốc gia năm 2012 [7]; “Quản lý kinh tế của cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước” Nhà xuất bản Đại học Quốc gia năm 2004 [4]. Ngoài ra, có Luận án tiến sỹ luật học năm 2003 của Lê Văn Hưng với đề tài là “Cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay (từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh)” [11]. Nhìn chung các công trình nghiên cứu nói trên mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, đánh giá nội dung, thực trạng của việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

Trên thực tế hiện nay Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 đã hết hiệu lực. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (tức là đến 01/7/2010), các công ty Nhà nước thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Do đó trên thực tế hiện nay gần như không tồn tại mô hình doanh nghiệp Nhà nước.

Vì vậy việc nghiên cứu, đánh giá để có cách nhìn toàn diện và hệ thống trong việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp là yêu cầu cần thiết được đặt ra. Năm 2008, Vũ Mạnh Anh xuất bản cuốn sách “Thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng kí kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh” [37]. Công trình nghiên cứu này tuy chỉ ra được thực trạng và các giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhưng mới chỉ đề cập đến việc quản lý các doanh nghiệp sau khi thành lập. Trong khi đó việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp từ khâu đăng ký thành lập lại chưa được đề cập.

Nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, tăng cường việc tuân thủ pháp luật, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, Bộ Kế

hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án 8925/ĐA-BKHĐT ngày 26/12/2011 về “Đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập” [1]. Đề án đã cung cấp những dữ liệu quan trọng về những đổi mới của nước ta trong công tác quản lý doanh nghiệp, về mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, về khung khổ pháp lý của công tác Nhà nước đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, những giải pháp trong đề án mang tính khả thi, hiện nay đã áp dụng tại các tỉnh thành phố tạo chuyển biến tích cực trong việc quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.

Trong công trình “Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Phạm Thị Ngọc Ánh cũng đã có những đánh giá khái quát về công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân dưới góc độ kinh tế học về ba nội dung: hoạch định chiến lược và môi trường pháp lý; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp và công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của thành phố Đà Nẵng [18].

3. Mục đích, nhiệm vụ của Luận văn

3.1. Mục đích của Luận văn

Mục đích của Luận văn là thông qua việc phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đề xuất hệ thống các giải pháp mang tính toàn diện để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

3.2. Nhiệm vụ của Luận văn

Để thực hiện được mục đích nói trên, tác giả đã đưa ra và giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu, làm rõ về lý luận quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;

- Nghiên cứu, phân tích những quy định về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp ở nước ta hiện nay;

- Đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ đó, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

4. Đối tượng và phạm vi của Luận văn

Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp khi bắt đầu đăng ký thành lập và quản lý doanh nghiệp sau khi thành lập (hậu kiểm).

Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội từ năm 2008 đến 2014.

5. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận dùng để nghiên cứu đề tài là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, các tư tưởng, quan điểm mang tính nguyên tắc của Đảng về quản lý nhà nước, về đổi mới và xây dựng nền hành chính Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, các tư tưởng, quan điểm về luật học tiến bộ và hiện đại trên thế giới.

Phương pháp luận được sử dụng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong luận văn là: phương pháp biện chứng, phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp thống kê và phương pháp mô hình hóa.

6. Kết quả và ý nghĩa nghiên cứu của Luận văn

Đề tài được nghiên cứu trong bối cảnh việc quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được đẩy mạnh. Luận văn hệ thống hóa các cơ sở lý luận,

nghiên cứu các nội dung cụ thể của việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp cũng như ý nghĩa của nó. Trên cơ sở phân tích thực trạng của việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề tài đề xuất các giải pháp về mặt lý luận cũng như thực tiễn để nâng cao hiệu quả của việc quản lý doanh nghiệp.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Luận văn bao gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

Chương 2: Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Chương 3: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 17/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí