Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển - 2


thế cạnh tranh từ những lĩnh vực hoạt động khác nhau và cần thực hiện việc đánh giá bằng cả định tính và định lượng. Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những ngành, lĩnh vực khác nhau có các yếu tố đánh giá lợi thế cạnh tranh khác nhau. Mặc dù vậy, vẫn có thể tổng hợp được các yếu tố đánh giá lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm:

Lợi thế về sản phẩm, dịch vụ

Dịch vụ bán và sau bán hàng

Hoạt động xúc tiến thương mại

Nguồn nhân lực

b. Khả năng hợp tác, liên kết với các đối tác

Trong bối cảnh của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với các đối thủ mới, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia có tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh cao, phải cạnh tranh quyết liệt trong điều kiện thị trường toàn cầu với những nguyên tắc nghiêm ngặt của định chế thương mại và luật pháp quốc tế. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam muốn tồn tại và phát triển được thì không chỉ dựa vào nội lực của chính bản thân doanh nghiệp mà phải tiến hành hợp tác, liên kết để mở rộng qui mô và tiềm lực tài chính của mình ví dụ như tiến hành liên doanh với các công ty khác, thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thực hiện đầu tư ra nước ngoài,…

c. Hướng ra thị trường nước ngoài thông qua hoạt động xuất khẩu

Hiện nay, hội nhập đã trở thành một xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới, vì vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Các doanh nghiệp không chỉ bó hẹp phạm vi thị trường ở

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.


khu vực nội địa mà phải vươn ra thị trường nước ngoài, đưa hàng hoá dịch vụ của mình đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Hoạt động này xét một cách cụ thể hơn chính là hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại, phát triển lớn mạnh và đứng vững được trên thị trường hay không chính là nhờ vào hoạt động này. Vì vậy mà đánh giá năng lực xuất khẩu cũng chính là góp phần giúp các doanh nghiệp nhận biết được năng lực cạnh tranh của mình đang ở mức độ nào và có thể theo kịp tiến trình hội nhập của thế giới hay không.

Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - Thực trạng và giải pháp phát triển - 2

Cả ba yếu tố nêu trên đều vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chỉ dựa trên một yếu tố riêng lẻ nào mà đòi hỏi phải có sự kết hợp của cả ba yếu tố, như vậy thì mới có thể đưa ra được kết luận một cách toàn diện và chính xác.

1.1.2.2. Khả năng tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến

Đây là một yếu tố tất yếu trong thời đại ngày nay khi mà khoa học công nghệ ngày càng có những bước phát triển vượt bậc. Việc áp dụng những tiến bộ về công nghệ, đầu tư mở rộng, cải tiến máy móc thiết bị qui trình sản xuất sẽ làm cho năng suất, chất lượng của sản phẩm dịch vụ được nâng cao một cách đáng kể. Việc ứng dụng những thành tựu công nghệ thông tin, thương mại điện tử không những giúp doanh nghiệp tổ chức bộ máy quản lý hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian mà còn là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp có thể quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng,… Do đó, khi xét đến năng lực hội nhập của doanh nghiệp không thể bỏ qua yếu tố này.

1.1.2.3. Xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu


Thương hiệu là một trong những thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên nhất, một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp hiện nay. Có được thương hiệu doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn, nhiều thị trường hơn do doanh nghiệp đã có được uy tín nhất định và niềm tin của mọi người. Xây dựng, phát triển thương hiệu đã khó, bảo vệ được thương hiệu còn khó hơn rất nhiều. Nếu doanh nghiệp không có những biện pháp khẳng định thương hiệu của mình một cách hợp pháp như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ,… thì sớm muộn gì thương hiệu đó cũng bị lạm dụng vào các mục đích xấu như sản xuất hàng giả, hàng nhái, thậm chí khi thương hiệu bị đánh cắp thì hậu quả với doanh nghiệp còn nặng nề hơn rất nhiều. Chính vì vậy, thương hiệu ảnh hưởng rất lớn đến năng lực hội nhập của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1.1.2.4. Khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu

Trong quá trình phát triển của nền kinh tế thế giới đặc biệt là trong một vài năm trở lại đây, xu hướng tham gia vào các “chuỗi giá trị toàn cầu” đang trở nên rất phổ biến và chiếm ưu thế trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Sở dĩ như vậy là vì từ khi thực hiện nghiên cứu thị trường, mua nguyên vật liệu đến khi phân phối sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình lâu dài và phức tạp, bao gồm rất nhiều công đoạn. Do đó, hầu như không có một doanh nghiệp nào kể cả các tập đoàn lớn đủ tiềm lực và khả năng đảm nhiệm tất cả các công đoạn. Hơn nữa, việc phân chia quá trình này cho các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia thực hiện, mỗi doanh nghiệp chuyên về một khâu nhất định sẽ tận dụng được lợi thế chuyên môn của các doanh nghiệp và lợi thế của quốc gia, giảm những lãng phí về nguồn lực, tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn hội nhập được thì cũng


không thể đứng ngoài quá trình này. Đó là một yêu cầu tất yếu đối với tất cả các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.‌


1.2. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

1.2.1. Các giai đoạn phát triển

1.2.1.1. Trước đổi mới kinh tế năm 1986

Từ sau khi giải phóng miền Bắc năm 1954 và giải phóng miền Nam năm 1975, Việt Nam đã chọn mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung xã hội chủ nghĩa, giống như mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu và Liên Xô. Trong thời kỳ này chỉ có hai khu vực: Kinh tế Nhà nước và hợp tác xã được phép hoạt động nhưng bị hạn chế ở qui mô và mức độ không đáng kể.

Hầu hết xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung đều có qui mô nhỏ nhưng không thể coi chúng là các “doanh nghiệp vừa và nhỏ” vì chúng chưa phải là chủ thể thực sự của nền kinh tế. Thuật ngữ “doanh nghiệp vừa và nhỏ” hầu như không được ai đề cập đến trong thời kỳ này.

Vào cuối những năm 1980, nền kinh tế Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và đi đến chỗ phá sản, mức sống của người dân giảm mạnh. Vì thế, một yêu cầu tất yếu đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta là phải có các chính sách đổi mới tích cực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

1.2.1.2. Giai đoạn sau đổi mới 1986

Năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng ta đã chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước mà trong đó trọng tâm


là đổi mới về kinh tế. Cùng với việc xoá bỏ chế độ bao cấp, các doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã đã ngày càng trở thành các pháp nhân kinh tế thực sự. Kinh tế tư nhân được thừa nhận và khuyến khích phát triển thông qua hàng loạt văn bản pháp lý do Quốc hội và Chính phủ ban hành đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần cũng như các hộ kinh doanh cá thể ra đời và phát triển ngày càng mạnh mẽ. Cho đến đầu những năm 90, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đã trở thành một khu vực kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp Nhà nước cũng là một bộ phận quan trọng của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một nét đặc thù riêng của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Đối với nhiều nước khi nói đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, người ta thường quan niệm đó là các doanh nghiệp khu vực tư nhân, còn đối với Việt Nam khi nói đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thì tiêu thức xác định không phải là sở hữu mà là giới hạn qui mô về vốn và lao động.

Hiện nay, có khoảng 6000 doanh nghiệp Nhà nước và hơn 80% trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng và lao động thường xuyên dưới 300 người). Nhà nước Việt Nam có chủ trương tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế, ví dụ luật doanh nghiệp được thông qua tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá X đã được áp dụng cho một bộ phận đáng kể các doanh nghiệp Nhà nước.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân, gần đây mới nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vấn đề phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam từ năm 2001 trở về trước chưa được quan tâm đúng mức. Cho đến Nghị định 90/2001/CP-NĐ ngày


23/11/2001 Chính phủ Việt Nam mới ban hành một chính sách khuyến khích rõ ràng, dài hạn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như sau:

a. Chương trình trợ giúp

Chương trình trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhà nước là chương trình mục tiêu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, căn cứ vào định hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành và các địa bàn cần khuyến khích. Chương trình trợ giúp này được bố trí trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm do Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Chương trình trợ giúp bao gồm: mục tiêu, đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cụ thể theo ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động, nội dung trợ giúp, nguồn lực, kế hoạch và biện pháp về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện. Chú trọng ưu tiên chương trình trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ do doanh nhân nữ quản lý.

b. Khuyến khích đầu tư

Chính phủ trợ giúp đầu tư thông qua biện pháp về tài chính, tín dụng, áp dụng trong một thời gian nhất định đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào một số ngành nghề, bao gồm ngành nghề truyền thống và tại các địa bàn cần khuyến khích.

Chính phủ khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp và thể nhân góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

c. Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng

Thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi không đủ tài sản thế chấp, cầm cố, vay vốn của các tổ chức tín dụng.


d. Mặt bằng sản xuất

Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng các chinh sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp và các quyền khác về sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật.

e. Thị trường và tăng khả năng cạnh tranh

Các Bộ, ngành, uỷ ban nhân dân, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các thông tin về thị trường, giá cả hàng hoá, trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương trợ giúp việc trình bày, giới thiệu, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm có tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo điều kiện mở rộng thị trường.

Chính phủ tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cung ứng hàng hoá và dịch vụ theo kế hoạch mua sắm bằng nguồn ngân sách Nhà nước; các Bộ, ngành địa phương có kế hoạch ưu tiên đặt hàng và các đơn hàng theo hạn ngạch phân bổ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng hoá và dịch vụ bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Chính phủ khuyến khích phát triển hình thức thầu phụ công nghiệp, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp khác về hợp tác sản xuất, sản phẩm linh kiện, phụ kiện, phụ tùng, nhận thầu xây dựng,... nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thông qua các chương trình trợ giúp, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc, phát


triển sản phẩm mới, hiện đại hoá quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

f. Về thị trường xuất khẩu

Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết hợp tác với nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ. Thông qua chương trình trợ giúp xúc tiến xuất khẩu, trợ giúp một phần chi phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khảo sát, học tập, trao đổi hợp tác và tham dự hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường ở nước ngoài. Chi phí trợ giúp được bố trí trong Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

Các Bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các chương trình xuất khẩu của Nhà nước.

g. Về thông tin, tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực

Chính phủ, các Bộ, ngành và uỷ ban nhân dân địa phương cung cấp các thông tin cần thiết qua các ấn phẩm và qua mạng Internet cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua Bộ kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ) phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính phủ trợ giúp kinh phí để tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua chương trình trợ giúp đào tạo. Kinh phí trợ giúp về đào tạo được bố trí từ Ngân sách Nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

Chính phủ khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/05/2022