Khai thác các giá trị lịch sử - văn hóa của làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội phục vụ phát triển du lịch - 3

Trong bài viết: “Suy nghĩ về hướng tiếp tục tìm hiểu địa danh Cổ Loa” ( Qua cách giải thích địa danh này của GS. Đào Duy Anh). Hai tác giả Trần Trí Dõi và Trần Thị Hồng Hạnh có viết: “ Trong địa danh Cổ Loa có hai yếu tố khác biệt kết hợp lại với nhau là Cổ Loa. Trong đó, Cổ là dạng thức Hán Việt về sau của âm nôm Kẻ với ý nghĩa “người làng…”, còn Loa là có nguồn gốc Hán do người Trung Quốc đời Tống thấy thành của An Dương Vương xoáy nhiều vòng như hình ốc nên “tưởng tượng” mà gọi như thế (!). Vậy là, theo GS, ý nghĩa của địa danh Cổ Loa sẽ là “người dân làng có Thành Loa, tức là người dân ở làng có thành xoáy hình trôn ốc”. Và như thế, theo cách giải thích của GS, hình như có một loại địa danh theo kiểu Kẻ Loa, trong đó yếu tố Kẻ là thuần Việt, còn yếu tố Loa là do dân gian Việt vay mượn của Hán. Vậy là, địa danh Kẻ Loa xuất hiện đầu tiên do người Việt ghép yếu tố Kẻ của mình với yếu tố Loa của tiếng Hán trong Loa Thành đã có trước đấy. Về sau Kẻ Loa được Hán Việt hoá thành địa danh Cổ Loa. Còn Lê Tắc vào thế kỉ XIII khi viết An Nam chí lược bên Trung Quốc đã phiên Kẻ Loa thành tên gọi Khả Lũ theo cách của tiếng Hán đời Tống”. [10].

Sự hình thành và phát triển của Cổ Loa còn được thấy rõ qua dấu vết khảo cổ học. Các kết quả khai quật khảo cổ học mấy chục năm qua đã khẳng định: Cổ Loa là một trong những điểm sinh tụ đầu tiên của người Việt cổ. Vào năm 1971- 1972, dân làng Cổ Loa đã phát hiện được một số viên đá cuội có dấu vết bàn tay ghè đẽo, gia công ở rìa cạnh, trên hai mặt của hòn đá cuội thường giữ lại vẻ rất tự nhiên, phần lớn các hòn đá cuội này có chức năng của công cụ chặt, nạo, hay cắt, nhìn chung còn khá thô sơ. Việc phát hiện công cụ cuội có gia công trên đây là cứ liệu quan trọng để khẳng định, các đây từ một vạn đến hai vạn năm tại các triền gò, đồi của làng Cổ Loa đã có con người sinh sống.

Theo TS. Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội: “Những người đầu tiên được môi trường - cảnh quan tiền Cổ Loa hấp dẫn đến khai phá và làm chủ nơi này là nhóm cư dân đã để lại dấu tích ở Di chỉ Đồng Vông. Vậy những người đầu tiên có mặt ở Cổ Loa - Đồng Vông, từ đâu tới? Các nghiên cứu Khảo cổ học cho biết: Đồng Vông trước hết “là một di chỉ

thuộc nhóm di tích giai đoạn Phùng Nguyên” (4000 - 3500 năm Tr.CN), hoặc là Phùng Nguyên muộn. Cố GS. Trần Quốc Vượng cho biết: “Cả một cụm di chỉ phần nhiều là Phùng Nguyên muộn, đầu thời đại đồng thau - đã phát hiện dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê, cũng như ở nhánh Tiêu Tương ở phía hạ lưu của nó, ở khu vực Cổ Loa. Đó là Đồng Vông, là Xuân Kiều, xa hơn chút nữa là chân núi Tiên Sơn và vùng đồi Lim, cho đến tận Võ Cường, mé ngoài thị xã Bắc Ninh, trên sườn đồi giáp mé sông của những làng quan họ sau này”.

Khai phá đầu tiên khu vực Cổ Loa từ nửa đầu thiên niên kỷ thứ II TCN, cư dân Đồng Vông trong khi mở rộng sự phát triển của Văn hoá Phùng Nguyên, về phương diện lịch sử đã tham gia tích cực vào việc khởi phát thời kỳ tiền Hùng Vương - thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Điều này cũng có nghĩa là: Cổ Loa, với sự xuất hiện những cư dân đầu tiên của mình ở Đồng Vông, đã khởi động lịch sử của mình, kèm theo ý nghĩa là một địa vực rất sớm được khai phá, ngay từ buổi đầu thời đại Hùng Vương.

Liền sau nhóm cư dân Đồng Vông là hai nhóm cư dân tiếp tục đến sinh sống ở Cổ Loa. Người xưa đã lưu dấu tích lại ở hai Di chỉ Xuân Kiều và Tiên Hội. Sự phát triển liên tục ấy, bây giờ đã chính thức đến giai đoạn quan trọng nhất: giai đoạn Văn hoá Gò Mun - Đông Sơn ở trên đất Cổ Loa. Hai di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho giai đoạn này đã được phát hiện ở đây là Đình Tràng (Chàng) và Đường Mây. Sự “hội tụ văn hoá” ở Cổ Loa vậy là đã thấy rõ, ở vào thời gian phát triển cuối cùng của di chỉ Đình Chàng. Điều ấy có nghĩa là: khi ấy, cư dân Việt cổ chứng kiến hoặc tham gia vào việc chuyển Cổ Loa từ thời tiền Cổ Loa sang thời Cổ Loa đích thực - Cổ Loa thời An Dương Vương.

Cổ Loa là mảnh đất chứng kiến và cất giữ rất nhiều chứng tích lịch sử, tiêu biểu là sự xuất hiện của chiếc nỏ liên châu (được thần thoại hóa là nỏ thần) đã nhiều lần đánh thắng Triệu Đà có binh hùng tướng mạnh, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng trước âm mưu thâm độc của Triệu Đà đã dùng con trai của mình là Trọng Thủy sang Cổ Loa làm con

tim, thực chất là chiếm được tình cảm của Mỵ Châu - con gái của An Dương Vương, kết thành thông gia, để rồi từ đó học được bí quyết làm nỏ thần. Với âm mưu xâm chiếm được nước Âu Lạc. Sau khi đã mất đất nước vào tay giặc Phương Bắc, nhân dân đã đứng lên khởi nghĩa chống lại ách nô lệ và đồng hóa, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên. Trong cuộc khởi nghĩa này, Làng Cổ Loa, cụ thể là Am Mỵ Châu là nơi Hai Bà Trưng dừng chân trên đường dẫn quân tiến xuống đánh vào hang ổ của bọn đô hộ nhà Hán. Chính Mỵ Châu đã âm phù cho Hai Bà, nhân dân Cổ Loa cùng các làng khác trong vùng cũng theo Hai Bà cũng nô nức ra trận, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi (bản thần phả hiện còn đang lưu trong đền Mỵ Châu và đình Cầu Cả chép theo truyền thuyết dân gian).

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, làng Cổ Loa lại một lần nữa rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, khi nhà Hán sau 3 năm sau lại sai Mã Viện sang đánh nước ta và lúc này cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng đã thất bại. Sau gần nghìn năm bền bỉ chống lại ách thống trị của nhà Hán, nhân dân ta đã giành lại được quyền tự chủ và Cổ Loa trong những năm tháng đấu tranh đó lại có vinh dự lớn là lần thứ hai trở thành kinh đô của đất nước dưới thời Ngô Quyền và các con vua kế vị.

Đến giữa thế kỷ X sau chiến thắng Bạch Đằng, một lần nữa làng Cổ Loa lại làm Kinh đô nước Việt dưới thời Ngô (Ngô Quyền và các vua con kế vị, từ năm 939 - 965). Năm sau (Bính Dần, 966) loạn 12 sứ quân nổi lên. Cùng với đất nước bị rơi vào cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến, Cổ Loa mất vị thế là kinh đô và trở lại vị thế của một làng quê thanh bình như bao làng quê khác của Việt Nam. [14, tr.39, 40].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.

Trong một vài cuốn sách về lịch sử, địa chí có ghi lại, từ đầu thời Lý (1009 - 1225) trở đi, kinh đô nước Đại Việt là thành Đại La (sau đổi là Thăng Long). Cổ Loa chỉ được nhắc đến với tên gọi: “thành Khả Lũ”, “Phong Khê”, “Kim Lũ”, “Loa thành”…

Từ nửa sau thế kỷ XV trở đi, cư dân chuyển từ các nơi đến làng Cổ Loa sinh sống ngày một đông và luôn chịu những tác động của mất mùa, đói kém, của nội chiến nên tình trạng hồi cư - nhập cư - phiêu tán rồi lại về sinh sống luôn xảy ra. Chính vì vậy, mà dẫn đến tình trạng sự đa tạp về dân cư hay cư dân, mà người làng hay gọi là “Chín người, mười làng” từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nam.

Khai thác các giá trị lịch sử - văn hóa của làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội phục vụ phát triển du lịch - 3

Nửa sau thế kỷ XV sau cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Minh, cư dân đã tập trung tụ cư đông đúc về làng Cổ Loa. Đến đầu thế kỷ XVI, làng Cổ Loa cùng các làng xã khác trong huyện Đông Ngàn trở thành bãi chiến trường giữa sự tranh chấp của hai bên quân đội nhà Lê và quân nhà Mạc. Một lần nữa dân cư lại phải phiêu tán đi nơi khác, cho đến đầu thế kỷ XVII, dân làng mới lần lượt hồi cư, đồng thời tiếp nhận dân cư từ các nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp. Từ đó, làng xóm ở Cổ Loa mới lại đông đúc với trên 30 dòng họ, trên cơ sở “ chín người, mười làng”. Dòng họ tiêu biểu của làng Cổ Loa như : Họ Đào (xóm Chợ) từ Thanh Hóa chuyển ra, họ Trương (ở xóm Hương) từ Hải Dương chuyển lên, họ Nguyễn (xóm Gà) từ Thường Tín, xứ Sơn Nam (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội)…với những biến động theo thời gian như trên, rất khó có thể có những nghiên cứu chính xác nguồn gốc hình thành về làng Cổ Loa, chủ yếu dựa theo các sự kiện lịch sử.

Trong cuốn: “Đông Anh với nghìn năm Thăng Long- Hà Nội”, các tác giả đã chỉ rõ Làng Cổ Loa gồm 12 xóm cũ, bây giờ là các thôn và cùng kết hợp với các xóm, làng khác để thành các thôn mới. Như vậy, hiện nay Cổ Loa gồm 15 đơn vị quản lý hành chính thôn làng. [9].

Theo sách “Tên làng xã và các tỉnh địa dư Bắc Kỳ” của tác giả Ngô Vi Liễn có viết vào năm 1926, làng Cổ Loa có 2.698 nhân khẩu, sinh sống tại 12 xóm trong ba vòng thành cổ, trên một địa dư rất rộng. Dân đinh trong làng xưa được chia làm 24 giáp. [12].

Đến năm 2010, Cổ Loa có diện tích tự nhiên là: 802,38 ha, có 4.448 hộ,

16.514 nhân khẩu ( trong đó: nam: 8.083 người, nữ: 8.431 người).[9].

1.3. CƠ SỞ KINH TẾ CỦA LÀNG CỔ LOA


1.3.1. Nông nghiệp


Nhìn toàn cảnh, làng Cổ Loa có địa hình thấp dần từ Tây Bắc về Đông Nam. Hàng năm, vào mùa mưa, nước từ Yên Lãng về Vực Dê, theo sông Hoàng Giang chảy về đồng làng Cổ Loa và các làng khác và dồn về khu vực Đầm Cả. Với thế đất đó, tạo cơ cấu mùa vụ của đồng ruộng ở Cổ Loa là ruộng chiêm chiếm đến 2/3.

Người làng Cổ Loa có truyền thống lao động cần cù, chịu khó, khắc phục những bất lợi của điều kiện tự nhiên để sản suất. Có lịch sử gắn bó lâu đời với đồng ruộng, người dân làng hiểu rõ được thế đất, thế nước để thích hợp bố trí các mùa vụ, cây trồng đạt năng suất cao nhất. Ở làng Cổ Loa, người dân địa phương đã phân đồng đất thành các loại ruộng sau:

Ruộng dộc: Đây là loại ruộng tốt nhất, tiện nước, cấy được cả hai vụ. Trong đó, vụ chính là vụ chiêm, giống lúa là lúa chiêm Cút, chiêm Bầu cho hạt gạo màu đỏ, cứng, hạt cơm nấu lên ăn rất chắc dạ. Vào vụ mùa, thường cấy nếp cái, nếp dảnh, năng suất thường đạt 90 - 100 kg/ sào.

Ruộng vàn: Loại ruộng này thường chỉ cấy chính mùa, với các giống lúa: Tám thơm, Tám trắng, Dé (tẻ), nếp cái. Năng suất bình quân thường đạt 60 - 70 kg/sào.

Đồng cao (đồng màu): hình thức ruộng này chính là ruộng bậc thang, do vất vả về nguồn nước tưới, chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, khó tát nước, nên chỉ cấy được vụ mùa. Đối với loại ruộng này, thường kết hợp xen canh, luân canh với các giống cây trồng một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện của tiết trời. Sau khi các giống lúa được gặt như: Lúa Ba Giăng (thu hoạch vào rằm tháng Bảy), lúa Di, Dé (gặt vào tháng Tám), các giống lúa Tám Nam, Tám Cạn (gặt vào tháng Mười), thì bà con nông dân lại trồng xen khoai lang (khoai Di), từ tháng Chạp đến tháng Năm, năng suất mỗi sào có thể cho đến 12 thúng, thu khoai xong lại trồng ngô (từ tháng Chạp đến tháng Tư), thu hoạch mỗi sào cũng

có thể cho 3 thúng hạt ngô (mỗi thúng khoảng 25 kg). Ngoài ra, có thể trồng thầu dầu (đu đủ) xen canh với vừng, đỗ.

Đồng thấp: là loại ruộng ở sát các đầm, nên luôn chịu ảnh hưởng của nước lũ. Vụ chiêm cấy chỉ đạt năng suất từ 40 - 50 kg/sào, vụ mùa thì khoảng 30 kg/sào. Có nhiều năm, cấy lại đến 3 lần mà thu hoạch cũng không được nhiều. [14, tr. 43, 44 ].

Nhắc đến đặc sản làng Cổ Loa, người dân thường quen thuộc với câu: “Chiêm Cút, mùa Di, sống đem đi, chết để lại”. Giống chiêm Cút, lúa Di thường đạt năng suất cao và ăn ngon. Ngoài ra, phải kể đến một số loại cây trồng cũng gắn liền với mảnh đất Cổ Loa như: Quả Trám đen, cây chè, cây sung, cây mít. Theo lời các cụ trong làng kể lại: Cây trám đen, chè xanh trước đây chỉ trồng ở đất bãi, trên các dỏi đất cao, đất trên Thành cổ ven quanh di tích, nên có sự thơm ngon đặc biệt. Dân các làng trồng nhiều cây Trám, sau 5 năm rừng trám cho thu hoạch, sau 10 năm, mỗi cây có thể cho hàng tạ quả, cây trám có thể thu hoạch trong vài chục năm. Cách đây khoảng vài chục năm, vẫn còn cả những rừng trám từ làng Thư Cưu về xóm Thượng (làng Cổ Loa), hiện nay còn một số cây ở xóm Thượng (Thượng, Cưu, Bãi) làng Cổ Loa ngày nay. Cây mít là cây trồng nhiều, múi mít dai và mùi rất thơm, vì thế mà ở làng Cổ Loa có xóm Mít. Cây sung cũng là cây lương thực thiếu đói của quân sĩ dưới thời vua An Dương Vương, được trồng nhiều ở xóm Mít.

Xưa khi so sánh thế đất giữa làng Giỗ - Quậy và làng Chạ Chủ (Cổ Loa), người trong vùng thường tổng kết:“Quậy ủ Chủ tươi, Quậy cười Chủ khóc” nghĩa là khi người làng Quậy buồn vì mất mùa (do đồng ở thế thấp nên ngập lụt), thì người dân Chạ Chủ lại tươi vì được mùa (Chạ Chủ ở thế đất cao). Ngược lại, vào những khi trời mưa vừa phải thì vùng Quậy được mùa, còn Chạ Chủ lại mất mùa. [14, tr. 32]. Như vậy, nghề làm nông vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên nhiên, có năm sẽ cho năng suất cao, có năm có thể mất mùa hay năng suất thấp.

1.3.2. Nghề thủ công


Làng Cổ Loa ngoài công việc làm nông là chủ yếu, còn kết hợp làm nghề thủ công. Các điều kiện về văn hóa, phong tục đã tạo cho nơi đây những đặc sản nổi tiếng như: Bỏng, bún, rèn. Nghề làm bún thì cả hai làng Cổ Loa và Mạch Tràng cùng làm và nghề tạo ra sản phẩm mang tính địa phương nhất là làm bỏng mật hay còn gọi là “bỏng Chủ”, đây là đặc sản riêng có của làng Cổ Loa. Cách gọi “bỏng Chủ”, ý chỉ loại bỏng này chỉ riêng có ở Chạ Chủ, gọi tắt là “bỏng Chủ”.

Nhắc đến bỏng Chủ, người dân Cổ Loa tự hào với những câu ca dao:


“Thập phương khách đến Cổ Loa Mua phong bỏng chủ quê nhà Thục Vương

Nếp hoa, gừng tráng mật đường


Chày khuôn nén chặt quân lương một thời”.


Theo lưu truyền dân gian, nghề làm bỏng có từ thời Thục Phán An Dương Vương, là lương thực, lương khô cho quân lính cuả triều đình tập luyện và chiến đấu. Thường thường, từ sau khi làm lễ tiến bỏng lên An Dương Vương ở đền Thượng Cổ Loa thì việc làm bỏng mới bắt đầu. Ở làng Cổ Loa, người làm bỏng ngon và lâu đời là bà Học ở xóm Chùa , theo bà Học cho biết: “Nghề làm bỏng này được làm khoảng 40 - 45 năm nay, làm bỏng là để cúng tiến vua An Dương Vương và người dân những lúc nông nhàn làm bỏng để thêm thu nhập”. Công đoạn làm thành loại bỏng này cũng khá công phu. Trước tiên, chọn thóc để làm bỏng là từ nếp cái hoa vàng, thường được mua ở làng Dục Tú, vì lúa này cấy ở đồng màu, hạt thóc khi rang lên thì nổ bỏng đều và to. Thóc được rang trong một chảo to, đáy chảo tráng qua một lượt mỡ để thóc không cháy, lại nổ bỏng nhanh. Dùng 10 que tre nhỏ như que tăm, bó chụm lại làm que để đảo thóc trong chảo cho nóng đều, mỗi đầu bó que có chấm một lớp mỡ, thóc trong chảo bắt đầu nổ thì mới đậy vung từ 3 - 5 phút. Khi thóc đã nổ hết bỏng đem ra xảy bỏ hết trấu, công đoạn tiếp theo là trộn đều với một ít lạc đã rang, rồi hòa với nước

mật (hòa nước mật với nước gừng để tạo ra vị thơm, loại mật này thường ở vùng Mai Lĩnh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay).

Mật được cho vào chảo đun kĩ, bắc ra để nguội thời gian từ 8 - 10 tiếng mới đem ra làm; trộn đều hoa bỏng, lạc, thảo quả, mật gừng cho vào khuôn có kích thước từ 37 x 10 x 10 cm. Muốn có khuôn bỏng ngon, phải ép ít nhất là 15 chày, mỗi chày ép bỏng lại rắn chắn thêm. Ép xong phải chờ từ 4 đến 5 tiếng mới dùng dao sắc cắt bỏng thành từng miếng.

Tùy theo mục đích sử dụng mà có từng tỷ lệ mật trộn sẽ ra ba loại bỏng:


Bỏng thửa: Bỏng được làm cho những người đặt để đi lễ hoặc có công việc lớn (cưới hỏi, mừng thọ). Loại bỏng này thường nhiều mật và có thêm thảo quả cho thơm, đây có thể coi là loại bỏng ngon nhất.

Bỏng nặng: Nếu ai ăn ít ngọt thì có thể chọn loại bỏng này, tỷ lệ mật được trộn ít hơn bỏng thửa và không có thảo quả.

Bỏng nhẹ: Đối với những người ăn nhạt hay không thích nhiều đường thì loại bỏng nhẹ này là lựa chọn tốt nhất, làm loại bỏng này không cho thêm thảo quả và không có cả lạc. Loại bỏng nhẹ này cùng bỏng nặng thường được dùng để bán hoặc ăn.

Để ra được sản phẩm bỏng như ý, những người làm nghề này khá vất vả, đặc biệt trong khâu tiêu thụ. Theo các cụ cao niên trong làng thì trước Cách mạng, do người dân không đủ ruộng đất để cày cấy, kết hợp với yếu tố địa hình, khí hậu nên chỉ cấy được vụ mua nên để đảm bảo cuộc sống thì người dân đã làm bỏng để thêm thu nhập. Theo tính toán thì một gia đình trong một ngày làm một xó thóc (khoảng 8 kg) và bán hết hang thì được lãi khoảng 5 kg gạo, đủ lương thực và có thêm tiền chi tiêu, lại tận dụng được sức lao động của cả gia đình trong nhiều tháng làm nghề (từ tháng Giêng đến hết thàng Ba, là thời kỳ nông nhàn, lại có nhiều hội được mở). Khi đã làm bỏng xong thì những người phụ nữ lại phải gánh bỏng đi khắp các chợ trong vùng (trong vòng bán kính 20km) để bán, như các chợ: chợ Sọ (Phù Lỗ), chợ Núi (Sóc Sơn), chợ Chờ (Yên Phong - Bắc Ninh), chợ Me, chợ Giầu (Từ Sơn - Bắc Ninh), thậm chí có khi

Xem tất cả 99 trang.

Ngày đăng: 28/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí