Khái Quát Hình Thức Biểu Diễn Nghệ Thuật Ca Huế Trên Sông Hương

Qua mỗi dịp Festival, các sự kiện và nội dung của Festival đã góp phần đánh thức, khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế, tiếp thị một cách có hiệu quả với bạn bè năm châu hình ảnh của cố đô Huế - thành phố Festival của Việt Nam.

Trong các nội dung chương trình đó, việc biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống của Huế là một phần không thể thiếu. Chẳng hạn như, trong Festival 2000 với chủ đề “Nghệ thuật sống”, đã đưa vào giới thiệu và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như: Nhạc lễ và múa hát cung đình Huế, nghệ thuật múa rối nước và màn trình diễn các vũ điệu dân gian của ba miền Bắc, Trung, Nam. Tiếp theo trong Festival 2002, nhã nhạc cung đình và múa rối nước vẫn tiếp tục được đưa vào khai thác, ngoài ra trong Festival này cũng giới thiệu nghệ thuật cải lương đương đại và một số điệu múa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong Festival 2004, ngoài các loại hình nghệ thuật trên, ca nhạc sử thi Việt Nam, ca Huế, dân ca, dân vũ, kịch nói,…cũng đã được đưa vào các chương trình biểu diễn. Festival năm 2006, có giới thiệu thêm một số loại hình nghệ thuật mới như hát chầu văn và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Festival năm 2008, có thêm nghệ thuật múa đương đại bên cạnh các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhìn chung, trong các kỳ Festival đã diễn ra, nhã nhạc cung đình Huế, múa rối nước và quan họ là những loại hình nghệ thuật được biểu diễn thường xuyên; còn ca Huế tuy cũng đã được đưa vào biểu diễn, nhưng chỉ là phần điểm xuyết cho những đêm đại nhạc hội rực rỡ sắc màu. Do đó có phần bị chìm lấp và chưa thực sự thu hút được sự chú ý của du khách.

Tuy nhiên hiện nay, việc chọn Ca Huế là một chủ đề biểu diễn chính trong các kỳ Festival dường như đang bị bỏ ngỏ. Ông Nguyễn Duy Hiền, Phó trưởng ban tổ chức Festival Huế 2010, nói: “Đi thuyền nghe Ca Huế trên sông Hương là một hoạt động du lịch thường xuyên diễn ra ở Huế, vì vậy Ban tổ chức không đưa vào các chương trình của Festival Huế 2010”. Các kỳ lễ hội trước, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Ông Lê Tấn Thưởng, Giám đốc Trung tâm Quản lý, tổ

chức biểu diễn Ca Huế, nhận xét: “Du thuyền nghe Ca Huế dường như đang bị cơ quan chức năng bỏ rơi trong thời điểm diễn ra Festival Huế 2010, bởi không được Ban tổ chức phối hợp để hoạt động này diễn ra thuận lợi”.

Cũng như ý kiến của ông Lê Tấn Thưởng, người viết cho rằng: Festival Huế hiên nay thu hút rất đông đảo du khách trong và ngoài nước, vì thế cơ quan chức năng nên coi đây là một cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế, cũng như kéo dài thời gian lưu trú của khách. Vì vậy cần có những biện pháp và chính sách hợp lý để Ca Huế có điều kiện được biểu diễn và phát huy giá trị của mình trong mỗi kỳ Festival.

2.3. Khái quát hình thức biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương


2.3.1. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương


Ca Huế trên sông Hương gần như là dịch vụ chủ yếu hiện nay cung cấp cho du khách cơ hội được thưởng thức nghệ thuật Ca Huế. Du thuyền trên sông Hương là một thú chơi tao nhã gắn liền mật thiết với Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương từ lâu đã trở thành một loại hình du lịch văn hóa độc đáo và hấp dẫn đối với du khách đến Huế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Đối với những người gắn bó với Ca Huế lâu năm hay những người mới bắt đầu học nghề, thì điều không thể thiếu là niềm đam mê và tình yêu với Huế. Những người nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhạc công... đã bằng chính tâm huyết của mình để gìn giữ và lưu truyền được cái hồn cốt Ca Huế, làm đẹp thêm cho Ca Huế. Hiện nay ở Huế có khoảng 400 ca sỹ, nhạc công phần lớn thuộc các đơn vị nghệ thuật được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực Ca Huế. Họ làm việc ở Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Câu lạc bộ Ca Huế - Nhà Văn hóa Huế, Câu lạc bộ Ca Huế - Trung tâm Thông tin Thừa Thiên - Huế. Hàng năm Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đều tổ chức rà soát, thẩm định, phân loại chất lượng diễn viên, nhạc công nhằm quản lý và chấn chỉnh hoạt động Ca Huế. Trong thời gian qua những người làm công tác quản lý Ca Huế và đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn Ca Huế đã có

nhiều cố gắng để mang lại cho Ca Huế một diện mạo mới, phù hợp nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu thưởng thức của người nghe. Có thể nói, để Ca Huế được phổ biến và phát triển như hiện nay, người có công trong việc gây dựng phong trào Ca Huế trên sông Hương những ngày đầu là nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nâng cao hiệu quả khai thác nghệ thuật ca Huế trong du lịch - 8

Những năm đầu Huế mới được giải phóng, do nhiều nguyên nhân, nên nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có Ca Huế đã có thời gian bị mai một. Khoảng những năm 1983, Ca Huế bắt đầu xuất hiện trở lại và phát triển. Vào thời gian đó, nhà thơ Võ Quê đã có ý tưởng vận động và thuyết phục các nghệ sỹ xuống thuyền biểu diễn Ca Huế. Buổi đầu ấy mọi việc rất khó khăn vì ở Huế bấy giờ nhiều người không ủng hộ việc biểu diễn Ca Huế trên sông. Nhà thơ kể lại rằng: chiếc thuyền đầu tiên phục vụ Ca Huế trên sông là chiếc thuyền của ông Hà Văn Đới, chiếc thuyền này không phải là thuyền rồng như hiện nay mà đơn giản là chiếc đò (thuyền) dọc vận chuyển khách. Trên thuyền lúc đó chưa có ghế ngồi, không có đèn điện mà chỉ là ánh sáng của các ngọn nến, đèn dầu, đèn măng sông, những nghệ nhân, nghệ sĩ, ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu hoa. Ban đầu chỉ tổ chức nhóm Ca Huế trên những chiếc đò lênh đênh sông Hương cho bạn bè ở mọi miền về thăm Huế thưởng thức với những nghệ sĩ tham gia như Tịnh Vân, Thanh Tâm, Quỳnh Hoa… Sau dần, có nhiều người muốn thưởng thức Ca Huế nên nhà thơ Võ Quê tổ chức hẳn các nhóm hát Ca Huế trên sông Hương.

Vào khoảng những năm 1991, để giới thiệu với du khách quốc tế nền âm nhạc cổ truyền đặc sắc của Huế, khách sạn Hương Giang đã đầu tư và tổ chức hoạt động này từ việc trang trí thuyền, các dịch vụ trên thuyền, hệ thống ánh sáng, số lượng các diễn viên và nhạc công… Lúc bấy giờ hoạt động này được khai thác chủ yếu để phục vụ khách quốc tế và những người thực sự đam mê nhạc cổ truyền.

Sau đó, nhận thấy loại hình nghệ thuật này thu hút ngày càng nhiều du khách, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra tổ chức dịch vụ Ca Huế trên sông

Hương, đến nay dịch vụ này phát triển nhiều đến mức nhiều khi các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát nổi.

Trong số hàng trăm nhóm Ca Huế đêm đêm hát trên sông Hương hiện nay, nổi tiếng nhất là nhóm Ca Huế do nhà thơ Võ Quê và nghệ sĩ Thái Hùng tổ chức.

Nhu cầu thưởng thức Ca Huế trên sông Hương ngày càng tăng bởi sự hấp dẫn của loại hình du lịch văn hóa độc đáo này. Sau một ngày tham quan các đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, tối đến, khi Huế lên đèn cũng là thời điểm những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến Tòa Khâm chầm chậm lướt sóng ngược dòng Hương giang để bắt đầu đêm Ca Huế trên sông. Trên những con thuyền rồng lộng lẫy (xưa chỉ dùng cho các đấng quân vương du ngoạn sông nước), du khách đắm hồn vào những khúc nhạc, câu hò, điệu hát du dương. Trong những bộ trang phục truyền thống, các ca sĩ, nhạc công Ca Huế là những nam thanh nữ tú bước ra cúi đầu chào khán giả. Những âm thanh của đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, tam thập lục... bắt đầu cất lên xóa đi không gian yên tĩnh. Những ngón đàn trau chuốt của nhạc công thể hiện các khúc nhạc tươi tắn, sang trọng như “Lưu thủy”, “Kim tiền”, “Xuân phong”, “Lang hô”, “Phú lục”, “Cổ bản”… làm lay động lòng người. Sau những khúc dạo đầu lúc khoan lúc nhặt miên man, hồn du khách bắt đầu lắng buồn với những điệu hát ai oán: Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc, Quả phụ... Tiếp đó, du khách lại được dẫn dắt đến một trạng thái không buồn không vui với khúc Tứ đại cảnh: "Mấy thu qua rồi lại. Đường khôn dại chơi vơi. Một bước đời, một nỗi buồn vui, tuồng hư thật trêu ngươi… Sắc với tài, danh với lợi tàn phai, tình văn nghệ không phai… ". Rồi bất chợt mừng vui, cười hớn hở qua điệu khúc Hò giã gạo, bật cười vì sự láu lỉnh, cũng như sự thông mình tuyệt vời của người thanh niên nơi thôn dã... Nhịp xênh, nhịp phách như nảy hơn, giòn hơn, hai chiếc chén trên tay người ca công như đang múa, tạo ra những âm thanh quen thuộc mà bay bổng lạ kỳ... Không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng tụ chỉ có lòng du khách đang thả hồn cùng tiếng hát mê ly... và chợt nhận ra rằng đằng sau cái giọng ca ngọt ngào ấy là nội tâm phong phú

của người con gái Huế, âm thầm kín đáo và cũng rất đỗi tinh tế. Xa xa bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng, sóng vỗ in mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng tiếng đàn réo rắt, du dương.

Ca Huế đưa hồn người đến những thái cực khác nhau nhưng các bài ca ấy đều có điểm chung là mang đậm tính bác học, cấu trúc chặt chẽ và phong cách biểu diễn trang trọng. Mặt khác, những tác phẩm này còn mang đậm sắc thái địa phương, sắc thái xứ Huế dịu dàng, gần gũi… Ca sĩ, nhạc công say mê biểu diễn, du khách lặng lẽ thưởng thức và chiêm nghiệm. Giữa người diễn và người xem chứa chan sự đồng cảm, đồng điệu đến kỳ lạ. Khoảng cách bị xóa nhòa, chỉ còn những tiếng lòng tri kỷ, tri âm hòa quyện vào nhau. Thời gian như ngừng lại, dòng sông Hương lấp lánh trăng vàng dường như cũng dùng dằng, ngừng chảy. Cuối chương trình, du khách được cô gái Huế mời thắp những cây nến trong những chiếc hoa đăng và thả xuống sông để ước nguyện những điều thầm kín của mình. Và khi những chiếc đèn hoa đăng trôi lững lờ giữa dòng sông Hương mang theo những điều nguyện cầu được phù hộ độ trì thì những câu hát ngọt ngào, da diết vẫn ngân mãi giữa mênh mông trời nước…

Thật sự Ca Huế trên sông Hương là một loại hình sân khấu độc đáo! Trên một con thuyền nhỏ, đội diễn viên và nhạc công chưa đầy mười người, khán giả cũng chỉ gấp đôi số nhạc công, diễn viên; và một chương trình Ca Huế trên sông Hương cũng chỉ kéo dài trong một giờ ba mươi phút, thế nhưng trong chừng đó thời gian, không gian, du khách có thể tiếp cận với nhiều thể loại Ca Huế. Chúng ta có thể thưởng thức Ca Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường, tại các khách sạn, nhà hàng với chất lượng và nội dung phong phú, nhưng nếu chỉ vậy thì Ca Huế chưa tạo cho mình một nét đặc trưng riêng, mà phải là nghe Ca Huế trên sông Hương thì du khách mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của Ca Huế, của vùng đất Huế, con người Huế.

Ca Huế cũng là một môn nghệ thuật độc đáo bởi vì không phải ai ca cũng đúng giọng điệu, mà muốn nghe Ca Huế chuẩn, hay thì người biểu diễn phải là người Huế. Ca Huế chỉ dành cho người Huế ca, như quan họ Bắc Ninh chỉ dành

cho người Kinh Bắc. Sắc thái của Huế là vậy! Sắc thái của ca nhạc Huế là vậy! Một sắc thái của riêng Huế "không nơi nào có được" trong tính cách hài hòa của Huế.

Huế - nơi hòa hợp tuyệt vời giữa thiên nhiên và nghệ thuật - điều này càng trở nên đúng hơn khi nói về Ca Huế trên sông Hương và người ta thường nói với nhau rằng: “đến Huế mà chưa thưởng thức Ca Huế trên sông Hương coi như là chưa đến Huế”. Con sông Hương từng làm bao tao nhân mặc khách bâng khuâng vì vẻ đẹp nên thơ của nó, nay lại làm bao người xao xuyến vì loại hình sân khấu độc đáo mà nó đang lưu giữ một cách sống động, đang diễn ra hàng đêm trên sông Hương.

2.3.2. Đánh giá thực trạng biểu diễn và chất lượng dịch vụ biểu diễn Ca Huế trên sông Hương

2.3.2.1. Tổ chức, quản lý hoạt động dịch vụ Ca Huế trên sông Hương


Ca Huế trên sông Hương là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Huế, là một dịch vụ văn hóa đặc biệt mang tính đặc thù của nghệ thuật truyền thống. Công tác quản lý liên quan đến nhiều cơ quan. Trước 11/2005, tham gia quản lý hoạt động của dịch vụ Ca Huế trên sông có các đơn vị:

- Ủy ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế: Quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn Ca Huế trên địa bàn, cấp giấy phép cho các đơn vị kinh doanh thuyền du lịch, quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng bến bãi.

- Sở văn hóa Thông tin (hiện nay là Sở Văn hóa thể thao và Du lịch): Là đơn vị chính tham gia quản lý hoạt động của các câu lạc bộ và các đơn vị tham gia biểu diễn nghệ thuật tại Huế. Sở có nhiệm vụ cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật Ca Huế cho các câu lạc bộ Ca Huế, các đơn vị nghệ thuật, cấp thẻ hành nghề cho các diễn viên, nhạc công, giấy chứng nhận cho người điều hành chương trình biểu diễn Ca Huế. Ngoài ra, Sở còn có chức năng tổ chức hoạt động nghiệp vụ hội thi, liên hoan, trại sáng tác, lập kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo… nhằm phát huy năng lực cho nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế; không ngừng

nâng cao chất lượng buổi biểu diễn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế. Bên cạnh đó, Sở cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn việc thực hiện các quy định của nhà nước đã ban hành về hoạt động biểu diễn Ca Huế; tổ chức thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các ngành có liên quan kiểm tra, xử lý những vi phạm của dịch vụ Ca Huế trên sông Hương.

- Sở tài chính: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng khung giá suất diễn Ca Huế trên sông Hương thích hợp với du khách. Hiện nay, ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định tạm thời khung mức thu và sử dụng nguồn thu biểu diễn Ca Huế trên địa bàn Tỉnh và quy định về mức giá vé xem biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

- Ban quản lý bến thuyền: Là đơn vị trực thuộc Công ty TNHH quản lý bến xe bến thuyền Thừa Thiên Huế, chịu trách nhiệm quản lý chính về các loại thuyền du lịch hoạt động trên sông Hương, Ban quản lý bến thuyền du lịch chính thức được thành lập vào năm 1999, có tổng số cán bộ, nhân viên là 18 người quản lý cả ba bến thuyền Toà Khâm, số 5 Lê Lợi và bến thuyền Phú Cát. Ban quản lý bến thuyền có chức năng kiểm tra việc chấp hành thể lệ vận chuyển hành khách, kiểm tra các thủ tục, giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện theo quy định hiện hành của nhà nước khi tham gia vận chuyển khách du lịch tại các bến thuyền như: giấy chứng nhận đăng ký hành chính, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép vận chuyển khách du lịch, bằng thuyền trưởng, kiểm tra các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trước khi xuất bến, số lượng khách có trên thuyền, ký lệnh xuất bến cho phương tiện khi đã đảm bảo các điều kiện nói trên. Như vậy, Ban quản lý bến thuyền có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho dịch vụ Ca Huế hoạt động hiệu quả.

- Công an đường sông: Có chức năng kiểm tra an toàn của thuyền trong khi vận chuyển du khách trên sông Hương. Đơn vị này hoạt động độc lập và kiểm tra số lượng khách được phép chuyên chở, thuyền lưu thông vượt quá thời gian quy định.

- Ngoài các đơn vị trên, tháng 11/2005, thực hiện quyết định số 3760 QĐ/UBND, ngày 07 tháng 11 năm 2005 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thành lập Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn Ca Huế, Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 3/5/2006, Trung tâm này là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở văn hóa thể thao với tổng số cán bộ là 6 người, ban giám đốc 02 người (1GĐ và 1 PGĐ) và 4 cán bộ chuyên trách.

Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn Ca Huế có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động biểu diễn Ca Huế phục vụ du lịch, quản lý diễn viên, nhạc công và các hoạt động biểu diễn Ca Huế theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở văn hóa thể thao; quảng bá các dịch vụ biểu diễn Ca Huế; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn thi hành các quy định về tổ chức biểu diễn Ca Huế; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đến hoạt động biểu diễn Ca Huế, thanh tra, kiểm tra dịch vụ Ca Huế trên sông Hương, xử lý các vi phạm nhằm hạn chế tiêu cực của diễn viên, nhạc công.

Sau khi đi vào hoạt động Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn Ca Huế là đơn vị trực tiếp quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông, đã có những quy định cụ thể đối với các câu lạc bộ, đối với trưởng nhóm, diễn viên và nhạc công, với chủ thuyền, với người dẫn chương trình.

Tóm lại, Ca Huế trên sông Hương là một loại hình nghệ thuật đặc trưng của Huế, loại hình này được sự quản lý của nhiều ban ngành liên quan, mỗi ban ngành có những chức năng nhiệm vụ riêng, đối với những đơn vị quản lý trực tiếp như Ban quản lý bến thuyền du lịch quản lý thuyền, Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn Ca Huế quản lý và thẩm định việc biểu diễn của diễn viên. Mục tiêu chung của các đơn vị là khai thác và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống Ca Huế đưa vào phục vụ khách du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho các tổ chức, cá nhân, địa phương và khuếch trương quảng bá hình ảnh Huế đến khách du lịch.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/08/2022