MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền được sống và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đó là cơ sở Hiến định đồng thời thể hiện thái độ của xã hội, Nhà nước trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm giết người.
Theo BLHS hiện hành, những tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người được quy định tại khoản 1 Điều 93 bao gồm năm trường hợp: giết người vì lý do công vụ của nạn nhân, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thuê giết người, giết người vì động cơ đê hèn.
Trong thời gian qua, tội phạm giết người thuộc các trường hợp trên ngày một gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt và phức tạp. Các quy định về xử lý tội phạm giết người với những tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan chưa có giải thích hướng dẫn rõ ràng gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật. Đây là kẽ hở để một số cán bộ có thẩm quyền xử lý tội phạm lợi dụng tiêu cực, dẫn đến việc nhiều đối tượng phạm tội bị xử lý không tương xứng với tính chất mức độ của hành vi phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Trước tình hình đó, ngày 24/08/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ/TW về chiến lược và hoàn thiện pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Vì vậy, tìm ra giải pháp chiến lược để đấu tranh phòng chống tội phạm giết người với những tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan là việc làm cấp bách.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về tội giết người trong luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người chưa được nghiên cứu chuyên sâu ở bậc luận văn tốt nghiệp thạc sỹ luật
học chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự. Vì vậy, học viên lựa chọn đề tài “Các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người” nhằm đi sâu nghiên cứu tội giết người với những tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Qua đó, đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện quy định của pháp luật và có nghiên cứu thực tiễn xét xử tội này trong những năm gần đây làm đề tài luận văn thạc sỹ luật học.
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Có thể bạn quan tâm!
- Các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người - 1
- Đặc Điểm Của Các Tình Tiết Tăng Nặng Thuộc Mặt Chủ Quan Của Tội Giết Người
- Nội Dung Của Các Tình Tiết Tăng Nặng Thuộc Mặt Chủ Quan Của Tội Giết Người Theo Quy Định Của Blhs Năm 1999
- Nội Dung Của Tình Tiết “Giết Người Để Thực Hiện Hoặc Che Giấu Tội Phạm Khác”
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Trong thời gian qua, đề cập đến các khía cạnh khác nhau của đề tài luận văn đã có một số đề tài khoa học, sách chuyên khảo, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ và các bài báo. Sau đây, học viên nêu một số công trình nghiên cứu tiêu biểu, có liên quan mật thiết hoặc một phần đến đề tài luận văn mà mình lựa chọn.
Nhóm các công trình khoa học
Dưới góc độ pháp lý, một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về tội giết người có liên quan đến các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan như: “Tội giết người và đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Nxb. Tư pháp, 2008; Phùng Thế Vắc - Trần Văn Luyện: “Bình luận khoa học BLHS 1999”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001; Đề tài "Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra án giết người", Ban chủ nhiệm: Trần Phong Thanh - Nguyễn Duy Hồng - Đỗ Xuân Tựu, Hà Nội, 1995.
Bên cạnh đó, các bài báo khoa học được công bố có liên quan đến đề tài như: Một số quan điểm khác nhau về định nghĩa và đối tượng tác động của tội giết người của Đỗ Đức Hồng Hà - 2004 - TC Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao, 2004, Số 13, tr.15-17; Phân biệt tội giết người với một số tội phạm khác xâm phạm tính mạng của con người của Đỗ Đức Hồng Hà - TC Tòa án nhân dân - 2/2003 - Số 2 - Tr.13-15; Vấn đề lỗi của người bị hại liên quan đến việc xác định tội danh đối với người phạm tội khi xét
xử tội giết người/Trần Linh - TC Tòa án nhân dân - 8/2003 - Số 8 - Tr.21- 23; Quy định về tội giết người trong BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 của Đỗ Đức Hồng Hà - TC Tòa án nhân dân - 4/2002 - Số 4 - Tr.21-23; Về giải thích và hướng dẫn áp dụng các quy định của BLHS về tội giết người - tồn tại và giải pháp, Đỗ Đức Hồng Hà. TC Tòa án nhân dân - 1/2005 - Số 1
- Tr.04-14; Các tình tiết tăng nặng trong tội giết người phản ánh đối tượng bị xâm hại là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt của Đỗ Đức Hồng Hà - TC Nhà nước và pháp luật - 10/2006 - Số 222 - Tr.52-57; Phương hướng khắc phục những tồn tại, vướng mắc khi áp dụng một số quy định của pháp luật hình sự về tình tiết tăng nặng của tội giết người của Đỗ Đức Hồng Hà
- TC Kiểm sát - 12/2006 - Số 23 - Tr.32-38
Nhóm các luận án, luận văn
Cấp độ luận văn thạc sỹ có liên quan đến đề tài nghiên cứu như: Định tội danh đối với hành vi cố ý xâm phạm tính mạng con người theo pháp luật hình sự hiện hành Luận văn thạc sĩ luật học Trần Nhật Linh; Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Quang Phúc - thành phố Hồ Chí Minh, 2011; Đấu tranh phòng chống tội phạm giết người theo Điều 93 BLHS tại Thành phố Hồ Chí Minh Luận văn thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn; Người hướng dẫn: PGS.TS Trịnh Văn Thanh - TP.Hồ Chí Minh, 2008; Tội giết người theo điều 93 BLHS và thực tiễn xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh: Luận văn thạc sĩ luật học/Trần Thị Hồng Việt; Người hướng dẫn: TS. Trần Văn Độ - thành phố Hồ Chí Minh, 2007; Tội giết người và đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Đại học Luật Hà Nội, 2008…
Nhìn chung, các công trình, bài viết trên chủ yếu đề cập đến việc đánh giá thực trạng và hoàn thiện pháp luật về tội giết người và thực tiễn áp dụng trên địa bàn cả nước mà chưa có điều kiện nghiên cứu sâu tội phạm giết người với những tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
3.1. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là làm sáng tỏ những quan điểm về tội phạm và hình phạt trên phương diện lý luận, thực tiễn đấu tranh và phòng, chống tội phạm giết người với những tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan thông qua thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân trong những năm gần đây. Học viên sẽ đi sâu phân tích những hạn chế, bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật. Trên cơ sở đó, luận văn đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quy định về các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
Từ mục đích nêu trên, luận văn đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:
- Xây dựng và nghiên cứu cơ sở lý luận về các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người.
- Phân tích, so sánh các quy định pháp luật, đánh giá mức độ hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành.
- Nêu quá trình hình thành và phát triển của khoa học pháp luật hình sự Việt Nam về những trường hợp giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan.
- Phân tích, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong thực tiễn.
- Đề xuất phương hướng hoàn thiện và các giải pháp áp dụng trong thực tế các quy định pháp luật và áp dụng thống nhất pháp luật của chế định này.
4. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu của đề tài
4.1. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
Tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan được nghiên cứu bởi nhiều ngành khoa học khác nhau như khoa học điều tra hình sự, tố tụng hình sự, xã hội học, tâm lý tội phạm, tội phạm học… Trong phạm vi luận
văn này, học viên đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan được quy định tại các điểm d, g, h, m, q khoản 1, Điều 93 BLHS bao gồm: giết người vì lý do công vụ của nạn nhân, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thuê giết người, giết người vì động cơ đê hèn.
Luận văn sẽ đi sâu nghiên cứu vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này tại hệ thống TAND từ năm 2010 đến 2014.
4.2. Đối tượng nghiên cứu của đề tài
Luận văn tập trung nghiên cứu các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người và thực tiễn áp dụng các tình tiết này được quy định tại các điểm d, g, h, m, q khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 bao gồm: giết người vì lý do công vụ của nạn nhân, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thuê giết người, giết người vì động cơ đê hèn theo pháp luật hiện hành và lịch sử pháp luật Việt Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Để có được kết quả trình bày trong luận văn, học viên đã sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng: Tiến hành nghiên cứu trên cơ sở quá trình hình thành và phát triển, các mối liên hệ, quan hệ của quy định về tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan ở Việt Nam.
- Phương pháp vận dụng các quan điểm của Đảng và Nhà nước nói chung và pháp luật hình sự nói riêng trong quá trình xây dựng, áp dụng pháp luật.
- Phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh, tổng hợp: Đây là những phương pháp quan trọng và được học viên sử dụng chủ yếu trong quá trình thực hiện luận văn của mình.
- Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Luận văn sử dụng phương pháp thống kê, sưu tầm và phân tích các vụ án đã được Tòa án nhân dân xét xử về
tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan để làm rõ thực tiễn áp dụng quy định này.
6. Điểm mới và đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình mới nghiên cứu về các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống. Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan. Cụ thể:
- Đưa ra được khái niệm, đặc điểm về các trường hợp giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan theo quy định pháp luật Việt Nam và những gợi mở cho việc hoàn thiện pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới.
- Phân tích những dấu hiệu pháp lý đặc trưng cơ bản về một hành vi giết người với các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan. Luận văn đưa các luận giải khoa học về mặt nhận thức luận và đánh giá quy định của pháp luật hiện hành về những trường hợp này.
- Luận văn sẽ nghiên cứu thêm những thành tựu và hạn chế trong phòng, chống và đấu tranh với tội giết người có tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan theo quy định pháp luật Việt Nam. Từ đó, giúp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vận dụng kết quả nghiên cứu vào việc ngăn chặn và đẩy lùi hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian tới.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Một số vấn đề chung về các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người trong Luật Hình sự Việt Nam
Chương 2: Thực tiễn áp dụng các quy định về tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người
Chương 3: Hoàn thiện quy định và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG THUỘC MẶT CHỦ QUAN CỦA TỘI GIẾT NGƯỜI
TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
1.1. Khái niệm và đặc điểm của các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người
1.1.1. Khái niệm các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người
Các tình tiết tăng nặng nói chung và tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người bao gồm: giết người vì lý do công vụ của nạn nhân, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, thuê giết người, giết người vì động cơ đê hèn nói riêng là các tình tiết mà khi xuất hiện sẽ làm cho hành vi phạm tội đó trở lên nguy hiểm hơn trường hợp thông thường và người thực hiện hành vi đó phải chịu TNHS nặng hơn trường hợp thông thường.
Theo tác giả Đỗ Đức Hồng Hà, các tình tiết tăng nặng của tội giết người quy định tại khoản 1, Điều 93 BLHS được chia thành 4 nhóm chủ yếu:
Nhóm 1, các tình tiết phản ánh sự cần được tôn trọng và bảo vệ đặc biệt đối với đối tượng bị xâm hại bao gồm: giết phụ nữ mà biết là có thai và giết trẻ em, giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
Nhóm 2, các tình tiết phản ánh tính chất của hành vi và mức độ hậu quả bao gồm: giết nhiều người; giết người đang thi hành công vụ; giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; thuê giết người; giết người có tổ chức.
Nhóm 3, các tình tiết phản ánh tính chất của động cơ và mức độ lỗi của người phạm tội bao gồm: giết người vì lý do công vụ của nạn nhân; giết người
để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; giết người thuê; giết người vì động cơ đê hèn.
Nhóm 4, các tình tiết phản ánh đặc điểm về nhân thân người phạm tội bao gồm: thực hiện tội phạm một cách man rợ; giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; giết người có tính chất côn đồ; giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm [21, tr.33].
Như vậy, nhóm tình tiết tăng nặng của tội giết người thuộc mặt chủ quan gồm các tình tiết thuộc nhóm thứ 3 (theo cách phân loại của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà) gồm có: giết người vì lý do công vụ của nạn nhân; giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; thuê giết người; giết người vì động cơ đê hèn. Các tình tiết này phản ánh động cơ, mục đích và lỗi của người phạm tội khác với trường hợp thông thường và chính điều đó làm cho hành vi phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn so với trường hợp thông thường.
Để tìm hiểu về khái niệm các tình tiết tăng nặng thuộc mặt chủ quan của tội giết người trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu về mặt chủ quan của tội phạm. Theo lý luận về luật hình sự, hành vi của con người bao giờ cũng là sự thống nhất giữa những biểu hiện cụ thể bên ngoài thế giới khách quan và những nội dung tâm lý bên trong (ý chí) của chủ thể thực hiện hành vi đó. Tội phạm là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Vì vậy, Luật hình sự Việt nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu TNHS chỉ căn cứ vào những biểu hiện của hành vi nguy hiểm cho xã hội không kể hành vi đó bắt nguồn từ đâu, diễn biến tâm lý của người thực hiện hành vi ra sao. Hoạt động định tội phải là sự kết hợp giữa mặt khách quan và chủ quan, giữa hành vi biểu hiện và thái độ bên trong của người thực hiện