Án treo và thực tiễn áp dụng tại địa bàn tỉnh Hải Dương - 9

nhiều tranh luận về việc xác định tình tiết này cũng như mức độ của việc sửa chữa, bồi thường đến đâu thì mới được áp dụng. Trên thực tế có nhiều vụ trước khi xét xử gia đình bị cáo có bồi thường cho người bị hại không đáng kể so với thiệt hại xảy ra nhưng gia đình người bị hại không nhận nhưng bản án sơ thẩm vẫn áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 để cho bị cáo hưởng án treo. Ví dụ vụ án Nguyễn Minh T dùng dao phay và gạch ba banh vỡ đánh vào đầu, vùng mạn sườn, tay trái anh Du gây thương tích cho anh Du với tỷ lệ thương tật 30% tạm thời. Sau khi gây thương tích, T đã bồi thường cho anh Du 01 triệu đồng nhưng anh Du không nhận. T đã đem số tiền đó nộp tại cơ quan công an. Tòa án đã phạt T 30 tháng tù và áp dụng các tình tiết giảm nhẹ là điểm b, p khoản 1 Điều 46 làm căn cứ cho T hưởng án treo là chưa nghiêm, không tương xứng tính chất hành vi bị cáo thực hiện.

Qua thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đa số các ý kiến cho rằng việc sửa chữa, bồi thường đó phải khắc phục được hoàn toàn hoặc hầu hết hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra.

Về tình tiết "phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra" câu hỏi được đặt ra trên thực tế đòi hỏi người áp dụng phải trả lời là hoàn cảnh như thế nào được coi là đặc biệt khó khăn? Có bản án coi hoàn cảnh gia đình bị cáo nghèo, đông còn là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn bị cáo vào con đường trộm cắp, trong khi những gia đình khác sống quanh gia đình bị cáo cũng có hoàn cảnh tương tự. Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này là không có tính thuyết phục, không đúng.

Về tình tiết "phạm tội mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn", luật không quy định giới hạn nào để Tòa án xác định là phạm tội gây thiệt hại không lớn. Do vậy, có trường hợp áp dụng tình tiết này chưa đúng và không thống nhất giữa các Tòa. Hiện nay có Tòa án áp dụng tình tiết này cho bị cáo khi giá trị tài sản chiếm đoạt hoặc tỷ lệ thương tật của người bị hại (trong vụ án gây thương tích) dưới định lượng quy định của khoản 1 điều luật

tương ứng (bị truy tố do nhân thân có tiền án, tiền sự, gây hậu quả nghiêm trọng khác hoặc do có tình tiết khác mà không phải là định lượng cấu thành cơ bản của tội phạm về giá trị chiếm đoạt, tỷ lệ thương tật) hoặc giá trị tài sản chiếm đoạt, thiệt hại khác có định lượng ở khoản 1 nhưng bị truy tố, xét xử ở khoản 2,3 của điều luật tương ứng (theo tình tiết định khung khác, không phải về giá trị tài sản hay tỷ lệ thương tật).

Về tình tiết "phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng" đòi hỏi phải có hai điều kiện là phạm tội lần đầu và phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trên thực tế phạm tội lần đầu thường được hiểu là chưa có tiền án còn phạm tội thuộc trường ít nghiêm trọng thường được hiểu là phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên có vụ án áp dụng không chính xác tình tiết này như vụ Nguyễn Đức L bị xử về tội "môi giới mại dâm". Khoảng 21 giờ 00 phút ngày 14.8.2012, tại quán cà phê Quỳnh Anh, ở thôn Q, xã T, huyện G, tỉnh Hải

Dương, Nguyễn Đức L đã có hành vi dẫn dắt cho chị Ma Thị L bán dâm cho Phạm Văn A với giá 250.000đ/lượt cả tiền phòng và L đã nhận của Phạm Văn A tiền mua dâm là 250.000đồng. Đến 21 giờ 55 phút cùng ngày 14.8.2012, khi Ma Thị L đang bán dâm cho khách thì bị cơ quan CSĐT Công an huyện G phát hiện, thu giữ vật chứng. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Đức L đã đủ yếu tố cấu thành tội: "Môi giới mại dâm". Hội đồng xét xử áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 cho bị cáo hưởng án treo là không thỏa đáng [27].

Về tình tiết "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" được áp dụng phổ biến trong các bản án cho người phạm tội hưởng án treo. Việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải của người phạm tội rất có ý nghĩa khi xem xét cho người phạm tội hưởng án treo vì nó thể hiện khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội ngay trong môi trường xã hội mà không cần thiết phải cách ly người phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi Tòa án cũng lạm dụng việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, đó là nhiều trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố và xét hỏi tại phiên tòa người phạm tội luôn quanh co

chối tội, khi hội đồng xét xử đưa ra đầy đủ những chứng cứ chứng minh tội phạm, bị cáo biết không thể chối cãi nên mới nhận tội và cố tỏ ra thành khẩn và ăn năn. Hội đồng xét xử lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho bị cáo. Theo chúng tôi, trong trường hợp này việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" là không xác đáng vì hành động của bị cáo mang tính đối phó, không thể hiện khả năng tự cải tạo của bị cáo.

Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn trước đây không quy định nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ đồng thời có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể được Tòa án xem xét cho hưởng án treo hay không. Tại thời điểm xét xử thì theo Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên. Nhưng trên thực tế có Tòa không áp dụng đúng quy định này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

Đó là vụ Nguyễn Văn B, sinh năm 1968; Phạm Đăng T, sinh năm 1974, Vũ Văn C, sinh năm 1983 cùng đồng bọn, đều chưa có tiền án, tiền sự. Trong thời gian từ tháng 4.2011 đến tháng 12.2011, Bạo cùng T, C và đồng bọn thực hiện hành vi thay bộ số có hằng số 1.750 vòng/kwh và 450 vòng/kwh vào các công tơ điện do điện lực các huyện TM, BG, GL quản lý, làm sai tỷ số truyền, dẫn đến chỉ số tiêu thụ điện năng hiển thị bộ số công tơ giảm đi nhằm chiếm đoạt điện năng. Tổng sản lượng B chiếm đoạt là 15.171 trị giá 22.433.420 đồng.

Phạm Đăng T chiếm đoạt 4.925kwh trị giá 6.170.533 đồng và giúp sức cho B, S chiếm đoạt 1.731 kwh trị giá 2.169.000 đồng; giúp sức cho B, Th chiếm đoạt 149kwh trị giá 208.883 đồng. Tổng trị giá tài sản bị cáo chiếm đoạt là 8.548.604 đồng.

Án treo và thực tiễn áp dụng tại địa bàn tỉnh Hải Dương - 9

Vũ Văn C chiếm đoạt 1.565kwh trị giá 1.960.311 đồng và giúp sức cho T, B chiếm đoạt 4.925 kwh trị giá 6.170.533 đồng. Tổng trị giá tài sản bị cáo chiếm đoạt là 8.130.844 đồng.

Bản án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b,p khoản 1 Điều 46, điểm g, i khoản 1 Điều 48; Điều 20, Điều 53, khoản 1,2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Đăng T 15 tháng tù. Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, h, p khoản 1 Điều 46, điểm i khoản 1 Điều 48; Điều 20, Điều 53, khoản 1,2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Vũ Văn C 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Đối với Phạm Đăng T có 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 và 02 tình tiết tăng nặng tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự cho hưởng án treo là không thỏa đáng và không đúng với tinh thần Nghị quyết số 01: Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.

Ngoài những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự và Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP nêu trên thì Tòa án cũng vẫn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng án treo cho thấy Tòa án sử dụng các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ như bị cáo là lao động chính trong gia đình, có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con nhỏ, bị cáo tuổi còn trẻ, nhất thời phạm tội, phạm tội do hiểu biết pháp luật hạn chế...

Việc coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ để xem xét cho hưởng án treo yêu cầu người áp dụng phải hết sức cẩn thận khi xem xét, đánh giá, cân nhắc ý nghĩa của các tình tiết, tránh việc tùy tiện coi những tình tiết không có ý nghĩa là tình tiết giảm nhẹ. Đối với tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo có thời gian phục vụ trong quân đội cũng được Tòa án áp dụng. Nhưng theo chúng tôi chỉ áp dụng tình tiết này khi bị cáo có thời gian dài phục vụ trong quân đội. Còn các trường hợp đi nghĩa vụ quân sự thì không được áp dụng vì đây là trách nhiệm đương nhiên của mỗi công dân đối với đất nước. Trên thực tế, có nhiều bản án đã áp dụng trường hợp bị cáo tham gia nghĩa vụ quân sự để làm căn cứ cho hưởng án treo là tùy tiện và không có cơ sở.

Khi xem xét các điều kiện cho người bị phạt tù hưởng án treo, ngoài việc Tòa án phải xem xét điều kiện về mức hình phạt, điều kiện về nhân thân

người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, còn phải cân nhắc đến những tác động của án treo: "nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo...". Thực chất đây chính là việc đánh giá một cách tổng hợp các căn cứ mức hình phạt tù, nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ để có thể kết luận người bị kết án có khả năng tự giác giáo dục, cải tạo trong môi trường xã hội với sự giúp đỡ của gia đình và cơ quan giám sát, giáo dục, đồng thời Tòa án cũng phải đối chiếu với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ở địa phương trong thời điểm đó. Có trường hợp người bị kết án đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về mức hình phạt tù, về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ nhưng do yêu cầu của phòng ngừa chung nên Tòa án có thể vẫn không cho hưởng án treo.

Trong thời điểm hiện nay, chúng ta đang thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội và đẩy mạnh công tác phòng chống các tội phạm tham nhũng, ma túy và mại dâm. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo kiên quyết không cho bị cáo phạm tội mại dâm hưởng án treo. Tuy nhiên trên thực tế trong những năm qua cho thấy mỗi năm các Tòa án tại tỉnh Hải Dương vẫn cho 01 đến 02 bị cáo phạm tội về mại dâm hưởng án treo. Các tội phạm về ma túy thì hầu như không có trường hợp nào Tòa án cho hưởng án treo.

Hiện nay, yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngoài việc phải kiên quyết đấu tranh chống các tội phạm về ma túy, mại dâm thì Tòa án cũng cần phải chú ý đấu tranh chống các loại tội phạm gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Đó là các tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", tội "Trộm cắp tài sản", tội "Đánh bạc". Trên thực tế, tỷ lệ người bị kết án về các tội này được hưởng án treo vẫn cao.

Năm 2012, số người phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" được hưởng án treo chiếm 58% số người

đưa ra xét xử về tội này. Số người bị xét xử về tội "Trộm cắp tài sản" là 480 thì có 199 người (41%) Tòa án cho hưởng án treo. Trong số 604 bị cáo bị xét xử về tội "Đánh bạc" thì có 269 bị cáo (45%) được hưởng án treo.

Những con số này cho thấy tỷ lệ người phạm tội được Tòa án cho hưởng án treo đối với những tội này là quá lớn, điều này chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng và chống những loại tội phạm đang gia tăng trên địa bàn tỉnh, gây nên dư luận xấu trong quần chúng nhân dân địa phương, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Ví dụ như vụ Trịnh Thanh T sinh ngày 25.11.1993 nên không có giấy phép lái xe môtô nhưng đã điều khiển xe dream chở trên xe 03 người là Phạm Thị H, sinh năm 1995; Phạm Thị N, sinh năm 1995 và Nguyễn Đức T, sinh năm 1993 đi trên đường 390 theo hướng từ xã A huyện B đến xã C huyện D. Do không chú ý quan sát và làm chủ tốc độ nên đã đâm va vào ông Nguyễn Văn H đang đi bộ ra súc cát trên đường làm ông H ngã xuống bị thương nặng và đã chết sau 2 giờ cùng ngày xảy ra tai nạn. Tòa án áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202, điểm b, p khoảng 1 Điều 46; Điều 69, 74; khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Trịnh Thanh T 27 tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách 54 tháng là chưa nghiêm [26].

Vụ tai nạn giao thông do bị cáo gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, lỗi xảy ra tai nạn hoàn toàn thuộc về bị cáo nhưng Tòa sơ thẩm xử cho bị cáo hưởng án treo là không đúng quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự và không có tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung theo yêu cầu đấu tranh làm hạn chế sự gia tăng của tình hình tai nạn giao thông hiện nay.

Ngoài việc tuyên một hình phạt tù cho hưởng án treo thì Tòa án cũng có thể áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội được hưởng án treo trong một số trường hợp là cần thiết và có ý nghĩa tăng cường mục đích phòng ngừa người phạm tội tái phạm.

Việc áp dụng hình phạt bổ sung với người được hưởng án treo của các Tòa án tại tỉnh Hải Dương đối với các tội phạm mang tính vụ lợi, chiếm đoạt nhìn chung được thực hiện tốt, đúng quy định của pháp luật. Đối với tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" thì khoản 5 Điều 202 Bộ luật hình sự quy định "Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Quy định về áp dụng hình phạt bổ sung này là cần thiết và có ý nghĩa tích cực trong việc ngăn ngừa người phạm tội tái phạm, nhất là đối với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, người phạm tội không có giấy phép lái xe, xe không đủ điều kiện lưu thông... Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này, trong quá trình xét xử và cho hưởng án treo Tòa án cần chú ý hơn nữa, tăng cường áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề lái xe trong một thời hạn nhất định đối với người phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng. Điều 36 Bộ luật hình sự quy định thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là từ 01 năm đến 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Khi áp dụng Tòa án nên ấn định thời gian cấm bằng thời gian thử thách của án treo.

Về việc người bị kết án không chấp hành các quy định về việc quản lý, giáo dục theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật hình sự cũng như theo các văn bản hướng dẫn. Theo như các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì trong thời gian thử thách Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức chính quyền địa phương trong việc giám sát giáo dục người đó. Việc quy định trình tự, thủ tục quản lý giám sát người được hưởng án treo theo một quy trình hết sức chặt chẽ và nghiêm túc.

Nghiên cứu tình hình chung trên phạm vi ở tỉnh Hải Dương và tình hình thực hiện ở các địa phương khác thì thật không đúng theo như quy định của pháp luật ở rất nhiều những vấn đề như:

- Có rất nhiều chính quyền xã, phường đã buông lỏng và gần như không quan tâm đến công tác quản lý người được hưởng án treo.

- Do không nắm được quy trình quản lý giám sát, giáo dục người được hưởng án treo nên nhiều xã trên địa bàn của tác giả nói chung cũng như rất nhiều đơn vị hành chính khác hoàn toàn không có sổ sách theo dòi, cập nhật và giám sát, không có sự phân công người trực tiếp theo dòi giám sát, không hiểu quyền của người trực tiếp giám sát được làm những gì theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ của người được hưởng án treo phải làm gì trong thời gian thử thách... Từ những vấn đề đó hồ sơ quản lý giám sát người được hưởng án treo gần như bị buông lỏng, không có sự quản lý, không có sự thiết lập và đưa vào lưu trữ theo quy định của pháp luật.

- Đối với người bị kết án, khi Tòa án đã ra Quyết định thi hành án và giao cho chính quyền địa phương nhưng thực tế họ hoàn toàn không chấp hành các quyết định về thi hành án, không chấp hành các biện pháp quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương như: định kỳ báo cáo kết quả rèn luyện tu dưỡng trước người trực tiếp được phân công theo dòi giáo dục, không kiểm điểm trước cộng đồng dân cư khi đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách; không báo cáo xin phép khi vắng mặt ở địa phương…, trong khi đó chính quyền địa phương lại hoàn toàn không có biện pháp tác động hay giáo dục, xử lý như thế nào. Chính sự quy định không chặt chẽ trong luật về vấn đề vi phạm của người bị kết án trong giai đoạn chịu sự quản lý, giáo dục là vi phạm một trong những vi phạm về điều kiện của chế định án treo mà từ đó dẫn đến hiệu quả của chế định này rất ít tác dụng trên thực tế và thực chất không đúng với mục đích và ý nghĩa hết sức to lớn mà Đảng, Nhà nước mong đợi khi đặt ra chế định này.

Những vấn đề tồn tại nêu trên tất yếu sẽ dẫn đến những hệ quả hết sức tai hại của nó như:

- Hiệu quả của việc các cơ quan tố tụng sau một thời gian dài điều tra, truy tố, xét xử để ra được một bản án hình sự nhưng hầu như ý nghĩa của bản án không còn giá trị, không có tác dụng răn đe người phạm tội và mang tính phòng ngừa.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/06/2022