TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG KHOA QUẢN TRỊ KINH DOANH
CHUYÊN NGÀNH KINH DOANH QUỐC TẾ
================
khoá luận tốt nghiệp
Đề tài:
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MÔ HÌNH TẬP ĐOÀN Ở VIỆT NAM THỰC TRẠNG VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Sinh viên thực hiện : Nguyễn thị thanh thúy
Lớp : Anh 1 - qtkd a
Khoá : k44
Giáo viên hướng dẫn : ths. NGô quý nhâm
Hà Nội, tháng 5 năm 2009
Lời mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài.
Ngày nay, khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, việc luân chuyển nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực và mở rộng quan hệ thương mại song phương, đa phương giữa các quốc gia trên thế giới cũng trở nên phổ biến hơn. Theo đó các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam, tạo ra môi trường cạnh tranh gay gắt buộc các doanh nghiệp nước ta phải đổi mới mở rộng quy mô, tích tụ, tập trung, hình thành các doanh nghiệp có tiềm lực cao, quy mô lớn. Thêm nữa sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường nước ta trong những năm gần đây cộng với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng làm thay đổi lớn trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực, đồng thời đặt ra yêu cầu mới đối với mỗi thực thể kinh tế. Sự phát triển khoa học công nghệ mà điển hình là cuộc cách mạng công nghệ thông tin cũng là một yếu tố khác nữa tạo tiền đề phát triển cho những doanh nghiệp này. Nhận thức được nhu cầu tất yếu khách quan trên, Việt Nam đã chủ trương xây dựng và hình thành các tập đoàn kinh tế. Điều này là phù hợp với xu thế phát triển chung của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các tập đoàn được thành lập ở Việt Nam chỉ có một số ít doanh nghiệp mang hơi hướng các tập đoàn tư nhân còn chủ yếu là các tập đoàn quốc doanh, được sự bảo hộ của Nhà nước, gây ra rất nhiều bất cập và tranh cãi trong dư luận. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tập đoàn kinh tế trong điều kiện hiện nay sẽ cho thấy một cái nhìn tổng thể về tập đoàn kinh tế, đồng thời giúp chọn lựa được những hướng đi đúng đắn hơn trong tương lai. Đây cũng chính là lý do em chọn vấn đề “Sự phát triển của mô hình tập đoàn ở Việt Nam, thực trạng và hướng phát triển” làm đề tài cho khóa luận của mình.
2. Mục đích nghiên cứu của khóa luận
Mục đích của khóa luận là làm rõ một số nội dung, lý luận và thực tiễn về mô hình tập đoàn kinh tế nói chung, đồng thời đi sâu vào nghiên cứu thực trạng, xu
hướng phát triển và ưu, nhược điểm của hai mô hình tập đoàn Nhà nước và tư nhân tại Việt Nam từ đó đưa ra định hướng và giải pháp phát triển cho mô hình tập đoàn của nước ta trong giai đoạn sắp tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Khóa luận là những nội dung chủ yếu liên quan đến sự hình thành và phát triển mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam bao gồm con đường hình thành, mô hình, đặc điểm, cơ cấu tổ chức, xu thế phát triển…
Phạm vi nghiên cứu của Khóa luận được giới hạn trong 8 tập đoàn Nhà nước thí điểm hiện nay và một số tập đoàn tư nhân đang hình thành theo phương thức tập đoàn kinh tế như FPT hay Hòa Phát.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, Khóa luận đã sử dụng những phương pháp sau:
Phương pháp phân tích, tổng hợp lý thuyết: Hệ thống hóa những vấn đề chung về tập đoàn kinh tế, những căn cứ lý thuyết, những báo cáo nghiên cứu tổng quát và thực tiễn hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế.
Phương pháp phân tích số liệu định lượng: Trên cơ sở khảo sát, điều tra và thu thập số liệu, khóa luận sử dụng phương pháp phân tích định lượng theo nhóm vấn đề nghiên cứu nhằm phục vụ nội dung nghiên cứu và các kết luận lý thuyết.
Phương pháp thống kê, so sánh: Sử dụng các số liệu thống kê để phân tích so sánh, rút ra kết luận làm cơ sở đề xuất quan điểm, giải pháp thúc đẩy sự hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế
5. Kết cấu của khóa luận tốt nghiệp
Ngoài phần lời mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung Khóa luận được kết cấu thành 3 chương như sau:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và sự phát triển của mô hình tập đoàn kinh tế.
- Chương 2: Thực trạng hoạt động của một số tập đoàn kinh tế ở Việt Nam
- Chương 3: Giải pháp và hướng phát triển cho mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam
Trong quá trình nghiên cứu, do hạn chế về mặt tài liệu, thời gian cũng như kiến thức của người viết, khóa luận khó tránh khỏi những sai sót và khiếm khuyết. Em rất mong nhận được sự chỉ bảo, góp ý của thầy cô cùng với sự góp ý của các bạn độc giả.
Em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn quý báu, tận tình từ thầy giáo - Th.S Ngô Quý Nhâm đã giúp em hoàn thành bài Khóa luận tốt nghiệp này. Đồng thời em cũng xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè đã giúp đỡ động viên em trong suốt quá trình nghiên cứu.
Chương I: Cơ sở lý luận và sự phát triển của mô hình tập đoàn kinh tế.
1. Tổng quan về tập đoàn kinh tế
1.1. Khái niệm tập đoàn kinh tế
Tập đoàn kinh tế là một mô hình phổ biến ở các nước phát triển nhưng tại Việt Nam đây mới chỉ là một mô hình mới hình thành và phát triển. Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về mô hình này và do đó cũng nảy sinh khá nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tập đoàn kinh tế. Theo một công trình nghiên cứu của công ty Ernst & Young, không có khái niệm duy nhất cho tập đoàn kinh tế, mỗi quốc gia có một định nghĩa khác nhau dẫn đến có nhiều cách gọi khác nhau cho tập đoàn kinh tế. Chẳng hạn các nước Mỹ Latinh được gọi là Groups, ở ấn Độ là Business house, ở Hàn Quốc là Chaebol, Nhật Bản là Keiretsu, phương Tây là Conglomerate, Chaebol là thuật ngữ tiếng Hàn Quốc chỉ một liên minh gồm nhiều công ty hình thành quanh một công ty mẹ. Các công ty thường có cổ phiếu ở các công ty khác và thường do một gia đình điều hành. Keiretsu là thuật ngữ tiếng Nhật Bản mô tả một tổ hợp liên kết không chặt chẽ gồm các công ty được tổ chức quanh một ngân hàng để phục vụ lợi ích cả hai bên. Enterprise group là thuật ngữ được sử dụng trong các quy định pháp lý nhằm chỉ một tập hợp doanh nghiệp, được hình thành hợp pháp từ doanh nghiệp độc lập bao gồm các công ty mẹ và các công ty con trong đó công ty mẹ chiếm cổ phần đa số ở các công ty con. Conglomerate thường được dùng ở phương Tây để chỉ một tập hợp doanh nghiệp bề ngoài không liên quan đến nhau, mối liên kết bên trong tùy thuộc vào các quan hệ cụ thể. Cơ cấu này giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhưng thiếu sự tập trung. Business group là từ khái quát để chỉ tập hợp các công ty liên kết với nhau dưới các hình thức chính quy cũng như không chính quy, không nhất thiết phải hợp thành một thực thể duy nhất.
Theo cuốn Từ điển Business English của Longman, tập đoàn kinh tế là một tổ hợp các công ty độc lập về mặt pháp lý nhưng tạo thành một tập đoàn gồm công ty mẹ và một hay nhiều công ty hay chi nhánh góp vốn cổ phần chịu sự kiểm soát của công ty mẹ.
Theo tác giả cuốn Từ điển Anh – Pháp – Việt (1998), khái niệm “Group” (tức tập đoàn) được hiểu là “Một tập đoàn kinh tế và tài chính gồm một công ty mẹ và các công ty khác mà nó kiểm soát hay trong đó nó có tham gia. Mỗi công ty bản thân nó cũng có thể kiểm soát các công ty khác hay tham gia các tổ hợp khác”.
Theo cuốn tìm hiểu danh từ kinh tế thị trường (1998), tập đoàn kinh tế (economic group) được hiểu là: “Một nhóm nhiều công ty có mối tương quan ở hữu khế ước với nhau về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tài chính, hoạt động trong một hay nhiều ngành khác nhau, ở một nước hay nhiều nước”.
Theo cuốn từ điển kinh tế của Nhật Bản, tập đoàn (keiretsu) là một tổ hợp các doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý nắm giữ cổ phần của nhau và thiết lập được mối quan hệ mật thiết về nguồn vốn, nguồn nhân lực, công nghệ, cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm
Theo một số nước như Hà Lan, Anh, Đan Mạch, tập đoàn kinh tế là sự liên kết giữa nhiều chủ thể kinh tế có chung lợi ích, có mối quan hệ sở hữu và khế ước với nhau, cùng tiến hành hoạt động SXKD trong một hoặc nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế.
Ở Hàn Quốc, tập đoàn (chaebol) được sử dụng để chỉ một liên kết gồm nhiều công ty hình thành quanh một công ty mẹ. Thông thường, các công ty nằm nắm giữ cổ phần/vốn góp của nhau và do một gia đình điều hành.
Ở Malaysia và Thái Lan, tập đoàn kinh tế được xác định là tổ hợp kinh doanh với các mối quan hệ đầu tư, liên doanh, liên kết và hợp đồng. Nòng cốt của các tập đoàn là cơ cấu công ty mẹ - công ty con tạo thành một hệ thống các liên kết chặt chẽ trong tổ chức và hoạt động. Các thành viên trong tập đoàn đều có tư cách pháp nhân độc lập và thường hoạt động trên cùng một mặt bằng pháp lý.
Theo Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM thì “Khái niệm tập đoàn kinh tế được hiểu là một tổ hợp lớn các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hoạt động trong một hay nhiều ngành khác nhau, có quan hệ về vốn, tài chính, công nghệ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu và các liên kết khác xuất phát từ lợi ích của các bên tham gia. Trong mô hình này, “công ty mẹ” nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của “công ty con” về tài chính và chiến lược phát triển”
Như vậy có thể thấy cho đến nay trên thế giới chưa có một khái niệm thống nhất về tập đoàn kinh tế . Mỗi quốc gia thường đưa ra quan niệm về tập đoàn kinh tế cho phù hợp với điều kiện cụ thể cũng như đường lối chính sách phát triển kinh tế của quốc gia mình. Ngay cả trong mỗi quốc gia thì người ta cũng thường không pháp lý hóa khái niệm về tập đoàn kinh tế và khái niệm này cũng có thể được thay đổi theo chính sách phát triển trong mỗi thời kỳ.
Ở nước ta, cho đến nay tập đoàn kinh tế cũng chưa được pháp lý hóa, nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu để khái quát cho rằng: “Tập đoàn kinh tế là tổ hợp các công ty hoạt động trong một hay những ngành khác nhau trong phạm vi một hay nhiều nước, trong đó có một công ty mẹ nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động các công ty con về mặt tài chính và chiến lược phát triển. Tập đoàn kinh tế là một cơ cấu tổ chức vừa có chức năng kinh doanh, vừa có chức năng liên kết kinh tế nhằm tăng cường khả năng tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi nhuận”. Luật Doanh nghiệp 2005 ở nước ta coi tập đoàn kinh tế là một trong những hình thức của nhóm công ty – tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
Từ những quan niệm trên đây, có thể hiểu một cách khái quát khái niệm về tập đoàn kinh tế như sau: “Tập đoàn kinh tế là một tập hợp các chủ thể kinh tế, có mối quan hệ sở hữu hoặc liên kết và gắn bó về lợi ích với nhau, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau”.
1.2. Đặc điểm chung của tập đoàn kinh tế
Mặc dù ở mỗi quốc gia khác nhau thì khái niệm, mô hình của tập đoàn kinh tế cũng khác nhau tuy nhiên các tập đoàn đều có những đặc điểm chung nhất định
1.2.1 Quy mô vốn, doanh thu thường lớn
Quy mô của tập đoàn kinh tế có nhiều khác biệt tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, thời điểm khác nhau, quốc gia khác nhau. Tuy chưa thống nhất tiêu chí phân định quy mô vốn, doanh thu, lao động nhưng nói đến tập đoàn kinh tế là ám chỉ một tổ hợp kinh doanh có quy mô vốn lớn, thậm chí lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc dân của một quốc gia.
Một điểm đáng lưu ý khi xác định quy mô vốn của một doanh nghiệp lớn, của một tập đoàn kinh tế là cơ cấu hợp thành giá trị. Ngoài vốn cố định, vốn lưu động, vốn nhân lực…còn một bộ phận quan trọng là giá trị thương hiệu. Ở một số tập đoàn, giá trị thương hiệu chiếm trên 50% tổng giá trị thị trường nhưng lại không nằm trong sổ sách của tập đoàn.
Bảng 1.1: Giá trị thương hiệu và giá trị thị trường của một số tập đoàn
Giá trị thương hiệu (Tỷ USD) | Giá trị thị trường1 (Tỷ USD) | |
Microsoft | 76,249 | 161,185.9 |
CocaCola | 67,625 | 104,391.1 |
Wal-Mart | 41,083 | 205,817.8 |
General Electric | 59,793 | 113,841.4 |
Có thể bạn quan tâm!
- Sự phát triển của mô hình tập đoàn ở Việt Nam - Thực trạng và hướng phát triển - 2
- Mô Hình Tập Đoàn Theo Cấu Trúc Hợp Nhất( Unitary Structure)
- Mô Hình Tập Đoàn Theo Cấu Trúc Công Ty Mẹ Nắm Giữ Vốn (Holding Structure)
Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.
(Nguồn: http://money.cnn.com/magazines/fortune/fortune500/2009)
Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa của tập đoàn kinh tế là doanh thu lớn. Nhiều tập đoàn với quy mô kinh doanh toàn cầu, chi nhánh ở hàng trăm quốc gia nên doanh thu khổng lồ, chẳng hạn tập đoàn Exxon Mobil doanh thu năm 2008 lên tới 442.851 tỷ USD, tập đoàn Wal-Mart Stores có tổng doanh thu năm 2008 đạt
1 http://www.marketingmagazine.co.uk/news/wide/901385/