7. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và kiến nghị, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, phần chính luận án gồm 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn về hệ thống thông tin phục vụ du lịchChương 2.Thực trạng tổ chức và hoạt động thông tin du lịch tại Việt Nam Chương 3. Các giải pháp xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch
tại Việt Nam
Chương 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ HỆ THỐNG THÔNG TIN PHỤC VỤ DU LỊCH
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch tại Việt Nam - 1
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin phục vụ du lịch tại Việt Nam - 2
- Các Yếu Tố Cấu Thành Hệ Thống Thông Tin Phục Vụ Du Lịch
- Một Số Nguyên Tắc Xây Dựng Hệ Thống Thông Tin Phục Vụ Du Lịch
- Cơ Sở Thực Tiễn Về Hệ Thống Thông Tin Phục Vụ Du Lịch
Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.
1.1. Cơ sở lí luận về hệ thống thông tin phục vụ du lịch
1.1.1. Các khái niệm cơ bản
1.1.1.1. Hệ thống
Hệ thống là một khái niệm rộng, được nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. Theo tiếng Latin gốc, “System” có nghĩa là một sự thống nhất tổng thể còn hiểu theo lối chiết tự thì “hệ” là sự ràng buộc, “thống” là mối quan hệ thường xuyên, liên tục, có cái chung với nhau. Hiện nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về hệ thống, ở mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học lại đưa ra các định nghĩa, khái niệm khác nhau về hệ thống.
LV. Bertalanffy tiếp cận hệ thống từ góc độ sinh vật, ông cho rằng “Hệ thống là một tổng thể, duy trì sự tồn tại bằng sự tương tác giữa các tổ hợp tạo nên nó” [78].
GS Hoàng Tụy tiếp cận hệ thống từ góc độ quản lí kinh tế và xã hội, ông cho rằng “Hệ thống là một tổng thể gồm nhiều yếu tố (bộ phận) quan hệ và tương tác với nhau và với môi trường xung quanh một cách phức tạp” [73].
PGS.TS Nguyễn Hữu Hùng, tiếp cận hệ thống từ góc độ HTTT, ông cho rằng “Hệ thống là tập hợp các phần tử có cấu trúc tương tác với nhau trong hoạt động của mình nhằm đạt tới mục tiêu chung” [37].
Mặc dù tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu hệ thống thuộc các lĩnh vực khác nhau, song các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng: hệ thống là một tập hợp các phần tử hay các bộ phận khác nhau có mối quan hệ tác động qua lại với nhau và được sắp xếp theo một trình tự đảm bảo tính thống nhất và có khả năng thực hiện một số chức năng và mục tiêu nhất định. Mục tiêu của hệ thống là lí do tồn tại hệ thống.
1.1.1.2. Hệ thống thông tin
Thuật ngữ thông tin (Information - tiếng Anh) có nguồn gốc từ thuật ngữ Latinh “Informatio” có nghĩa là diễn giải, thông báo. Theo nghĩa thông thường, thông tin là tất cả các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người [60, tr.14]. Ngày nay, có nhiều định nghĩa về thông tin, ở mỗi góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã đưa ra các cách hiểu khác nhau về thông tin.
Các nhà triết học xem thông tin là sự phản ánh của thế giới vật chất: thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, kí hiệu, hình ảnh... nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người [60, tr.14].
Theo quan điểm của lí thuyết thông tin, thông tin là sự loại trừ tính bất định của hiện tượng ngẫu nhiên. Như vậy, thuộc tính cơ bản của thông tin là đối lập với bất định và ngẫu nhiên. Điều này được C. Shanon xác định trong lí thuyết thông tin toán học: thông tin là sự phản ánh tính trật tự, tính tổ chức của hệ thống.Từ đây, thông tin trong hệ thống xã hội được xem là tri thức được diễn đạt trong các thông điệp có khả năng nâng cao tính trật tự, tính đa dạng nội tại của hệ thống.[41, tr.338].
Theo quan điểm của các nhà quản lí: Thông tin là những nhân tố góp phần giúp con người nắm bắt và nhận thức đúng đắn, đầy đủ các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và xã hội, các sự kiện diễn ra trong không gian và thời gian, các vấn đề chủ quan và khách quan... trên cơ sở đó có thể đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời, có hiệu quả và có ý nghĩa tích cực nhất [50].
Như vậy, thông tin chính là bộ phận tri thức được sử dụng để định hướng, để điều khiển với mục đích duy trì, hoàn thiện và phát triển hệ thống. Trong hệ thống xã hội, thông tin xã hội là phần tri thức luân chuyển tuần hoàn không ngừng thông qua các quá trình thu thập, xử lí, bảo quản, tìm kiếm, phân phối và sử dụng. Trên cơ sở các cách hiểu về thông tin đã đưa ra, trong luận án này khái niệm thông tin được hiểu như sau:
Thông tin là tri thức, là tin tức mang lại cho con người sự hiểu biết, nhận thức tốt hơn về thế giới vật chất, hiểu hơn về những đối tượng trong đời sống xã hội... giúp ta thực hiện hợp lí công việc cần làm để đạt mục tiêu đã đặt ra.
Tuy nhiên, để giúp con người đạt mục tiêu thì thông tin phải có chất lượng. Thông tin có chất lượng là khi thông tin đảm bảo ba tiêu chí: nội dung phải chính xác, phù hợp, đồng bộ; hình thức phải tiện lợi, hấp dẫn tạo được ấn tượng với NDT; thông tin phải đưa đến NDT đúng lúc họ cần, và phải được cập nhật thường xuyên.
Để tổ chức, quản lí và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tới NDT thì vấn đề nghiên cứu xây dựng HTTT là vô cùng cần thiết. Vì vậy, từ những 60 của thế kỉ XX, vấn đề về thông tin, tổ chức quản lí thông tin, xây dựng HTTT không chỉ là lĩnh vực nghiên cứu của nhà khoa học mà còn là vấn đề quan tâm của các tổ chức, các ngành, các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về HTTT, tùy từng góc độ nghiên cứu các nhà khoa học đưa ra khái niệm khác nhau:
Tiếp cận hệ thống thông tin theo góc độ tổ chức:
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hùng: HTTT bao gồm tập hợp có tổ chức các đơn vị thông tin được tin học hóa hoặc không được tin học hóa, có tác động tương hỗ với nhau theo một số giao thức thích hợp [41, tr.241].
Theo tác giả Huỳnh Ngọc Tín: HTTT là hệ thống được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, có chức năng xử lí, phân tích, tổng hợp các thông tin giúp “nhà quản lí” quản lí tốt cơ sở của mình, và trợ giúp ra quyết định hoạt động kinh doanh. Một hệ thống quản lí được phân thành nhiều cấp từ trên xuống dưới và chuyển từ dưới lên trên [65, tr.14].
Với hai khái niệm HTTT trên, hai tác giả có điểm chung là đều nhấn mạnh ở góc độ tổ chức các CQTT trong hệ thống. PGS.TS Nguyễn Hữu Hùng nhấn mạnh cụm từ “Bao gồm tập hợp có tổ chức các đơn vị thông tin....tác động tương hỗ với nhau theo một số giao thức thích hợp” còn tác giả Huỳnh Ngọc Tín lại khẳng định “HTTT là hệ thống được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới... và được phân thành nhiều cấp từ trên xuống dưới và chuyển từ dưới lên trên”. Điều này đồng
nghĩa với việc HTTT chỉ được hình thành khi các đơn vị thông tin được tổ chức, theo một trật tự nhất định.
Tiếp cận hệ thống thông tin theo chức năng hoạt động của hệ thống:
Theo Laudon,K: HTTT là một tập hợp các bộ phận liên kết làm nhiệm vụ thu thập, xử lí, lưu trữ và phân phối thông tin trợ giúp quá trình ra quyết định, giám sát và đánh giá cho các đơn vị, cá nhân trong tổ chức [92].
Theo PGS.TS Đoàn Phan Tân: HTTT là hệ thống sử dụng nguồn nhân lực và CNTT để tiếp nhận các nguồn dữ liệu như yếu tố đầu vào và xử lí chúng thành các SPTT là yếu tố đầu ra [61, tr.81].
Với khái niệm HTTT trên, cả hai tác giả đều nhấn mạnh đến chức năng hoạt động của hệ thống. Tác giả Laudon,K cho rằng “HTTT là một tập hợp các bộ phận liên kết làm nhiệm vụ thu thập, xử lí, lưu trữ và phân phối thông tin”. Đồng nhất với quan điểm này, PGS.TS Đoàn Phan Tân ngoài việc khẳng định chức năng của HTTT là “Tiếp nhận các nguồn dữ liệu như yếu tố đầu vào và xử lí chúng thành các SPTT là yếu tố đầu ra”, ông còn nhấn mạnh yếu tố “HTTT là hệ thống sử dụng nguồn nhân lực và CNTT”. Điều này có nghĩa là, để vận hành được HTTT và để HTTT hoạt động đạt hiệu quả cao, hệ thống cần có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, am hiểu về tổ chức, quản lí, đặc biệt là trong thời đại phát triển khoa học và công nghệ, thì HTTT phải được trang bị kĩ thuật tin học, ứng dụng CNTT với mục tiêu tạo ra các SPTT có giá trị ở đầu ra trợ giúp quá trình ra quyết định, phối hợp và kiểm tra các đơn vị, cá nhân trong tổ chức.
Qua sự phân tích các khái niệm định nghĩa trên luận án đưa ra khái niệm về HTTT như sau: Hệ thống thông tin bao gồm tập hợp các đơn vị thông tin được tổ chức theo một trật tự nhất định, chúng tác động tương hỗ với nhau cùng thực hiện chức năng thu thập, xử lí, lưu trữ và cung cấp thông tin với mục tiêu chung là cung cấp thông tin cho người dùng tin đạt hiệu quả cao. HTTT được cấu thành bởi ba nhóm yếu tố:
Nhóm yếu tố tổ chức: HTTT là tập hợp các đơn vị thông tin được tổ chức theo một trật tự nhất định có tác động tương hỗ với nhau.
Nhóm yếu tố hoạt động thông tin: Gồm yếu tố dữ liệu, thông tin, quá trình xử lí thông tin và HĐTT gồm các quá trình thu thập, xử lí, lưu trữ và cung cấp thông tin
Nhóm yếu tố vận hành: Để vận hành được HTTTDL phải có CBTT, cơ sở vật chất, kĩ thuật và hạ tầng CNTT và một cơ chế phối hợp HĐTT.
HTTT có những tính chất cơ bản sau:
1) HTTT có tính nhất thể và đặc tính này được thể hiện thông qua hai khía cạnh sau:
- Các phần tử hay chính là các cơ quan thông tin được tổ chức sắp xếp theo trật tự để tạo nên cấu trúc một hệ thống. Cấu trúc của hệ thống là yếu tố quyết định cơ chế vận hành hệ thống. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên “tính trồi” và là khả năng mới của HTTT, nếu các CQTT đứng riêng rẽ thì không thể thành. Điều này có nghĩa là, các CQTT kết hợp với nhau sẽ tạo nên sức mạnh và đạt hiệu quả cao trong HĐTT.
- HTTT phải có môi trường hoạt động: môi trường là tập hợp các phần tử không thuộc hệ thống nhưng có thể tác động vào hệ thống hoặc bị tác động bởi hệ thống. HTTT và môi trường không thể tách rời nhau.
2) Tính năng động: HTTT mang tính chất là một cơ thể sống, gồm các giai đoạn phát sinh, phát triển, và chuyển giao. Hệ thống thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế theo thời gian và không gian, nghĩa là nó muốn tồn tại và phát triển thì phải biến đổi theo môi trường xung quanh.
3) Tính hướng đích: Các CQTT, các hoạt động của HTTT đều hướng tới mục tiêu là đáp ứng NCT của NDT.
4) HTTT phải có cơ chế điều khiển: Cơ chế điều khiển nhằm phối hợp, dẫn dắt chung các CQTT của hệ thống để chúng không trượt ra ngoài mục tiêu của hệ thống. HTTT được điều khiển bởi hai nguyên lí: nguyên lí liên hệ ngược và nguyên lí phân cấp.
Ngoài các tính chất cơ bản trên, trong thời kì khoa học và công nghệ, HTTT còn mang một đặc trưng cơ bản là: HTTT phải được xây dựng trên nền tảng công
nghệ hiện đại. HTTT phải có một kết cấu mềm dẻo và có khả năng tiến hóa. Một HTTT sẽ nhanh lỗi thời nếu không có khả năng thay đổi, mềm dẻo và mở rộng để phù hợp với sự biến đổi và phát triển của tổ chức, của khoa học công nghệ đặc biệt là CNTT và truyền thông.
1.1.1.3. Hệ thống thông tin phục vụ du lịch
Du lịch là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống của con người, và xuất hiện từ khi có con người. Vì vậy, du lịch là một hoạt động mang tính tự nhiên. Xã hội loài người càng phát triển, nhu cầu tự nhiên này của con người ngày càng tăng. Đặc biệt, từ những năm 50 của thế kỉ XX, khi một bộ phận người đã đủ ăn, đủ mặc thì du lịch trở thành một nhu cầu không thể thiếu và trở thành một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, do khác nhau về điều kiện kinh tế - xã hội, thời gian, không gian và xuất phát từ các góc độ nghiên cứu khác nhau, mỗi ngành khoa học, mỗi nhà nghiên cứu lại có những cách hiểu khác nhau về du lịch.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp quốc (UNWTO):
Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.
Theo Luật du lịch Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005: “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”. [56].
Theo GS.TSKH Lương Xuân Quỳ:
Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp,
nhằm đáp ứng nhu cầu về: đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và những nhu cầu khác nhau của khách du lịch. Các hoạt động đó mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho bản thân doanh nghiệp[58].
Xuất phát từ các định nghĩa trên, có thể hiểu, ngành du lịch là tổng hợp các điều kiện, hiện tượng và các mối quan hệ tác động qua lại giữa khách du lịch với nhà cung cấp sản phẩm du lịch, với chính quyền và cộng đồng dân cư ở địa phương trong quá trình thu hút, tiếp đón khách du lịch, từ đó hoạt động du lịch được hiểu là:
Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch [57]. Nói một cách khác, hoạt động du lịch được tổ chức để giải quyết mối quan hệ "cung" - "cầu" trong kinh doanh du lịch, xuất phát từ "cung" để "cầu" tốt nhất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao trên cả hai phương diện kinh tế và xã hội. Để hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao, các tổ chức, cá nhân cần có thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình, vì vậy, thông tin du lịch có thể được hiểu là:
Thông tin du lịch là những thông tin trực tiếp, hoặc gián tiếp có liên quan hoặc có ảnh hưởng tới hoạt động du lịch nói chung, tới các tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch nói riêng, giúp NDT giải quyết hợp lí các công việc đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Để có thông tin du lịch, các tổ chức, cá nhân phải thu thập dữ liệu du lịch là các số liệu, sự kiện khách quan về du lịch, và xử lí chúng thành thông tin du lịch có mục đích, có nghĩa đối với người sử dụng. Cũng giống như các loại thông tin khác, thông tin du lịch được thể hiện dưới nhiều hình thức: ngôn ngữ nói, ngôn ngữ văn bản, âm thanh, hình ảnh trực quan… và được truyền tải tới NDT thông qua nhiều phương tiện khác nhau: phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng (Internet, Wan, Lan), truyền miệng, hoặc thông qua các loại hình ấn phẩm, tài liệu khác nhau...
Tuy nhiên, thông tin du lịch không thể tồn tại rời rạc, lẻ tẻ. Để phát huy giá trị của thông tin trong hoạt động du lịch, các thông tin này phải được các đơn vị, cá nhân tập hợp, tổ chức thành hệ thống.