Vai Trò Của Lễ Hội Truyền Thống Đối Với Du Lịch‌

nhất trí và cũng chưa có định nghĩa nào thoả mãn được cả về định tính và định lượng. Điều đó, theo tôi, có những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, trong số những người nghiên cứu văn hóa, hoặc, như người ta thường gọi, những nhà văn hóa, ngoài những định kiến và những hạn chế có tính chất lịch sử, rất nhiều người bị mắc những bệnh nghề nghiệp. Họ thường qui văn hóa vào những lĩnh vực hạn hẹp cụ thể, thường bói văn hóa, cũng như bói cuộc sống nói chung, theo kiểu thầy bói xem voi, bằng cách xem xét những bộ phận cá biệt của nó chứ chưa có một cách tiếp cận tổng thể.

Thứ hai, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, rất phong phú và phức tạp, do đó khái niệm văn hóa cũng đa nghĩa. Khi đề cập đến nó mỗi người có một cách hiểu riêng tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của họ là điều dễ hiểu.

Thứ ba, giống như tất cả các ngành khoa học xã hội khác, ngành văn hóa học có lịch sử phát sinh và phát triển lâu dài trong lịch sử loài người. Trong quá trình lịch sử đó nội dung của khái niệm văn hóa cũng thay đổi theo.

Đã có rất nhiều các tổ chức, các quốc gia và các chuyên gia nghiên cứu về văn hoá đưa ra các khái niệm về văn hoá và các vấn đề liên quan, và hiện tại chưa có một khái niệm nào về văn hoá được thống nhất tuyệt đối. Có thể đưa ra một số quan niệm, khái niệm và định nghĩa về văn hoá như sau:

Hội nghị quốc tế về văn hóa ở Mexico (1982) để bắt đầu thập kỷ văn hoá UNESCO. Đã thống nhất đưa ra một khái niệm về văn hoá như sau: “Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng”.

Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin” .

Cựu Tổng Giám đốc UNESCO GS Federico Mayor khi ông đưa ra một định nghĩa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sông động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khử cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thông các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng địinh bản sắc riêng của mình”.

GS Viện sĩ Trần Ngọc Thêm đưa ra khái niệm: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”.

Nhìn chung, mọi định nghĩa đều thống nhất văn hoá có các đặc điểm sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

Thứ nhất, văn hoá là sáng tạo của con người, thuộc về con người, những gì không do con người làm nên không thuộc về khái niệm văn hoá. Từ đó, văn hoá là đặc trưng căn bản phân biệt con người với động vật, đồng thời cũng là tiêu chí căn bản phân biệt sản phẩm nhân tạo với sản phẩm tự nhiên. Văn hoá xuất hiện do sự thích nghi một cách chủ động và có ý thức của con người với tự nhiên, nên văn hoá cũng là kết quả của sự thích nghi ấy.

Thứ hai, sự thích nghi này là sự thích nghi có ý thức và chủ động nên nó không phải là sự thích nghi máy móc mà thường là sự thích nghi có sáng tạo, phù hợp với giá trị chân - thiện - mỹ.

Nghiên cứu lễ hội truyền thống đồng bằng Sông Cửu Long phục vụ phát triển du lịch - 4

Thứ ba, văn hoá bao gồm cả những sản phẩm vật chất và tinh thần, chứ không chỉ riêng tinh thần mà thôi.

Thứ tư, văn hoá không chỉ có nghĩa chỉ là văn học nghệ thuật như thông thường người ta hay nói. Văn học nghệ thuật chỉ là bộ phận cao nhất trong lĩnh vực văn hoá mà thôi.

Trên cơ sở phân tích các quan niệm trên có thể kết luận: Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra.

1.2.2. Cấu trúc của văn hóa‌

Con người có hai loại nhu cầu cơ bản là nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, do vậy, con người cũng có hai loại hoạt động cơ bản là sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Từ đó, văn hóa như một hệ thống thường được chia làm hai dạng: văn hóa vật chất (vật thể) và văn hóa tinh thần (phi vật thể).

- Văn hóa vật chất bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất vật chất của con người tạo ra: đồ ăn, đồ mặc, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, công cụ sản xuất, phương tiện đi lại,...

- Văn hóa tinh thần bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất tinh thần của con người tạo ra: tư tưởng, tín ngưỡng - tôn giáo, nghệ thuật, lễ hội, phong tục, đạo đức, ngôn ngữ, văn chương,... Sự phân chia này mới nhìn tưởng như khá rõ ràng và hiển nhiên, song nhìn kỹ sẽ thấy xuất hiện hàng loạt trường hợp phức tạp.

Trong thực tế, văn hóa vật chất và tinh thần luôn gắn bó mật thiết với nhau và có thể chuyển hóa cho nhau: không phải ngẫu nhiên mà K.Marx nói rằng “Tư tưởng sẽ trở thành những lực lượng vật chất khi nó được quần chúng hiểu rõ”. Bởi vậy mà tuỳ theo những mục đích khác nhau, việc phân biệt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần sẽ phải dựa vào những tiêu chí khác nhau.


1.2.3. Du lịch văn hoá‌

Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005) thì “Du lịch văn hoá là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hoá dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống”.

Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục,... gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Du lịch văn hoá là một trong những lại hình du lịch bền vững, hấp dẫn du khách, có nhiều điều kiện, nguồn lực để phát triển, được quan tâm đầu tư phát triển ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam.

Du lịch văn hoá là một sản phẩm du lịch sử dụng những giá trị văn hoá dậm đà bản sắc của địa phương, thông qua các vật dẫn hoặc phương thức biểu đạt, cung cấp cho du khách cơ hội để chiêm ngưỡng, thử nghiệm và cảm thụ văn hoá của các địa phương. Vật hấp dẫn bao gồm các công trình kiến trúc mỹ thuật, các di tích lịch sử, hoạt động tôn giáo, nghi thức xã hội đặc thù, đồ ăn, thức uống, biểu diễn âm nhạc kịch, vũ điệu địa phương, nghệ thuật sản xuất thủ công truyền thống và làng nghề, lễ hội, phong tục tập quán.

1.3. Lễ hội truyền thống và du lịch lễ hội‌

1.3.1. Khái niệm và phân loại lễ hội‌

1.3.1.1. Khái niệm

Có thể nói từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ đưa ra những quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá về lễ hội, chứ chưa đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về lễ hội.

Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam thì “Lễ hội là một sự kiện xã hội có tính văn hóa và tâm linh được tổ chức mang tính cộng đồng”.

Định nghĩa về lễ hội của M. Bakhtin như sau: “Thực chất lễ hội là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức tế lễ và trò diễn, đó là cuộc sống lao động, chiến đấu của cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, bản thân cuộc sống không thể trở thành lễ hội được nếu như chính nó không được thăng hoa, liên kết và quy tụ lại thành thế giới của tâm linh, tư tưởng của các biểu tượng vượt lên trên thế giới của phương tiện và điều kiện tất yếu; đó là thế giới, là cuộc sống thứ hai thoát ly tạm thời thực tại, đạt tới hiện thực lý tưởng mà ở đó mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ, lung linh, siêu việt và cao cả”.

Định nghĩa bổ sung về lễ hội của Giáo sư người Nhật Kurahayashi cho định nghĩa về lễ hội của M. Bakhtin như sau: “Xét về tính chất xã hội của lễ hội, lễ hội là quảng trường tâm hồn; xét về tính chất văn nghệ, lễ hội là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nghệ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật giải trí, trò diễn và với ý nghĩa đó, lễ hội tồn tại và có liên hệ mật thiết với sự phát triển của văn hoá”.

Rõ ràng, định nghĩa và bổ sung trên cho thấy rõ lễ hội bao gồm hai thành phần tế lễ và hội hè, vui chơi, giải trí mà không thể thiếu một phần nào được.

Như vậy, có thể thấy rằng, lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng diễn ra trên một địa bàn dân cư trong thời gian và thời gian xác định.

1.3.1.2. Phân loại lễ hội

Hiện tại ở nước ta lễ hội được chia thành hai loại là: lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại.

- Lễ hội truyền thống có số lượng nhiều nhất (khoảng trên 7.000 lễ hội trong tổng số gần 9.000 lễ hội), phạm vi phân bố rộng (cả nông thôn, đô thị, vùng núi các dân tộc), có lịch sử lâu đời nhất. Người ta có thể phân loại lễ hội truyền thống theo thời gian các mùa trong năm, trong đó quan trọng nhất là mùa xuân, mùa thu (xuân thu nhị kỳ); phân chia theo phạm vi lớn nhỏ: Lễ hội làng, lễ hội vùng, lễ hội quốc gia; phân loại theo tính chất của lễ hội: Lễ hội nghề nghiệp (nông, ngư, nghề buôn bán...), lễ hội tôn vinh anh hùng dân tộc, người có

công với quê hương, đất nước, lễ hội gắn với các tôn giáo tín ngưỡng cụ thể như lễ hội của Phật giáo, Ki-tô giáo, tín ngưỡng dân gian,...

- Lễ hội hiện đại gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng, lễ hội sự kiện gắn với du lịch quảng bá du lịch, lễ hội nhân kỷ niệm những năm chẵn thành lập thành phố, tỉnh, huyện,...

1.3.2. Lễ hội truyền thống‌

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử; có giá trị đặc biệt trong sự cố kết cộng đồng ngày càng bền chặt hơn; đồng thời, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau hiểu được công lao của tổ tiên, tỏ lòng tri ân công đức của các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối đã có công dựng nước, giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc tổ chức lễ hội truyền thống còn góp phần tích cực trong giao lưu với các nền văn hóa thế giới, tạo nền tảng vững chắc cho văn hoá Việt Nam có sức mạnh chống lại sự ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá ngoại lai.

1.3.2.1. Đặc điểm chung của lễ hội truyền thống

Tính thiêng

Muốn hình thành một lễ hội, bao giờ cũng phải tìm ra được một lý do mang tính “thiêng” nào đó. Đó là người anh hùng đánh giặc bị tử thương, ngã xuống mảnh đất ấy, lập tức được mối đùn lên thành mộ. Đó là nơi một người anh hùng bỗng dưng hiển thánh, bay về trời. Cũng có khi đó chỉ là một bờ sông, nơi có một xác người chết đuối, đang trôi bỗng nhiên dừng lại, không trôi nữa; dân vớt lên, chôn cất, thờ phụng,... Cũng có khi lễ hội chỉ hình thành nhằm ngày sinh, ngày mất của một người có công với làng với nước, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác (có người chữa bệnh, có người dạy nghề, có người đào mương, có người trị thủy, có người đánh giặc,...). Song, những người đó bao giờ cũng được “thiêng hóa” và đã trở thành “Thần thánh” trong tâm trí của người dân.

Nhân dân tin tưởng những người đó đã trở thành Thần thánh, không chỉ có thể phù hộ cho họ trong những mặt mà sinh thời người đó đã làm: chữa bệnh, làm nghề, sản xuất, đánh giặc,... mà còn có thể giúp họ vượt qua những khó khăn đa dạng hơn, phức tạp hơn của đời sống. Chính tính “thiêng” ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong những thời điểm khó khăn, cũng như tạo cho họ những hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến.

Tính cộng đồng

Lễ hội chỉ được sinh ra, tồn tại và phát triển khi nó trở thành nhu cầu tự nguyện của một cộng đồng. Cộng đồng lớn thì phạm vi của lễ hội cũng lớn. Bởi thế mới có lễ hội của một họ, một làng, một huyện, một vùng hoặc cả nước.

Tính địa phương

Lễ hội được sinh ra và tồn tại đều gắn với một vùng đất nhất định. Bởi thế lễ hội ở vùng nào mang sắc thái của vùng đó. Tính địa phương của lễ hội chính là điều chứng tỏ lễ hội gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của nhân dân, nó đáp ứng những nhu cầu tinh thần và văn hóa của nhân dân, không chỉ ở nội dung lễ hội mà còn ở phong cách của lễ hội nữa. Phong cách đó thể hiện ở lời văn tế, ở trang phục, kiểu lọng, kiểu kiệu, kiểu cờ, ở lễ vật dâng cúng,...

Tính cung đình

Đa phần các nhân vật được suy tôn thành Thần linh trong các lễ hội của người Việt, là các người đã giữ các chức vị trong triều đình ngày xưa. Bởi thế những nghi thức diễn ra trong lễ hội, từ tế lễ, dâng hương, đến rước kiệu,... đều mô phỏng sinh hoạt cung đình. Sự mô phỏng đó thể hiện ở cách bài trí, trang phục, động tác đi lại,... Điều này làm cho lễ hội trở nên trang trọng hơn, lộng lẫy hơn. Mặt khác lễ nghi cung đình cũng làm cho người tham gia cảm thấy được nâng lên một vị trí khác với ngày thường, đáp ứng tâm lý, những khao khát nguyện vọng của người dân.

Tính đương đại

Tuy mang nặng sắc thái cổ truyền, lễ hội, trong quá trình vận động của lịch sử, cũng dần dần tiếp thu những yếu tố đương đại. Những trò chơi mới, những cách bài trí mới, những phương tiện kỹ thuật mới như rađio, cassete, video, tăng âm, micro,... đã tham gia vào lễ hội, giúp cho việc tổ chức lễ hội được thuận lợi hơn, đáp ứng nhu cầu mới.

Tuy vậy, những sự tiếp thu này đều phải dần dần qua sự sàng lọc tự nguyện của nhân dân, được cộng đồng chấp nhận, không thể là một sự lắp ghép tùy tiện, vô lý,...

Lễ hội truyền thống mang 3 đặc trưng cơ bản sau:

- Lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng mang tính thiêng, do vậy nó thuộc thế giới thần linh, thiêng liêng, đối lập với đời sống trần gian, trần tục. Có nhiều sinh hoạt, trình diễn trong lễ hội nhìn bề ngoài là trần tục, như các trò vui chơi giải trí, thi tài, các diễn xướng mang tính phồn thực, nên nó mang tính “tục”, nhưng lại là cái trần tục mang tính phong tục, nên nó vẫn thuộc về cái thiêng.

- Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa mang tính phức hợp, một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể, bao gồm gần như tất cả các phương diện khác nhau của đời sống xã hội của con người: sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, giao tiếp và gắn kết xã hội, các sinh hoạt diễn xướng dân gian (hát, múa, trò chơi, sân khấu...), các cuộc thi tài, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua bán,... Không có một sinh hoạt văn hóa truyền thống nào của nước ta lại có thể sánh được với lễ hội cổ truyền, trong đó chứa đựng đặc tính vừa đa dạng, vừa nguyên hợp này.

- Chủ thể của lễ hội truyền thống là cộng đồng, đó là cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng thị dân và lớn hơn cả là cộng đồng quốc gia dân tộc. Nói cách khác, không có lễ hội nào lại không thuộc về một dạng cộng đồng, của một cộng đồng nhất định. Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội.

Ba đặc trưng trên quy định tính chất, sắc thái văn hóa, cách thức tổ chức, thái độ và hành vi, tình cảm của những người tham gia lễ hội, phân biệt với các loại hình lễ hội khác, như lễ hội sự kiện, các loại festival,...

1.3.2.2. Thời gian mở hội

Lễ hội ở Việt Nam được tổ chức nhiều nhất vào ba tháng mùa xuân và mùa thu. Hai khoảng thời gian trên là lúc người dân nhàn rỗi. Mùa xuân tiết trời ấm áp, mùa thu tiết trời mát mẻ, đều thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội. Hai yếu tố cơ bản tạo nên sự thoải mái, vui vẻ cho người đi dự hội.

1.3.2.3. Đối tượng tham gia

Sứt hút của các lễ hội đối với người dân rất lớn và có sự khác nhau tùy theo đối tượng tôn vinh, cảnh đẹp của di tích hay danh thắng mà có ít hay nhiều các đối tượng tham gia đến với lễ hội. Thông thường, người ta căn cứ vào các đối tượng được tôn thờ và số lượng người hành hương trẩy hội để phân biệt lễ hội lớn hay nhỏ, lễ hội mang tính chất quốc gia hay lễ hội của vùng miền, địa phương, làng xã.

Lễ hội ở Việt Nam đã tồn tại và phát triển từ bao đời nay, người đi trẩy hội hoàn toàn tự nguyện với tấm lòng chân thành, đến với lễ hội là thể hiện sự tôn trọng, tưởng nhớ tới các vị thần thánh đã che chở, giúp đỡ, bảo vệ cho cuộc sống của nhân dân.

1.3.3. Vai trò của lễ hội truyền thống đối với du lịch‌

Khi đánh giá lễ hội phục vụ mục đích du lịch cần chú ý những đặc điểm sau đây:

- Thời gian của lễ hội: các lễ hội không phải diễn ra quanh năm, mà chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Có lễ hội được tiến hành trong khoảng một hai tháng, nhưng cũng có lễ hội diễn ra trong một vài ngày. Trong thời gian lễ hội, khách hành hương tới rất đông với nhiều mực đích khách nhau, trong đó có cả mục đích du lịch.

- Qui mô của lễ hội: các lễ hội có qui mô lớn nhỏ khác nhau, có lễ hội diễn ra trên địa bàn rộng, thậm chí có qui mô quốc tế. Ngược lại, có lễ hội chỉ bó hẹp trong một địa phương nhỏ hẹp. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới hoạt động du lịch và nhất là khả năng thu hút du khách.

- Địa điểm diễn ra lễ hội: các lễ hội thường được tổ chức tại những di tích lịch sử văn hóa, điều đó cho phép khai thác tốt hơn cả di tích lẫn lễ hội vào mục đích du lịch. Di tích và lễ hội là hai loại hình tài nguyên du lịch nhân văn luôn sóng đôi và đan xen lẫn nhau. Lễ hội gắn với di tích và không tách rời di tích. Có thể nói, di tích là tinh hoa truyền thống được kết tinh lại ở dạng cứng, còn lễ hội là cái hồn chuyển tải tinh hoa ấy đến với đời thường.

Khách du lịch thường có nhu cầu tham dự các lễ hội và thường cảm thấy có sự hòa đồng mãnh liệt, say mê nhập cuộc. Những cuộc hội hè như vậy đã được gắn chặt vào đời sống văn hóa của cả khu vực hay mỗi quốc gia. Chính tại đây, tình cảm cộng đồng, sự hiểu biết giữa các dân tộc được bộc lộ rõ ràng nhất.

Nhìn một cách trực quan thì lễ hội và du lịch có một điểm chung là do con người tạo nên và vì con người, đều phải dựa vào đám đông và đáp ứng nhu cầu của đám đông để tồn tại và phát triển.

Lễ hội là một điểm sáng, hội tụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của nhân dân, một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống tinh thần mỗi thành viên trong cộng đồng, của cộng đồng và toàn xã hội. Lễ hội thường được tổ chức vào những thời điểm nhất định trong một không gian là danh lam thắng cảnh, di tích hoặc ở những thiết chế văn hóa phù hợp với tính chất lễ hội. Các trò vui chơi giải trí, những hoạt động văn hoá, xã hội khác như thi hát, thi thổi cơm, chọi gà, dệt vải, đấu vật, đánh đu, ném còn,... không chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội lớn mà còn là một trò vui chơi dân dã ở khắp các làng xã. Chính sự gắn kết giữa cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như vậy đã tạo nên sự hấp dẫn du lịch.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/04/2023