Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lý luận và thực tiễn - 13

thường thiệt hại nói riêng phải có sự thống nhất và đồng bộ. Pháp luật phải quy định rõ ranh giới khi áp dụng các chế tài xử lý tạo điều kiện cho công tác thực thi pháp luật được dễ dàng, đặc biệt là giữa chế tài dân sự và hình sự.

d, Bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh

Hợp đồng là một sự tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để bên mạnh hơn lấn át bên yếu thế hơn và gây thiệt hại to lớn tới lợi ích chung của xã hội. Người tiêu dùng luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, pháp luật cần có các quy định đặc thù để đảm bảo sự cân bằng trong các quan hệ này, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội.

đ, Xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng

Theo định hướng này, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia cùng Nhà nước trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, pháp luật hướng tới sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng từ đó ngoài việc bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng còn hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

3.3 Các giải pháp hoàn thiện chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

3.3.1 Hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Tuy rằng đây là công việc khó khăn, tốn nhiều công sức và kinh phí nhưng nếu có thể đầu tư một cách tập trung và có định hướng thì sau khi hoàn

thành, công trình sẽ có giá trị và ý nghĩa to lớn không chỉ đối với công tác lập pháp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu và áp dụng pháp luật trên thực tế. Muốn hệ thống hóa, pháp điển hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả thì phải làm tốt những vấn đề sau:

Quốc hội phải lên kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Chia công việc ra từng khâu, giao nhiệm vụ cho cơ quan liên quan xây dựng đề án, tập hợp văn bản. Tốt nhất nên giao cho từng Bộ công việc này. Sau đó phải có một cơ quan làm tốt công tác hệ thống. Điều cần thiết là phải tập hợp được những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lập pháp và có kinh nghiệm trong việc hệ thống hóa pháp luật. Nếu cần thiết thì phải có sự hổ trợ của chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Phải có một cơ quan chuyên môn giúp việc. Đây phải là một sự đầu tư toàn diện về mặt nhân lực.

Ngân sách Nhà nước phải được tăng cường cho công tác này. Nếu không đủ thì phải huy động trong nhân dân, kêu gọi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Cần thiết sẽ cắt giảm một số chương trình dài hạn, những hạng mục chưa cần thiết.

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lý luận và thực tiễn - 13

Khi giao việc cho cơ quan cần quy định thời gian hoàn thành và có chế độ khen thưởng kịp thời nếu hoàn thành tốt trong thời gian sớm nhất.

Cần tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn trên mạng để lấy ý kiến đóng góp trong nhân dân. Các ý kiến đều phải được lưu tâm. Sự phản hồi từ phía người dân là vô cùng quan trọng.

Về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần có một điều luật nêu lên khái niệm chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm cơ sở cho việc giải quyết các trường hợp cụ thể của loại trách nhiệm này.

Hiện nay áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ở Bộ luật Dân sự trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Thực tế là việc xác định thiệt hại

và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật không đơn giản. Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới đây vẫn là thách thức đối với các nhà lập pháp. Bởi vậy để tăng cường hiệu quả thực thi cần phải kết hợp bồi thường thiệt hại với các chế tài xử phạt khác như: xử phạt vi phạm hành chính và thậm chí xử lý hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Muốn vậy các chế tài xử phạt phải đủ mạnh, mang tính răn đe và ngăn ngừa tái phạm.

Cần thiết phải rà soát lại tất cả các quy định về bồi thường thiệt hại trong các ngành luật khác nhau để nếu có những điều không phù hợp, lệch nhau thì phải sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc tính toán thiệt hại để bồi thường cần phải đảm bảo được nguyên tắc "toàn bộ và kịp thời". Vì vậy, đối với những thiệt hại về vật chất có thể tính được thành tiền thì nên công thức hóa để việc áp dụng pháp luật trên thực tế được thống nhất. Đặc biệt là việc xét xử tại Tòa án sẽ được công bằng, nghiêm minh và đồng bộ.

Cần có những quy định tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất kinh doanh trong việc đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có chất lượng như đã đăng ký. Muốn làm tốt điều này cần hoàn thiện những quy định của pháp luật liên quan như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường và đặc biệt là Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa… Mặt khác, muốn người tiêu dùng được bồi thường một cách thỏa đáng thì cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất kinh doanh, những trường hợp phải bồi thường, trường hợp không phải bồi thường, đối tượng được bồi thường, mức bồi thường... Đây là những quy định mang tính chi tiết bởi vậy không nên đưa vào Bộ luật Dân sự vì Bộ luật Dân sự chỉ nên quy định chung còn những vấn đề cụ thể thì cần được ghi nhận trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3.3.2 Các giải pháp để tăng hiệu quả việc thực thi pháp luật

Muốn thực thi pháp luật có hiệu quả và đúng đắn thì cần có hiểu biết sâu rộng về các ngành luật khác nhau cũng như nhận thức được vai trò và sự ảnh hưởng của các chế định pháp luật khi được áp dụng trên thực tế. Muốn có hiểu biết và nhận thức đúng thì phải thực hiện tốt công tác giáo dục và tuyên truyền pháp luật.

Đối với người tiêu dùng: Trước hết họ phải được giáo dục để có những hiểu biết nhất định về quyền và trách nhiệm của mình. Người tiêu dùng chiếm số lượng đông đảo nhưng họ lại là những cá thể hoạt động riêng lẻ bởi vậy cần tạo được mối liên hệ cộng đồng giữa những người tiêu dùng để họ có thể cảnh báo cho nhau những tác hại khi sử dụng hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng và góp tiếng nói chung để đòi quyền lợi khi có sự vi phạm xảy ra (ví dụ: yêu cầu bồi thường thiệt hại). Người tiêu dùng cần được giáo dục pháp luật để có thể tự tin đối diện với nhà sản xuất kinh doanh để đòi quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm đồng thời mạnh dạn khiếu kiện. Việc giáo dục cho người tiêu dùng không phải là một điều mới mẻ trên thế giới. Ngay từ năm 1980, IOCU đã tìm ra những cách đưa giáo dục người tiêu dùng vào trong các lớp học. IOCU tin rằng giáo dục người tiêu dùng phải là một phần trong hệ thống giáo dục thống nhất, từ nhà trẻ đến trường Đại học. Ở các nước phát triển đây thực sự là một vấn đề nghiêm túc và được đầu tư có định hướng. Đối với Việt Nam, việc đầu tư những chương trình giáo dục người tiêu dùng có quy mô lớn có thể chưa phù hợp với khả năng kinh tế hiện nay những việc từng bước đưa vấn đề giáo dục người tiêu dùng vào trường học là điều có thể thực hiện được. Cần phải hiểu việc giáo dục tuyên truyền không nhằm mục đích phong trào mà phải có kết quả, phải đưa đến cho người tiêu dùng những kiến thức cần thiết nhất. Ví dụ: mở các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, phân biệt hàng thật với hàng giả, tăng thời lượng phát sóng

hoặc truyền thanh kiến thức về tiêu dùng, tăng lượng phát hành Tạp chí Người tiêu dùng... Giáo dục người tiêu dùng sẽ giúp cân bằng quyền lợi của người tiêu dùng với nhà sản xuất kinh doanh khi mà quyền lợi của họ không trùng nhau (người tiêu dùng luôn muốn mua hàng chất lượng tốt nhất, giá cả phải chăng còn nhà sản xuất lại muốn bỏ ra chi phí thấp nhất để thu được lợi nhuận tối đa). Được giáo dục, người tiêu dùng sẽ có thể đóng góp ý kiến xác thực và có ý nghĩa trong việc lập pháp liên quan đến người tiêu dùng như vậy pháp luật sẽ tăng cường tính khả thi.

Đối với nhà sản xuất kinh doanh: họ phải nhận thức được người tiêu dùng có quyền lựa chọn tiêu dùng hay không một sản phẩm. Bởi vậy nếu sản phẩm nào tốt hơn sẽ có cơ hội được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Hiện nay người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm theo thương hiệu và cung cách phục vụ của nhân viên. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn có chỗ đứng trên thị trường thì phải tạo lập được uy tín. Để xây dựng được uy tín thì không có cách nào tốt hơn là phải coi "khách hàng là thượng đế". Nghĩa là người tiêu dùng chính là những người đem đến cho họ lợi nhuận nếu họ biết cách thu hút và tạo được uy tín với người tiêu dùng. Thực tế hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp coi việc chăm sóc khách hàng chỉ là giải quyết khiếu nại. Mục đích là làm sao từ những khiếu nại này ít gây ra những thiệt hại về uy tín, thời gian giải quyết nhanh nhất để người tiêu dùng được thỏa mãn. Có rất nhiều doanh nghiệp tạo uy tín bằng cách tư vấn miễn phí cho khách hàng hay như Vinamilk mở hẳn một phòng khám dinh dưỡng để khám bệnh, tư vấn dinh dưỡng cho các đối tượng tiêu dùng. Một khi doanh nghiệp đã nhận thức và thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng, đảm bảo quyền được bồi thường cho người tiêu dùng thì chắc hẳn những doanh nghiệp làm ăn chụp giựt sẽ không còn có chỗ đứng trên thị trường, môi trường cạnh tranh sẽ trở nên lành mạnh.

Đối với những người thi hành pháp luật: cần phải thường xuyên tổ chức

những buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Từ việc nhận thức rõ trách nhiệm của mình họ sẽ có những biện pháp quyết đoán hơn, mạnh tay hơn khi xử lý các vụ vi phạm, đảm bảo quyền được thông tin và đặc biệt là quyền được bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần tổ chức các buổi hội nghị, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để tham khảo và được hướng dẫn về cách thức, kinh nghiệm thiết lập các mô hình bảo vệ người tiêu dùng. Hợp tác quốc tế sẽ mang lại nhiều lợi ích: Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ hoạt động lập pháp, tổ chức quản lý... đến những cơ chế thực thi hiệu quả. Theo ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASTAS, một số nước phương tây đã thiết lập những "tòa án nhỏ" để chuyên giải quyết những tranh chấp giữa người mua và người bán, không có luật sư, không có án phí nhưng vẫn có quyền phán xét, phán xét đó vẫn có hiệu lực pháp lý bình thường. Hay như ở Trung Quốc, ngày 15-3 hàng năm là ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới, được chọn là ngày "Thượng đế phán xử", đài truyền hình Trung ương và các phương tiện thông tin đại chúng đều đăng tải những thông tin về những cơ sở có hàng giả, hàng kém chất lượng, đối xử không tốt với người tiêu dùng. Ở Ấn Độ có một hình thức tổ chức chống gian lận thương mại rất được dư luận hoan nghênh là "Tòa án người tiêu dùng" được lập ở các thành phố, thị xã, giúp xử lý tất cả các vụ kiện liên quan đến hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng rất hiệu quả. Ở Thái Lan, có chính sách khuyến khích người tố cáo làm hàng giả sẽ được hưởng 35% số tiền mà Tòa án tuyên phạt các cơ sở làm hàng giả. Ngoài ra chúng ta cũng có thể tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính, khoa học kỹ thuật... từ việc hợp tác quốc tế.

Tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu

dùng là một lĩnh vực tổng hợp bởi vậy nếu hoạt động riêng lẻ thiếu đồng bộ thì sẽ không thể thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trên thực tế.

Cần có cơ chế giải quyết bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng một cách tích cực hơn. Vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật Việt Nam theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ nghĩa là không ai được lợi từ việc bị thiệt hại và không ai phải bồi thường vượt quá phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Điều này xuất phát từ cơ sở khoa học là quy luật giá trị của nền sản xuất hàng hóa, quan hệ hàng - tiền là quan hệ ngang giá. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại là nhằm khôi phục tình trạng trước khi xảy ra thiệt hại và bù đắp những tổn thất. Mà những thiệt hại nhiều khi không thể định giá được nên sự bồi thường cũng chỉ là tương đối. Nhưng trong pháp luật một số nước, đặc biệt là trong Luật Trách nhiệm sản phẩm (Luật này được ban hành tại Mỹ từ năm 1986, sau đó một số nước như Anh, Nhật... cũng ban hành Luật này) cho phép yêu cầu mức bồi thường thiệt hại cao gấp nhiều lần thiệt hại thực tế. Ví dụ: xe hơi hãng Toyota Nhật Bản vì thiếu an toàn, bị người Mỹ khởi tố lên Tòa án liên bang, Nhận Bản đã phải bồi thường 1 tỷ Yên... Bên cạnh đó Luật này cũng cho phép bất kỳ ai bị sản phẩm của một cơ sở nào đó gây thiệt hại hoặc liên quan đều có thể trở thành nguyên đơn tiến hành khởi kiện trước Tòa để đòi bồi thường thiệt hại từ phía trước hết là người bán, hoặc sau là đến người sản xuất. Những quy định trong Luật trách nhiệm sản phẩm mang tính chất phạt do vi phạm hợp đồng nhiều hơn là bồi thường thiệt hại, không dựa trên quy luật ngang giá vì vậy chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên vấn đề xác định thiệt hại trong các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do vị phạm quyền lợi người tiêu dùng luôn rất khó khăn. Vì vậy pháp luật nước ta cần có những quy định cụ thể là trong những trường hợp thiệt hại khó xác định được trong thời gian ngắn (thường là liên quan đến thiệt hại do sử dụng sản

phẩm có tác hại đến sức khỏe con người) thì phải có một cơ chế để đảm bảo quyền được bồi thường của người tiêu dùng.

Có chính sách khen thưởng cho những người báo tin về những cơ sở cung cấp ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tiêu dùng và tiền thưởng được trả cho những người này được lấy ra từ chính tiền phạt thu từ những cơ sở đó. Đây sẽ là một việc làm có hiệu quả vì tiền phạt thu về Nhà nước cũng là để chi cho công tác này thì việc dùng tiền đó thưởng cho những người phát hiện sẽ tạo ra tiền lệ tốt kích thích sự giám sát trong nhân dân và như thế sẽ là một biện pháp tích cực, giảm được chi phí cho công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời cũng là một giải pháp cho tình trạng thiếu nhân lực hiện nay.

Một giải pháp làm tăng số vụ khởi kiện của người tiêu dùng tại Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại: Người tiêu dùng vốn có tâm lý ngại khiếu kiện là do sự mất thời gian và chi phí mà chưa chắc đã thắng kiện. Bởi vậy để người tiêu dùng tích cực khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải có cách loại bỏ những ngần ngại của người tiêu dùng nghĩa là phải tăng hiệu quả của quá trình giải quyết tố tụng bằng cách giảm thời gian và chi phí người tiêu dùng phải bỏ ra. Trước hết pháp luật về tố tụng dân sự phải có những sửa đổi để đơn giản hóa thủ tục tố tụng phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thủ tục đơn giản).

Cục quản lý cạnh tranh đã đưa ra tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến về cơ chế đệ đơn khiếu nại hết sức linh hoạt và thuận tiện. Hình thức nộp đơn có thể là thông qua cách viết đơn gửi đến văn phòng, gọi tới số điện thoại đường dây nóng, nộp đơn khiếu nại qua trang web của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ở một số nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Malaixia, Thái Lan, các cơ quan liên quan còn phối hợp lập cổng thông tin bảo vệ người tiêu dùng. Cổng thông tin này liên kết với tất cả các cơ quan bảo

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/11/2023