Quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk - 2

thiếu chặt chẽ; giá bồi thường thấp chưa thỏa đáng cho người có đất bị thu hồi; việc bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật như: chưa đầu tư xây dựng khu tái định cư tập trung, điều kiện khu tái định cư không đảm bảo như thiếu điện, nước, trường học...

Xuất phát từ thực tiễn trên, học viên chọn đề tài: “Quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk” làm Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý công.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một chính sách quan trọng của pháp luật đất đai. Việc triển khai chính sách này trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự hài lòng và đồng thuận cao của người có đất bị thu hồi. Do vậy, nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được khá nhiều tác giả quan tâm. Thời gian qua có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tôi đã tham khảo một số bài viết như sau:

Những công trình nghiên cứu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất:

- Phan Trung Hiền: Những điều cần biết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.

Quyển sách này chủ yếu đề cập đến các nội dung có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo Luật đất đai năm 2013, chưa đi sâu, phân tích đến những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong quyển sách này tác giả dành 03 chương để bàn về vấn đề xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; vấn đề định giá bồi thường đất thu hồi theo cơ chế thị trường. Đây cũng là vấn đề đang tồn tại phổ biến trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay.

- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị" do Đặng Thái Sơn thực hiện năm 2007, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và điều tra, phân tích thực tiễn, đề tài đã đề xuất một số các giải pháp như:

+ Đa dạng hóa các phương thức bồi thường, tạo lập quỹ nhà, đất TĐC phục vụ cho việc thu hồi đất thực hiện các dự án.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 110 trang tài liệu này.

+ Xây dựng khung giá đất của địa phương , phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường phục vụ cho việc áp giá bồi thường, hỗ trợ và TĐC.

+ Đẩy mạnh việc phân cấp gắn với trách nhiệm và công khai trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với các cơ quan Nhà nước.

Quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk - 2

- Năm 2009, Đinh Ngọc Hà và cộng sự thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp bộ "Nghiên cứu đánh giá thực trạng sử dụng đất đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng, cho thuê của các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ quỹ đất do Nhà nước thu hồi. Đề xuất các giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi", đăng trên website Tổng cục quản lý đất đai ngày 16/10/2014; theo đó các tác giả đề xuất:

Để đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên giữa nhà nước, nhà đầu tư, người có đất bị thu hồi, đề xuất tỷ lệ phân chia như sau: 3:4:3 (nhà nước : nhà đầu tư : người có đất bị thu hồi).

+ Đối với nhà nước cần hài hòa giữa các lợi ích ở tỷ lệ: 3

+ Đối với nhà đầu tư cần cân đối hợp lý đảm bảo phát triển ở tỷ lệ: 4

+ Đối với người có đất bị thu hồi để đảm bảo lợi ích ở tỷ lệ: 3

- Nguyễn Chí Cường, Đại học Cần Thơ, 2016, Luận văn cao học Quản lý Đất đai: “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân và các vấn đề bất cập trong giải tỏa, bồi thường và tái định cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

+ Mức độ hài lòng của người dân chưa cao, nguyên nhân do: giá tiền bồi thường được cho là thấp hơn giá thị trường; bố trí tái định cư có diện tích nhỏ không đủ ở; thu tiền tái định cư quá cao gây khó khăn cho người dân.

+ Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tiềm kiếm việc làm chưa hiệu quả

+ Đời sống người dân còn nhiều bấp bênh, tỷ lệ người dân cho rằng nơi ở mới chưa thỏa mãn yêu cầu còn cao, khu tái định cư chưa đáp ứng theo quy định của Nhà nước được quy định tại Điều 85 của Luật đất đai 2013.

- Phạm Duy Tín, Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2015, Luận văn cao học Quản lý công: “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại địa bàn thành phố Cần Thơ”. Tác giả đã chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thành phố Cần Thơ như: giá đất bồi thường thấp so với thị trường; tổ chức thực hiện bồi thường chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt; chưa có biện pháp xử lý hiệu quả đối với các hộ dân chống đối không chịu bàn giao mặt bằng.

Những nghiên cứu liên quan đến pháp luật, chính sách bồi thường, hỗ

trợ:

- Tác giả Nguyễn Quang Tuyến trong bài viết: "Vấn đề thu hồi đất và bồi

thường khi thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" đăng trên Tạp chí Luật học Số 12 năm 2008. Đối với những quy định có liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, tác giả đề nghị:

+ Ban soạn thảo nên cân nhắc về quy định của Dự thảo Luật về thời điểm bồi thường là thời điểm có quyết định thu hồi đất để người dân có thể được nhận cùng một mức tiền tại thời điểm nhận tiền bồi thường và thời điểm có quyết định thu hồi cũng như có thể cân đối được giá đất khi tính bồi thường và giá chuyển nhượng của dự án việc bị thu hồi đất.

+ Về quy định giải quyết vấn đề công ăn, việc làm bảo đảm đời sống của người nông dân bị mất đất sản xuất, Ban soạn thảo nên nghiên cứu, xem xét có thể bổ sung quy định về việc thành lập quỹ trợ cấp thất nghiệp, quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị mất đất nông nghiệp. Một phần kinh phí để thành lập các quỹ này do các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc thu hồi đất của người nông dân đóng góp.

- Tác giả Phan Trung Hiền trong công trình nghiên cứu: “pháp luật về đền bù và giải phóng mặt bằng ở Việt Nam - Cân bằng lợi ích nhà nước và lợi ích người dân” đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ, 2008. Qua nghiên cứu, theo tác giả:

+ Đền bù không thể thực hiện công bằng nếu không giải quyết được vấn đề xác định giá đất. Giá đền bù hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế giao dịch và đời sống tại địa phương.

+ Các lợi ích bị tác động trong đền bù, giải phóng mặt bằng gồm lợi ích vật chất (đất đai, tài sản trên đất) và lợi ích phi vật chất (đất đai bị chia cắt, xáo

trộn, tổn thương tinh thần...). Quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng ở nước ta, các lợi ích vật chất được thừa nhận gần như hoàn toàn, trong khi đó các lợi ích phi vật chất thì chưa được xem xét toàn diện.

- Đào Chung Chính, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, 2014, Luận án Tiến sĩ: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất đổi mới pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Qua nhiên cứu tác giả đề xuất một số nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau:

+ Việc thu hồi đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp cần phải được tính toán chặt chẽ, tiết kiệm, có giải pháp bù đắp lại nguồn tài nguyên có hạn, không tái tạo này thông qua các quy định cụ thể hoặc công cụ tài chính;

+ Khi tính giá bồi thường về đất cho người dân phải căn cứ vào thời giá thị trường và không chỉ căn cứ vào các mục đích sử dụng của thửa đất hiện tại mà cần phải xem xét đến cả công năng của thửa đất đó trong tương lai. Tôn trọng và bảo đảm bình đẳng cho người có đất bị thu hồi được tham gia vào quá trình ra quyết định trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng;

+ Cần khuyến khích hình thức chuyển nhượng, cho thuê và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để giải quyết bài toán đất đai cho sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Các hình thức này giải quyết tốt hơn yêu cầu chia sẻ lợi ích, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân trước tác động của chuyển đổi đất đai;

+ Cần làm rõ các mục đích thu hồi đất; đồng thời, xét về khía cạnh người có đất bị thu hồi thì dù có sử dụng đất thu hồi vào mục đích nào đi chăng nữa thì mức thiệt hại của họ là như nhau, vì vậy, dù thu hồi đất cho mục đích nào cũng cần có quy định thống nhất về mức bồi thường, hỗ trợ;

+ Hỗ trợ đầy đủ cho người bị thu hồi đất để ổn định đời sống, chuyển đổi việc làm, bù đắp thiệt hại về thu nhập;

+ Khu tái định cư phải được quy hoạch gắn với điều kiện thuận lợi về hạ tầng phục vụ đời sống; thực hiện tái định cư tại chỗ là chủ yếu. Giải quyết linh hoạt nhu cầu tái định cư của người có đất ở bị thu hồi.

- Nguyễn Thị Cẩm Tú, Đại học Cần Thơ, 2014, Luận văn cao học Quản lý đất đai: “Đánh giá khung chính sách bồi thường lên đời sống người dân giữa dự án đầu tư vốn nước ngoài và ngân sách Nhà nước tại thành phố Cần Thơ”. Qua nghiên cứu tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

+ Nên có cơ chế thẩm định giá độc lập tại thời điểm thu hồi đất;

+ Tăng cường đào tạo chuyên môn cho đội ngũ làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cần tuyên truyền, vận động tốt đối với người dân;

+ Đặc biệt, lợi ích công trình công cộng phải được chia đều cho các hộ bị giải tỏa, bồi thường (quản lý đất đai hai bên đường công cộng để đấu giá, lợi ích đem hỗ trợ cho cả dự án) và phải có vị trí tái định cư trước khi tiến hành giải tỏa;

+ Có quy trình, quy định chặt chẽ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có cơ sở xử lý khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện;

+ Nên có chính sách ưu đãi cho những đối tượng thu nhập thấp, cần hỗ trợ về nhà ở, đất ở và có những chính sách để hỗ trợ người mua, người thuê nhà thông qua việc cho vay với lãi xuất thấp, ngay cả với lãi xuất bằng không.

Những nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước về bồi thường:

- Bài viết của Phạm Phương Nam “Hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, đăng trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, 2016. Tác giả chỉ ra một số bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay như sau:

+ Việc thu thập thông tin về giá đất trên thị trường để bồi thường là vấn đề khó khăn vì khi chuyển nhượng QSDĐ, người chuyển nhượng thường khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với giá thực tế chuyển nhượng nhằm giảm số thuế thu nhập phải đóng;

+ Nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng không hiệu quả tiền bồi thường nên khi tiêu hết bị bần cùng hóa, không có việc làm, xảy ra nhiều tệ nạn làm mất ổn định trật tự xã hội và tạo áp lực cho các đô thị khi di chuyển lên thành phố tìm kiếm việc làm;

+ Thực hiện bồi thường, GPMB chậm một phần do việc xác định nguồn gốc đất, loại đất, diện tích đất, chủ sử dụng… gặp khó khăn vì công tác đăng ký đất đai, cấp GCN QSDĐ và lập hồ sơ địa chính còn nhiều hạn chế. Thông tin trong hồ sơ địa chính chưa được cập nhật, không phản ánh đúng thực trạng SDĐ.

+ Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, nhiều người SDĐ không nắm được quy định của pháp luật nên thường khiếu nại, khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một cách bất hợp lý.

- Nhóm tác giả Đào Chung Chính, Đặng Hùng Võ, Nguyễn Thanh Trà với bài nghiên cứu “Đánh giá thực trạng triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường,

hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật” đăng trên Tạp chí Khoa học và Phát triển Số 03/2013 thì cho rằng:

+ Về bồi thường: chính sách giá đất hiện hành còn nhiều mâu thuẫn, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi khung giá đất được xây dựng và ban hành định kỳ 1-3 năm một lần; khi thu hồi đất, phải xác định giá đất cụ thể.

+ Về hỗ trợ: cần quan tâm đến việc giao đất sản xuất mới cho những trường hợp đã bị thu hồi phần lớn hoặc thu hồi hết đất sản xuất; tăng mức hỗ trợ ổn định đời sống, việc làm.

+ Về tái định cư: tăng diện tích các căn hộ tái định cư, đất dịch vụ hoặc ưu tiên cho người dân được đăng ký mua đất thuộc các dự án phát triển nhà, đô thị với giá ưu đãi, thực hiện cơ chế đất đổi đất hay miễn thuế khi người dân mua đất tại các dự án khác.

Các công trình trên đã nghiên cứu trên nhiều các chiều cạnh và sát thực tế về những tồn tại bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay; tuy nhiên, ở góc độ quản lý công, hiện chưa có công trình nào nghiên cứu về “Quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk”.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu cơ sở khoa học của công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được múc đích trên, nhiệm vụ của luận văn là:

-Hệ thống hóa, phân tích và làm rõ thêm lý luận quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

-Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

-Đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo quyền lợi của người dân khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

4.1.Đối tượng nghiên cứu

Hoạt động quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: Luận văn nghiên cứu trên địa bàn thị xã Buôn Hồ. Phạm vi thời gian: thời gian khảo sát thực tế từ năm 2019 đến năm 2021 Phạm vi nội dung: Trong khuân khổ luận văn, tác giả chỉ đi sâu vào

nghiên cứu và phân tích các nội dung liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Các quan điểm, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam về pháp chế và xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhất là quan điểm chỉ đạo của Đảng về chính sách quản lý nhà nước về đất đai và quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng tổng hợp các phương pháp thu thập số liệu, so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê, lịch sử, …để làm sáng tỏ về mặt khoa học các vấn đề tương ứng được nghiên cứu trong luận văn.

Luận văn có sử dụng các số liệu, tài liệu của các công trình nghiên cứu đã được công bố trong cả nước có liên quan đến đề tài này.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1.Về lý luận

Hệ thống hóa cơ sở lý luận về công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

6.2.Về thực tiễn

Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Từ đó đưa ra các giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, bảo vệ quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi.

Luận văn còn là tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để ứng dụng, triển khai có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, các phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành ba chương:

Chương 1: Cơ sở khoa học của quản lý nhà nước đối với bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Chương 2: Thực trạng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và quản lý nhà nước đối với bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Chương 3: Quan điểm, định hướng, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Xem tất cả 110 trang.

Ngày đăng: 21/07/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí